“Nhập học trước khi nhập trường”
Sáng tạo, hành động cùng với sự linh hoạt là chìa khoá vượt khó trong bối cảnh mới.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet về những giải pháp của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trước trạng thái “bình thường mới” khi dịch Covid-19 xảy ra.
Chuyển đổi số: Cú hích tư duy quản lý, tổ chức đào tạo
Phóng viên: Bối cảnh mới là dịch bệnh Covid-19 đang đặt ra những cách vận hành mới cho các hoạt động của xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang có những chủ trương gì để thích ứng với bối cảnh này?
Thứ trưởng Lê Quân: Chuyển đổi số trong đào tạo và quản lý đào tạo là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục nghề nghiệp. Bộ LĐTB&XH đã xác định đào tạo trực tuyến sẽ là một phương thức được áp dụng phổ biến trong tương lai của giáo dục nghề nghiệp mà không chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Lê Quân: Đào tạo trực tuyến là nền tảng để xây dựng xã hội học tập gắn với học tập suốt đời. Ảnh: Thuý Nga
Chỉ đạo xuyên suốt của Bộ là phát triển hình thức đào tạo trực tuyến đối với các nội dung mô đun, môn học phù hợp để đảm bảo người học có thể tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi. Kết quả học tập được công nhận như đối với các phương thức tổ chức đào tạo khác và có thể sử dụng để liên thông giữa các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp và liên thông lên các trình độ cao hơn. Đây là nền tảng để xây dựng xã hội học tập gắn với học tập suốt đời.
Thông tư 33/2018 ngày 26/12/2018 quy định về đào tạo trình độ TC, CĐ theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, của Bộ LĐTBXH ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa trong đó tập trung ưu tiên:
Thứ nhất, cho phép công nhận kết quả tự học có hướng dẫn của người học. Như vậy, với rất nhiều nội dung, người học không nhất thiết phải học ở trường nhưng được công nhận nếu đã đáp ứng yêu cầu/chuẩn đầu ra. Ví dụ, một người thợ hàn đã thành thạo và có chứng chỉ hàn thì được công nhận khi theo học để có bằng trung cấp, cao đẳng nghề hàn mà không phải học lại. Hoặc nếu sinh viên đã có các chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ… thì không cần phải học các môn học này tại trường…
Thứ hai, cho phép liên thông công nhận kết quả học tập trực tuyến trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, người học có thể theo học trực tuyến một hoặc nhiều tín chỉ, modun tại mọi nơi và mọi lúc, và được công nhận tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ghi danh để được cấp bằng. Cơ chế này cho phép một cơ sở đào tạo trực tuyến có thể cung cấp khóa học cho sinh viên của nhiều trường trong toàn quốc; không nhất thiết trường nào cũng phải tổ chức đào tạo trực tuyến.
Thứ ba, mở ra cơ chế cho doanh nghiệp tham gia sâu vào đào tạo trực tuyến. Thông tư cho phép nhà trường được liên kết với doanh nghiệp, được thuê và sử dụng dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp mà không phải đầu tư; và cho phép doanh nghiệp được tổ chức đào tạo trực tuyến, cấp chứng nhận và được công nhận liên thông với các trường cao đẳng, trung cấp.
Từ 2018, Bộ đã tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, ban hành chương trình 6 môn học chung, chỉ đạo thí điểm tổ chức đào tạo trực tuyến các môn học chung cho toàn hệ thống.
Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đào tạo trực tuyến để cung cấp cho các trường. Hệ thống ứng dụng các công nghệ mới nhất về đào tạo trực tuyến đang được các nước phát triển sử dụng.
Ngay khi đại dịch Covid bắt đầu, Bộ đã có nhiều văn bản để chỉ đạo các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, quản lý nhà trường, tổ chức tuyển sinh và thực hiện đào tạo bằng hình thức trực tuyến.
Bộ cũng đã ban hành công văn số 1301/LĐTBXH-TCGDNN ngày 14/4/2020 hướng dẫn việc thực hiện quản lý, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quyền tự chủ trong việc điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh kéo dài và nghiên cứu, giảm bớt các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo đảm bảo mục tiêu đào tạo theo quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuyển sinh, tổ chức đào tạo (đào tạo trực tuyến); Giao quyền cho người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến trong đó xác định rõ các nội dung cần phải thực hiện như tổ chức lớp học, tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến tại trường.
Video đang HOT
Đồng thời, các doanh nghiệp có hợp tác với Bộ từ trước đã vào cuộc và hỗ trợ nhiều trường tổ chức đào tạo trực tuyến thành công.
