Nhanh chóng giảm bớt những điểm trường tạm bợ
Mưa, gió kéo dài từ đầu tháng 6. Điểm trường nhà tạm Chế Á – Tiểu học Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên mặc dù đã được chằng chống bằng các loại cột xung quanh nhà nhưng vẫn bị đổ sập. Dân bản và các thầy cô mải dọn dẹp nhưng cũng chưa nghĩ được cách nào để có chỗ cho các em học, khi ngày khai giảng năm học mới đang cận kề.
Điểm trường nhà tạm Chế Á – Tiểu học Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên học ghép lớp. Ảnh: Linh Lan
Không chỉ ở Tuần Giáo, nhiều huyện thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng các phòng học được dựng lên bằng gỗ và luồng, mái lợp bằng những lá kè, lá cọ, mỗi phòng học có vài chiếc bàn phục vụ cho việc dạy học vẫn còn. Một số điểm trường vẫn còn tình trạng 2 khối lớp học chung một phòng, quay lưng vào nhau hướng mặt về hai phía bảng mà không có vách ngăn.
Công tác quy hoạch mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong những năm qua còn một số bất cập. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.
Chỉ tính riêng huyện Tuần Giáo, hiện nay, toàn huyện có 92/875 phòng học còn thuộc diện tạm bợ. Một số trường và điểm trường thường xuyên trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; các công trình vệ sinh của một số trường chưa được đầu tư, chủ yếu do giáo viên tự làm nên chất lượng chưa thực sự đảm bảo.
Để đến được với các lớp học ở những điểm lẻ, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa không chỉ phải vượt qua sông, suối và những con dốc thẳng đứng cách trung tâm xã cả chục km, nếu trời mưa thì chỉ có cách đi bộ trên con đường lầy lội, trơn trượt, vượt suối.
Nằm cách thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang hơn 30km, thôn Khuổi Luồn là một trong 3 thôn thuộc diện 135 đặc biệt khó khăn của xã Hữu Sản. Đời sống của nhân dân nơi đây còn rất nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, hiểm trở. Dòng suối Thản chảy giữa 2 thôn Chiến Thắng và Khuổi Luồn chia cắt Khuổi Luồn với khu vực bên ngoài. Cây cầu tạm duy nhất bắc ngang qua suối cho người dân qua lại, trẻ nhỏ đến trường trong tình trạng sụt lún, không an toàn, đặc biệt nguy hiểm khi mùa mưa lũ đến.
Vào những ngày nước lũ dâng cao, cây cầu bắc tạm qua suối Thản bị nhấn chìm, thôn Khuổi Luồn bị chịu cảnh cô lập. Một người dân ở thôn Khuổi Luồn chia sẻ: “Vào mùa mưa lũ, mỗi đợt mưa kéo dài khoảng 4-5 ngày, nước dâng cao 2m nhấn chìm cây cầu tạm duy nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 43 hộ dân trong thôn. Ngày nước lũ dâng cao, giáo viên không thể vào thôn để đến điểm trường dạy cho 19 em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 3, các em lớn hơn cũng không thể qua cầu để tới lớp, việc học tập phải ngưng lại”.
Video đang HOT
Trường lớp sơ sài, tạm bợ – bài toán không lời giải với thầy trò vùng cao. Ảnh: Linh Lan
Hàng loạt những nỗi lo xen lẫn nguy cơ sạt lở núi đang uy hiếp các điểm trường ở vùng cao. Trong lúc chưa có trường mới, các em phải học nhờ lán trại tạm bợ. Ông Mai Trọng Thuyết, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Cùng với nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh Điện Biên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng tích cực chia sẻ trên facebook để nhiều người thấu hiểu, ủng hộ giúp đỡ bà con thông qua các chương trình thiện nguyện của các nhà hảo tâm, các đơn vị, tổ chức tài trợ. Trong đó, phải kể đến Quỹ Vì tầm vóc Việt, Quỹ Cơm có thịt đã kêu gọi được hàng tỉ đồng đầu tư xây dựng điểm trường cho các em học sinh một số thôn, bản”.
Chính sự chủ động chia sẻ, kết nối và phối hợp tốt nên thời gian qua, huyện Tuần Giáo đã có được sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm, góp phần giảm bớt những điểm trường tạm bợ.
Linh Lan
Theo www.bienphong.com.vn
Áp lực quá tải học sinh ở thành thị
Năm học này, chủ đề sĩ số lớp học đầu cấp quá đông, đặc biệt là lớp 1 ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến dư luận xôn xao.
