Nhật ký chở con đi học thêm
20 giờ 30, trên đường đi học thêm về, đứa con trai học lớp 8 cầm cuốn tập cứ đụng đụng sau lưng, nói: “Cha chạy chỗ nào có nhiều ánh đèn để con học bài”. Nước mắt muốn ứa ra, tôi đành chạy xe sát con lươn cho con có đủ ánh sáng đèn đường để học dù biết như vậy rất nguy hiểm.
Một bạn đọc ở tỉnh Vĩnh Long vừa gửi đến Báo Người Lao Động những dòng nhật ký về những ngày đầu tắt mặt tối chở con đi học thêm. Đây cũng là nỗi lòng và sự trăn trở của các bậc phụ huynh trước áp lực học tập căng thẳng của các con. Báo Người Lao Động xin trích đăng nhật ký này:
Ngày 27 tháng 5 năm 2013
Những ngày cuối năm học, chưa kịp vào nghỉ hè mà mấy đứa nhỏ đã phải đi học thêm sau 1 tuần tạm dừng để thi học kỳ. Đứa lớn học lớp 11 Trường THPT Lưu Văn Liệt, năm tới lên 12, hè đăng ký học thêm 3 môn: Anh văn, toán, lý. Đứa giữa học Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, năm tới lên lớp 8, hè đăng ký học Anh văn 2 nơi gồm Anh văn lớp 8 và Anh văn để thi bằng A, 1 lớp toán. Vị chi là 3 nơi.
Nhớ lại cách đây 2 năm, đứa lớn mới chuẩn bị vào lớp 10 đã học thêm 4 môn trong hè; đứa giữa mới lên lớp 6 học thêm 3 môn, trong đó có môn Anh văn kéo dài cho đến nay.
Đầu hè, ngày 4 tháng 6 năm 2013
Đứa lớn lại phải học thêm môn hóa. Như vậy là 4 môn, chia đều ra ngày nào cũng có học thêm, có ngày 2 buổi. Đứa giữa thì được nghỉ ngày chủ nhật. Vậy là dù tháng hè nhưng ngày nào mình cũng phải chở con đi học thêm. Có ngày 4 chuyến đi về, có ngày 6 chuyến.
Nhớ đến năm học 2012-2013, đứa lớn có những ngày học đến 4 buổi gồm sáng, chiều, tối (buổi tối 2 suất học thêm ở 2 nơi khác nhau). Con vừa ngồi xe vừa tranh thủ gặm bánh mì. Trong khi nhiều học sinh khác vẫn còn diện nguyên bộ đồng phục đến 2 suất học buổi tối.
Đứa giữa thì 2 buổi chính trong trường và 1 buổi tối học thêm. Thứ bảy, chủ nhật cũng không nghỉ. Thậm chí, ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5, ngày Quốc khánh 2 tháng 9 cũng không nghỉ vì thầy rảnh ngày hôm đó hoặc thầy dạy bù đợt đi công tác Hà Nội, công tác nước ngoài…
Cho con ăn tạm trước giờ học thêm ở TP HCM (Ảnh: Tấn Thạnh)
Ngày 15 tháng 6 năm 2013
Đến thời điểm này thật khủng khiếp! Đứa lớn chuẩn bị vào lớp 12 nên phải học thêm 8 nơi… Tám chỗ học, 16 chuyến đưa rước cho đứa lớn, chưa tính đứa giữa.
Còn 13 tháng nữa mới thi ĐH nhưng giáo viên đã ôn thi môn tiếng Anh. Học buổi nào đóng tiền buổi ấy, đóng trước, học sau. Lớp khá đông, giáo viên phải ngồi giải các câu hỏi trắc nghiệm bằng micro.
Video đang HOT
Chủ nhật, ngày 30 tháng 6 năm 2013
Đứa út vừa học xong lớp 2 Trường Tiểu học Sư phạm Thực hành. Hôm nay là ngày đầu tiên mẹ nó cho học thêm môn Anh văn tại trung tâm ngoại ngữ. Nó chỉ phải học sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần; cũng đỡ cho nó và cho mình.
