Nhật cân nhắc cùng Mỹ tuần tra Biển Đông
Trong bài viết của tờ Wall Street Journal (Mỹ), những lo ngại về tình trạng tăng cường quân sự của Trung Quốc đang buộc Tokyo phải đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Việc tham gia tuần tra chung trên Biển Đông cùng Mỹ đang được Nhật Bản cân nhắc.
Giới quân sự của Nhật Bản sẽ xem xét việc gia nhập lực lượng tuần tra thường xuyên Mỹ tại Biển Đông, theo đô đốc Katsutoshi Kawano, tổng tham mưu trưởng của lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho hay.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông tuyên bố động thái xây dựng đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc đã tạo ra “mối lo ngại tiềm ẩn rất nghiêm trọng” đối với Nhật Bản, một quốc gia thương mại dựa trên các tuyến đường biển chạy qua khu vực này.
Đô đốc Kawano nói: “Tất nhiên, khu vực này là vô cùng quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản. Hiện chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch nào để tiến hành giám sát tại Biển Đông nhưng tôi nghĩ rằng có khả năng Nhật sẽ làm như vậy tùy thuộc vào tình hình.”
Binh sĩ Mỹ tham gia tập huấn tại đảo Palawan, Philippines
Ông không đề cập rõ các hành động cụ thể của Trung Quốc khiến cho Nhật Bản phải tiến hành tuần tra cũng như về các hoạt động bên ngoài biên giới có khả năng gia tăng mối lo ngại ở trong nước của quân đội Nhật Bản.
Tuy nhiên, sự tham gia của Nhật Bản sẽ là một động thái đáng mừng cho Mỹ, một quốc gia luôn cần sự giúp đỡ từ các đồng minh để gìn giữ hòa bình trong khu vực. Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo hồi đầu tháng này: “Tôi xem Biển Đông là vùng biển quốc tế chứ không phải là lãnh thổ của bất kỳ nước nào, và vì vậy chúng tôi hoan nghênh Nhật Bản tiến hành các hoạt động trên biển nếu Nhật Bản cảm thấy phù hợp”.
Trong tuần này, lực lượng hải quân Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Philippines xung quanh đảo Palawan cách quần đảo Trường Sa vài trăm cây số. Trong cuộc diễn tập, nước này đã điều động máy bay do thám P-3C mà theo Đô đốc Kawano miêu tả “có khả năng tốt trong việc phát hiện tàu ngầm và các đối tượng khác dưới biển.”
Video đang HOT
Đô đốc Nhật Bản Katsutoshi Kawano
Mỹ đã cam kết gửi máy bay và tàu hải quân đến Biển Đông để thách thức yêu sách của Trung Quốc. Úc cũng đã tiến hành tuần tra quân sự.
Đô đốc Kawano lên nắm quyền lãnh đạo tối cao quân đội Nhật Bản vào cuối năm ngoái trong khi Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách giảm bớt các hạn chế kéo dài nhiều thập niên tự đặt ra đối với lực lượng phòng vệ của quốc gia. “Như chúng tôi đã thấy trong trường hợp của Trung Quốc trên Biển Đông, họ đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện hải quân của mình và chi tiêu quốc phòng của họ vẫn đang phát triển. Chúng tôi rất quan ngại về các hành động của Trung Quốc do họ thiếu minh bạch” Đô đốc Kawano cho hay. Khi được hỏi về ý kiến của Đô đốc Kawano, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các hoạt động xây dựng của nước này tại quần đảo Trường Sa “hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Vị phát ngôn cho biết các nước bên ngoài khu vực không nên cố gắng làm tăng căng thẳng bằng can thiệp quân sự “do chỉ làm tình hình thêm bất lợi mà thôi”. Trong tháng tư, Nhật Bản và Mỹ sửa đổi các nguyên tắc hợp tác quốc phòng lần đầu tiên trong 18 năm, cho phép Nhật Bản đóng góp nhiều hơn để gìn giữ hòa bình ở châu Á. Ông Abe hiện tại phải thông qua một loạt các đạo luật để thay đổi luật pháp quản thúc nền quân sự hòa bình trong nước, một thách thức không nhỏ cho các nhà lập pháp.
Tri Thông
Theo_PLO
Dong thuyền ra khơi, lặn biển ở Tapik
Tapik có mọi thứ để lấp đầy cuộc sống. Nắng vàng, biển xanh, cát trắng, hàng dừa nghiêng nghiêng, những người hàng xóm thân thiện vẫy tay chào đón, và hải sản tươi ngon.
Nơi nói "không" với công nghệ hiện đại
Chuyến đi của tôi vận hành theo chu trình ngược. Chỉ khi đã cầm hai cặp vé đến Manila trong tay, tôi và bạn đồng hành mới bắt đầu tìm kiếm một điểm đến ở Philippines. Boracay là phương án được bạn tôi đề xuất, cũng là chốn được phần đông khách du lịch lựa chọn.
