Nhật Bản – Nhà vô địch của drama Châu Á
Hàn Quốc, Trung Quốc dù có nhiều drama danh giá nhưng cũng không thể nào mạnh bằng drama Nhật. Cùng SushiF tìm hiểu thêm các thông tin cực “độc” về ông trùm drama châu Á này nhé.
Nói về phim truyền hình, đất nước Nhật Bản là quốc gia khá đặc biệt khi phim truyền hình không phải chỉ có một thể loại duy nhất. Có rất nhiều những cái tên khác nhau để định nghĩa một bộ phim được chiếu với thường lượng, khung giờ chiếu và nội dung hoàn toàn khác nhau như Renzoku, Taiga, Tanpatsu, Asadora… Nhưng dù có là thuộc thể loại phim nào đi chăng nữa, phim truyền hình Nhật Bản luôn được công chiếu trong những khoảng thời gian nhất định mà người ta gọi là “mùa phim”.
Không giống như ở Việt Nam, một năm của người dân xứ sở hoa anh đào được bắt đầu bằng một mùa đông (tháng 1 đến tháng 3), kế đến là mùa xuân (tháng 4 đến tháng 6), mùa hè (tháng 7 đến tháng 9) và mùa thu – mùa rụng lá (Fall). Cũng bởi thế, mùa đến trường của các bạn teen Nhật và cả mùa chiếu phim của đất nước này cũng tuân theo nhịp sống ấy. Và bạn có thắc mắc vì sao SushiF lại nhắc đến lịch đi học của các bạn teen Nhật không?
Sensei wa Erai! – Câu chuyện đến trường trong mùa anh đào hồng phai sắc trời.
Bởi vì mùa chiếu phim của Nhật trùng khớp với việc cắp sách đến trường của chính các bạn teen xứ hoa anh đào đấy. Năm học của teen Nhật bắt đầu vào khoảng tháng 4 và kết thúc vào tháng 3 của năm sau đó. Mùa tốt nghiệp và mùa tựu trường của teen Nhật lúc nào cũng rực sắc hồng phai của hoa anh đào. Đương nhiên, như đã nói ở trên, một năm của phim truyền hình Nhật Bản cũng giống hệt như thế.
Yamato Nadeshiko Shichi Henge -
phim Renzoku được hâm mộ nhất mùa chiếu vừa qua.
Do sự thay đổi cơ chế truyền hình đi theo quỹ đạo ba tháng, các bộ phim trên màn ảnh nhỏ Nhật Bản thường chỉ được công chiếu trong trọn vẹn một mùa nào đó. Đấy là câu chuyện của những bộ phim truyền hình mà người Nhật gọi tên là Renzoku và Tanpatsu.
Video đang HOT
Shinzanmono là phim Renzoku hiện đang giữ kỉ lục rating
cho mùa chiếu Xuân hiện tại với tập 1 đạt 21%.
Renzoku là đại diện đặc trưng nhất cho tính “mùa chiếu” của phim Nhật khi nó được phát sóng thường là trọn vẹn trong 3 tháng liên tiếp vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm. Với số lượng một tập (thường là 46-57 phút) một tuần, độ dài thường thấy của Renzoku là từ 8 đến 12 tập. Và để bù lấp cho khoảng thời gian thừa cho những bộ phim không công chiếu hết cả 3 tháng mùa phim, các phim Tanpatsu với số tập dưới con số ba và thường có độ dài của một phim nhựa chính là “kẻ lấp chỗ trống”.
Myu no Anyo Papa ni Ageru (Myu will Give Daddy Her Legs) đạt rating 25.6%.
Bộ phim tanpatsu này nằm trong top 5 phim có rating cao nhất năm 2008
Hidarime Tantei EYE (Left-Eye Detective EYE) là điển hình cho
một bộ phim được dựng thành renzoku sau khi tanpatsu được công chiếu.
Giờ chiếu phim 8h tối Chủ Nhật hàng tuần thì lại là độc nhất dành riêng cho thể loại phim taiga của đài truyền hình trung ương Nhật Bản NHK. Taiga sẽ kéo dài trong suốt cả năm với độ dài tập từ 45 đến 50 và chỉ về một đề tài duy nhất: phim lịch sử. Trong khi đó, Asadora hay phim 15 phút buổi sáng thì lại được chiếu hàng ngày nên số lượng tập có thể lên tới hơn trăm tập, trong khoảng thời gian có thể là 6 tháng. Asadora thường hay hướng tới đề tài phim liên quan đến những nét văn hóa rất Nhật Bản.
Atsu-hime là bộ phim taiga thứ 47 của đài NHK.
Bộ phim đang giữ kỉ lục cho vai chính trẻ nhất trong lịch sử taiga: Miyazaki Aoi.
Ryoma den – Phim taiga thứ 49 của đài NHK hiện đang công chiếu.
Hai dòng phim Taiga và Asadora chính là những thể loại phim Nhật mà khán giả Việt đã từng có dịp làm quen và vô cùng yêu thích với những cái tên đã quá quen thuộc: Oshin, Asuka, Agri (Aguri), Kokoro. Những bộ phim kể trên được công chiếu ngoài Nhật Bản nhờ có sự bảo trợ của Đại Sứ Quán trong khi Renzoku thì gần như chỉ được công chiếu trong nước bởi nó nổi tiếng nhờ các đài khác như Fuji TV, TBS, Asahi TV, NTV… Và quan trọng hơn cả, bản quyền của một bộ phim truyền hình Nhật thuộc về tất cả ê kíp làm phim, bao gồm toàn bộ các diễn viên tham gia diễn xuất.
Agri, Asuka, Kokoro là những bộ phim
đã từng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả Việt Nam.
Oshin là bộ phim kinh điển của dòng phim Asadora
và từ “Oshin” đã trở thành một danh từ của người Việt.
Oshin thậm chí còn được chiếu trên TV… Iraq.
Cho dù rằng taiga mới là bộ phim thường dành được rating cao nhất trong tuần và được chú trọng vô cùng, Renzoku mới là thể loại phim truyền hình nổi tiếng nhất đưa tên tuổi J-Drama đến tới thế giới. Nó nổi tiếng đến mức mà trang wiki lớn nhất về phim ảnh châu Á là d-addicts luôn cập nhật thông tin về các bộ phim truyền hình Nhật Bản trước cả khi nó công chiếu. Và ngay lập tức ở thời điểm đó, đã có rất nhiều các nhóm fansub (nhóm làm phụ đề phim cho fan và vì fan) thông báo sẽ làm phụ đề cho những phim mới chỉ biết tên diễn viên.
Hana Yori Dango (Boys Over Flowers) -
Bộ phim chuyển thể thành công nhất mọi thời đại.
Số lượng nhóm fansub quốc tế chuyên làm phim Nhật trải khắp các châu lục với đủ các thứ tiếng từ Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc… và đương nhiên cả tiếng Việt. Chỉ nói riêng ở Việt Nam, số lượng các nhóm fansub có tổ chức đã vượt lên trên con số 10 từ rất lâu và với số lượng phim hoàn thành lên đến xấp xỉ 200 bộ (những con số này là cao hơn hẳn so với những fansub về phim Hàn Quốc ở Việt Nam). Trên phạm vi thế giới, những con số đông đảo về đội ngũ làm fansub, số lượng phim có sub, số ngôn ngữ drama Nhật được làm phụ đề đã chứng minh danh tiếng của drama Nhật tỏ ra nổi trội hơn so với các drama của Hàn hay Trung.
Hana Kimi mở màn cho trào lưu phim về những cô nàng giả nam.
Renzoku được coi là đại diện cho phim truyền hình Nhật Bản. Nó bùng nổ trên thế giới có thể nói là dựa vào ba yếu tố quan trọng nhất. Thứ nhất phải kể đến câu chuyện chuyển thể từ manga – một thứ đã quá là nổi tiếng gắn liền với xứ sở Phù Tang. Việc hiện thực hóa một câu chuyện nổi tiếng trên trang giấy đương nhiên thu về cả một lực lượng fan vô cùng hùng hậu mà những cái tên như Hana Yori Dango, Hana Kimi, Gokusen hay Nodame Cantabile là minh chứng vô cùng điển hình.
Nodame Cantabile – bộ phim siêu hài nhưng cũng siêu “hàn lâm”
với kiến thức âm nhạc cổ điển khổng lồ.
Thứ nhì, Renzoku là tập hợp của sự phong phú vô cùng trong đề tài phim. Không chỉ là những đề tài quen thuộc như là trinh thám, y học, tình cảm lãng mạn, học đường… phim Nhật Bản còn rất chú trọng tạo nên những bộ phim về một nghề nghiệp cụ thể nào đó như là lính cứu hỏa (Rescue), nhà thẩm định rượu (Kami no Shizuku), bảo vệ sân bay (Romes) hay nổi tiếng như Nữ tiếp viên hàng không.
Steward Monogatari (Nữ tiếp viên hàng không) đã đi vào đời sống người Việt
với câu nói động viên quen thuộc “Cố lên Chiaki!”.
Thứ ba, đất nước Nhật Bản tập trung vô cùng nhiều những diễn viên kiệt xuất mà diễn xuất của họ trong phim dù chỉ là vai phụ cũng khiến khán giả coi phim phải ngỡ ngàng. Đó là chưa kể đến câu chuyện những diễn viên trong phim thực chất lại là một ca sĩ trong những boygroup hàng đầu Nhật Bản như Kimura Takuya (SMAP), Matsumoto Jun (Arashi), Kamenashi Kazuya (KAT-TUN)…
Rescue – câu chuyện bất ngờ về những người lính cứu hỏa.
Sự cạnh tranh khốc liệt của các đài truyền hình Nhật Bản với thể loại Renzoku và việc nó tập trung đông đảo các ngôi sao trẻ tham gia diễn xuất đã tạo nên sự sôi động cho thể loại phim này. Đó là lí do vì sao phần lớn các giải thưởng phim truyền hình Nhật Bản đều là dành cho thể loại Renzoku. Các giải thường Hàn Lâm hay do bình chọn của các tạp chí danh tiếng như Sankei Sports hay TV Navi cũng được đi theo mùa chiếu giống hệt như mùa phim và kèm theo đó là một tổng kết cuối năm thường công bố vào tháng 5 cho cả năm phim trước đó.
Ông hoàng truyền hình Kimura Takuya một thời trẻ nhắng nhít.
Một năm chiếu phim của Nhật Bản vừa kết thúc và những công bố giải thưởng về mùa chiếu Đông 2010 đã được bật mí trong khi giải thưởng của toàn năm vẫn còn đang nằm trong vòng bí mật. SushiF sẽ mang đến cho bạn câu chuyện về những nhà vô địch của năm trong thời gian tới.
Theo PLXH