Như vậy là vô đỉnh điểm, cả ba đứa đều học thêm trong hè. Nhớ lại 2 năm trước, có mấy lần cãi nhau quyết liệt với vợ về việc học thêm của mấy đứa nhỏ nên bây giờ mình rút kinh nghiệm, ngậm miệng lại để đỡ cự cãi căng thẳng, ảnh hưởng đến con cái.
Thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2013
Đứa giữa phải học thêm nơi thứ 4 là môn hóa lớp 8. Mỗi tuần học 2 buổi tối nhưng học phí hơi căng, 200.000 đồng/tháng. Nhà giáo viên ở trong hẻm chật hẹp nên khó đi, xe cộ phải lách nhau từng chiếc một.
Nhà các giáo viên dạy thêm phần lớn ở trong hẻm. Để giảm kẹt xe, khi tan học, các thầy dạy toán ra đứng canh cổng, cho ra một đợt chỉ 5-6 em, tản hàng bớt mới cho ra tiếp. Nhiều lúc mình đứng trong bóng đêm mù mờ chờ con ra đến mòn mỏi. Nó vừa ra tới phải chạy như bay đến nhà cô Anh văn (cũng ở trong hẻm) để học tiếp. Sau đó, mình tiếp tục chạy như bay về nhà để chở đứa giữa đi học.
Đường xá thì đầy bụi bặm, lách ngả nào cũng không thoát. Đường Phó Cơ Điều lúc đang làm, bụi mù mịt; thi công xong thì đầu năm 2013 đến cầu Vòng, bụi cũng không kém. Ngày nào cũng có vài chuyến chở con đi học thêm chạy ngang cầu, bụi đến nghẹt thở.
Có những buổi tối trời mưa sầm sập, mình bàn với vợ cho con nghỉ nhưng vợ không chịu, đành mặc áo mưa đi. Có đôi lần chở đứa lớn đi học Anh văn, tới nơi nó mới nhớ tới việc đóng tiền từng buổi học. Mình phải vén áo mưa lên, móc túi ra, móc túi vô vài lần mới tìm đúng số tiền 15.000 đồng trong cơn mưa tầm tã để đưa cho con đóng tiền.
Ngày 18 tháng 7 năm 2013
Đứa lớn ngoài 3 buổi tối học thêm, lại phải tăng cường ôn thi ĐH cho năm tới vào buổi sáng chủ nhật tại nhà giáo viên. Mình hỏi chương trình lớp 12 chưa học xong mà ôn cái gì, nó nói thầy ôn chương trình lớp 10, lớp 11 vì đề thi ĐH cũng có cho làm các bài của lớp 10, 11.
Ba đứa con, lịch học dày đặc, ngày nào cũng có từ 6-12 chuyến đưa rước.
Học sinh TP HCM ăn vội bánh mì để cho kịp đến lớp học thêm. Ảnh: Tấn Thạnh
Ngày 19 tháng 8 năm 2013
Đến thời điểm này coi như hết hè. Ba đứa của 3 cấp học lần lượt vào học chương trình của lớp mới. Mình hy vọng vào năm học mới, giáo viên sẽ không dạy thêm và vợ cũng không bắt mấy đứa nhỏ học thêm nhưng mọi việc vẫn như cũ, việc học thêm không giảm. Tần suất đưa rước nhiều thêm, giờ giấc thì cực kỳ căng thẳng.
Đứa học lớp 8 Trường Nguyễn Trường Tộ nhiều hôm phải có mặt lúc 6 giờ 30 phút, hôm nào trực thì phải có mặt lúc 6 giờ. Sáng nào cũng phải tranh thủ từng giây, từng giây; chạy xe trên đường thì phải tranh thủ từng mét, từng mét đường.
