Nhật kí Hoàng Sa: Đấu trí giữa trùng khơi
Tàu Trung Quốc manh động, luôn tỏ thái độ khiêu khích, liều lĩnh đâm va, xịt vòi rồng, bắn súng nước vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. Ngoài việc mưu trí, tránh mắc mưu khiêu khích của Trung Quốc, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam chấp pháp trên biển Hoàng Sa luôn tìm cách hạn chế thiệt hại bằng những sáng kiến độc đáo.
Mỗi khi tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng, súng phun nước, lực lượng trên tàu Kiểm ngư Việt Nam dùng chăn đệm chắn cửa kính để giảm áp lực nước hay những bữa ăn được ví như “tiệc buffer” giữa trùng khơi… là những hình ảnh khó quên đối với cánh phóng viên chúng tôi trong những ngày tác nghiệp trên biển Hoàng Sa.
Đệm ngủ thành khiên chống vòi rồng
Trong những ngày bám biển yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam như: Cảnh sát biển, Kiểm ngư,… liên tục bị tàu Hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công dữ dội.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc đa phần là tàu to, to gấp ba, gấp bốn lần so với tàu Kiểm ngư Việt Nam. Vì vậy, khi áp sát với nhau, tàu Hải cảnh Trung Quốc như một gã khổng lồ, còn tàu Kiểm ngư Việt Nam như chú bé tí hon. Không những vậy, tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị vòi rồng phun tự động trên nóc tàu nên những cú bắn từ trên cao xuống với áp lực nước mạnh khiến tàu Kiểm ngư Việt Nam hư hỏng nặng. Những tàu có cửa sổ kính bị hư hỏng là khó khắc phục nhất. Hầu hết cửa kính đài chỉ huy của tàu Kiểm ngư được lắp đặt kính loại dày 10mm nhưng áp lực nước vòi rồng của tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn ra quá mạnh khiến kính vỡ tan. Dăm kính vỡ bắn vào người khiến nhiều Kiểm ngư viên bị thương. Tàu bị hư hỏng nặng nhưng Kiểm ngư viên vẫn phải bám trụ giữa biển để tiếp tục đấu tranh. Nước từ vòi rồng bắn vào không những làm chập chạm hệ thống điện điều khiển của tàu mà còn làm các thuyền viên bị thương. Vì vậy, đòi hỏi các Kiểm ngư viên ngoài việc đấu trí về chiến thuật, chủ động phòng tránh, còn phải tính phương án làm sao để chống chọi với vòi rồng trong những trận tới.
Ban đầu, các Kiểm ngư viên dùng nắp thùng gỗ che các cửa sổ lại nhưng gỗ cũng không chịu nổi áp lực nước quá mạnh liền bị vỡ toác. Nắp gỗ cũng không thể che kín được nên nước tràn vào trong rất nhiều sau mỗi đợt vòi rồng tấn công. Đang “đau đầu” thì các Kiểm ngư viên mới nghĩ ra cách chỉ có nhu mới thắng cương. Nghĩ là làm, các Kiểm ngư viên đã chạy xuống phòng ngủ của mình lật giường ngủ lấy toàn bộ đệm mang lên đài chỉ huy và lắp vào cửa sổ. Áp lực nước từ vòi rồng Trung Quốc quá mạnh nên bắn vào sắt thì sắt cong, bắn vào kính, kính vỡ,… nhưng khi gặp đệm mút thì nước vừa bị giảm áp vừa thấm vào bên trong.
Kiểm ngư viên Đỗ Văn Cành treo búp su lên trần tàu để bảo quản.
