Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ trong dự thảo chương trình phổ thông tổng thể
Chúng ta mải mê với mục tiêu hình thành 6 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi của học sinh, còn câu hỏi như làm thế nào để học sinh chăm học; làm thế nào biết mình yêu nước chưa… thì không có câu trả lời.
Thầy giáo Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng THPT Anhxtanh (Hà Nội), chia sẻ đánh giá về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Mình sẽ học môn gì? Trong bao lâu? Bài học là gì? Ngoài học ra thì có hoạt động ngoại khóa gì? Từ ngày đầu tiên vào lớp 1 đến khi lên lớp 12, học sinh vẫn chỉ đơn giản chừng ấy thôi. Các em không quan tâm nhà chuyên môn bàn những chuyện to tát và lãng mạn gì.
Phụ huynh và thầy cô giáo cũng suy nghĩ rất giản dị là làm sao phát triển tổng thể tâm hồn và trí óc của trẻ qua các khía cạnh về xã hội, thể chất, cảm xúc và văn hóa. Họ sẽ phần nào bối rối khi đọc mục tiêu cho giáo dục tiểu học của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Video đang HOT
Dự thảo ghi rõ mục tiêu là: “Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt”. Nếu không ghi rõ mục tiêu của chương trình phổ thông tổng thể thì có cảm giác như đọc một khẩu hiệu hay nghị quyết ở đâu đó.
Ai cũng hiểu rằng đứa trẻ sinh ra không được giáo dục và thả vào rừng thì sẽ như Tarzan. Đứa trẻ được giáo dục sẽ khác Tarzan ở 5 yếu tố thiết yếu là: nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi. Đầu ra của giáo dục hay bất kỳ đánh giá nào cũng không tránh được 5 yếu tố thiết yếu này.
Xã hội đang mất niềm tin vào giáo dục cũng bởi hàng ngày chứng kiến học sinh đi học mà vẫn thiếu nhận thức, tới trường 12 năm nhưng không lĩnh hội được kỹ năng học tập, không thể tự học suốt đời, không làm được những việc cụ thể cũng lại không có tầm nhìn.
Tại sao vậy? Vì giáo dục của chúng ta còn mải mê với 6 phẩm chất chủ yếu: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trách nhiệm, trung thực (thay thế cho bản lĩnh ở bản công bố trước); và 10 năng lực cốt lõi: tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo; ngôn ngữ; tính toán; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; tin học; thẩm mỹ và năng lực thể chất.
Làm thế nào để học sinh chăm học? Làm thế nào biết mình yêu nước chưa? Yêu nước đến đâu rồi? Yêu nước như thế đã đủ chưa? Chương trình liệt kê nhưng không trả lời những câu hỏi đó. Lại lấy đó làm “căn cứ để thiết kế và phát triển chương trình môn học; biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn tổ chức giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục học sinh và chất lượng giáo dục phổ thông” sẽ là nhiệm vụ bất khả thi với tác giả sách giáo khoa và nhà trường.
Căn cứ và lập luận khoa học nào để chọn những phẩm chất và năng lực đó? Làm thế nào để hình thành và phát triển chúng? Làm thế nào để đánh giá được? Đó là những câu hỏi mà câu trả lời còn đang bỏ ngỏ.
Các câu hỏi, chẳng hạn: Chúng ta là ai? Thế giới này vận hành ra sao? Tại sao và bằng cách nào chúng ta sáng tạo? Tri thức có ảnh hưởng như thế nào? Tôi học như thế nào để đạt kết quả tốt? Làm thế nào để tôi biết? Làm sao tôi truyền đạt sự hiểu biết của mình?… Để thực hiện được mục tiêu giáo dục, giả sử đã có mục tiêu hợp lý và được ủng hộ rộng rãi của các nhà khoa học và dư luận thì câu chuyện chưa phải là học môn gì? Mà là xác định các “lĩnh vực tương tác” hay “các chủ đề liên môn”. Mỗi lĩnh vực tương tác được định lượng bằng các câu hỏi như ví dụ ở trên.
Sau khi xác lập các lĩnh vực tương tác của mỗi bậc học, nhằm trả lời những câu hỏi cụ thể thì mới xác lập các nhóm môn học. Chương trình phổ thông tổng thể để trống việc xác định các lĩnh vực tương tác, không trả lời một câu hỏi nào.
Việc xác lập các môn học dựa trên thuyết minh môn học đó quan trọng như thế nào nên việc thêm bớt môn, môn nào bắt buộc hay tự chọn thay đổi liên tục, dẫn tới các tranh luận không dứt. Tương tự vòng xoáy thi cử đang diễn ra liên miên, bất tận, hôm nay môn này thi rồi mai lại không thi, hôm nay bắt buộc rồi mai lại tự chọn. Môn học nào cũng bảo mình hay, mình cần thiết và không thể thiếu được nên số môn học bắt buộc chỉ có tăng mà không có giảm.
Thế kỷ 21 là của kết nối tri thức và tri thức đang tăng tiến chóng mặt. Số môn học được cho là phổ thông, căn bản tăng lên nhanh chóng. Các môn truyền thống Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh, Sinh, Sử, Địa… chỉ còn chiếm một phần tư trong tổng số môn học. Ví dụ, ở Australia có tiểu bang danh mục môn học lên tới hơn 50. Nếu theo cách làm của chúng ta thì học sinh phải học bao nhiêu môn?
Chỉ cần đến đây thôi thì dự thảo chương trình đã mang tới nhiều băn khoăn cho người đọc. Nếu đi tiếp vào việc lựa chọn môn học, nội dung và thời lượng mỗi môn, môn nào bắt buộc, môn nào tự chọn, tích hợp hay không… thì còn nhiều vấn đề cần phải bàn hơn.
Theo VNE