Chỉ đạo của Bộ trong tổ chức đào tạo trực tuyến giai đoạn này là: giảm mục tiêu, giảm kỳ vọng, sáng tạo và hành động. Đào tạo trực tuyến là giải pháp giúp trường vượt qua được thách thức hiện nay. Đồng thời cũng là động lực, một cú hích mạnh mẽ để các nhà trường đổi mới về tư duy quản lý, đổi mới về phương thức tổ chức đào tạo.
Đào tạo trực tuyến là giải pháp lâu dài
Phóng viên: Nhiều cơ sở xác định đây là cơ hội thúc đẩy số hóa học liệu để nhà quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên ứng dụng được công nghệ thông tin, linh hoạt được thời gian, không gian cho việc dạy và học ở mọi lúc, mọi nơi. Thực tế thì giải pháp này mới mang yếu tố tình thế và các bên đều khá chật vật để thích nghi. Thưa ông, những điểm nào cần phải hoàn chỉnh để các hoạt động đào tạo diễn ra bình thường?
Thứ trưởng Lê Quân: Cần nhìn thẳng thắn là dù rất cố gắng nhưng đào tạo trực tuyến trước đại dịch Covid mới chỉ được thí điểm. Tuy vậy, trong bối cảnh đại dịch, hầu hết các trường đã vào cuộc tổ chức đào tạo trực tuyến. Về kết quả vẫn còn xa mới đạt đến kỳ vọng. Thông tư 33/2018/TT-BLĐTBXH được ban hành có sự vào cuộc trực tiếp của các doanh nghiệp cung ứng giải pháp đào tạo trực tuyến. Nhà trường được tự chủ trong tổ chức triển khai đào tạo mà không phải cấp phép.
Về phía Bộ, cam kết sẽ gỡ hết các rào cản pháp lý cho các trường. Bản thân tôi đã chủ động kết nối, nắm bắt thông tin từ các hiệu trưởng và sẵn sàng chỉ đạo sửa ngay những gì vướng để tháo gỡ kịp thời nếu có kiến nghị đúng và hợp lý.
Chỉ trong 10 ngày có thể vận hành ngay đào tạo trực tuyến. Ảnh: Thanh Hùng
Thực tế trong những tháng qua, khi nhà trường hành động, với sự vào cuộc của doanh nghiệp cung ứng giải pháp, chỉ trong 10 ngày là có thể vận hành ngay đào tạo trực tuyến cho rất nhiều học phần.
Tất nhiên, chúng ta không được cầu toàn mà phải đứng trên quan điểm triển khai những nội dung dễ, thuận lợi trước. Hệ thống sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng cùng với thời gian. Chính vì vậy, Bộ đã chỉ đạo các trường điều chỉnh chương trình đào tạo. Theo đó, cần cấu trúc lại các học phần theo hướng đẩy lên trước các học phần có thể tổ chức đào tạo trực tuyến ngay, giảm tải chương trình, tăng cường huấn luyện giảng viên, tăng cường liên kết để chia sẻ kinh nghiệm và học liệu…
Phóng viên: Hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đáp ứng đến đâu để bắt kịp với những thay đổi này?
Thứ trưởng Lê Quân: Rào cản lớn nhất với đào tạo trực tuyến là tư duy chưa phù hợp của cả nhà quản lý, giảng viên và người học. Nhiều người vẫn chỉ coi đào tạo trực tuyến là giải pháp tình thế đối phó với đại dịch Covid. Thậm chí còn cho rằng đào tạo trực tuyến là tốn kém, không chất lượng, và nhiều nội dung không thể dạy trực tuyến. Thực tế không phải vậy.
Đào tạo trực tuyến không phải là giảng viên giảng trực tuyến. Công nghệ mới cho phép giảm thiểu sức lực của giảng viên, tăng cường tối đa tương tác giữa giảng viên và người học, giữa người học và người học.
Đào tạo trực tuyến có thể đánh giá đầy đủ sự tiến bộ của người học theo từng thời điểm qua các công cụ đánh giá, cho phép mọi người học được thảo luận thông qua các diễn đàn. Nhà trường không phải đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin nên không tốn kém. Một giảng viên, một nội dung được thiết kế có thể tổ chức đào tạo cho rất nhiều người nên rất tiết kiệm chi phí.
Và hơn hết, thời gian của người học và giảng viên được khai thác tối ưu.
Thực tế đáng mừng là qua đại dịch Covid, nhận thức đã và đang được thay đổi.
