Nhật và Hàn Quốc làm gì nếu Triều Tiên tấn công?
Với căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang dâng cao, khả năng một tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân đáp xuống Hàn Quốc và Nhật trở nên ngày càng sát với hiện thực.
Giữa Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra một cuộc đấu khẩu gay gắt và liên tục sau khi Washington thông báo sẽ triển khai nhóm tàu tấn công tới khu vực. Bình Nhưỡng đã phản ứng mạnh và dọa tấn công phủ đầu.
Triều Tiên đã nhiều lần phóng thử tên lửa thời gian gần đây. (Ảnh: EPA)
Nếu làm như đe dọa, Triều Tiên sẽ tấn công tên lửa hay vũ khí hạt nhân?
Theo BBC, giới quan sát cho rằng trong khi Triều Tiên nỗ lực đạt được một năng lực tên lửa hạt nhân toàn diện, nước này có thể đã sở hữu một tên lửa tầm xa đủ sức bắn tới Mỹ.
Có ý kiến rằng các mối đe dọa của Triều Tiên chỉ mang tính khoe khoang và nước này không thể ra tay thực sự.
Nhưng nếu Triều Tiên vẫn cứ tấn công thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là các mục tiêu hàng đầu. Bình Nhưỡng dường như có trong tay nhiều tên lửa có thể bắn tới hai quốc gia này.
Hành động của Nhật và Hàn Quốc
Theo BBC, cả Hàn Quốc và Nhật đều có các hệ thống phòng thủ – với một số do Mỹ cung cấp – có thể chặn được tên lửa đang bay tới.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hệ thống của nước này sử dụng các tàu khu trục Aegis và các đơn vị Patriot PAC-3 triển khai trên bộ. Còn ở Hàn Quốc, Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD.
Nhật và Hàn Quốc cũng đang tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ.
Cuối tuần trước, nhà chức trách Nhật ban hành một số hướng dẫn cho người dân về cách thức thoát khỏi một vụ tấn công tên lửa. Họ nhấn mạnh rằng tên lửa địch phải mất ít phút mới bay được tới Nhật, và người dân cần tìm nơi trú ẩn trong các tòa nhà hoặc dưới hầm.
Dân Nhật còn được khuyên rằng, nếu một tên lửa đáp xuống ngay bên cạnh thì họ nên che miệng và mũi rồi chạy đi. Nếu ở trong nhà, họ cần tránh xa các cửa sổ để tránh bị kính văng vào người.
Dân chúng sẽ được báo động về một vụ tấn công sắp xảy ra qua tivi, điện thoại di động, đài phát thanh và hệ thống loa công cộng – nhờ một hệ thống có tên gọi J-Alert.
Video đang HOT
Hồi tháng 3, một địa phương ở Nhật thậm chí còn diễn tập sơ tán. Theo báo Japan Times, một số quan chức địa phương hiện đang kêu gọi tổ chức diễn tập trên toàn quốc.
Ở Hàn Quốc, người dân đã quá quen với những lời đe dọa từ Triều Tiên. Do vậy, tâm trạng của họ hiện tại cũng không quá căng thẳng, và rất ít dấu hiệu cho thấy có sự chuẩn bị phòng thủ dân sự.
Theo BBC, các nhà chức trách Hàn Quốc cũng thường xuyên tổ chức diễn tập sơ tán và họ luôn có một hệ thống báo động khẩn.
Do chỉ nằm cách biên giới 56km, thủ đô Seoul của Hàn Quốc là một mục tiêu dễ bị hỏa pháo Triều Tiên nhắm tới.
Hôm 25/4, Triều Tiên tổ chức một cuộc tập bắn đạn thật quy mô lớn kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội. Giới phân tích ước tính nước này có tổng cộng hơn 20.000 khẩu pháo.
Triều Tiên từng tấn công bao giờ chưa?
Tháng trước, Bình Nhưỡng đã phóng một số tên lửa ra Biển Nhật Bản, với ba quả đáp xuống lãnh hải Nhật. Thủ tướng Shinzo Abe gọi đó là một “cấp độ đe dọa mới”.
Giới chức trách Nhật Bản cho biết, một tên lửa tầm xa của Triều Tiên phóng hồi tháng 2/2016 đã bay qua các đảo ở Okinawa, di chuyển được 1.600km trong vòng 10 phút.
Trong khi đó, Hàn Quốc đã nhiều lần xích mích biên giới với Triều Tiên. Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất gần đây là vào năm 2010, khi Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong ở biên giới biển giữa hai nước, khiến một số binh sĩ và dân thường thiệt mạng.
Cùng năm đó, một tàu hải quân của Hàn Quốc bị chìm ở cùng khu vực khiến 46 người chết. Vụ việc được cho là do ngư lôi mà Triều Tiên phóng đi từ một tàu ngầm.
Năm 2015, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa về phía thị trấn Yeoncheon của Hàn Quốc ở biên giới phái tây, khiến phía Hàn phải tiến hành sơ tán.
Theo Thanh Hảo
Vietnamet
Vì sao ông Kim Jong-un không hề e sợ khi Mỹ rầm rộ điều quân đến
Washington liên tục ra lệnh điều các vũ khí mạnh mẽ nhất của mình tới khu vực, Triều Tiên không những không sợ mà liên tục thách thức Mỹ, đi tìm lời giải cho điều này.
Sức nóng của bán đảo Triều Tiên luôn là tâm điểm nóng của thế giới trong suốt vài tuần lễ qua. Washington đã đe dọa sẽ tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng nếu nước này tiếp tục thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6.
Đi kèm với lời đe dọa là việc tổng thống Trump liên tục ra lệnh điều các vũ khí mạnh mẽ nhất của mình tới khu vực, từ tàu sân bay hạt nhân, tàu khu trục mang tên lửa hành trình, tàu ngầm hạt nhân chiến lược, đến các hệ thống phòng không đánh chặn trong đó mới đây có hệ thống tên lửa đánh chặn mạnh nhất thế giới THAAD.
Việc triển khai quân vũ khí rầm rộ cùng với cự cứng rắn của chính phủ Tổng thống Trump cho thấy khi Mỹ tấn công tên lửa vào Syria càng củng cố thêm nhận định về sự khó lường tại bán đảo Triều Tiên. Đáp lại lời đe dọa của Mỹ, Triều Tiên không những không sợ mà còn nhiều lần khẳng định quan điểm cứng rắn của nước này về việc phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo vốn bị Liên Hiệp Quốc lên án.
Thế giới dường như "nín thở" vào ngày kỷ niệm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, tuy Triều Tiên đã không thử hạt nhân vào ngày đó, nhưng nước này lại thử tên lửa đạn đạo chỉ một ngày sau đó. Mới đây nhất Triều Tiên lại tiếp tục tổ chức cuộc tập trận pháo bắn đạn thật được coi là lớn nhất lịch sử nước này với sự tham gia của hơn 300 khẩu pháo các loại.
Nước này còn tiếp tục tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Vậy câu hỏi được đặt ra dường như Triều Tiên không những không sợ đe dọa của Mỹ mà còn thách thức, tại sao vậy? Sở dĩ Triều Tiên có những động thái cứng rắn và không hề tỏ ra e sợ là vì hai lý do chính sau:
Thứ nhất, Triều Tiên có lãnh thổ tiếp giáp với Nga và Trung Quốc, hai cường quốc có tiềm lực quân sự chỉ đứng sau Mỹ. Mặc dù những diễn tiến mới nhất cho thấy Triều Tiên ngày càng "khó bảo", và dường như Triều Tiên đang dần trở thành gánh nặng hơn là một đồng minh thân cận của Trung Quốc.
