Nhân vụ phạt học sinh quỳ: người thầy đâu phải ‘công chức cắp ô’
Tôi là người phản đối quyết liệt với bạo lực học đường, nhưng tôi cũng không đồng tình với việc tước đi quyền được dạy người của thầy cô giáo.
LTS: Câu chuyện cô giáo Lê Thị Quy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh bằng cách quỳ gối trong giờ học đang thu hút sự quan tâm cũng như ý kiến trái chiều của dư luận những ngày qua. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Duy Xuân như một góc nhìn tham chiếu để độc giả cùng thảo luận.
Từ một việc “nhỏ như con thỏ”…
Sự việc xuất phát từ một lá đơn kiến nghị của phụ huynh em N, người bị cô giáo Quy phạt quỳ gối trong giời học toán của mình.
Xâu chuỗi các thông tin được báo chí phản ánh trong những ngày qua có thể tóm tắt diễn biến sự việc như sau để chúng ta có cái nhìn khách quan, chân thực, công tâm; để không đẩy sự việc đi quá xa, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục và thầy cô giáo đang phải chịu nhiều áp lực từ dư luận xã hội:
Theo cô Quy, 9B “là lớp có rất nhiều học sinh bướng, nghịch ngợm, hiếu động và phá phách nếu không muốn nói một số em hầu như các giáo viên vào đều khẳng định không thể dạy được”.
Cô giáo chủ nhiệm từng áp dụng các biện pháp giáo dục đối với những học sinh này như động viên, nhắc nhở, phạt quét lớp, quét sân trường hay đi nhặt cỏ ở các bồn hoa nhưng không mấy hiệu quả.
Cô giáo từng trao đổi với phụ huynh để phối hợp giáo dục. Hình phạt quỳ được chính các phụ huynh đề xuất và cam kết để cô phạt “nếu học sinh quá hư”.
Bản thân cô Quy cũng ý thức được rằng, “đây là việc không nên làm nhưng đây là phụ huynh đề nghị. Còn những học sinh khác, tôi không phạt như vậy”.
Cần lưu ý, sự việc xảy ra hồi cuối tháng 1/2019 nhưng mãi hơn 3 tháng sau, phụ huynh mới viết kiến nghị. Cô Quy cho rằng, nút thắt của sự việc có lẽ là khi N. biết được mình thuộc diện không được xét tốt nghiệp Trung học Cơ sở.
Cuối cùng là phản ứng của lãnh đạo phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thường Tín cho rằng, hành vi của cô giáo Lê Thị Quy bắt học sinh quỳ trước lớp là không đúng quy định của ngành giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người giáo viên và tạm đình chỉ việc giảng dạy và công tác chủ nhiệm của cô giáo Lê Thị Quy 1 tuần.
…đến sự nhầm lẫn giữa xử phạt và bạo lực của dư luận
Theo dõi nhiều vụ xử phạt của giáo viên đối với học sinh được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm gần đây, có thể thấy, phản ứng của dư luận có thể gọi là “sôi sùng sục”. Điều đó cũng dễ hiểu bởi nền giáo dục hiện tại của chúng ta đang có nhiều bất cập, đặc biệt là sự xuống cấp của văn hóa học đường.
Tuy nhiên, phản ứng của dư luận đối với một số vụ việc là thái quá, ngay cả báo chí. Từng có bài báo coi việc giáo viên bắt học sinh quỳ gối là “bạo lực học đường”, rồi chạy tít giật gân “Bao giờ hết cảnh cô giáo phạt học sinh quỳ gối…”.
Tôi nghĩ đó là một sự nhầm lẫn giữa xử phạt và bạo lực mà dư luận hiện nay đang mắc phải.
Đừng đánh đồng phạt học sinh quỳ với bạo lực học đường. Ảnh minh họa: Zing
Trường học ở bất cứ nền giáo dục nào cũng có học sinh ngoan, học sinh “hư”. Học sinh “hư” tất nhiên phải giáo dục, đó là thiên chức của nhà trường, của thầy cô giáo. Có rất nhiều biện pháp để hướng học sinh “hư” thành “ngoan” trong đó có cả việc “cho roi cho vọt”, một biện pháp giáo dục không chỉ riêng của cha ông mình, của xứ sở mình.