Nhiều trường đã hưởng ứng với chỉ đạo của Bộ coi đào tạo trực tuyến không phải là giải pháp tình thế, mà là giải pháp lâu dài.
Phóng viên: Dù dạy học trong bối cảnh nào hay phương thức gì, thì vẫn phải đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra. Các cơ sở sẽ phát huy tự chủ như thế nào để duy trì điều này?
Thứ trưởng Lê Quân: Bộ đã giao tự chủ cho hiệu trưởng nhà trường ban hành chương trình, quy chế đào tạo. Các trường được tự chủ trong thiết kế, giảm tải chương trình, linh hoạt trong kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo tập trung… Học trên lớp hay học trực tuyến thì người học chỉ được công nhận hoàn thành nội dung nếu đạt điểm yêu cầu.
Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là đào tạo tập trung thường có xu hướng tách giữa dạy và thi. Đào tạo trực tuyến hiện đại thì người học phải học và đạt nội dung này mới được học tiếp nội dung khác trong một học phần; quá trình học và đánh giá đi liền với nhau nhờ ứng dụng công nghệ. Nội dung của một tiết học tập trung thường được chia nhỏ thành nhiều nội dung trong đào tạo trực tuyến.
Linh hoạt tuyển sinh và khai giảng
Phóng viên: Các giải pháp phòng chống dịch bệnh như giãn cách xã hội, chuyển đổi sang giao dịch trực tuyến…khiến cho công tác tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn. Bộ LĐ-TB&XH sẽ gỡ những khó khăn này ra sao?
Thứ trưởng Lê Quân: Sáng tạo và hành động là chìa khóa để vượt qua khó khăn. Nếu cứ tiếp cận thông thường, nhà trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh. Bộ đã chỉ đạo các trường cần đổi mới.
Cụ thể, một số hướng đi cần được phát huy:
Thứ nhất, đẩy mạnh về nội dung và hình thức tuyển sinh trực tuyến. Tổng cục đẩy mạnh quảng bá trang web tuyển sinh trực tuyến và ứng dụng Chọn nghề trên điện thoại di động.
Thứ hai, cần tăng cường liên kết giữa các trường để tạo các khối tuyển sinh chung; qua đó có tăng sức cộng hưởng giữa các trường trong tuyển sinh qua mạng xã hội, qua các phương tiện truyền thông… Một số khối ngành được ưu tiên như y tế, du lịch, kỹ thuật…
Thứ ba, cần đổi mới phương thức truyền thông tuyển sinh. Các hội thảo trực tuyến, tư vấn tuyển sinh online qua mạng xã hội… cần được phát huy cao độ. Trong đại dịch, các ứng viên có thời lượng online rất cao. Nếu phương thức truyền thông tuyển sinh được đổi mới, kết quả tuyển sinh cũng khả quan hơn.
Thứ tư, nhà trường có thể linh hoạt trong tuyển sinh và khai giảng.
Chẳng hạn đào tạo trực tuyến cho phép thí sinh có thể nhập học online và theo học ngay các nội dung trước khi nhập học trực tiếp tại trường. Do đó, công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo cũng linh hoạt hơn rất nhiều. Bộ đã chỉ đạo các trường linh hoạt với phương châm “nhập học trước nhập trường”.
Thứ năm, tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện quanh năm vì vậy không nhất thiết phải chờ theo tiến độ thi tốt nghiệp THPT.
Cá nhân tôi đã có ý kiến đề nghị các hiệu trưởng cân nhắc phương án “Học kỳ dự bị” trong trường hợp thi tốt nghiệp THPT chậm.
Theo đó, học sinh chưa tốt nghiệp THPT có thể ghi danh và theo học trực tuyến/tập trung một số nội dung trước khi có bằng tốt nghiệp THPT. Các em sẽ được ghi danh chính thức khi có bằng tốt nghiệp THPT. Phương án này sẽ đảm bảo được tiến độ của năm học.
-Xin cảm ơn ông!
Đào tạo từ xa - cứu cánh ngành giáo dục?
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã liên tiếp phát đi những hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời công tác dạy và học. Đào tạo từ xa đã xuất hiện như một cứu cánh, song việc có triển khai được đại trà hay không vẫn còn là một câu hỏi khó.
Một chương trình giảng dạy từ xa trên truyền hình Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Lấy người học làm trung tâm
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị về những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với ngành giáo dục, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng: "Đúng là giai đoạn khó khăn sẽ đưa ngành giáo dục đến với những thách thức và cơ hội để đổi mới, hướng tới những bước chuyển mình tích cực trong công tác quản lý, đào tạo. Đặc biệt, sẽ giúp người làm giáo dục tiệm cận với những đòi hỏi cụ thể từ phía người học, từ đó có những điều chỉnh phù hợp".
