Nhiều cách “chuẩn bị một bước” cho phân luồng học sinh Hà Tĩnh sau THCS
Để thực hiện chỉ tiêu không quá 72% học sinh lớp 9 năm học 2020-2021 vào lớp 10 THPT, các trường học ở Hà Tĩnh đang đẩy mạnh công tác phân luồng sau THCS.
Sắp xếp lớp theo nguyện vọng, năng lực
Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025″ và Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, năm học này, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập toàn tỉnh không quá 72% số học sinh lớp 9 năm học 2020 – 2021 (giảm 3% so với năm học trước).
45 học sinh lớp 9A5 Trường THCS Long Sơn (Thạch Hà) có chung nguyện vọng học nghề sau khi tốt nghiệp THCS.
Vì thế, cùng với việc tập trung ôn luyện kiến thức, các trường học cũng đẩy mạnh công tác phân luồng bằng nhiều cách. Trong đó, việc chia lớp ôn tập kiến thức cho học sinh theo năng lực học tập được nhiều trường thực hiện.
Tại Trường THCS Long Sơn (Thạch Hà), qua kết quả học tập và các đợt thi thử, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho những học sinh có học lực trung bình, yếu. Hiểu rõ năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình, đã có 45 em có nguyện vọng được học ở các nghề thay vì thi vào các trường THPT công lập.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong học tập, giảm áp lực thi cử, trường đã sắp xếp các em vào lớp 9A5. Việc dạy học, lồng ghép với ôn tập kiến thức của lớp hầu như được thực hiện vào các buổi sáng với giáo trình chú trọng kiến thức cơ bản để các em đậu tốt nghiệp THCS.
Em Nguyễn Thị Phương Thảo, lớp 9A5 ở thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn cho biết: “Cả lớp đều có chung nguyện vọng học nghề nên quá trình học tập, ôn luyện của chúng em nhẹ nhàng hơn. Kiến thức thầy cô giảng cũng phù hợp với năng lực nên chúng em không cảm thấy áp lực như khi học với các bạn lớp khác”.
Video đang HOT
Em Phương Thảo, lớp 9A5, Trường THCS Long Sơn lựa chọn học trường nghề với mong muốn sớm tự lập.
Tại Trường THCS Đại Thành (Cẩm Xuyên) việc ôn luyện buổi chiều cũng được phân lớp theo năng lực phù hợp với từng đối tượng.
Thầy Hà Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường THCS Đại Thành cho biết: “Buổi sáng các lớp vẫn giữ nguyên lịch học như cũ, buổi chiều chúng tôi chia lớp theo năng lực để tạo điều kiện thuận lợi cho người dạy, người học. Ở các lớp học có năng lực trung bình, yếu, trường đẩy mạnh công tác ôn tập những kiến thức cơ bản cho học sinh, đảm bảo để các em có thể đậu tốt nghiệp THCS. Cùng với đó, trường cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho các em ở lớp học này. Năm nay, dự kiến có khoảng 25 – 28% học sinh có nguyện vọng vào các trường nghề”.
Phối hợp với các trường nghề tư vấn cho học sinh
Thầy Mai Anh Đức – Hiệu trưởng Trường THCS Long Sơn cho biết : Trường đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Thạch Hà, Trường Cao đẳng Công nghệ và Trường Cao đẳng Việt – Đức tổ chức nhiều buổi tư vấn cho học sinh nhà trường. Từ thực tế nhu cầu lao động và học lực của các em, học sinh, phụ huynh nơi đây cũng đã thay đổi tư duy. Toàn trường đã có 45/152 học sinh lớp 9 đăng ký nguyện vọng học nghề.
Tại Trường THCS Thạch Kim (Lộc Hà), theo thầy Trần Thanh Hải – Quyền Hiệu trưởng: “Trường chúng tôi vừa tổ chức họp phụ huynh lớp 9 để thông báo tình hình học tập, kết quả thi thử của học sinh. Tại cuộc họp, chúng tôi cũng đã mời giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện về nói chuyện, tư vấn hướng nghiệp với phụ huynh lớp 9. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để các bậc cha mẹ định hướng bước đường tương lai phù hợp với con mình”.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Hồng Tân (Lộc Hà) tham quan Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng.
Cùng với các hoạt động tư vấn, tuyên truyền, thời gian qua, các trường nghề trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã tổ chức đưa học sinh lớp 9 đến tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường nghề để các em có thêm hiểu biết về môi trường mà mình đang hướng tới.
Đến thời điểm hiện tại, các trường THCS đang dần kết thúc chương trình chính khóa để chuẩn bị tập trung ôn tập, hệ thống kiến thức cho học sinh lớp 9. Việc đăng ký nguyện vọng của các em cũng bắt đầu triển khai. Theo đó, sự định hướng phân luồng trong giai đoạn này là hết sức cần thiết.
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, năm nay, Hà Tĩnh có hơn 18.000 học sinh lớp 9. Để thực hiện yêu cầu tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không quá 72%, toàn tỉnh có hơn 5.000 học sinh lớp 9 sẽ phân luồng vào học ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề.
Gỡ điểm nghẽn phân luồng: Không để người học 'đói' thông tin
Ở Việt Nam, phân luồng học sinh (HS) sau THCS là chủ trương đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước từ lâu nhưng đến nay vẫn là "điểm nghẽn", thu hút sự quan tâm của xã hội.