Video đang HOT
Tìm hiểu qua truyền thông tôi được biết, nền giáo dục ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc,… vẫn duy trì việc xử phạt học sinh bằng roi (có quy định cụ thể, có giám sát hoặc có sự đồng ý của phụ huynh) đối với những trường hợp vi phạm lặp lại hoặc nghiêm trọng.
Đã trải qua những năm tháng của đời học sinh, đã đi trọn đời nhà giáo, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp, chưa bao giờ thấy ai gọi những cách xử phạt của thầy đối với trò như gõ thước vào tay, quỳ gối,… là hành vi bạo lực. Hai chữ “bạo lực” gán cho học đường chỉ mới xuất hiện gần đây khi thông tin đại chúng được tiếp sức bằng công nghệ hiện đại; khi xã hội chứng kiến quá nhiều sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống giữa thời kim tiền.
Bàn đến chuyện này, lại phải viện đến khái niệm về bạo lực. Tham khảo định nghĩa của Wikipedia, bạo lực là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong, tổn hại một ai đó. Còn bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.
Phạt học sinh quỳ gối vì tội không nghe lời thầy cô, vì tùy tiện bỏ học, vì lười học,… để các em tiến bộ hơn liệu có thể quy vào loại hành vi như định nghĩa trên không?
Trên báo VietNamNet đang có cuộc thăm dò phản ứng của dư luận về việc “Giáo viên có nên phạt học sinh bằng cách quỳ?”, kết quả tính đến 15h, 14/5/2019 có 85,22% đồng ý, 14,78% không đồng ý.
Điều đó cho thấy, trước vụ việc cô giáo Quy bắt học sinh quỳ gối trong giờ học, dư luận đã bình tĩnh hơn, không bị lôi kéo bởi “hiệu ứng đám đông” để có một cái nhìn đúng mực, công tâm.
Xin đừng tước đi quyền dạy người của người thầy
Tôi là người phản đối quyết liệt với bạo lực học đường. Tôi cũng đã từng chỉ ra (theo suy nghĩ của cá nhân mình) rằng, gia đình có vai trò căn bản làm nền tảng cho việc giáo dục thế hệ trẻ. Nhưng tôi cũng không đồng tình với việc tước đi quyền được dạy người của thầy cô giáo.
Xã hội giao cho họ không chỉ việc dạy chữ, mà quan trọng hơn là việc dạy người. Thiên chức ấy của giáo dục từ ngàn đời nay là bất biến. Người thầy không thể thực hiện thiên chức ấy của mình theo kiểu như công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” tức là đến giờ vào lớp, hết giờ ra lớp một cách vô cảm.
Còn phản ứng của lãnh đạo ngành giáo dục địa phương đình chỉ giảng dạy 1 tuần đối với cô giáo Quy, tôi nghĩ là một động thái vội vã.
Người thầy trong bối cảnh hiện nay, bước chân đến trường hay đứng trên bục giảng, đối mặt đủ thứ, nào học sinh “hư”, bướng bỉnh; nào phản ứng của phụ huynh; lo bảo toàn danh dự cá nhân, tập thể; lo “nồi cơm” của mình…, vũ khí giáo dục tối thiểu bị tước, hỏi còn làm được gì để dạy người?
Đọc nhiều ý kiến xung quanh vụ này, có một góc nhìn mà theo tôi rất đáng để những người có trách nhiệm với con cái, với thế hệ mai sau phải suy ngẫm: “muốn có đạo đức thì việc đầu tiên là phải trả lại cái uy cho thầy cô giáo, không phải cứ bảo xã hội hóa rồi phụ huynh muốn làm gì thì làm, không rèn giũa học sinh từ lúc còn đi học thì sau này không còn đạo đức nữa đâu”.
Nguyễn Duy Xuân
Theo vietnamnet
Phạt quỳ: "Cảm thông, nhưng đã đến lúc nói không!"