Ông Vũ Đức Tạo, Biên đội trưởng Biên đội Kiểm ngư vùng 4, cho biết: Những ngày đầu tiên, vòi rồng của tàu Trung Quốc bắn vào tàu chúng tôi khiến kính bị vỡ, buồng lái ngập nước gây chập chạm hệ thống điều khiển và làm bị thương Kiểm ngư viên, những ngày sau đó chúng tôi đã khắc phục tình trạng này bằng các vật dụng đơn giản. Tàu Hải cảnh Trung Quốc to và cao, vòi rồng chĩa từ trên xuống với áp lực nước rất cao nhằm làm tê liệt đài chỉ huy. Khi bị nước bắn vào, các loại kính chắn buồng lái mặc dù dày 10mm vẫn không chịu nổi, nổ tung. Vì thế, chúng tôi dùng đệm giường ngủ để chắn vừa làm giảm áp lực của vòi rồng vừa ngăn không cho nước chảy vào bên trong. Đệm giường nằm vừa thấm nước nhanh vừa giảm được áp lực khi va chạm. Nhờ thế, dù liên tục bị tàu Trung Quốc bắn vòi rồng nhưng tàu Kiểm ngư chúng tôi vẫn chịu đựng và bám trụ tốt”.
“Buffet”… giữa Hoàng Sa
Bảy ngày theo tàu Kiểm ngư bám biển Hoàng Sa mệt vì sóng lớn. Bảy ngày, 21 bữa ăn hết thảy. Nhưng, chiếm phần lớn những bữa ăn trên tàu giữa bốn phương, tám hướng đều là biển cả, đối với cánh phóng viên đều là những bữa… “buffet”. Sở dĩ chúng tôi gọi những bữa ăn trên tàu là những bữa buffet là bởi, hầu hết anh em đều ăn cơm đứng.
Trưa 10/5, tàu xuất phát từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) hướng về Hoàng Sa trong sự chờ đợi của mọi người. Phía trước mặt chúng tôi là “toạn độ nóng” Hoàng Sa, nơi tàu Trung Quốc hung hăng đâm va, xịt vòi rồng vào tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển Việt Nam như cơm bữa; phía sau là đất liền là hào khí dân tộc đang hừng hực. Nhờ thế, bao nỗi lo âu về gia đình cũng dần bị khỏa lấp. Trên tàu trưa hôm ấy, anh em chúng tôi ai cũng đầy tâm trạng. Mừng và lo. Mừng vì mình vinh dự là những phóng viên đầu tiên đến Hoàng Sa để tác nghiệp, đưa những thông tin, hình ảnh về Hoàng Sa để tố cáo sự ngang ngược của Trung Quốc; lo vì đây là chuyến tác nghiệp trên biển Hoàng Sa chưa biết hiểm nguy ra sao.
Phòng ăn của chúng tôi là phòng câu lạc bộ, nơi sinh hoạt tinh thần của thuyền viên trong những lúc rảnh rỗi. Phòng rộng chừng 15m2, đặt hai bàn dài với hai dãy ghế trường hai bên. Cả bàn và ghế đều được thiết kế có bu-lông gắn chặt xuống sàn tàu. Một bên là hai cánh cửa thông với hành lang tàu, một bên là hai ô cửa sổ tròn nhìn ra biển lóng lánh sóng, bên cạnh là máy nước nóng hiệu Panasonic đặt trên chiếc tủ gỗ dùng để pha trà, pha mì tôm. Hai bờ tường còn lại một bên là treo cờ Tổ quốc bên trên, phía dưới là ti vi đèn LED 42inch có nối vệ tinh Vinasat và giàn âm thanh để hát karaoke; phía đối diện treo nhiều giấy khen, bằng khen của tập thể, cá nhân tàu. Trên trần nhà có hai chiếc quạt và hệ thống điều hòa phả hơi mát lạnh.
Video đang HOT
Các Kiểm ngư viên đang trang bị “khiên chống vòi rồng”.
Bữa cơm trên tàu đầy đủ thịt, cá và canh. Bữa cơm đầu tiên trên tàu ai cũng ngon miệng, khác với nỗi lo trước đó của chúng tôi.
