Nhập học khi có giấy báo nhập ngũ – Liệu có kẽ hở?
Sau khi đăng bài “Trúng tuyển ĐH vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự”, Dân trí đã nhận được hàng nghìn ý kiến của độc giả đồng tình. Tuy nhiên, có không ít ý kiến bày tỏ sự lo lắng tình trạng lợi dụng kẽ hở để không chấp hành.
Thanh niên Thủ đô phấn khởi thực hiện nghĩa vụ quân sự. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Lợi dụng kẽ hở để không chấp hành?
Nhiều độc giả, trong đó có cả những người trẻ cho rằng họ sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc nếu quy định này được áp dụng công bằng triệt để với tất cả mọi người, bất kể người đỗ hay không đỗ đại học, bất kể là con nông dân hay con quan chức. Bạn đọc cho rằng, nếu thực hiện thì cần làm một cách rõ ràng minh bạch, để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để không chấp hành. Nghĩa là không có việc “đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn”, mà tất cả nam công dân đủ sức khoẻ sẽ phải lên đường nhập ngũ. Đại học chỉ tuyển các SV đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS).
Trao đổi với Dân trí, Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng – Bộ GD-ĐT cho biết: “Thông tư 13 thể hiện rõ sự công bằng nghĩa vụ và quyền lợi của công dân là như nhau, không kể giàu nghèo, việc quản lý công dân thông qua chính quyền xã, huyện, cơ sở đào tạo, các cơ quan quân đội… Trong thông tư 13 không nói con nhà giàu được miễn, nếu không tự giác chấp hành con nhà nghèo cũng tìm cách trốn tránh NVQS như con nhà giàu, do đó có cơ chế tốt thì ở mọi khâu chọn người thực hiện thông tư cũng phải là những người trung, liêm thực thi nhiệm vụ công khai, minh bạch… thì sự công bằng sẽ tốt hơn”.
Công dân trúng tuyển NVQS như Thông tư 13 qui định là hợp lý, có người thực hiện NVQS xong mới học, có người học xong mới nhập ngũ, như thế họ đều thực hiện NVQS chỉ có trước hay sau thôi, và những năm sau, chất lượng tuyển quân sẽ cao hơn năm trước.
Độc giả cũng nêu ra một tình trạng có thể nảy sinh nếu thực hiện quy định mới này một cách nghiêm túc như sẽ xuất hiện tình huống các trường ĐH, CĐ trong 2 năm 2013 – 2014 chỉ tuyển được toàn nữ SV và các nam SV không đủ sức khoẻ nhập ngũ. Sau 4 – 6 năm sau (2017-2019) sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho sản xuất có trình độ cử nhân, kỹ sư hay sau năm thứ 6 sẽ không có bác sĩ nam ra trường.
Về vấn đề này, Đại tá Minh cho rằng: “Nếu không đủ sức khỏe thì việc học tập cũng không thể tốt, thực tế tỷ lệ tốt nghiệp đại học của Việt Nam hiện nay cao hơn các nước trong khu vực, do đó không có chuyện ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia mà sẽ phát triển cân đối, bền vững hơn”.
Video đang HOT
Không thể rút ngắn thời gian thực hiện NVQS
Nhiều độc giả cho rằng, hiện nay nên rút ngắn thời gian quân ngũ là những trường hợp đã làm thủ tục nhập học nhưng chưa học thì thời gian trong quân ngũ là 1 năm, các trường hợp khác là 18 tháng như bình thường. Độc giả đề xuất Bộ GD-ĐT nên rút ngắn chương trình học, bỏ qua các môn quốc phòng đối với các trường hợp đã qua quân ngũ. Quan trọng hơn nữa là nên bố trí thời gian nhập ngũ, giải ngũ để mọi công dân có thể trở lại học và ôn thi đại học kịp thời sau khi hoàn thành nghĩa vụ.
Đại tá Minh khẳng định: Không thể rút ngắn hay kéo dài thời hạn phục vụ vì đây chúng ta đang bàn thực hiện Luật. Công dân đã thực hiện NVQS sau đó đi học được miễn không phải học các môn học GDQP an ninh chung vì đã được học kỹ trong quân đội rồi.
Về trường hợp, mà nhiều độc giả quan tâm là thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển vào ngày 10/8 mà giấy báo nhập ngũ vào 12/8 thì thực hiện nhiệm vụ nào trước? Đại tá Minh cho biết, giấy báo nhập học 10/8, lệnh nhập ngũ 12/8 theo Thông tư 13 công dân được miễn, nhưng nếu công dân chọn việc nhập ngũ trước cũng tốt, họ có quyền lựa chọn, thậm chí lệnh gọi sau đó nhiều ngày vì họ được bảo lưu kết quả học tập. Trong chiến tranh nhiều SV viết đơn bằng máu xin nhập ngũ, không đủ cân thì thủ gạch trong túi…, chưa đủ tuổi thì khai tăng tuổi… Do đó nhiều người nhận lệnh nhập ngũ sau vẫn tự nguyện thực hiện NVQS.
Theo dân trí
Đại học sẽ vắng bóng sinh viên nam?
Thông tư liên tịch số 13 của Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ nhận được khá nhiều sự ủng hộ của bạn đọc, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn...
ĐH không có sinh viên nam
Nhiều độc giả, trong đó có cả những người trẻ cho rằng họ sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với Tổ Quốc nếu quy định này được áp dụng công bằng triệt để với tất cả mọi người, bất kể người đỗ hay không đỗ đại học, bất kể là con nông dân hay con quan chức.
