Nhiều bộ sách giáo khoa là đòi hỏi từ thực tiễn: Có bình đẳng khi Bộ GD-ĐT cũng biên soạn sách giáo khoa?
Trong chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, Nghị quyết 88 của Quốc hội có nêu rõ yêu cầu Bộ GD-ĐT phải chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Thực hiện một chương trình, nhiều SGK thì Bộ GD-ĐT cũng được tổ chức biên soạn SGK – ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Quy định này khiến cho nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính công bằng, khách quan trong việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cũng như việc cạnh tranh bình đẳng giữa bộ SGK của Bộ GD-ĐT với SGK của các tổ chức, cá nhân khác.
Giá thành phải tính đúng, đủ như các bộ SGK khác
Giải thích với PV Báo Thanh Niên về quy định này, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết do không có gì đảm bảo là đến “giờ G” khi chúng ta thực hiện đổi mới chương trình, SGK theo lộ trình lại có đủ cho người dân lựa chọn. Trong trường hợp xã hội hóa viết SGK chưa thực hiện được tốt, không có nhiều SGK như mong muốn thì vẫn phải có một bộ SGK đảm bảo chất lượng để đảm bảo việc dạy và học. Đó là trách nhiệm của nhà nước, mà nhà nước ở đây chính là bộ quản lý ngành, Bộ GD-ĐT. “Về nguyên tắc thì chỉ giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn bộ SGK, còn việc tổ chức biên soạn thế nào thì quyền quyết định của Bộ GD-ĐT”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thắng cũng cho biết đến thời điểm này vì chương trình môn học chưa ban hành nên Bộ cũng chưa thể hiện động thái nào về việc tổ chức biên soạn, in ấn SGK ra làm sao.
Theo ông Thắng, về nguyên tắc, khi tổ chức thực hiện, Bộ phải đảm bảo được chất lượng, tiến độ biên soạn và phát hành bộ SGK mà mình chủ trì nhằm đảm bảo việc dạy và học. Bên cạnh đó, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ cũng phải tính toán, đề ra các giải pháp để thúc đẩy được chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách như nghị quyết đã nêu, kêu gọi được các nguồn lực xã hội trong việc tham gia biên soạn và phát hành.
Còn về kinh phí, theo ông Thắng, nhà nước có cấp để Bộ GD-ĐT thực hiện cũng phù hợp, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp vì điều chúng ta quan tâm là nhà nước phải có trách nhiệm để đảm bảo nhu cầu học tập cơ bản nhất của người dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, ngay cả nhà nước cấp kinh phí thì có thể chỉ là cấp theo hình thức tạm ứng, sau đó nhà nước có thể thu lại sau khi đã bán được. Như vậy, giá thành sách của Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn vẫn phải tính đúng, tính đủ như các SGK của tổ chức, cá nhân khác.
“Về lâu dài, đúng là nên để việc biên soạn sách cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội; còn trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là ban hành chương trình chuẩn thẩm định chặt chẽ SGK theo chuẩn chương trình đó trước khi cho phép ban hành”, ông Thắng nhấn mạnh.
Người làm chương trình cũng được tham gia viết SGK
Qua các cuộc giám sát về việc xuất bản SGK do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thực hiện, có thông tin những cá nhân là chủ biên hoặc tham gia xây dựng chương trình cũng ký hợp đồng với các tổ chức để biên soạn.
Trước thực tế này, ông Thắng cho rằng không có quy định nào cấm người làm chương trình không được tham gia viết SGK. Về mặt luật pháp, những gì không cấm, công dân có thể làm. Ông Thắng giải thích: “Ở đây, những người tham gia biên soạn chương trình mà viết SGK thì sẽ tốt ở khía cạnh họ là chuyên gia trong mỗi lĩnh vực; thứ hai, họ là người rất hiểu về chương trình nên khi biên soạn sẽ đảm bảo sát chuẩn chương trình đó”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Thắng giải thích thêm: “Nếu họ tham gia với tư cách cá nhân thì bình thường, nhưng nếu giữa tổ chức và cá nhân đó lại không rõ ràng. Ví dụ, đơn vị được giao biên soạn chương trình lại tổ chức viết SGK và lại mời chính những tác giả xây dựng chương trình viết SGK thì nó sẽ trở thành vòng tròn khép kín, không tạo sự cạnh tranh lành mạnh về mặt thị trường, ưu thế sẽ rơi vào nhóm vừa làm chương trình vừa viết SGK đó”.
Đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu
Ông Phạm Tất Thắng cho biết hiện nay, Bộ GD-ĐT đang quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện nghị quyết của Quốc hội sớm hơn một chút và quyết tâm ấy là đáng ghi nhận bởi việc đổi mới chương trình, SGK cũng là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, trước khi ban hành nghị quyết về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK, thực hiện chậm nhất từ năm học 2020 – 2021 (bắt đầu với cấp tiểu học) thay vì năm học 2018 – 2019 như Nghị quyết 88 đã nêu thì Quốc hội cũng đã bàn thảo rất kỹ, giữa chất lượng và tiến độ thời gian thì cái mong muốn và đặt lên hàng đầu vẫn là đảm bảo chất lượng, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về các điều kiện thực hiện.
Ý kiến:
Nhiều SGK giúp môi trường giáo dục dân chủ hơn
Nếu muốn học sinh tự học và được rèn khả năng giải quyết vấn đề thì học sinh phải năng động, sáng tạo. Nếu chỉ có một bộ SGK thì khó đạt được các yêu cầu này.
Một lợi thế khác của việc cho phép có nhiều SGK là mình huy động được nhiều trí tuệ của xã hội tham gia việc viết SGK. Mỗi tác giả/nhóm tác giả viết SGK sẽ có thế mạnh riêng, do đó tài liệu học tập của học sinh sẽ phong phú. Việc có nhiều SGK sẽ giúp môi trường giáo dục trở nên dân chủ hơn. Ví dụ, khi có nhiều cuốn SGK, các trường sẽ được lựa chọn. Muốn biết dạy cuốn nào là tốt nhất, các trường sẽ phải dựa vào ý kiến của tập thể đội ngũ giáo viên.
PGS Trần Thị Tâm Đan (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Xu hướng tất yếu
Để soạn bài giảng có chất lượng thì giáo viên sẽ phải đọc rất nhiều tài liệu. Nội dung dạy học trong cùng một chương trình sẽ được những người viết sách tiếp cận theo nhiều cách khác nhau và giáo viên là người phải nắm rõ nhất lựa chọn một hay một vài tài liệu nào thì phù hợp với học sinh của mình trong từng thời điểm cụ thể. Chỉ những người không thực sự quan tâm đến học sinh của mình, chỉ lên lớp cho đủ tiết thì mới “bê nguyên” SGK để dạy học. Nói như vậy để thấy rằng, việc có nhiều SGK là xu hướng tất yếu và thực hiện nó cũng chỉ để hợp thức hóa những gì mà thực tiễn dạy và học đang diễn ra.
PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN)
Theo thanhnien.vn
Yêu cầu cân nhắc một chương trình, nhiều bộ SGK
Đổi mới, thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục và sách giáo khoa trở thành những vấn đề làm nóng phiên họp ngày 12.9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi bàn về luật Giáo dục sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo về dự án luật GD sửa đổi tại phiên họp - ẢNH: QUANG KHÁNH
Không thể có sách giáo khoa tự chọn!
Mặc dù tại Nghị quyết 88 được Quốc hội thông qua năm 2014 đã thống nhất triển khai chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) trong chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến triển khai từ năm 2019, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục địa phương được phép lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thế nhưng tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lại đề nghị cần cân nhắc chủ trương này.
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu cho phép các trường có quyền lựa chọn SGK như dự thảo thì khi bố mẹ mua sách, trường bảo không được, phải mua sách của trường thì sẽ ra sao trong khi có rất nhiều trường. "Thời tôi và các anh chị ở đây đi học, sách phổ thông 10 năm vẫn học được, mang về Hà Nội hay lên miền núi vẫn học được. Bây giờ lại quy định như thế này sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội", ông Hiển nói và đề nghị Bộ GD-ĐT phải quy định thống nhất một bộ SGK theo một chương trình chung.
Dẫn lại câu chuyện SGK chỉ sử dụng được một lần khiến dư luận bức xúc lâu nay mà chưa được giải quyết, Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Thanh Hải nói: "Như năm học này, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK, các phụ huynh mỗi năm phải bỏ ra trung bình 1.000 tỉ đồng mua SGK nhưng năm sau hoàn toàn không dùng được. Nếu tới đây, một chương trình, nhiều bộ SGK mà Nhà xuất bản Giáo dục vẫn độc chiếm quyền in ấn thì vấn đề này sẽ còn trầm trọng hơn". Từ đó, bà Hải cũng kiến nghị nếu các trường được lựa chọn SGK thì đề nghị cha mẹ học sinh cũng phải được biết và được lựa chọn chương trình và SGK giảng dạy trong nhà trường.
Tham gia ý kiến, Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng không thể có SGK nhà trường tự chọn hay một môn lại có nhiều SGK mà phải thống nhất trên cả nước, vì nếu để các địa phương hay trường tự chọn SGK thì sẽ dễ dẫn đến tiêu cực và cục bộ. Trong khi đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định: "Không thể có SGK tự chọn được. Không thể trường này muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó. Nền giáo dục như vậy không được".
Chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt
Một vấn đề khác được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm là việc thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật Giáo dục sửa đổi, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng QH, cho biết do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế; một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội. Do vậy, thường trực ủy ban này đề nghị bổ sung quy định Chính phủ trình UBTVQH trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục, trong đó làm rõ các nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.
Đặt câu hỏi về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: "Việc thí điểm thì có thể thành công, có thể thất bại nhưng vừa qua cử tri, dư luận có nhiều ý kiến về thí điểm, nhất là thí điểm tiếng Việt, đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm về vấn đề này". Giải đáp vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, mặc dù quốc tế đánh giá rất cao về chất lượng giáo dục phổ thông VN nhưng không vì thế mà không đổi mới. Đã đổi mới thì không thể nào không thử nghiệm, thực nghiệm. Tuy nhiên, ông Đam cũng đồng tình rằng trong quá trình đổi mới sau này, vấn đề thí điểm, thực nghiệm phải làm rất cẩn trọng. Bên cạnh đó, ông Đam khẳng định, Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt trong vài năm tới đây...
Chưa đồng tình đề xuất miễn học phí toàn bộ THCS
Một chính sách mới được ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo trình UBTVQH lần này là miễn học phí đối với học sinh THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập cũng nhận được nhiều băn khoăn của thành viên UBTVQH.
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu câu hỏi: "Với các chính sách mới được đưa ra thì liệu ngân sách có đảm bảo được không trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về ngân sách như hiện nay?". Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết báo cáo đánh giá tác động của Bộ GD-ĐT thì số tiền miễn học phí, cấp bù và cấp hỗ trợ cho đối tượng ngoài công lập nằm trong 20% ngân sách chi cho giáo dục. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, việc miễn học phí sẽ được tính toán lộ trình cân đối với ngân sách nhưng sẽ không vượt quá tỷ lệ 20%.
Không đồng tình với những giải trình này, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng Chính phủ nói có lộ trình nhưng lại chưa thấy cơ quan soạn thảo nói rõ lộ trình như thế nào. Theo ông Hiển, đúng là cần có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện học tập nhưng cũng cần tính tới khả năng của ngân sách. Từ đó, ông Hiển khẳng định chưa đồng tình với đề xuất miễn học phí toàn bộ cấp THCS mà lại còn hỗ trợ cả trường tư, và đề nghị chỉ nên giới hạn việc miễn học phí đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. "Có những trường ở các TP lớn đóng góp 7 - 8 triệu đồng/tháng mà còn phải xếp hàng mới vào được, nhiều trường mỗi năm nhận 1.200 hồ sơ trong khi chỉ tuyển 260 học sinh thì có cần hỗ trợ các trường này không?", ông Hiển nói và cho rằng quy định như dự thảo thì đại trà quá và vi phạm nguyên tắc thị trường, cần phải tính lại.
Thí điểm, thực nghiệm nhiều, khổ học sinh lắm!
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng giáo dục phải đổi mới căn bản, toàn diện nhưng sau khi đổi mới rồi thì phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. "Thực nghiệm gì mà mấy chục năm rồi vẫn thực nghiệm? Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, khổ học sinh lắm", bà Ngân thẳng thắn và nói thêm bà thấy rất thương học sinh bây giờ vì học rất khổ, không có nghỉ hè, không có tuổi thơ nhưng kiến thức còn lại không nhiều, hỏi gì cũng không biết; trong khi bà học từ cách đây 50 - 60 năm nhưng kiến thức không quên cái gì.
Chủ tịch UBND TP.HCM đồng ý đề xuất miễn học phí bậc THCS
Ngày 12.9, UBND TP.HCM công bố kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS tại các trường công lập.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP đã chủ trì cuộc họp với Thường trực UBND TP, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp. Ông Nguyễn Thành Phong kết luận, chỉ đạo thống nhất đề xuất của liên sở Tài chính - Giáo dục về chính sách miễn học phí cho học sinh THCS. Giao Văn phòng UBND tham mưu, trình UBND TP văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép TP được xem xét miễn học phí bậc THCS. Dự kiến học sinh THCS tại TP.HCM sẽ được miễn học phí từ tháng 1.2019.
Bích Thanh
Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK được QH bỏ phiếu thông qua năm 2014, nêu rõ: thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học.
Bộ GD-ĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Theo thanhnien.vn
Cần hiểu đúng về huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục Từ vụ thư kêu gọi tự nguyện ở Hải Phòng cho thấy, cách thức thu vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh. Gần đây, trên mạng xã hội xôn xao bức thư do hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng) ký. Trong bức thư này, nhà trường đưa ra kế hoạch...