Đã có nhiều đồng cảm với áp lực của giáo viên, nhưng đến lúc cách phạt "truyền thống" cần chấm dứt để xác lập những giá trị và nền tảng giáo dục văn minh.
Câu chuyện cô giáo Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ gối đã thu hút dư luận trái chiều. Đáng chú ý là đã có nhiều chia sẻ và đồng cảm với áp lực của giáo viên, phản đối sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc giáo dục con cái. Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng nhiều cách dạy trẻ "truyền thống" cần chấm dứt ở thời đại mới, để xác lập những giá trị và nền tảng giáo dục văn minh.
Lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội), nơi xảy ra sự việc cô giáo phạt học sinh quỳ gối. Ảnh: Thúy Nga
Hoàng Thanh Thư (Hà Nội, 22 tuổi): Thầy cô nghiêm khắc, học trò ít "lồi lõm"
Bạn học sinh trong câu chuyện đã biết lợi dụng những vụ việc trên mạng xã hội gần đây về việc giáo viên cư xử không đúng với học sinh và làm rùm beng sự việc. Nếu học sinh nào cũng như thế, thử hỏi giáo viên nào còn dám nghiêm khắc, răn đe con nhà người ta" nữa?
Em sinh năm 1997, cũng được hưởng nền giáo dục được gọi là mới hơn thế hệ bố mẹ trước đây. Qua thời gian đi học, em thấy rằng, càng thầy cô nghiêm khắc, ít nhất hiệu quả thấy ngay đó là chúng em ngoan hơn, ít có thái độ " lồi lõm" hơn.
Cô giáo viên trong vụ việc cũng sai vì tại sao lại đưa ra hình phạt là bắt học sinh quỳ. Hành động này gây xúc phạm đến cá nhân, nhất là cái tuổi tự ái đang dâng cao.
Còn các gia đình trong câu chuyện cũng cần xem lại mình. Nếu đã đồng ý rồi thì tại sao khi cô giáo thực hiện lại bảo "chỉ nói mồm thế thôi"? Như thế thì tự hỏi trong cách giáo dục khi ở nhà của các cô, các bác là thế nào ạ?
Bà Phạm Mai (Một người nghiên cứu và quan tâm đến giáo dục): Phụ huynh đề xuất trái, sao cô lại thiếu sáng suốt làm theo?
Phụ huynh đề xuất cô làm việc trái quy định, cô nghe theo và thực hiện là sai rồi. Cô giáo nên làm theo quy định của pháp luật và nội quy của nhà trường, để bảo đảm an toàn cho chính mình.
Không lẽ phụ huynh bảo gì cô cũng làm. Cần phải biết cân nhắc cái gì mình có thể làm và cái gì mình không thể làm và biết tránh những việc có thể ảnh hưởng cho bản thân.
Thầy cô muốn giáo dục học sinh thì trước hết cũng phải làm gương cho học sinh về việc tuân thủ pháp luật. Học sinh vi phạm kỷ luật mà cô giáo tự mình đi phá vỡ nội quy của nhà trường và vi phạm quy định của pháp luật thì sao học sinh nghe theo được.
Tình yêu thương của nhà giáo phải đi kèm với hiểu biết về pháp luật cũng như hiểu biết tâm sinh lý trẻ, hiểu biết về các phương pháp sư phạm thì mới có hiệu quả.
Có chắc là bắt quỳ trẻ sẽ ngoan hơn không? Nhiệt tình nhưng cộng với thiếu hiểu biết (về pháp luật) là cô sẽ tự hại mình, trong khi chưa chắc đã giúp cho học sinh ngoan hơn.
Bà Nguyễn Hoàng Lan (Hà Nội): 30 năm trước, bạn tôi đã phản đối phạt quỳ
Bạn tôi học ở một trường phổ thông giữa trung tâm Hà Nội, là học sinh giỏi và là cán bộ lớp. Bố là bộ đội, mẹ là giáo viên, gia đình rất cơ bản. Một lần lớp bạn thấy thầy giáo thể dục lên muộn nên trốn đi chơi, bỏ tiết. Tiết sau, thầy giáo gọi cả lớp xuống sân, bắt quỳ. Bạn ấy đi lấy sổ đầu bài nên xuống muộn, thầy giáo thấy bạn ấy xuống, cũng gọi ra bắt quỳ. Bạn ấy không cãi (tính bạn này ít nói, nói nhỏ nhưng nghịch ngầm), bước đến hàng. Thay vì quỳ theo hàng, bạn ấy ngồi bệt xuống sân, xếp bằng tròn luôn. Thầy giáo tức, bắt đứng lên nhưng bạn ấy không đứng.
Cách đây hơn 30 năm, học sinh đã phản kháng không chấp thuận với hành vi hạ thấp nhân phẩm, nhưng bạn ấy phản kháng đúng theo khuôn khổ được giáo dục. Học sinh bay giờ "cái tôi" cao, dễ bột phát hơn nên đòi hỏi những kỹ năng sư phạm của người thầy cũng phải theo kịp sự thay đổi này.
Ông Đỗ Minh Hoàng (Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, Quận 5, TP.HCM): Phạt quỳ là không phù hợp
Chưa thầy cô giáo nào không phạt học sinh, vấn đề là phạt bằng cách nào. Học sinh có hàng chục lỗi vi phạm, nhưng không phải lúc nào cũng phạt. Nhiều lúc, nghe học trò hỗn nhưng vẫn "giả câm, giả điếc" để không mất mạch dạy. Hết giờ thì nhắc lại hoặc sẽ nhắc nhở và phạt sau.
Tôi rất thông cảm với đồng nghiệp, bởi nhà giáo hiện nay rất áp lực, đặc biệt trong lớp có học sinh "cá biệt" hay phụ huynh thiếu quan tâm. Nhưng dù phụ huynh có đề nghị thì việc bắt học sinh quỳ gối là hình thức phạt không phù hợp.
Vấn đề không phải là hình thức mà là kết quả của việc phạt. Sau khi quỳ gối học sinh có hết nghịch hay học bài không? Bắt học sinh quỳ chắc chắn các em sẽ xấu hổ với bạn nhưng cũng không thể làm cho các em xấu hết nghịch và học bài.
Ở đây, cũng cần nhắc đến trách nhiệm của hiệu trưởng. Với giáo viên nếu bị đình chỉ là khoảng thời gian tăm tối. Việc đình chỉ cô giáo thể hiện lãnh đạo yếu kém, đổ hết lỗi cho giáo viên.
Phụ huynh Hoàng Nam (TP.HCM): Đừng để "tay ba" khập khiễng
Cần thông cảm với cô giáo, có lẽ cô cũng "bó tay" trong cách thức giáo dục vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân là sự hợp tác của gia đình trong việc giáo dục con cái.
Để mối quan hệ tay ba "nhà trường, gia đình và xã hội" không bị khập khiễng hay trở nên đối đầu, phụ huynh cần nhận thức vai trò của mình trong việc giáo dục con cái. Còn nhà trường có thêm các chương trình giao lưu phụ huynh với các chuyên đề về phương pháp giáo dục con em...chứ không thể giao phó toàn bộ cho giáo viên; Xã hội cần có môi trường có tính giáo dục và nhân văn hơn.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (hãng luật Giải Phóng, TP.HCM): Tiến dần đến văn minh để cải thiện bất cập của giáo dục
Vụ việc cô giáo phạt học sinh quỳ chưa đủ để cấu thành hành vi làm nhục người khác. Nhưng ở góc độ đạo đức cần phản đối các hành vi bạo hành trẻ em, kể cả về thể chất hay tinh thần.
Các hành vi bạo lực nhất thời là khó tránh khỏi ở bất cứ môi trường giáo dục nào, kể cả các nước văn minh trên thế giới. Vì vậy, từng bước nâng cao ý thức dạy và học, chỉ có trình độ văn minh mới cải thiện được những bất cập của giáo dục.