Thế nhưng, những bữa cơm tiếp theo, mâm cơm vắng người đến lạ. Nhiều anh em chấp nhận nằm co ro trong khoang tàu gặm bánh ngọt, uống nước lọc cho qua bữa chứ nhất quyết không ra phòng câu lạc bộ để ăn cơm. Một số nữa chọn cách ăn… “buffet”, bỏ thức ăn vào chén và chạy lên boong tàu để ăn vì không chịu được say sóng. Nhưng, “những người ăn cơm tử tế” như chúng tôi cũng… khổ không kém. Đang ăn, mỗi lượt tàu bị sóng xô ngang hoặc lái cắt sóng cao rồi chúi mũi xuống, thau cơm, thau canh và đĩa thịt cá trượt dài từ bên này sang bên kia. Thau canh sóng sánh đổ ra ngoài theo những cái lắc lư của tàu. Mỗi lần như thế, anh em chúng tôi một tay cầm chén cơm của mình, một tay giữ thau cơm và thức ăn cho khỏi đổ. Có điều, càng về sau, mâm cơm của chúng tôi ở câu lạc bộ dần dần thưa vắng vì mọi người bận ăn…”buffet”.
Anh nuôi là… nghệ sĩ
Chứng kiến những bữa nấu cơm, thức ăn trên tàu làm tôi nhớ đến một đoạn quảng cáo trên truyền hình: “Nấu ăn là một nghệ thuật, đầu bếp là một nghệ sĩ”. Nhưng những những nghệ sĩ trong bếp ở các nhà hàng được đào tạo bài bản phải gọi những nghệ sĩ trong bếp của tàu Kiểm ngư bằng… ông tổ. Bởi lẽ, những anh nuôi trên tàu nấu ăn như đang… làm xiếc.
Đệm giường nằm trở thành tấm khiên chống lại vòi rồng của tàu hải cảnh Trung Quốc.
Sóng lớn, tàu lắc lư dữ dội. Đến đứng cũng không vững. Vậy mà, những “anh nuôi” trên tàu vừa rửa rau, vừa làm cá, thái thịt, nấu canh, nấu cơm… như giỡn chơi. Mỗi khi tàu bị sóng xô lệch hay cưỡi sóng chồm lên chúi xuống, Nguyễn Xuân Tâm, anh nuôi trên tàu chúng tôi, lại chạy về phía chiếc bếp ga bưng nồi nghiêng qua nghiêng lại để… né sóng cho khỏi đổ. Để nấu ăn cho 40 người ăn đã khó, càng khó hơn gấp cả ngàn lần khi nấu ăn ở trên tàu mãi lắc lư theo sóng.
Nếu ăn trên tàu đã khó, bảo quản thực phẩm, nhất là rau, củ, quả trên tàu dài ngày càng thêm khó. Trong khoang bếp rộng chừng 15m2, một chiếc tủ lạnh to cao quá khỏi đầu người và một chiếc tủ đông nằm ngang loại lớn nhưng đều chật kín thức ăn. Bên trên ngăn đá, nào thịt, nào cá như nêm; dưới ngăn mát cũng chật kín rau các loại.
Tuy nhiên, số thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh chỉ đủ ăn trong vòng 10 ngày, riêng rau chỉ được 1 tuần. Muốn bám trụ nhiều ngày trên biển với người trên tàu đông như tàu chúng tôi thì công việc dự trữ và chế biến thức ăn của các “anh nuôi” là cả một nghệ thuật. Đang cố treo hàng trăm búp su lên trần phía đuôi tàu, anh Đỗ Văn Cành, giải thích: Búp su nặng, tròn và dễ dập nát nên bọ em phải treo lủng lẳng lên đây mới dự trữ lâu được. Nếu để trong tủ lạnh thì không có chỗ, nếu để trên sàn thì chỉ vài giờ tàu lắc lư là chỉ có mang đi vứt vì dập nát. Vì vậy, với dân biển bọn em, các thực phẩm rau-củ-quả là những thức ăn rất quý với những chuyến biển dài ngày nên anh em phải nghĩ cách để bảo quản được lâu ngày.
Cũng theo Cành, với những chuyến biển dài ngày, thực phẩm dự trữ nhiều nhất phải là rau xanh chứ không phải là thịt cá. Vì theo Cành, nếu hết thịt cá thì anh em trên tàu tự “sản xuất” được, còn rau, củ, quả thì chịu. Tuy nhiên, việc dự trữ rau, củ, quả trên biển giỏi lắm cũng chỉ chừng 10 ngày, sau đó hoặc phải cầm cự với thịt cá hoặc chờ tàu tiếp phẩm. “Đi trên biển nhiều ngày, nếu thiếu rau xanh thì ngay lập tức bị lở miệng liền. Trên biển mà lở miệng thì không có gì khổ bằng” – Anh Cành tâm sự.
Theo Khampha
Nhật ký Hoàng Sa: Lao về "tọa độ nóng"
Những ngày giữa đầu tháng 5, miền Trung nóng như chảo lửa nhưng cũng không át được cái "nóng" từ phía Hoàng Sa, nơi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép. Mấy ngày Hoàng Sa "nóng", anh em báo chí miền Trung cứ nhốn nháo tìm đường ra Hoàng Sa, dù biết nơi ấy là hiểm nguy. Mặc kệ, phải đến với Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc.
Đi Hoàng Sa tác nghiệp
Sáng ngày 10/5, nghe tin Kiểm ngư Việt Nam có tàu ra Hoàng Sa, tôi leo lên xe máy phóng 80km/h đến cảng Tiên Sa. Đến cảng, thấy anh em phóng viên các báo đã ở trên tàu mang số hiệu HP 926. Còi tàu hụ chuẩn bị rời cảng. Chỉ kịp dựng chiếc xe trên cầu cảng, vứt chiếc chìa khóa cho một anh Kiểm ngư viên không quen biết với lời nhắn vội "Em gửi xe, về sẽ tìm anh" rồi phóng lên tàu. Xuất trình thẻ nhà báo, giấy tờ và ước nguyện đi Hoàng Sa, các anh gật đầu đồng ý. Vừa lên tàu, tàu hụ còi rời cảng.
Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi đưa ra một quyết định quan trọng chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, thế mà lần này tôi đưa ra quyết định, mà lại là quyết định lên tàu ra Hoàng Sa. Điều khó tin hơn, người quyết định cho tôi đi còn "khẩn hơn", quyết định của các anh chỉ bằng cái gật đầu. Thế là tôi là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt trên chuyến tàu ra "vùng chiến sự" Hoàng Sa với hành trang là một chiếc giỏ xách đựng máy quay, máy ảnh, máy tính và... bộ đồ mặc trên người.
Lên tàu, tưởng chỉ mỗi mình mình không kịp chuẩn bị gì, hỏi quanh anh em, ai cũng hành trang là túi đựng đồ nghề và bộ đồ mặc trên người và nụ cười tươi... hơn hoa. Một chuyến tác nghiệp mang tính lịch sử!
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
Tàu đưa chúng tôi ra Hoàng Sa thuộc biên chế Kiểm ngư Việt Nam nhưng lại là con tàu có chức năng cứu hộ cứu nạn và ứng phó sự cố dầu tràn trên biển. Tàu được thiết kế chịu sóng vô cấp, dềnh dàng nhưng chắc chắn.
Vật vã...
Giàn khoan Hải Dương-981 cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 117 hải lý nhưng cách cảng Tiên Sa đến 190 hải lý (hơn 350km) về hướng Đông Nam. Dù là giữa hè nhưng trên biển Đông đã có gió Tây Nam nên biển động mạnh, sóng giật cấp 6, cấp 7.