Thứ năm, ngày 12 tháng 9 năm 2013
Đứa lớp 8, học sáng, học chiều. 16 giờ 30 tan trường thì 17 giờ phải có mặt tại nhà giáo viên để học thêm môn hóa. Đến 18 giờ 30, không kịp về nhà cơm nước tắm rửa; nó phải tất tả đi học thêm môn toán ở gần bệnh viện đa khoa tỉnh, cách xa hơn 4 km.
Đã vậy, xe lại cán đinh dọc đường, 2 cha con kiếm được chỗ vá trong ánh đèn đường mù mờ, bèn bỏ đó, cùng chạy bộ đến điểm học trong cơn mưa tầm tã. Lịch học y như con chị của nó hồi năm lớp 11.
20 giờ 30, trên đường về, nó cầm cuốn tập cứ đụng đụng sau lưng, nói: “Cha chạy chỗ nào có nhiều ánh đèn để con học bài”. Mình hỏi học cái gì, nó nói học môn sinh để ngày mai trả bài vì về nhà không có thời gian học. Đã vậy, ngày mai lại đến phiên trực sân trường nên phải có mặt lúc 6 giờ, nếu trễ sẽ bị phạt.
Tôi chỉ biết xót xa trong lòng, nước mắt muốn ứa ra, chạy xe sát con lươn cho con có đủ ánh sáng đèn đường để học bài dù biết là vi phạm luật giao thông và cũng rất nguy hiểm.
Chủ nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2013
Trời ơi! Mọi việc cũng giống như mấy năm về trước nhưng cường độ mạnh hơn, mức độ căng thẳng hơn. Việc học ngày 4 buổi trở nên thường xuyên hơn. Hầu hết đứa nào cũng học 2 buổi chính thức trong trường nhưng buổi tối phải học thêm 1 hoặc 2 môn ở 2 nơi cách xa nhau.
Hình ảnh các em học sinh mặc đồng phục học thêm suất tối vì không kịp về nhà để thay quần áo trở nên quen thuộc trên đường phố. Có những lần mình thấy học sinh ra về trong đêm, đứa nào mặt cũng bơ phờ, đi đứng dật dờ như những bóng ma trong bộ trang phục nhầu nát. Có lẽ do ánh đèn vàng vọt và do sự mệt mỏi của chính bản thân nên mình mới có cảm giác ghê rợn đó. Tội nghiệp các em!
Theo TNO
Không biến trông trẻ ngoài giờ thành dạy thêm
Các trường tuyệt đối không được biến các nhóm lớp trông giữ thành các lớp dạy thêm học thêm các môn văn hóa.
Theo hướng dẫn mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa gửi cho các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học được phép tổ chức trông giữ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống đối với học sinh. Tuy nhiên, các trường tuyệt đối không được biến các nhóm lớp trông giữ thành các lớp dạy thêm học thêm các môn văn hóa.
Học 2 buổi/ngày: Trông giữ không quá 70 phút
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Thực tế nhiều năm nay cho thấy, một bộ phận lớn cha mẹ học sinh không thể sắp xếp thời gian để đón con về đúng giờ. Họ có nhu cầu được gửi con sau giờ học chính khóa, kể cả những trường tổ chức học hai buổi/ngày. Chúng tôi không cấm các trường tổ chức hoạt động trông giữ trẻ nhằm tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm công tác. Nhưng làm sao để các trường không lợi dụng hoạt động này để biến nhóm lớp trông giữ trẻ thành nhóm lớp dạy thêm học thêm là trách nhiệm của các cấp quản lý".
Theo ông Tiến, khi nhà trường tổ chức trông giữ trẻ ngoài giờ, cha mẹ học sinh nào có nhu cầu thì đăng ký trên tinh thần tự nguyện, nhà trường hoặc giáo viên tuyệt đối không được dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Hoạt động trông giữ học sinh ngoài giờ học chính khóa phải đảm bảo về chất lượng giáo dục, thời gian, sức khỏe, an toàn cho học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Các trường muốn tổ chức các hoạt động ngoài giờ học cho học sinh phải được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý.