Cái suy nghĩ sẽ có một album ảnh từa tựa như những album của người khác khiến tôi quyết định "mình phải đi một chỗ mới!". Ở đất nước có đến 7.107 hòn đảo này, phải có một chốn nào đẹp và độc chứ! Và Tapik chính là đích đến được tôi cho vào tầm ngắm sau cả một "hành trình" tìm kiếm trên bản đồ đảo Palawan, hòn đảo rộng lớn nhất quốc gia này.
Để đến được bãi biển Tapik, chúng tôi đi máy bay từ Manila đến thành phố thủ phủ Puerto Princesa, sau đó ngồi xe du lịch thêm 6 tiếng đến làng El Nido, từ đó còn phải bắt thêm một chuyến xe chừng 2 tiếng đồng hồ vòng vèo đường núi nữa. Vì biết xe sẽ đến El Nido lúc xẩm tối, chúng tôi quyết định ngủ lại làng một đêm thay vì đi thẳng đến Tapik.Tuy mất thêm thời gian, bù lại chúng tôi sẽ được ngắm ráng chiều trên bãi biển Corong Corong - "nơi đẹp nhất để ngắm hoàng hôn ở Palawan", theo cẩm nang Petit Futé. Tôi còn được dạo thăm buổi họp chợ sáng thứ 7 và trải qua đêm "tập huấn" ngủ trong nhà tranh...
Có 3 phương án di chuyển từ El Nido đến Tapik. Thuê xe máy tự lái, liên hệ nhà nghỉ để được đón bằng xe riêng và bắt xe Jeepney cùng người dân địa phương. Tôi chọn phương án cuối cùng, cũng là phương án tiết kiệm nhất - đồng nghĩa với trải nghiệm ngồi lên một cuốc xe chất gà chất vịt, thậm chí đầy thanh niên địa phương chênh vênh trên nóc. Quãng đường từ El Nido đến ngôi làng Sibaltan (ngay cạnh bãi biển Tapik) chỉ chừng 35 km. Nhưng vì đường sá còn nhiều chỗ chưa được rải nhựa, lại thêm việc dừng xe đón, trả khách liên tục, xe chạy đến 2 giờ mới tới.
Ngồi với người bản xứ, được nghe họ kể về cuộc hành trình hàng trăm km đưa con đi khám bệnh, được nhìn ngắm những vận chuyển lên xuống từ trên nóc xe, được hỏi han về cuộc sống của người dân làng, được kể về chính mình với những người hàng xóm, thấy họ cởi lòng với mình, thấy mình gần gũi với cuộc sống nơi này như thể đây là một chuyến về làng của người con viễn xứ. Tôi bắt chuyện với một người phụ nữ đã từng rời quê hương đi làm giúp việc ở Ả Rập Saudi trong suốt 6 năm trời, hỏi tại sao chị trở về khi ai cũng ước mơ ra đi lập nghiệp. Chị đáp: "Tôi đã lo được cho những người em của mình, đã xong nhiệm vụ nên quyết định quay về".
Xe tới làng Sibaltan, Randy, quản lý khu nghỉ dưỡng Tapik Beach, đã ở đó chờ sẵn. Sau khi cùng nhau đi bộ khoảng 800 m dưới những rặng dừa xanh, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Tapik Beach Park Guesthouse. Tuy nơi này chỉ mới chính thức mở cửa đón khách từ cuối năm 2013, chúng tôi không phải là người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến. Trước đấy một tháng, một cô gái người Sài Gòn đã tiếm mất "danh hiệu" này!
Tapik nguyên sơ, không dấu chân người
Vì Tapik nằm ở hướng đông, trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến đây là ngắm cảnh mặt trời mọc. Chưa hết, mỗi đêm Randy còn hào phóng đãi khách một đống lửa trại bên bờ biển để chờ đón trăng lên. Giữa những cuộc chuyện trò bằng nhiều thứ tiếng, những nhỏ to với người bạn đồng hành, mùi thơm của món ngon trong bếp, hương thanh thanh của những vị rượu quen quen, thấy những giấc mơ tuổi trẻ chơi vơi giữa trời, trong đó có ước mơ được ngắm trăng trên một bãi biển vắng người, như ở đây, giờ này. Ô hay, giữa cái nơi heo hút này, có một ước mơ của mình đã được thắp sáng!
Theo tờ rơi du lịch của chính phủ Philippines, đây là đất nước mà bất cứ người dân nào cũng chỉ cách biển khoảng 2 giờ di chuyển, và cuộc sống dưới nước cũng muôn màu như trên cạn. Vì lẽ này, đã tới Philippines, ai cũng phải đi lặn biển và dong thuyền ra khơi. Tapik Beach Park Guesthouse đề xuất một tour dạo biển kéo dài từ 10h tới 16h với giá 1.200 peso, trải qua 4 địa điểm là Binulbulon, Malabuso, Maosouon và Mazonon.
