Nháo nhào “săn” chứng chỉ ngoại ngữ
Nhiều sinh viên năm cuối một số trường đại học đang nháo nhào tìm cách sở hữu một tấm chứng chỉ ngoại ngữ để bổ sung hồ sơ xét tốt nghiệp. Thời điểm xét tốt nghiệp đang đến gần, cuộc săn tìm vì thế nóng lên từng ngày.
Một đối tượng nhận làm giả chứng chỉ TOEIC 500 với giá 5,5 triệu đồng – Ảnh: V.Phúc
Những ngày này nhiều sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) chưa có chứng chỉ ngoại ngữ như ngồi trên lửa. Không ít sinh viên đã đăng ký thi đến lần 4, 5 tại trung tâm ngoại ngữ của trường nhưng vẫn không thể đậu. Thậm chí một số khác còn tranh thủ đăng ký “chạy sô” đi thi thêm tại vài trung tâm khác nhưng vẫn không ăn thua.
Chạy vạy khắp nơi
“Để hạn chế các trường hợp sinh viên nộp chứng chỉ tiếng Anh giả, phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ tổ chức kiểm tra, xác minh kỹ càng các chứng chỉ TOEIC 500 của sinh viên khóa 23 (2007-2011) nộp xét tốt nghiệp trong thời gian tới” TS Phan Ngọc Minh
N.V.T., sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), thú thật: “Trong tháng vừa rồi, tôi đăng ký thi ở trung tâm ngoại ngữ của trường, Trung tâm ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trung tâm ngoại ngữ ĐHQG TP.HCM nhưng đều trượt cả. Tôi đang tìm mối mua luôn chứng chỉ B tiếng Anh cho chắc, chứ thi hoài thế này vừa tốn kém lại mất thời gian”.
Nhiều sinh viên biết mình không đủ năng lực để thi nên tìm nhiều cách mong sở hữu một tấm chứng chỉ tiếng Anh đối phó với quy định của trường. L.T.H., sinh viên năm cuối Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho hay: “Dù đã cố gắng học tiếng Anh nhiều lần nhưng khả năng vẫn giậm chân tại chỗ. Tôi đã thuê người đi thi kèm, thay đổi hình chứng minh nhân dân để thi hộ nhưng đều thất bại. Sức học của tôi chắc chắn sẽ không vượt qua các kỳ thi lấy chứng chỉ của các trung tâm ngoại ngữ”.
Trong khi đó, L.T.G., sinh viên năm cuối Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Gần thời điểm xét tốt nghiệp nhưng nhiều bạn vẫn đang loay hoay không biết làm sao thi lấy chứng chỉ TOEIC 500. Một số bạn đã móc nối thành công với một đường dây nhận làm chứng chỉ giả TOEIC với giá 5,5 triệu đồng, làm luôn hồ sơ gốc”.
Video đang HOT
Một sinh viên khác của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng thừa nhận mình và vài sinh viên cùng lớp đang liên lạc với một đường dây làm chứng chỉ TOEIC giả. “Họ cam kết chứng chỉ trên sẽ giống như thật, đảm bảo phòng đào tạo của trường không phát hiện”- sinh viên này nói. L.T.T.S., sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), tiết lộ: “Một số bạn vừa tìm được một đường dây cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Hiện nhiều bạn đã đặt cọc tiền và đang chờ ngày nhận chứng chỉ”.
Khó qua mắt
Chứng chỉ nào cũng có Xác minh các đường dây làm chứng chỉ ngoại ngữ giả mà sinh viên các trường ĐH đang liên hệ, chúng tôi nhận thấy các đối tượng trên có những quảng cáo rất cụ thể về các loại chứng chỉ tiếng Anh, từ giá cả, thời gian đến chất lượng mỗi loại chứng chỉ. Ngã giá với chúng tôi, T. – một đối tượng rao bán chứng chỉ, cho biết: “Giá chứng chỉ B tiếng Anh 700.000 đồng, chứng chỉ C là 1,2 triệu đồng… còn chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL giá dao động 6-8 triệu đồng”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chứng chỉ giả do các đối tượng này cung cấp được “sản xuất” bằng công nghệ sao chép. Họ chụp hình các loại chứng chỉ thật, sau đó dùng máy vi tính sao chép ra các loại chứng chỉ giả với hình thức y như các văn bằng thật, cuối cùng là in ấn, lồng ghép những thông tin cá nhân của người mua lên chứng chỉ giả.
Th.S Cổ Tấn Anh Vũ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Thực tế hiện nay có một số sinh viên không thể vượt qua các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, họ chạy vạy khắp nơi, tìm mua một tấm chứng chỉ giả để bổ túc hồ sơ xét ra trường”.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), các trường hợp sinh viên cố tình nộp chứng chỉ giả cho phòng đào tạo để xét tốt nghiệp, cơ hội để qua cửa xét hồ sơ rất khó xảy ra.
Trong đợt xét tốt nghiệp sinh viên hệ chính quy tập trung khóa 2006-2010, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đã phát hiện và đình chỉ cấp bằng tốt nghiệp một năm đối với bốn sinh viên nộp chứng chỉ B tiếng Anh giả để xét tốt nghiệp. Các sinh viên này đã nộp cho phòng đào tạo chứng chỉ B tiếng Anh do Trung tâm ngoại ngữ của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cấp. Thế nhưng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xác nhận bốn chứng chỉ B tiếng Anh trên là giả mạo.
TS Phan Ngọc Minh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết hiện giữa các trường đại học có những hợp tác với nhau trong việc xác minh các loại văn bằng, chứng chỉ.
“Đối với chúng tôi, khi phát hiện chứng chỉ đó có nghi vấn là giả sẽ gửi ngay sang nơi ra quyết định cấp để nhờ kiểm tra hồ sơ gốc, điểm thi và các giấy tờ liên quan. Nếu xác định đó là chứng chỉ giả, phòng đào tạo sẽ căn cứ theo quy định của Bộ GD-ĐT để xử lý. Trường hợp nặng nhất sẽ hủy kết quả học tập của sinh viên. Ngoài ra, các chế tài khác cũng được áp dụng để tăng tính răn đe, giáo dục đối với sinh viên” – TS Minh khẳng định. Thạc sĩ Vũ nói thêm: “Trường hợp không xác định được đơn vị cấp chứng chỉ, phòng đào tạo sẽ không nhận chứng chỉ tiếng Anh trên và yêu cầu bổ túc chứng chỉ mới để xét tốt nghiệp”.
TRƯỜNG GIANG
Theo Tuổi Trẻ
Đầu năm sinh viên long đong tìm Trung tâm Ngoại ngữ
Nắm bắt được xu hướng quốc tế hóa, hàng loạt các Trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm. Song thực tế không phải bạn trẻ nào cũng hài lòng với chất lượng giảng dạy ở nơi mình bỏ tiền triệu ra để đăng ký học.
Hàng loạt các Trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm.
"Chọn mặt gửi vàng"
Tìm chỗ học tiếng Anh tốt không chỉ là "nỗi niềm riêng" của các bạn tân sinh viên mà còn là băn khoăn của rất nhiều sinh viên năm cuối đang "rục rịch" thi lấy bằng IELTS, TOEIC phục vụ cho phỏng vấn xin việc.
Nhu cầu học cũng khá đa dạng, những bạn mong muốn tìm kiếm cơ hội du học thì hướng đến những khóa học luyện TOEFL iBT, IELTS; những bạn muốn trau dồi kĩ năng thì tìm đến các khóa luyện giao tiếp, nghe - nói, phát âm, viết luận... Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm và chương trình học Anh ngữ khác nhau đã làm cho nhiều sinh viên bối rối trong việc chọn lựa một khóa học phù hợp.
Theo một khảo sát gần đây, có khoảng hơn 100 trung tâm Anh ngữ đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM (chưa kể các chi nhánh đào tạo ở khắp nơi) hằng năm thu hút hơn trăm ngàn học viên ở mọi độ tuổi, mọi trình độ. Những cái tên như Âu Mỹ, Á Âu, Đông Âu, Alpha, IWEP... bắt đầu mọc lên hàng loạt với những băng-rôn quảng cáo gây "sốc" dạng "Giảm ngay 50% khi ghi danh", "Đăng ký khóa học A - tặng miễn phí khóa học B" cùng mức học phí khá "mềm", các trung tâm mới nổi này làm phong phú thêm sự lựa chọn vốn đã gần như... bế tắc của cả phụ huynh lẫn học sinh, sinh viên.
Đầy rẫy các băng-rôn khuyến mại tung ra trong dịp đầu năm mới.
Cân nhắc giữa chất lượng và học phí, nhiều học viên bắt đầu tìm đến một số trung tâm khá uy tín, đảm bảo về chất lượng với mức học phí tương đối. Song cũng không thể không kể đến các trung tâm Anh ngữ khá có tiếng của các trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm, ĐH Nông lâm... được biết đến nhiều không qua tờ rơi hay quảng cáo mà qua những lời truyền miệng của sinh viên. Điểm mạnh của các trung tâm này là về văn phạm và các lớp luyện TOEFL, TOEIC với mức học phí hợp túi tiền so với sinh viên. FTUC của ĐH Ngoại thương cũng là điểm dừng chân của những bạn muốn nâng cao kiến thức chuyên ngành tiếng Anh thương mại, tài chính - ngân hàng hay biên phiên dịch.
Sinh viên nói gì?
Đã từng theo học nhiều nơi, Thái Hà (K48A - ĐH Ngoại Thương TP HCM) sau khi đã tham gia 2 khóa học TOEIC tại một trung tâm có tiếng cho biết: "Chất lượng học tập thì khá là &'hên xui'. Nhìn chung, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy và số học viên mỗi lớp vẫn đảm bảo chất lượng cho giờ học. Giảng viên người bản xứ khá nhiệt tình nhưng đôi khi quá theo sát giáo trình khiến giờ học không sinh động và cuốn hút, gây tâm lí chán nản cho học viên".
Có thể thấy tình trạng mà Thái Hà chia sẻ nhìn chung có ở hầu hết các trung tâm. Tùy lớp, tùy giảng viên mà mỗi khóa học có những ưu và nhược điểm của nó. Tuy nhiên, không thể "vơ đũa cả nắm" rằng ở đây tốt, ở kia không tốt.
Một lời khuyên dành cho những bạn muốn tìm địa chỉ học ngoại ngữ tin cậy để "chọn mặt gửi vàng" là tham khảo ý kiến từ những anh chị đi trước. Có thể chính những chia sẻ quý giá và kinh nghiệm thiết thực từ các anh chị khóa trên này sẽ giúp bạn chọn lựa được cho mình một trung tâm tốt và một phương pháp học Anh văn hiệu quả.
Anh Nguyễn Võ Minh Tâm - Giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh "E*con" 2007 và 2008, giải Nhất "Tour Guide Contest 2009" chia sẻ: "Mặc dù đạt nhiều giải cao về tiếng Anh nhưng anh chưa từng đi học ở bất cứ trung tâm nào. Với anh thì việc tự học tiếng Anh cũng có thể mang lại cho các bạn những kết quả vô cùng khả quan".
Theo anh Tâm, để tìm được trung tâm Anh ngữ tốt, ngoài ý kiến của người quen hay bạn bè, các bạn còn nên tham khảo ý kiến từ các giảng viên tiếng Anh trong trường, nhờ các thầy cô tư vấn việc chọn trung tâm phù hợp với mục đích theo học của mình.
Anh Tâm còn chia sẻ những kinh nghiệm học tiếng Anh hiệu quả của mình. Đầu tiên, "nghe" và "đọc" là 2 kĩ năng thiết yếu mà các bạn phải luyện tập thường xuyên. Điều đó tạo nên nền tảng căn bản để các bạn luyện cùng lúc 4 kỹ năng "nghe - đọc - viết - nói" sau này. Và dù là trình độ tiếng Anh có được "nâng cấp" đến mức nào, bạn cũng phải nhớ luyện nói thường xuyên - vì tiếng Anh rất dễ quên nếu bạn không "xài" nó trong một thời gian.
Tào Nga - Minh Nga
Theo Bưu Điện Việt Nam
Chat với chàng sinh viên ứng cử đại biểu Quốc hội Cái tên Nguyễn Tiến Nghị đang gây xôn xao trong giới trẻ Việt khi chàng trai sinh năm 1986 này ứng cử đại biểu Quốc hội với khát khao được hành động, được cống hiến. Những ngày này, trên báo chí và nhiều diễn đàn trẻ, Nguyễn Tiến Nghị, sinh viên năm cuối khoa Triết trường ĐH Khoa học Huế đang khiến rất...