Nhật Bản: Không phát hiện bất thường trong mẫu cá sau khi xả nước thải hạt nhân
Ngày 26/8, Chính phủ Nhật Bản cho biết không phát hiện tritium trong các mẫu cá đầu tiên đánh bắt tại vùng biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi đã bắt đầu tiến hành quá trình xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ ra biển.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản ngày 24/8/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Hoạt động xả nước thải được tiến hành từ ngày 24/8. Ngư dân địa phương và một số nước láng giềng lo ngại về các tác động đối với môi trường dù Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định tiến trình này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu.
Cơ quan Thủy sản Nhật Bản cho biết các mẫu cá đầu tiên, cá bơn và cá bơn ô liu, đã được đánh bắt ngày 25/8 trong bán kính 5km từ cổng xả thải của nhà máy Fukushima, và không phát hiện tritium trong các mẫu cá này. Cơ quan trên cho biết sẽ tiếp tục lấy mẫu cá hằng ngày để phân tích và cập nhật kết quả sau 1 tháng.
Video đang HOT
Bộ Môi trường cũng đã thu thập các mẫu nước trong bán kính 50km tính từ nhà máy và sẽ thông báo kết quả vào ngày 27/8.
Trước đó, ngày 25/8, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, cũng khẳng định không phát hiện tritium trong các mẫu nước biển thu được từ khu vực xả nước thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima. TEPCO cho biết sẽ duy trì việc lấy mẫu và phân tích nước biển hằng ngày trong vòng 1 tháng, đồng thời đảm bảo công khai minh bạch các kết quả phân tích.
Nhà chức trách Nhật Bản và TEPCO đang giám sát nồng độ tritium trong nước biển tại hơn 100 điểm ngoài khơi các tỉnh Fukushima, Miyagi và Ibaraki.
Trước đó một ngày, IAEA cho biết nồng độ tritium trong nước thải được xả ra Thái Bình Dương từ nhà máy Fukushima thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima. TEPCO phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng. Lượng nước thải đã trải qua một quá trình xử lý và loại bỏ hầu hết các loại phóng xạ hạt nhân, trừ chất tritium. Lượng tritium còn lại sau đó được pha loãng đến tỷ lệ 1/40, mức nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản, trước khi được thải ra Thái Bình Dương thông qua một đường ống ngầm dài 1km từ nhà máy. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản thông tin minh bạch về xả nước thải từ Fukushima
Theo hãng tin Yonhap, ngày 24/8, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo kêu gọi Nhật Bản thông tin minh bạch về hoạt động xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong vòng 30 năm tới.
Các bể chứa nước thải nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản cùng ngày bắt đầu tiến hành xả nước thải đợt đầu tiên ra Thái Bình Dương. Kế hoạch xả nước thải này dự kiến kéo dài hơn 3 thập kỷ.
Tuyên bố của Thủ tướng Han Duck Soo nêu rõ: "Chính phủ Hàn Quốc hy vọng và một lần nữa kêu gọi Chính phủ Nhật Bản công bố thông tin một cách minh bạch và có trách nhiệm về tiến trình xả nước thải".
Đề cập những quan ngại của công chúng về vấn đề an toàn, Thủ tướng Han Duck Soo cho rằng không cần "quá lo lắng" vì kế hoạch xả nước thải nếu được thực hiện đúng sẽ không gây tác hại đáng kể nào, như nhận định của các chuyên gia trên thế giới. Nhấn mạnh an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu, Thủ tướng Hàn Quốc tái khẳng định rằng hai nước đã nhất trí thiết lập "đường dây nóng" giữa các cơ quan ngoại giao và quản lý nhằm chia sẻ thông tin trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ.
Nhà máy Fukushima lưu trữ hơn 1,3 triệu tấn nước thải trong một hệ thống làm sạch mang tên ALPS kể từ khi 3 lò phản ứng hạt nhân tan chảy do thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Từ năm 2013, Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ 8 tỉnh của Nhật Bản gần nhà máy trên do lo ngại mức độ nhiễm phóng xạ. Thủ tướng Han Duck Soo khẳng định lệnh cấm này vẫn có hiệu lực cho đến khi những lo ngại của người dân được giải tỏa và việc giám sát phóng xạ trong hải sản nhập khẩu được tiến hành triệt để. Ông cũng chỉ trích các "thông tin giả mạo" và những hành vi xúi giục đe dọa ngành đánh bắt hải sản mà không có căn cứ khoa học, đồng thời kêu gọi người dân tin tưởng chính phủ và tin vào khoa học.
Cùng ngày, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 16 sinh viên đại học có ý định xâm nhập Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul nhằm phản đối việc Nhật Bản xả nước thải. Theo cảnh sát, những sinh viên nói trên đã tụ tập ở tầng thứ 8 của tòa nhà mà Đại sứ quán Nhật Bản đặt trụ sở, định đột nhập văn phòng đại sứ quán vào khoảng 13h00. Cảnh sát đã bắt giữ các sinh viên này với cáo buộc xâm phạm đại sứ quán và vi phạm luật biểu tình.
Trong khi đó, giới chức hải quan Trung Quốc ngày 24/8 thông báo nước này đã ngừng nhập khẩu tất cả hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình xả nước thải của Nhật Bản và điều chỉnh các biện pháp quản lý liên quan".
Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển Ngày 24/8, Nhật Bản đã bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển. Các bể chứa nước thải chưa qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 20/1/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Trong video phát trực tiếp từ phòng điều hành, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO)...