Tuy nhiên không phải vì thế mà Trung Quốc sẽ "bỏ rơi" nước này. Với vị trí địa lý chiến lược của Triều Tiên, cả Nga và Trung Quốc sẽ khó mà để Triều Tiên bị tiêu diệt. Để Mỹ đem quân và lập căn cứ sát lãnh thổ mình là điều không thể chấp nhận với hai cường quốc trên. Khi Triều Tiên bị tấn công, các nước này chắc sẽ ra sức ngăn cản, ngấm ngầm hoặc công khai trợ chiến cho Triều Tiên.
Mặt khác, theo các nguồn tin giấu tên cho biết, thời gian qua cả Trung Quốc và Nga đều triển khai quân tới sát biên giới Triều Tiên và đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Mặc dù cả hai quốc gia này đều ra sức phủ nhận thông tin trên, nhưng giới quan sát nhận định, việc điều động và tăng cường cảnh giác của hai cường quốc này trong bối cảnh hiện tại là điều dễ hiểu. Nhận thấy đây là một điểm có lợi, vì thế Bình Nhưỡng mới không hề run sợ trước động thái leo thang của Mỹ.
Thứ hai, Triều Tiên đang sở hữu trong tay vũ khí hạt nhân hủy diệt, tuy chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn là bí ẩn, song theo các nhà quan sát, có thể Triều Tiên đã nắm trong tay một vài đơn vị hạt nhân và chúng có thể được gắn lên tên lửa đạn đạo tầm xa.
Tuy là số lượng ít ỏi, nhưng một khi bị tấn công toàn diện, Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí này, việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ làm gia tăng chóng mặt những thiệt hại nhân mạng. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ lên tâm lý của các nhà chiến lược chính trị và quân sự, vì thế bờ vực của một cuộc đại chiến là điều khó tránh khỏi.
Để xảy ra đại chiến là điều không nước nào mong muốn kể cả Mỹ, vì vậy chắc hẳn khi Triều Tiên nắm trong tay vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ phải cân nhắc thiệt hơn trước khi khai chiến.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo là điều gây khó chịu đối với Mỹ, tuy những tên lửa đạn đạo tầm xa khó có thể gây thiệt hại nhiều cho lãnh thổ của Mỹ bởi sự thiếu chính xác vẫn là điểm yếu cố hữu của Triều Tiên. Hơn nữa với tầng lớp dày đặc của các hệ thống đánh chặn, những tên lửa Triều Tiên sẽ bị phá hủy trước khi chúng tiếp đất.
Năng lực của Triều Tiên chưa đủ để chế tạo thật nhiều tên lửa, hầu tạo ra cơn mưa tên lửa gây khó cho hệ thống phòng thủ của Mỹ. Tuy nhiên những căn cứ của Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản lại là chuyện khác. Những căn cứ này lại nằm hoàn toàn trong tầm bắn của pháo và tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Dù có những hệ thống đánh chặn tối tân thì với cơn mưa đạn pháo và tên lửa bay tới, việc đánh chặn hết là điều bất khả thi.
Với năng lực pháo binh tầm xa và tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong tay, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ hứng chịu hậu quả thảm khốc khi bị Triều Tiên trả đũa. Vì thế cả Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ phải suy tính kỹ càng trước khi quyết định khai hỏa vào Triều Tiên.
Nắm trong tay hai lý do này, Kim Jong-un sẽ không dễ dàng nhún nhường trước các động thái đe dọa của Mỹ, thậm chí Bình Nhưỡng còn ngang nhiên thách thức bằng các tuyên bố mới nhất của mình rằng nước này sẽ không ngừng thử nghiệm hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo.
Theo Việt Hùng
An ninh thủ đô
Phó Thủ tướng đề nghị Malaysia xét xử công bằng với Đoàn Thị Hương Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Philippines, sáng 28/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương với quyền Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enirque Manalo, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifa Aman và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc...