Nhật Bản gửi công hàm phản đối lập trường ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông
Nhật Bản là quốc gia mới nhất gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối lập trường về Biển Đông của Trung Quốc.
Công hàm này được gửi tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 19/1.
“Nhật Bản với tư cách là một thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ( UNCLOS) bác bỏ lập trường của Trung Quốc cho rằng việc nước này vẽ các đường cơ sở lãnh hải đối với các đảo và đá ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS cũng như luật pháp quốc tế”, công hàm của Nhật Bản khẳng định.
Khẳng định này từ phía Nhật Bản dùng để đáp trả các tuyên bố trước đó của Trung Quốc trong công hàm CML/63/2020 được Bắc Kinh gửi lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc. CML/63/2020 dùng để phản bác công hàm ngày 16/9 của Phái đoàn các nước Anh, Pháp và Đức liên quan đến Biển Đông.
Một phần trong công hàm của Nhật Bản. (Ảnh chụp màn hình)
Video đang HOT
Trong công hàm, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố UNCLOS không phải là tất cả. Công hàm của Trung Quốc không trả lời điểm 4 và 5 công hàm Pháp – Anh – Đức về quy chế các đảo và yêu sách quyền lịch sử. Công hàm của ba nước châu Âu trước đó khẳng định các hoạt động cải tạo đất hoặc bất kỳ hình thức chuyển đổi nhân tạo nào đều không thể thay đổi được các đặc tính của một thực thể biển theo UNCLOS.
Công hàm phái đoàn Trung Quốc chỉ nhắc lại chủ quyền lãnh thổ và các quyền trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không bị phương hại dưới bất kỳ hoàn cảnh nào do phán quyết bất hợp pháp về Biển Đông.
“Trung Quốc đề cập tới tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong công hàm CML63/2020. Tự do hàng hải và hàng không phải được đảm bảo trên biển và trên không, xung quanh và trên các thực thể biển không có lãnh hải và không phận được xác định là bãi cạn lúc chìm lúc nổi như được nêu trong phán quyết về Biển Đông ngày 12/7/2016. Đây là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc với các bên tranh chấp”, công hàm khẳng định.
Nhật Bản cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc không công nhận phán quyết Biển Đông năm 2016. Thay vào đó, nước này tiếp tục khẳng định “chủ quyền” trên biển và trên không đối với các thực thể nói trên.
Bất chấp đại dịch COVID-19, Trung Quốc trong năm qua vẫn tiếp tục leo thang hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, hàng loạt các quốc gia có động thái phản đổi mạnh mẽ nước này.
Cũng trong năm 2020, Philippines, Malaysia, Indonesia đồng loạt gửi công hàm ngoại giao lên Liên hợp quốc, phản đối yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, các nước có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ và Australia cũng gửi công hàm bác bỏ yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh.
Về phần mình, Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố gay gắt chỉ trích các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này như tập trận trái pháp, dựng trạm nghiên cứu Trường Sa….
Trao kiến nghị thư về Biển Đông tới quốc hội Đức
Các hội đoàn, chuyên gia người Việt tại Đức trao kiến nghị thư phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tới Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức.
Đại diện các hội đoàn và chuyên gia người Việt tại Đức hôm 15/1 tổ chức hội thảo trực tuyến với sự chủ trì của tiến sỹ Daniela De Ridder, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội kiêm Phó chủ tịch Ban phòng chống khủng hoảng dân sự, quản lý xung đột và kết nối thương mại quốc hội Đức.
Tại hội thảo, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thoại đến từ Đại học Trier đã thông qua bà Ridder gửi kiến nghị thư của các hội đoàn, chuyên gia người Việt đến quốc hội Đức, trong đó nêu rõ những hành động phi pháp của Trung Quốc đã gây bất ổn tình hình ở Biển Đông, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định khu vực.
Kiến nghị thư bày tỏ mong muốn quốc hội và chính phủ Đức quan tâm hơn nữa đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, có chính sách ngoại giao phù hợp nhằm ngăn chặn các hành động phi pháp của Bắc Kinh, bảo vệ hữu hiệu hòa bình và ổn định cho khu vực Biển Đông, bảo đảm sự lưu thông an toàn hàng hải trong khu vực.
Các đại biểu tham gia hội thảo hôm 15/1. Ảnh: Lê Cường .
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thoại bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông cũng như những hành động trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Ông kêu gọi chính phủ Đức và Liên minh châu Âu (EU) có những hành động cụ thể nhằm giảm căng thẳng, củng cố an ninh tại khu vực.
Bà Ridder cho biết quốc hội và chính phủ Đức rất quan tâm tới tình hình an ninh Biển Đông trong thời gian qua, thêm rằng bà đã nghe nhiều ý kiến của các nghị sĩ Đức về căng thẳng tại Biển Đông, nhưng rất muốn lắng nghe đánh giá, thông tin từ cộng đồng người Việt, đại diện các hội đoàn và chuyên gia người Việt tại Đức.
Sau khi được các luật sư, học giả người Việt tại Đức thông báo về tình hình, diễn biến phức tạp ở Biển Đông, bà Ridder khẳng định sẽ cùng thảo luận với các đồng nghiệp để đưa vấn đề này ra quốc hội Đức, liên quan đến cả hiệp định thương mại giữa EU và Trung Quốc.
Bà cũng mong muốn Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức và các hội đoàn, chuyên gia người Việt tại Đức có thể tiếp tục trao đổi thêm về vấn đề Biển Đông trong cuộc hội thảo vào tháng 4 năm nay.
Trung Quốc trong những năm qua ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép, đẩy mạnh hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối các hoạt động quân sự hóa làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực.
Indonesia lo ngại căng thẳng Biển Đông cản trở sự phục hồi Covid-19 Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Tổng thống Indonesia bày tỏ quan điểm về việc phục hồi sau đại dịch đồng thời cũng bày tỏ lo ngại căng thẳng Biển Đông sẽ cản trở sự phục hồi sau dịch Covid-19. Hôm nay (12/11), Tổng thống Indonesia đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan...