Nhật Bản tiến tới công nghệ lượng tử dựa trên ánh sáng
Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản hôm 22.12 công bố bước quan trọng trong việc phát triển máy tính lượng tử sử dụng photon, hay còn gọi là các hạt ánh sáng.
Theo Nikkei, nhóm nghiên cứu bao gồm Nippon Telegraph and Telephone (NTT), Đại học Tokyo và Viện nghiên cứu Riken. Cả ba đã phát triển một nguồn “ánh sáng ép” (squeezed light) hiệu suất cao, được sử dụng để truyền thông tin trong máy tính lượng tử quang học. Mục tiêu cao nhất của nhóm là phát triển một máy tính lượng tử mạnh mẽ sử dụng công nghệ này vào năm 2030.
Nhóm nghiên cứu Nhật Bản bao gồm Nippon Telegraph và Telephone đã phát triển một nguồn “ánh sáng ép” hiệu suất cao, cần thiết cho tính toán lượng tử quang học
Nỗ lực trên đánh dấu bước tiến chủ chốt của Nhật Bản trong một lĩnh vực được cho là rất quan trọng đối với sự cạnh tranh của nhiều ngành công nghiệp trong những năm tới. Chính phủ nước này đã cấp vốn cho dự án như một phần của sáng kiến 200 tỉ yên (khoảng 1,76 tỉ USD). Lĩnh vực khoa học lượng tử phần lớn do Mỹ thống trị, nhờ vào những gã khổng lồ công nghệ như Google và IBM. Trung Quốc hiện cũng là một trong những quốc gia đi đầu.
Video đang HOT
Theo Giám đốc dự án Akira Furusawa, Giáo sư tại Trường Kỹ thuật Đại học Tokyo, nhóm nghiên cứu nhận thấy tiềm năng cải thiện hiệu suất đáng kể so với các công nghệ cạnh tranh khác. Máy tính quang học có thể chạy ở nhiệt độ phòng mà không cần thiết bị làm mát đắt tiền, vốn rất cần thiết cho các máy tính lượng tử khác sử dụng chất siêu dẫn. NTT, công ty cung cấp dịch vụ internet cáp quang tại Nhật Bản, hiện tiếp tục nghiên cứu công nghệ quang học, đã tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của mình trong lĩnh vực này cho dự án.
Máy tính lượng tử có thể xử lý các phép tính mà hệ thống thông thường không làm được. Năm 2019, Google tuyên bố đã đạt được “quyền tối cao lượng tử” khi hoàn thành chỉ trong hơn ba phút một nhiệm vụ mà siêu máy tính cổ điển tốt nhất sẽ phải cần tới 10.000 năm. Các công ty và tổ chức nghiên cứu trên khắp thế giới cũng tham gia cuộc đua lượng tử. Google và IBM đang làm việc với các máy tính lượng tử siêu dẫn, sử dụng vật liệu không có điện trở ở nhiệt độ cực thấp. Tại Nhật Bản, Riken và Fujitsu cũng đang thực hiện con đường đó. Tháng trước, IBM công bố sự phát triển của một bộ xử lý với 127 bit lượng tử hay còn gọi là qubit, nhiều hơn so với hệ thống 53 qubit mà Google từng dựa vào để khẳng định vị thế tối cao về lượng tử.
Tuy nhiên, có một số rào cản nhất định trong lĩnh vực máy tính lượng tử. Ví dụ, hệ thống dây điện gây khó khăn cho việc cải thiện hiệu suất của các hệ thống siêu dẫn, và những người chơi khác đang theo đuổi các khả năng thay thế. Hitachi đang làm việc trên một máy tính lượng tử dựa trên silicon, được xem như con đường đầy hứa hẹn cho các hệ thống quy mô lớn trong tương lai. Trong khi đó, IonQ có trụ sở tại Mỹ sử dụng các ion bị mắc kẹt trong buồng chân không.
Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm. Giá trị của hệ thống quang học bao gồm tiềm năng về khả năng mở rộng và giảm mức sử dụng điện. Năm ngoái, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết đã đạt được ưu thế lượng tử với một máy tính dựa trên ánh sáng.
