Nhiều barie chắn ở đường hẻm chưa đảm bảo tiêu chuẩn độ cao
Hiện nay, nhiều đường hẻm lớn tại TP. Biên Hòa đang tồn tại các barie giới hạn chiều cao nhằm ngăn xe có tải trọng lớn đi vào làm hư đường.
Tuy nhiên, việc gắn barie quá thấp sẽ làm ảnh hưởng đến việc đi lại của các xe tải vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng vào nhà các hộ dân bên trong, cũng như gây cản trở các xe chữa cháy làm nhiệm vụ.
Barie chặn ngang đường hẻm một khu dân cư ở KP.7, P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) có giới hạn chiều cao 2,2m, không đảm bảo chiều cao cho xe chữa cháy. Ảnh: M.Thành
* Gắn barie và cổng khu phố quá thấp
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, trên nhiều tuyến đường hẻm lớn ở TP.Biên Hòa đều gắn barie ở đầu hẻm. Phần lớn các barie này được làm khá kiên cố bằng sắt chắn ngang đường hẻm, thường được khóa bằng ổ khóa, dây xích rất chắc chắn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số barie có giới hạn chiều cao dưới 4m, cá biệt có barie chỉ cao 2,2m.
Cụ thể như barie chắn ngang đường hẻm gần ngã ba đường D4 – Nguyễn Thành Đồng (thuộc KP.7, P.Thống Nhất), được hàn cứng cố định nhưng chỉ cao 2,2m.
Theo nhiều người dân sống ở KP.7, P.Thống Nhất, đường hẻm này do người dân góp tiền trải nhựa từ lâu. Hiện nay, nền đường yếu, có sức chịu tải kém nên phải hạn chế xe tải lớn ra vào. Ông P.N.V. (ngụ KP.7, P.Thống Nhất) bày tỏ: “Tuyến đường hẻm này thường có xe tải chở hàng vào đậu rất lâu, gây cản trở giao thông và nguy cơ hư đường nên bà con trong hẻm làm cái barie này để hạn chế xe tải ra vào. Barie này làm từ lâu lắm rồi”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, một số người dân ở KP.7, P.Thống Nhất cũng thừa nhận việc lắp barie ở đầu đường hẻm cũng bất tiện khi họ cần chở hàng hóa, vật liệu xây dựng vào nhà. Một số người cũng lo lắng khi xe chữa cháy không thể đi vào đường hẻm này do giới hạn chiều cao của barie chỉ có 2,2m.
Ngoài các barie thì các bảng tên của nhiều khu phố ở TP.Biên Hòa cũng chắn ngang đường hẻm giới hạn chiều cao xe ra vào. Cụ thể như tại đường Lê A, P.Tân Tiến cũng có cả barie và bảng tên khu phố cao dưới 4m; hẻm 845, đường Phạm Văn Thuận, P.Tân Mai có bảng khu phố cao dưới 4m…
Theo lãnh đạo một số UBND phường tại TP.Biên Hòa, các barie, bảng tên khu phố chắn ngang các đường hẻm trong khu dân cư là do người dân trong khu phố dựng lên nhằm chắn không cho xe tải chạy vào làm hư đường. Nhiều barie, bảng tên khu phố đã có từ lâu nên ít ai chú ý đến tiêu chuẩn chiều cao. Một số khu vực đặt barie, bảng tên khu phố lại ngay dưới đường điện trung thế nên dù muốn cũng không thể nâng bảng cao hơn được vì sẽ vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
* Chiều cao barie không được thấp hơn 4,25m
Về thực trạng này, thiếu tá Chu Anh Lê, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Biên Hòa cho biết, một trong những khó khăn khi đi chữa cháy là gặp các barie, bảng tên khu phố chắn đường nói trên. Các xe chữa cháy cao hơn 4m nên không thể đi lọt qua các barie thấp dưới 4m.
“Trong thời gian gấp rút mà người giữ chìa khóa barie đi vắng hoặc không tìm ra chìa khóa, chúng tôi phải dùng búa, kìm phá khóa barie để xe chữa cháy đi qua. Nhưng nếu gặp các barie được cố định với các mối hàn cứng thì lực lượng chữa cháy phải tìm cách tiếp cận khác, đi đường vòng xa hơn, tiếp cận đám cháy lâu hơn” – thiếu tá Chu Anh Lê chia sẻ.
Tại mục 8.7, Điều 8, Tiêu chuẩn Việt Nam 2622-1995 về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình – yêu cầu thiết kế nêu rõ: “Đường giao thông khu vực xuyên qua ngôi nhà, qua cổng hay hành lang, phải bảo đảm chiều rộng thông thủy, không nhỏ hơn 3,5m; chiều cao thông thủy, không thấp hơn 4,25m” (kích thước thông thủy là thuật ngữ thường được sử dụng trong ngành xây dựng, là khoảng cách giữa hai cạnh đối diện của kết cấu công trình). Do đó, theo quy định giới hạn chiều cao của các barie, bảng tên khu phố không thấp hơn 4,25m.
Để hạn chế tình trạng các khu phố và người dân tự dựng barie, bảng tên khu phố dưới chiều cao tiêu chuẩn, UBND P.Hố Nai đã chủ động chọn mỗi khu phố một tuyến đường chính để làm bảng khu phố và có đo chiều cao không thấp hơn 4,25m đảm bảo cho xe ra vào. Không chỉ các bảng tên khu phố mà cả cổng chào khu dân cư, bảng hiệu đều không thấp hơn 4,25m.
Phó chủ tịch UBND P.Hố Nai Vũ Văn Chiêu cho hay: “UBND phường không cho phép dựng barie tại lối vào chính của các đường, hẻm để đảm bảo cho việc lưu thông của người dân và thuận lợi cho công tác chữa cháy trong các khu dân cư khi có sự cố cháy, nổ xảy ra”.
Minh Thành
Lấy tiền mừng tuổi của con để tiêu, bố mẹ bị phạt nặng?
Sau mỗi dịp Tết, việc trẻ nhỏ có được phép tự giữ tiền mừng tuổi (lì xì) không hay phải đưa cho bố mẹ "giữ hộ" lại gây nên không ít băn khoăn?
Tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; chống bạo lực gia đình cũng đã đề cập đến vấn đề này.
Bố mẹ có thể bị phạt nếu lấy tiền của con. Hình minh họa
Cụ thể, theo điểm a Khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực về kinh tế và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con."
Theo đó, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con theo quy định này. Khi con cái trong gia đình được người khác lì xì tiền Tết mà cha mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì cho mình thì có thể bị xử phạt với số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo điểm a Khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu trên.
Tuy nhiên, việc cha mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì để quản lý không phải hành vi xấu. Vì vậy, trường hợp này cha mẹ có thể cùng con trao đổi, thỏa thuận để quản lý, sử dụng khoản tiền lì xì này một cách hợp lý, đúng như quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
"1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác."
Như vậy, thay vì buộc các con phải đưa cho mình quản lý thì cha mẹ nên hướng dẫn con cách quản lý, sử dụng khoản tiền may mắn này cho phù hợp.
K.N (th)
Theo giadinh.net.vn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát chợ Tết ở Nghệ An Sáng 30 Tết (24/1), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An đi khảo sát thị trường Tết tại chợ Vinh và siêu thị Big C ở thành phố này. Tại chợ Vinh, trung tâm buôn bán lớn nhất Nghệ An với hơn 3.200 hộ kinh doanh, Phó Thủ tướng trực tiếp đến các quầy hàng, thăm hỏi tình...