Ảnh minh họa.
"Đói" thông tin
Đây là một trong những hạn chế còn tồn tại được các chuyên gia chỉ ra trong việc phân luồng HS sau THCS hiện nay. Cụ thể, HS sau tốt nghiệp THCS thường được định hướng vào các con đường chính là: Học tiếp lên THPT công lập hoặc ngoài công lập; Học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, trực tiếp tham gia lao động sản xuất và du học.
Trong đó, các nhà trường chủ yếu phân công giáo viên chủ nhiệm phụ trách giảng dạy giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho HS. Ngoài ra, một số giáo viên dạy chưa đủ số tiết quy định hoặc giáo viên dạy các môn kĩ thuật... được phân công nhiệm vụ này trong khi đa số không được đào tạo bài bản về hướng nghiệp hay tư vấn nghề nghiệp. Công việc chuyên môn nhiều, hồ sơ sổ sách cũng mất nhiều thời gian nên ít giáo viên đầu tư tâm huyết thực sự cho công tác hướng nghiệp. Bản thân các nhà trường cũng thiếu các phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn, trang bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn phân luồng hướng nghiệp cho HS...
Một hạn chế nữa là công tác tư vấn hướng nghiệp dù nhận được quan tâm của ngành giáo dục song khi thực hiện chủ yếu theo nhóm rất lớn (toàn trường hoặc một khối lớp). Điều này làm giảm sự tương tác thực sự với HS. Một số em mạnh dạn có thể tìm sự tham vấn từ phía giáo viên chủ nhiệm hoặc các thầy cô bộ môn song hầu hết các em đều tự tìm hiểu, trao đổi cùng nhau hoặc với gia đình thay vì chia sẻ suy nghĩ về hướng đi và định hướng nghề nghiệp với chuyên gia hướng nghiệp. Như vậy, những thắc mắc của HS chưa chắc đã tìm được lời giải đáp thỏa đáng và đúng đắn, khiến các em có thể "lầm đường lạc lối" trong lựa chọn của mình.
Thông tin liên quan tới trường học, ngành học và nghề nghiệp sau này cũng là nội dung được nhiều HS và gia đình quan tâm. Song hiện nay các tài liệu giáo dục hướng nghiệp chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến, chưa có sự đa dạng nghề như trong thực tế. "Đói thông tin" làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự chọn lọc, phân ban và định hướng công việc sau này cho HS, nhất là mới qua bậc THCS các em vẫn chưa trưởng thành như HS khối THPT.
Giải tỏa điểm nghẽn
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan - Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia "Giải pháp phân luồng HS sau THCS" nhìn nhận, phân luồng HS là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Ở Việt Nam, phân luồng HS sau THCS là chủ trương đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước từ lâu nhưng đến nay vẫn là "điểm nghẽn", thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhiều giải pháp đã được thực hiện để tạo thu hút HS sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp, nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Qua điều tra, khảo sát trên 5 đối tượng, gồm: cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ Bộ/ngành, đoàn thể, học sinh, cha mẹ HS, tại các trường THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở 6 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền của Việt Nam (gồm: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đăk Lăk, Kiên Giang, Hà Nội, TP HCM) bắt đầu từ tháng 5/2017, tới nay nhóm nghiên cứu đã hoàn thành bước đầu của đề tài. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phân luồng HS sau THCS, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Một số giải pháp như: Truyền thông nâng cao nhận thức; thu hút và khuyến khích HS tham gia học nghề; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả phân luồng HS.
Đề tài đồng thời đề xuất công cụ quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Một số công cụ như: bộ tiêu chí đánh giá thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới; khung năng lực giáo dục hướng nghiệp của giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong THCS; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục hướng nghiệp đáp ứng chương trình GDPT mới.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cho rằng bài toán phân luồng học sinh sau THCS được đặt trong bối cảnh học tập suốt đời theo khung tiếp cận các kỹ năng hướng tới việc làm và năng suất nhằm phân luồng hiệu quả. Đây là cách tiếp cận tổng thể theo quan điểm học tập suốt đời, có sự chuẩn bị tốt về các kỹ năng cần thiết trước phân luồng và sau phân luồng, nhằm tạo cơ hội, động lực để người lao động nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi ngành nghề theo yêu cầu công việc, điều kiện cụ thể của cá nhân.
Đánh giá cao điểm mới này cũng như những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ đề tài đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện tiếp một số nội dung. Trong đó, tập trung rà soát, hoàn chỉnh lại cơ sở lý luận của việc phân luồng học sinh sau THCS đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp.
"Quan trọng nhất là phần giải pháp. Cần bổ sung những đề xuất chính sách phân cấp phù hợp, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan thực hiện việc phân luồng này nhằm tạo cơ hội để học sinh sau THCS có sự phân luồng có chất lượng" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM: Hơn 31% học sinh sẽ không có chỗ trong các trường THPT công lập Trong năm học 2021 - 2022 sắp tới, 114 trường THPT công lập tại TP.HCM sẽ tuyển 67.989 học sinh (bao gồm cả học sinh lớp chuyên và tích hợp) với "tỉ lệ chọi" khá "gắt". Theo thông tin mới nhất của Sở GD&ĐT TP.HCM, chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học 2021 - 2022 tăng "nhẹ" 301 chỉ tiêu so với năm...