Ở hai nơi đầu tiên, chúng tôi được thỏa sức lặn ngắm san hô giữa dòng nước trong veo thấy đáy. Chưa bao giờ những chú rùa biển, những con cá đủ màu và thậm chí là cả những chú tiểu cá mập (baby shark) lại lượn lờ ở một cự ly gần đến thế. Sau đó, Randy bí mật hướng thuyền về một hòn đảo mà bãi cát chưa hề in dấu chân ai qua (ít nhất là vào ngày hôm đó). Quá khó để có thể tả lại khung cảnh thần tiên ấy. Đối với bạn đồng hành đến từ Hà Nội của tôi, đây thực sự là lần đầu tiên cô được bước trên một bãi biển không người.
Đã lỡ so nơi này với thiên đường, càng không thể bỏ qua khoản "yến tiệc". Đêm đầu tiên tới Tapik, Randy đề xuất món cua hấp cùng nước sốt sữa dừa. Phần mỗi người là hai con cua to cỡ hai bàn tay người chụm lại, giá rẻ đến bất ngờ, chỉ khoảng 200.000 đồng. Ở Philippines, phổ biến nhất có món adobo, thường được làm từ thịt gà hoặc thịt lợn, ướp tẩm với tỏi và nướng tương trong nhiều giờ liền, trước khi được hầm với giấm, lá nguyệt quế, muối và hạt tiêu đen. Món Tapik adobo rice lại được biến tấu thêm vào ít sữa dừa bùi bùi, thơm ngậy.
Trong suốt thời gian ở lại đây, tôi bị mê hoặc bởi tất cả những món có chữ "sweet" đi liền đằng trước. Từ "tôm ngọt" tới "mực ngọt", cứ gọi ra là sẽ có một suất cơm ăn kèm với món hải sản ngọt ngọt, mặn, thơm mùi hành. Thỉnh thoảng lại nghe ra một vị chua mỏng, có lẽ của kalamansi, loại chanh nhỏ vẫn thường góp vị trong các món ngon xứ này. Để giải nhiệt, một trái dừa non (buko) thu hoạch trực tiếp từ mấy rặng dừa ngoài biển là lựa chọn số một. Thỉnh thoảng giữa hè phố Manila, bạn sẽ bắt gặp cảnh những người đi làm uống buko sớm, bất chấp bao nhiêu ánh nhìn kỳ lạ của những người khách du lịch nước ngoài, trong đó có tôi.
Chỉ có một Bo-Bog trên đời!
Từ Tapik, phóng tầm nhìn ra xa sẽ thấy một đảo hoang, gọi là Bo-Bog. Trên hòn đảo nhỏ xíu và biệt lập này chỉ còn trơ lại một khung tường cũ, trước vốn là căn nhà làm nơi canh gác. Vì hoang sơ lại nằm chơ vơ giữa biển nên ai đến tắm cũng sẽ có cảm giác mình như chúa đảo vậy. Cùng với anh chàng phục vụ tại nhà nghỉ, chúng tôi chèo thuyền kayak ra đến đây vào đúng lúc giữa trưa. Trời xanh, biển xanh điệp vào nhau tạo thành một khung cảnh an yên hiếm có.
Gần tới lúc rời đi, anh chàng hỏi tôi vậy là đã hết kỳ nghỉ rồi sao, vừa hỏi han vừa tỏ ra tiếc nuối. Đáp lại, tôi mở cho anh chàng xem video quay cảnh đường phố Đà Nẵng (bụng bảo dạ, hẳn xem xong anh ta sẽ ồ lên khen thành phố cô đẹp quá, tôi ước mơ được tới đó quá). Vậy mà anh chàng chỉ nở một nụ cười khoái trá: "Ở chỗ đó làm gì có Bo-Bog đâu!". Vậy đấy, khi làng Sibaltan của anh ta có Internet chập chờn, điện chỉ xuất hiện từ 17h tới 22h, nước lâu lâu hỏng một vài tiếng, trò tiêu khiển mỗi chiều của đám trẻ con là dắt nhau ra cào nghêu, bắt ốc còn thanh niên có mỗi một sân bóng rổ và một bàn bida cũ mèm!
Thế đấy, trong mắt anh chàng, làng quê của anh vẫn là nhất, hoang đảo Bo-Bog còn tuyệt vời hơn cả thành phố đáng sống, triệu triệu người ngưỡng mộ và mơ được đến sống của tôi. Và mệnh danh "thiên đường Tapik" của tôi chính là vay mượn từ kiểu tư duy của anh chàng Philippines vui tính này. Cho đến khi tôi chưa tìm được một bãi biển nào xanh hơn, thức ăn ngon hơn, người dân tử tế hơn và cát mịn hơn, Tapik cứ tạm là thiên đường vậy.
Theo Zing
20 hình ảnh Philippines khiến bạn muốn đến đó ngay Philippines chỉ cách Việt Nam 3 giờ bay, là đất nước có những bãi biển xanh ngắt, những nhà thờ có kiến trúc tuyệt đẹp, và đặc biệt là con người rất thân thiện. Philippines có hơn 36.000 km đường bờ biển với những bãi biển đẹp hoàn hảo. Những lễ hội đầy màu sắc diễn ra quanh năm, ở khắp các thành...