Vì thế, chặng đường 190 hải lý từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa là chặng vật vã không chỉ với cánh báo chí mà cả với những Kiểm ngư viên. Trong đêm vượt biển đến với Hoàng Sa, sóng gió dữ dội. Chiếc tàu Kiểm ngư loại lớn nhưng dần dần bé nhỏ giữa trùng khơi. Biển động mạnh. Tàu lắc lư như muốn úp xuống biển. Mặt biển cao hơn tàu gần cả chục mét. Mọi hoạt động của con người lắc lư theo con tàu. Không quen với sóng lớn, phần lớn phóng viên trên tàu không chịu nổi sóng dập đều phải nằm vật trên sàn tàu... Đi tàu gặp sóng lớn, đến những việc nhỏ thường nhật như ăn cơm, uống nước, tắm gội,... cũng trở nên hết sức khó khăn. Giữa biển khơi, chúng tôi chính thức bị "cách ly" với trên bờ vì sóng điện thoại không có.
Biết chúng tôi không quen với sóng biển, thuyền phó Nguyễn Bưởi, hạ lệnh cho anh em thuyền viên nhường giường ngủ trong khoang cho cánh phóng viên với lý do: "Anh em Kiểm ngư chúng tôi chịu sóng quen rồi nên có thể ngủ bất cứ ở đâu, còn các anh phải có giường mới ngủ được". Nói vậy nhưng không phải vậy! Cánh nhà báo nhanh chóng rời khoang ngủ ra nằm vật vã trên những thùng hàng đặt ở phía sau tàu vì không chịu nổi mùi dầu máy. Nhiều anh em cố bám trụ ở khoang ngủ thì đến giữa khuya, khi sóng cấp 4, cấp 5, phải bò ra nhà vệ sinh "hò dô ta". Khoảng 2 giờ sáng ngày 11/5, sóng gió thêm mạnh cấp 6, cấp 7 cộng với "sức cùng lực tận", nhiều phóng viên không tự đứng dậy để ra nhà vệ sinh "hò dô ta" mà chỉ đủ sức bò ra bệ cửa... Bẹp dí.
Chúng tôi, những người thuộc diện khỏe mạnh nằm ngủ ở những thùng hàng phía sau tàu đến khuya cũng phải bỏ chạy vì những đợt sóng vỗ mạn tàu phủ ướt. Hết chỗ "đẹp", chúng tôi buộc phải lên sàn tàu ở tầng 2 để ngủ, dù biết, càng lên cao càng lắc lư dữ dội. Ở tầng 2, ban đầu chúng tôi nằm tề chỉnh trên gối, chiếu nhưng sau những đợt sóng dập, mọi người đều thả mình lăn tự do qua lại trên sàn tàu vì không còn đủ sức để gượng lại.
4 giờ sáng, chúng tôi đã nằm trong vùng biển Hoàng Sa. Giữa biển, trời sớm sáng, 4 giờ đã thấy mặt trời nhô lên từ biển sáng rực. Biển lóng lánh xanh mướt. Sau gần 20 giờ nằm vật vã trên tàu và một đêm sóng dần gió dập tơi bời, sáng ra nhìn quanh chỉ vài anh em phóng viên còn sức dậy rửa mặt và ra boong hít thở, phần lớn anh em vẫn bẹp dí trong những khoang tàu.
Bữa sáng đầu tiên của chúng tôi trên biển Hoàng Sa là mì tôm. Chưa bao giờ chúng tôi thấy bữa điểm tâm mì tôm lại thơm ngon đến vậy. Thơm, ngon nhưng ai cũng chỉ ăn vội một hai chén rồi lo chạy ra boong vì không thể chịu nổi ăn uống trong sự lắc lư ở buồng kín. Nếu như buổi ăn tối trước đó tương đối đầy đủ anh em thì bữa sáng thưa vắng đến một nửa. Nửa còn lại đang vật vã với những trần say sóng ở trong khoang, ở trên boong và ở trên sàn tàu.
