Nhật Bản tìm ra công nghệ phát hiện virus SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn kỷ lục
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản và các tổ chức nghiên cứu khác vừa phát triển thành công công nghệ mới giúp phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong vòng chưa đầy 5 phút. Đây là phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho kết quả nhanh nhất trên thế giới tại thời điểm hiện nay.
Nhân viên y tế thực hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Viện nghiên cứu Riken cho biết bước đột phá trong công nghệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có được là nhờ sử dụng một phương pháp có tên gọi SATORI. Đây là phương pháp kết hợp giữa công nghệ vi mạch siêu nhỏ và CRISPR-Cas13, một phương pháp sử dụng để phát hiện các nucleic acid. Trong phương pháp này, các mẫu xét nghiệm được đưa vào trong hỗn hợp gồm thuốc thử và một enzyme đặc biệt. Nếu mẫu xét nghiệm đó chứa virus SARS-CoV-2, các phân tử riêng của chất có trong thuốc thử, bị enzyme được kích hoạt bởi chuỗi RNA của virus tách ra, sẽ phát sáng. Do ánh sáng phát ra từ các phân tử đó rất yếu nên hỗn hợp này được đặt vào một vi mạch có chứa 1 triệu ống xét nghiệm siêu nhỏ trên 1cm2 để cô lập từng phân tử và xác định các phân tử phát sáng.
Khác với phương pháp phản ứng chuỗi polymerase (PCR), phương pháp mới không cần phải lọc sạch và khuyến đại RNA của virus và do vậy, nó có thể xác định các phân tử phát sáng trong vòng chưa đầy 5 phút sau khi các mẫu xét nghiệm được trộn với thuốc thử có chứa enzyme đặc biệt.
Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp xét nghiệm mới đưa ra kết quả có độ chính xác gần tương đương với PCR – một phương pháp xét nghiệm đang được sử dụng phổ biến và cho kết quả trong khoảng 1 giờ. Mặc dù có tốc độ xét nghiệm siêu nhanh nhưng chi phí trên mỗi xét nghiệm theo phương pháp mới gần tương đương với phương pháp PCR.
Theo Viện Riken, công nghệ SATORI có thể sử dụng để chỉ thị sinh học trong các bệnh khác như ung thư.
Quốc hội Nhật Bản bắt đầu thảo luận về hiệp định RCEP
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 2/4, Quốc hội Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về việc có thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay không.
Công nhân Tập đoàn Nissan lắp đặt xe điện tại nhà máy Oppama ở Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Hiệp định RCEP được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác của khối gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định đã được các nước này ký kết vào tháng 11/2020. RCEP sẽ có hiệu lực sau khi có ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN cùng với 3 quốc gia đối tác phê chuẩn.
Sau khi hiệp định này có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 61% thuế đối với nông sản nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn sẽ giữ nguyên thuế đối với 5 nhóm hàng được cho là nhạy cảm về chính trị ở nước này, gồm gạo, lúa mỳ, các sản phẩm sữa, đường, thịt lợn và thịt bò.
Ở chiều ngược lại, các quốc gia khác sẽ cắt giảm 91,5% thuế đối với các hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản. Đáng chú ý, RCEP sẽ giúp loại bỏ thuế đối với các mặt hàng động cơ xe điện, linh kiện pin xe điện và các sản phẩm thép nhập khẩu từ Nhật Bản. Trong khi đó, mức độ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản sẽ ở các mức từ 81 - 88% tùy từng quốc gia.
Trong báo cáo công bố hồi cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản ước tính RCEP có thể sẽ giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng thêm khoảng 15.000 tỷ yen (tương đương khoảng 2,7%) so với GDP thực tế của tài khóa 2019 (kết thúc vào 31/3/2020), đồng thời tạo thêm khoảng 570.000 việc làm mới.
Điều này có nghĩa RCEP có tác động lớn hơn đối với tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế của nước này với Liên minh châu Âu (JEEPA). Ước tính CPTPP và JEEPA giúp GDP của Nhật Bản tăng tương ứng 1,5% và 1%. Theo một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, RCEP sẽ chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch thương mại của Nhật Bản, trong khi CPTPP và EJEPA chiếm tương ứng 15% và 12%.
OIC giảm số lượng quan chức tham dự Olympic Tokyo Ngày 27/3, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã quyết định giảm mạnh số lượng quan chức tham dự Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Nhân viên y tế thực hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Fujisawa, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Ban điều hành IOC đã...