Năm học này, học sinh tăng mạnh nhất ở bậc tiểu học, đặc biệt lớp 1 - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
69 học sinh/lớp
Phụ huynh chỉ đích danh Trường tiểu học Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân (Hà Nội) có 9 lớp 1 thì trong đó 7 lớp sĩ số trung bình 69 học sinh (HS), 2 lớp sĩ số 68 HS. Các HS phải chen chúc 3 em 1 bàn, trong khi bàn chỉ thiết kế tối đa cho 2 em.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên về vấn đề này, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân, cho biết toàn quận năm nay tăng khoảng hơn 1.200 HS vào lớp 1 so với năm trước. Như vậy sẽ cần khoảng 300 phòng học để đáp ứng số lượng tăng đột biến này. Các trường "cố gắng tối đa" cơ sở vật chất để làm phòng học nhưng vẫn không tránh khỏi quá tải ở một số trường. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không để sĩ số lên tới 68 - 69 HS/lớp mà đã yêu cầu bố trí phòng học để giảm sĩ số, tối đa chỉ cho phép 52 - 53 HS/lớp", ông Hữu phân trần.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, cũng thừa nhận việc quá tải trường lớp, nhất là với lớp 1 khiến sĩ số ở không ít trường tiểu học các quận như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân... bị quá tải, lên tới 60 HS/lớp. Trong khi đó, điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp có không quá 35 HS.
Ông Tiến lý giải năm nay do sức ép di dân cơ học tại các khu đô thị mới đồng thời với quan niệm dân gian về "năm sinh đẹp" đã khiến cho số HS vào lớp 1 tăng hơn 38.000 so với năm học 2016 - 2017.
Số học sinh ở TP.HCM tăng cao trong năm học 2018 - 2019 - BIỂU ĐỒ: VÕ BA
Lo chất lượng dạy học giảm
Nhận định về năm học mới 2018 - 2019, lãnh đạo Sở GD- ĐT TP.HCM, nói rằng đây là một năm mà các trường học phải đối mặt với áp lực số lượng HS do tác động bởi việc tăng dân số cơ học. Theo thống kê, toàn TP tăng khoảng 67.000 HS ở tất cả các bậc học, trong đó bậc mầm non tăng 20.225, tiểu học tăng 26.812, THCS tăng 10.406 và THPT tăng 9.791. Năm học trước, số HS tăng khoảng 55.000.
Số HS tăng nhiều ở bậc mầm non và tiểu học. Đặc biệt, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, chịu ảnh hưởng tình trạng nhập cư.
Đơn cử, tại Q.Bình Tân, năm học 2018 - 2019 số HS lớp 1 có khoảng 14.000, tăng 5.866 HS tương ứng với việc cần 84 phòng học một buổi hoặc 168 phòng học 2 buổi. Trong khi đó, quận này chỉ tăng 11 phòng học tại Trường tiểu học Ngô Quyền. Áp lực khiến có những quận, huyện, sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn, có nơi đến 50 HS. Thực tế này đã phần nào hạn chế công tác quản lý và chất lượng giảng dạy. Đồng thời dẫn đến tỷ lệ HS tham gia học 2 buổi/ngày giảm, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện... đều co hẹp. Việc gia tăng số HS dẫn đến tăng cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách TP.
Ở Q.Bình Tân, để đảm bảo 100% HS có chỗ học, không chỉ phải giảm tỷ lệ học 2 buổi, bán trú mà ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD thông tin, dự kiến sĩ số lớp 1 trung bình toàn quận sẽ là 46 HS/lớp. Đặc biệt có những trường sĩ số sẽ rất cao, hơn 50 HS/lớp như tiểu học An Lạc 1, Lê Công Phép, Bình Trị 1, Bình Trị 2, Bình Long, Bình Tân...
Tăng quỹ đất, đầu tư xây dựng phòng học
Để giải quyết tình trạng quá tải, ông Phạm Xuân Tiến cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề nghị các quận huyện tìm mọi giải pháp, tận dụng tối đa các phòng trống, phòng chức năng... để làm phòng học cho HS. Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là với các quận, khu đô thị và các khu chung cư trong việc tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số HS mỗi lớp, bảo đảm ít nhất không quá 45 HS/lớp.
Theo thông tin của Sở GD-ĐT TP.HCM, để đảm bảo 100% HS có chỗ học, đến ngày 5.9, sẽ có 882 phòng học mới đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư khoảng 2.336 tỉ đồng. Số phòng tăng ở mỗi bậc học là: mầm non 272 phòng, tiểu học 369 phòng, THCS 116 phòng... Bình quân mỗi năm TP.HCM tăng 60.000 HS, Sở đề xuất TP tiếp tục ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, đảm bảo đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân trong độ tuổi đi học.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng trường học, trong năm học mới, TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng cho phép TP thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án. Song song đó cần phải tăng biên chế giáo viên đáp ứng số phòng học mới.
Nhiều địa phương không đảm bảo quỹ đất cho giáo dục
Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT, hạn chế đầu tiên được chỉ ra là công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non. Nguyên nhân một phần là một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch, không đảm bảo quỹ đất sạch để xây dựng cơ sở giáo dục, chưa thực hiện tốt trách nhiệm phát triển trường lớp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra còn do tình trạng di dân từ nông thôn đến các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp.
Tuyết Mai
Theo thanhnien.vn
Thanh Hóa: Trường học đang tu sửa bị sập, nhiều người may mắn thoát ra ngoài Khu phòng học 2 tầng của trường Tiểu học Phú Nghiêm (xã Phú Nghiêm, huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa) đã bất ngờ đổ sập trong quá trình tu sửa. Rất may, nhóm công nhân thi công đã kịp thời thoát ra ngoài trước khi sự cố xảy ra. Sự cố nêu trên xảy ra vào chiều ngày 14/8. Hiện trường sự...