Bạn đọc Trương Chí Hiền nêu ý kiến: "Tôi cho rằng nếu thực hiện thì cần làm một cách rõ ràng minh bạch, để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để không chấp hành. Nghĩa là không có việc "đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn". Mà tất cả nam công dân đủ sức khoẻ sẽ phải lên đường nhập ngũ. Đại học chỉ tuyển các SV đã hoàn thành NVQS".
Tuy nhiên, độc giả Chí Hiền cũng nêu ra một tình trạng có thể nảy sinh nếu thực hiện quy định mới này một cách nghiêm túc. "Nhưng cũng phải nhìn thấy trước sẽ xuất hiện một tình huống các trường ĐH, CĐ trong 2 năm 2013 và 2014 chỉ tuyển được toàn nữ SV và các nam SV không đủ sức khoẻ nhập ngũ. Sau 4-6 năm sau (2017-2019) sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho sản xuất có trình độ cử nhân, kỹ sư hay sau năm thứ 6 sẽ không có bác sĩ nam ra trường. Sau đó thì tình trạng mới được cải thiện".
Quy định nhập ngũ mới sẽ khiến các trường học vắng bóng nam sinh viên? - Ảnh minh họa
Đồng tình với ý kiến này là bạn đọc Trịnh Diệp. "Theo tôi tất cả nam thanh niên đủ 18 tuổi (kể cả trường hợp không học hết lớp 12) đều phải nhập ngũ trừ một số trường hợp được hoãn, miễn như con liệt sĩ, con một, sức khỏe kém... Như vậy sẽ giảm tiêu cực chạy chọt trốn nghĩa vụ, đảm bảo công bằng".
"Tham gia nghĩa vụ quân sự để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc là quá tốt, nhưng cách thực hiện phải công bằng và mọi người phải bình đẳng như nhau, con quan và con dân phải bình đẳng..."
Một bạn đọc cảnh báo: "Đi nghĩa vụ là một điều thiên liêng, cần phải làm ngay, không có lý do nào chính đáng để không đi nghĩa vụ hết, nhưng cần quan tâm lại khâu cơ sở, sẽ có con nhà giàu lách luật".
Rút ngắn thời quân ngũ?
Đưa giải pháp cho vấn đề tiêu cực và những lo lắng về việc bỏ lỡ cơ hội, nhiều bạn đọc nhất trí phương án giảm thời gian phục vụ trong quân ngũ hoặc kết hợp giữa học đại học và thực hiện nghĩa vụ, với điều kiện phải làm nghiêm túc, tạo môi trường quân đội thực sự cho thanh niên.
"Đối với các em đã đỗ ĐH, CĐ thì nhà trường phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức học quân sự với thời gian và chất lượng tương đương như trong quân đội (chứ không phải hình thức như hiện nay). Các em này được chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Còn các em khác không thi đỗ vào ĐH, CĐ thì phải thực hiện nghĩa vụ như hiện nay" - bạn đọc Nguyễn Xuân Lãng đưa ý kiến.
Chị Trịnh Diệp thì cho rằng với những trường hợp đã làm thủ tục nhập học nhưng chưa học thì thời gian trong quân ngũ là 1 năm, các trường hợp khác là 18 tháng như bình thường. Độc giả này còn đề xuất Bộ Giáo dục nên rút ngắn chương trình học, bỏ qua các môn quốc phòng đối với các trường hợp đã qua quân ngũ. "Quan trọng hơn nữa là nên bố trí thời gian nhập ngũ, giải ngũ để mọi công dân có thể trở lại học và ôn thi đại học kịp thời sau khi hoàn thành nghĩa vụ".
Ý kiến khác cho rằng nên để các em học xong rồi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS), sau khi hoàn thành NVQS mới được nhận bằng.
Một số bạn đọc lại đưa ý tưởng không kém phần thuyết phục là các đối tượng đã trúng tuyển ĐH chỉ nên nhập ngũ từ 6 tháng đến 1 năm để ai cũng có thể thực hiện được, đồng thời cũng hạn chế tình trạng phải "lo lót, chạy chọt cửa trước, cửa sau" để trốn nghĩa vụ.
"Theo tôi, nghĩa vụ quân sự cần phải áp dụng bình đẳng cho tất cả các công dân là nam giới. Tuy nhiên, thời gian nghĩa vụ quân sự nên giảm xuống một năm" - độc giả Hà Anh đề xuất.
Độc giả tên Hoàng đồng tình: "Theo quan điểm của tôi nên rút ngắn thời gian còn khoảng 6 tháng đến 1 năm thôi. Đỡ tốn kém cho ngân sách và mọi người dễ chấp nhận hơn, không cần phải chạy chọt cửa trước cửa sau?".
Một phương án khác được các độc giả đưa ra là để các công dân tự do lựa chọn, tuy nhiên những người không muốn thực hiện NVQS phải đóng góp một khoản kinh phí tương đương với công sức mà một người lính đóng góp cho đất nước trong vòng 2 năm. Số tiền đó sẽ được dùng để trả lương cho bộ đội...
Theo Nguyễn Thảo (Vietnamnet)
Toàn cảnh những điểm mới tuyển sinh 2013 Chốt lại chính thức những điều chỉnh, bổ sung điểm mới trong tuyển sinh 2013, Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các đại học, học viện, trường ĐH, CĐ, Sở GD-ĐT về phương hướng tuyển sinh 2013. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại Hội nghị thi...