Tập đoàn tư vấn Boston ước tính điện toán lượng tử sẽ tạo ra giá trị 850 tỉ USD hằng năm vào năm 2040. Dù vẫn còn nhiều thách thức, chẳng hạn như xử lý các lỗi do tiếng ồn gây ra, nhưng những tiến bộ đang được thực hiện trên nhiều mặt có thể đẩy nhanh việc đưa công nghệ lượng tử vào sử dụng thực tế.
Vì sao Mỹ cố ngăn Trung Quốc phát triển công nghệ lượng tử?
Trong số các công ty Trung Quốc bị chính quyền Mỹ cấm tiếp cận công nghệ, có 2 công ty và 1 trường đại học đã góp phần tạo ra siêu máy tính lượng tử nhanh nhất thế giới hiện tại, với tốc độ tính toán vượt qua bộ xử lý Sycamore của Google.
Financial Times đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ vừa thêm 27 công ty công nghệ vào danh sách đen xuất khẩu, trong đó phần lớn là công ty Trung Quốc, Pakistan và hai doanh nghiệp có liên quan ở Nhật Bản, Singapore. Các công ty này hoạt động trong ngành điện toán lượng tử, bán dẫn và hàng không vũ trụ.
Tháng trước, các quan chức tình báo lo ngại an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng trước việc Trung Quốc đang nỗ lực tiếp cận công nghệ điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ.
Trong số 12 công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách thực thể, có QuantumCTek và công ty con Shanghai QuantumCTek, cùng với Phòng thí nghiệm Khoa học vật lý vi mô Hợp Phì là chuyên về điện toán lượng tử.
Theo Tân Hoa xã, QuantumCTek là doanh nghiệp Trung Quốc đã góp phần đưa công nghệ lượng tử vào nhiều phương diện trong thực tế, đơn cử là thẻ siêu SIM giúp người dùng smartphone Trung Quốc có thể thực hiện những cuộc gọi được bảo vệ bằng mã hóa lượng tử. Không giống như phương pháp mã hóa truyền thống chỉ dựa vào các thuật toán, mã hóa lượng tử dựa trên các định luật vật lý lượng tử, có tính bảo mật cực kỳ cao. Công ty cũng hỗ trợ phóng thành công vệ tinh lượng tử Mozi của Trung Quốc.
Sina News đưa tin, QuantumCTek đã ký thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc của nhà nước để nghiên cứu và phát triển công nghệ truyền thông mã hóa lượng tử thương mại, hướng tới việc tích hợp lượng tử với 5G, dữ liệu lớn (big data) và công nghệ đám mây.
Theo Thời báo Hoàn cầu, Phòng thí nghiệm Khoa học vật lý vi mô Hợp Phì thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC). Đầu năm nay, USTC hợp tác với Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS), sử dụng công nghệ do QuantumCTek cung cấp để tạo ra hệ thống máy tính lượng tử Zuchongzhi 2.1 đạt tốc độ xử lý 66 qubit.
Họ khẳng định Zuchongzhi 2.1 nhanh hơn 10 triệu lần so với siêu máy nhanh nhất thế giới hiện tại, khả năng tính toán cao hơn 1 triệu lần bộ xử lý Sycamore của Google. Tên của hệ thống được đặt theo tên nhà toán học Tổ Xung Chi của Trung Quốc, sống vào thế kỷ thứ 5.
Song song đó, nhóm nghiên cứu cũng đã chế tạo nguyên mẫu máy tính lượng tử Jiuzhang 2.0 với 113 photon, có khả năng thực hiện phép tính lượng tử lấy mẫu boson Gaussian quy mô lớn (GBS) nhanh hơn 1 triệu tỉ lần so với các siêu máy tính hiện có.
Thời báo Hoàn cầu ca ngợi những thành tựu kể trên là chiến thắng kép của Trung Quốc trong cuộc đua với Mỹ. Có lẽ đây là lý do khiến chính quyền Mỹ phải nhanh chóng kìm hãm quá trình phát triển công nghệ lượng tử của Trung Quốc trước khi bị vượt mặt hoàn toàn.
Kỷ nguyên công nghệ tiếp theo là gì? Sau PC, Internet và smartphone, thế giới có thể sẽ trải qua một kỷ nguyên công nghệ mới với vũ trụ ảo (metaverse), blockchain và điện toán lượng tử. Một trong những thách thức khi dự đoán về công nghệ là làm thế nào để thoát khỏi cái mà nhà xã hội học Michael Mann gọi là "xã hội học của năm phút...