Nhà báo Vĩnh Hà (báo Tuổi Trẻ TP.HCM): Đã đến lúc khép lại một số cách phạt "truyền thống"
Khi câu chuyện cô giáo được kể trên báo chí, nhiều độc giả gửi bình luận chia sẻ với áp lực của người thầy thời "bùng nổ mạng xã hội". Trước câu chuyện Trường THCS Tô Hiệu, những hình phạt học sinh tiêu cực ở các trường học khác đã xảy ra: Cho học sinh tát nhau, bắt học sinh ăn thạch, uống nước giẻ lau...
Đây chính là những "hành động kỳ quặc" gây phẫn nộ cho xã hội và tạo nên hội chứng "phản đối giáo viên" mỗi khi nghe tới chuyện giáo viên phạt học sinh, bất kể tình huống cụ thể như thế nào.
Hiện nay nhiệm vụ giáo dục học sinh trở nên nặng nề hơn khi diễn biến tâm lý, lối sống đạo đức học sinh phức tạp do tác động bởi nhiều tiêu cực trong xã hội, do giáo dục gia đình đang bị buông lỏng.
Những hình phạt học sinh theo xu hướng tiêu cực đang chứng tỏ sự bế tắc và đơn độc của các thầy cô giáo. Họ đối diện với các biểu hiện tiêu cực của học sinh lặp đi lặp lại mà không có đủ năng lực, kỹ năng, không được hỗ trợ từ ban giám hiệu, tổ bộ môn, đồng nghiệp và cha mẹ học sinh để có cách ứng xử, uốn nắn học sinh phù hợp. Áp lực công việc, thành tích cũng khiến nhiều giáo viên có hành xử khắc nghiệt, tiêu cực và mất kiểm soát với những học sinh vi phạm.
Dù chia sẻ, nhưng phải thấy rõ rằng thời kỳ "phạt quỳ" học sinh nên khép lại. Có rất nhiều cách dạy trẻ truyền thống như đánh học sinh, phạt quỳ, thậm chí là đuổi học sinh ra ngoài cần chấm dứt ở thời đại mới, dù đó là cách truyền thống ít nhiều hữu hiệu trong việc giáo dục với nhiều học sinh.
Các trường cần đưa chuyên đề trong giao ban giáo viên chủ nhiệm, trong sinh hoạt chuyên môn để chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục học sinh theo hướng "kỷ luật tích cực".
PGS Mans Svensson - Giám đốc Viên Nghiên cứu Môi trường và An ninh kinh tế (ĐH Lund, Thụy Điển): Tuân thủ quy tắc để tôn trọng lẫn nhau
Việt Nam là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á sớm tham gia công ước quốc tế về quyền trẻ em. Có nhiề việc cần phải thúc đẩy để đảm bảo những quyền này được thực thi. Đảm bảo bình đẳng trong giáo dục tức là đảm bảo mọi học sinh và nhân viên trong nhà trường đều nhận được sự tôn trọng.
Với tư cách là người trưởng thành, chúng ta nên khiến cho các em hiểu rằng bản thân mình cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ giáo viên. Tất nhiên, quyền trẻ em không đồng nghĩa với việc giờ đây giáo viên phải nhún nhường trước học sinh.
Sự bình đẳng giáo dục không chỉ nằm ở sự tôn trọng lẫn nhau mà còn tuân thủ các quy tắc. Chúng ta cần giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc, và nhận thức giá trị tiếng nói của mình. Tất cả các yếu tố này cần kết hợp với nhau, từ đó mới thực hiện thành công quyền trẻ em trong giáo dục.
Theo vietnamnet.vn
Đình chỉ việc giảng dạy của cô giáo phạt học sinh quỳ từ ngày 13/5 Đó là thông tin về buổi làm việc xác minh sự việc cô giáo chủ nhiệm lớp 9B trường THCS Tô Hiệu, Thường Tín phạt học sinh quỳ trước lớp. Ngày 10/5, trên một số trang mạng nêu Thông tin về vụ việc giáo viên trường THCS Tô Hiệu, Thường Tín phạt học sinh quỳ trong lớp học. Sau khi nhận được thông...