Hàng chục tàu Hải cảnh, dịch vụ và cả tàu cá giả dạng bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
Thấy hai đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Tiền Phong và VOV lả người vì say sóng, ăn không được nằm vật vã trên giường, Đường - Kiểm ngư viên - lấy hai phong lương khô đưa cho hai người. Thế nhưng, vài giờ đồng hồ sau, cả hai đồng nghiệp của chúng tôi vẫn không thể ăn được lương khô vì... không đủ sức để bóc phong bao.
Vây ráp... chào nhau
9 giờ 15 ngày 11/5, chúng tôi đến tọa độ X, nơi tập kết quân, cách giàn khoan Hải Dương-981 chừng 10 hải lý. Ngay tức khắc, "chào" tàu chúng tôi là một nhóm 11 tàu các loại của Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh, tàu hàng, tàu dịch vụ,... vây quanh, áp sát trong nhiều giờ đồng hồ liên tiếp. Trên đầu, nhiều chiến đấu cơ và máy bay do thám của Trung Quốc quần thảo. Biên đội tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ tại vị trí mặc cho những hành động gây hấn vây quanh. Anh em chúng tôi, những "nhà báo đất liền" lần đầu tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió, dù đang lả người nhưng đều bật dậy để tác nghiệp. Quay phim, chụp ảnh trong cái lắc lư, chao đảo của tàu. Đến đầu giờ chiều, thêm một lần nữa, hàng chục tàu các loại của Trung Quốc vây ráp các tàu Kiểm ngư trong biên đội chúng tôi với những hành động tương tự.
Biên đội trưởng Biên đội Kiểm ngư Việt Nam vùng 4, Vũ Đức Tạo, người có mặt tại đây từ ngày 3-5, nửa đùa nửa thật trấn an: "Mỗi lần có tàu mới xuất hiện là hàng chục tàu các loại của Trung Quốc và cả máy bay vây đến để... chào nhau. Dần dần, các anh sẽ quen cả thôi".
Trước lúc chia nhóm để tác nghiệp, ông Phan Đình Cát, phụ trách Kiểm ngư Việt Nam vùng 4, tâm sự: "Khi các anh trên bờ, các anh là nhà báo, còn khi đã bước lên tàu ra đây thì các anh là phóng viên chiến trường, là chiến sĩ. Chúng ta cùng đấu tranh để thấy sự hung hăng của tàu Trung Quốc khi đâm va, dùng vòi rồng tấn công tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam".
Chiều 11/5, nhóm phóng viên chúng tôi được chia ra 5 mũi để tác nghiệp. Mỗi lượt tàu đến đón, anh em chúng tôi lại bịn rịn chia tay nhau. Không ai nói với ai lời nào, chỉ để những cặp mắt nói chuyện với nhau. Trong bão, lũ dữ dội miền Trung, anh em chúng tôi cùng nhau lao vào tâm bão, chạy về rốn lũ đầy hiểm nguy đã trở nên quá đỗi bình thường, nhưng lần này, anh em chia nhau tác nghiệp giữa Hoàng Sa, dù không ai nói ra nhưng ai cũng lo lắng. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên chúng tôi tác nghiệp giữa trùng khơi, nơi rập rình của hàng trăm tàu các loại và cả máy bay quần thảo trên đầu đe dọa, uy hiếp tinh thần với những ngón đòn đầy nham hiểm, chưa biết sống chết thế nào.
Với chúng tôi, đây là cuộc tác nghiệp giữa vùng chiến sự, giữa chốn mà địch có thể dùng vòi rồng, dùng tàu đâm va bất cứ lúc nào.
Theo Khampha
Nhật kí Hoàng Sa: Tổ quốc trên những con tàu Sau mỗi đợt chạm trán với tàu Trung Quốc, các thuyền viên tàu Kiểm ngư HP 926 lại trèo lên boong thượng để chỉnh sửa lại lá cờ Tổ quốc bị gió giật, vòi rồng Trung Quốc phun cuộn tròn. Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy bảo, trên tàu cái gì có thể hư hỏng, nhàu cũ, riêng lá cờ phải phẳng phiu trước...