Với quan điểm lấy người học làm trung tâm, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đã liên tiếp triển khai các chương trình đồng hành cùng học sinh, sinh viên. Cụ thể, trung tuần tháng 4 vừa qua, đơn vị này đã tổ chức chuơng trình "Đồng hành cùng học sinh, sinh viên trong mùa Covid-19", với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia giáo dục đến từ các vụ, viện, trường đại học trong nước và quốc tế.
Tại buổi đồng hành, cơ quan chức năng đã kêu gọi học sinh, sinh viên tự nguyện khai báo y tế; hướng dẫn phương pháp tiếp cận thông tin chính thống về cách phòng, chống dịch Covid-19; kêu gọi các sáng kiến của học sinh, sinh viên mùa dịch; làm thế nào để tập trung học khi đang ở nhà...
Ông Bùi Văn Linh cho rằng, khi người quản lý giáo dục tiếp cận, lắng nghe thường xuyên tâm tư, chia sẻ của học sinh, sinh viên sẽ có thể tư vấn, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong học tập, rèn luyện và trong các mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội. Từ đó tạo tâm lý lạc quan, vui vẻ, nâng cao các giải pháp, kỹ năng sống cũng như hướng tới lối suy nghĩ, hành động tích cực trong học sinh, sinh viên.
Thay đổi cách thức đào tạo
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT nhận định, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức giản lược các nội dung nâng cao cũng như chưa thật sự cần thiết để giữ lại nội dung cốt lõi, bảo đảm học sinh hoàn thành chương trình năm học. Tuy vậy, đây là việc làm phục vụ cho năm học 2019 - 2020 do diễn biến của dịch Covid-19.
"Năm sau, nếu không phát sinh các tình huống ngoài ý muốn, việc dạy, học sẽ tiếp tục như quy định. Bộ GD&ĐT sẽ không tính đến chuyện tinh giản mà thay vào đó, sẽ xem xét thay đổi cách thức đào tạo để bảo đảm quyền lợi người học" - ông Thái Văn Tài cho biết.
Cũng theo ông Tài, với các lớp học trực tuyến hiện tại, ông Thái Văn Tài cho rằng, đây chỉ mới đang dừng ở giải pháp tình thế và tính chủ động trong giáo dục. Để tạo điều kiện cho một hệ thống giáo dục công nghệ, có thể "chạy" song song hoặc cùng kết hợp với đào tạo giáo dục truyền thống, ngành giáo dục cũng như các ngành, nghề liên quan cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, từ cơ sở vật chất đến hạ tầng, công nghệ thông tin, sự tương tác của các bên liên quan, mặt bằng dân trí, kinh tế...
Với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, theo ông Thái Văn Tài, các địa phương, cơ sở giáo dục cần chủ động xây dựng quy chế, nội quy cho từng lớp học; xây dựng các phương án bổ sung, sẵn sàng hỗ trợ trong các tình huống phát sinh. Đồng thời phối hợp với các ngành nghề liên quan, bảo đảm an ninh, an toàn các lớp học trực tuyến, hạn chế tối đa sự can thiệp của các đối tượng phá hoại.
Rà soát quá trình dạy, học trực tuyến
Trong tình hình mới, các đơn vị chuyên môn phải chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học, trong đó tính đến phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường học. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát toàn bộ quá trình dạy, học trực tuyến, trên truyền hình để đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Đào tạo online là lựa chọn tất yếu
Việt Nam chưa thể và không nên rời xa mô hình đào tạo truyền thống, bởi ngoài dạy kiến thức, còn là dạy làm người. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận xu hướng tất yếu của mô hình đào tạo online. Trong trường hợp mô hình này được đầu tư đúng đắn, sẽ góp giảm thiểu gánh nặng chi phí của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài việc nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, ngành giáo dục cần đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, sớm làm chủ công nghệ để hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, văn minh.
Tổng chủ biên Chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới GS Nguyễn Minh Thuyết
Bộ Giáo dục "thả" quản lý liên kết đào tạo cho các trường đại học tự quyết Thủ trưởng các cơ sở đào tạo được tự chủ quyết định việc thực hiện liên kết đào tạo, đào tạo cho người đã có bằng đại học thay vì trình đề nghị Bộ GD&ĐT cấp phép như các văn bản hiện hành. Đó là một trong những điểm mới trong Dự thảo quy chế đào tạo trình độ đại học mà Bộ...