Trông giữ học sinh ngoài giờ học chính khóa vì cha mẹ học sinh không có điều kiện đón con về nhà đúng giờ. Ảnh: Ngọc Châu
Những trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày (tức 10 buổi/ tuần) được phép tổ chức các câu lạc bộ trong trường nhằm trông giữ trẻ sau giờ học buổi thứ hai, sau khi học xong chương trình quy định trong ngày. Tuy nhiên, thời gian trông giữ trẻ sau buổi học thứ hai không được phép kéo dài quá 70 phút (tương đương 2 tiết học), không được phép tổ chức trông giữ trẻ vào thứ bảy và chủ nhật.
"Trong quá trình soạn thảo hướng dẫn, chúng tôi nhận rất nhiều đề xuất từ các trường là được trông giữ cả thứ bảy, chủ nhật. Nhưng quan điểm của Sở là không cho phép. Chúng tôi cho rằng phụ huynh cần có trách nhiệm với con em mình, bố trí thời gian để chơi với con, không thể "tận dụng" nhà trường cả thứ bảy, chủ nhật được. Đó cũng là lập luận của chúng tôi khi không cho phép các trường giữ trẻ quá muộn", ông Tiến nói.
Học 1 buổi/ngày: Được trông giữ buổi còn lại
Những trường chỉ có thể dạy học một buổi/ ngày (5 buổi/tuần) thì được phép tổ chức trông giữ trẻ một buổi còn lại trong ngày ngoài một buổi dạy học trong chương trình theo quy định. Tuy nhiên, việc tổ chức trông giữ trẻ chỉ được thực hiện khi trường bố trí được phòng học hoặc phòng trông giữ chăm sóc trẻ, kể cả phòng thuê ngoài nhà trường.
Điều kiện cơ sở vật chất, phải đạt các yêu cầu tối thiểu và đảm bảo an toàn cho học sinh như đảm bảo khung cảnh sư phạm, bình quân 1m2 / học sinh, đủ bàn ghế, bảng đúng qui cách, có điện, nước, khu vệ sinh, thiết bị phòng chống cháy nổ, phòng chống tai nạn thương tích, y tế, môi trường không ô nhiễm, ồn ào, không gây ảnh hưởng đến khu dân cư. Mỗi nhóm trông giữ không quá 25 học sinh. Trường hợp quá 25 học sinh cần bố trí hai giáo viên trông giữ.
Cũng với những trường chỉ có thể dạy học một buổi/ ngày, trong thời gian trông giữ trẻ buổi thứ hai, các trường được phép dành 1/3 thời gian của mỗi buổi (sáng hoặc chiều) để giáo viên hướng dẫn học sinh tự học thay vì học sinh phải học và làm bài tập ở nhà; 2/3 thời gian của mỗi buổi nhà trường tổ chức các hoạt động như đọc truyện, kể chuyện, văn nghệ, vẽ, thể dục thể thao, chơi các trò chơi dân gian lành mạnh...
Với những trường phải thuê phòng ngoài khu vực nhà trường thì phải đảm bảo an toàn tuyệt đối việc đưa đón học sinh trước hoặc sau giờ học chính khóa đến các địa điểm trông giữ.
Hiện nay, thành phố chưa có quy định cụ thể về việc thu chi nên Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường lập dự toán thu, chi tài chính theo tinh thần thỏa thuận với phụ huynh học sinh, thu đủ chi.
Thep Quý Hiên (Tiền Phong)
Giáo viên được nhận 70% tiền dạy thêm Tiền học thêm tại Hà Nội được dùng để chi trả cho giáo viên giảng dạy 70%, công tác quản lý dạy thêm của trường 15% và điện, nước, vệ sinh 15%.. UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở...