Nhận trẻ từ 3 tháng tuổi giúp người lao động yên tâm làm việc
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành quy định, trường mầm non, nhóm lớp mầm non (MN) độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ từ 3 tháng – 6 tuổi. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam – xung quanh đề xuất này.
ảnh minh họa
Quy định có tính nhân văn
Xin bà cho biết, ý kiến về chủ trương các cơ sở giáo dục MN nên đón nhận, chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi mà Bộ GD&ĐT vừa đề xuất?
- Dự thảo đưa ra lấy ý kiến của các tổ chức xã hội, các nhà khoa học giáo dục, các nhà quản lý và người dân, theo tôi là cần thiết và phù hợp với tình hình xã hội và đòi hỏi của thực tế. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ Việt Nam đều là công nhân viên chức để được hưởng chế độ thai sản nghỉ 6 tháng mà vẫn còn có những phụ nữ nông thôn, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn hoặc do tính chất công việc mưu sinh, họ không có điều kiện được nghỉ ngơi, chăm sóc con những tháng đầu đời; những chị em công nhân ở những khu công nghiệp, khu chế xuất mặc dù họ được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng nhưng cũng vì cuộc sống khó khăn buộc phải gửi con sớm để đi làm; hay những chị em và công chức, viên chức vì lý do thai sản mà nghỉ trước sinh 2 – 3 tháng… Vì vậy, việc quy định trường MN, nhóm lớp MN độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ từ 3 tháng theo tôi là phù hợp.
Hơn nữa, vấn đề gửi trẻ từ 3 tháng tuổi còn phụ thuộc vào nhu cầu của các gia đình, các bà mẹ. Họ có gửi hay không chứ chẳng ai bắt buộc chuyện này. Với những gia đình có điều kiện người ta sẵn sàng để con ở nhà đến 1 tuổi, 2 tuổi mới đem gửi trẻ. Nhưng cũng có những gia đình, điều kiện kinh tế không cho phép thì trẻ 3 tháng tuổi người ta đã đem gửi để mẹ còn đi lao động kiếm sống. Vì vậy, việc quy định trường MN, nhóm lớp MN nhận trẻ từ 3 tháng là rất nhân văn. Nếu triển khai được sẽ tạo điều kiện và đáp ứng nhu cầu của các gia đình có nhu cầu gửi trẻ, đảm bảo an toàn, người lao động có thể yên tâm làm việc.
Có ý kiến cho rằng, điều khoản này nếu chính thức được thông qua trong Luật Giáo dục mới sẽ tạo hành lang pháp lý để những cơ sở trông giữ trẻ có điều kiện mở các lớp trông trẻ từ 3 tháng tuổi… Quan điểm của bà như thế nào?
- Dự thảo Luật Giáo dục đưa ra quy định cho các cơ sở giáo dục MN căn cứ vào đó để hoạt động đúng mục đích, quy định… chứ không phải để cho các cơ sở giáo dục MN tư nhân hoặc những nơi trông giữ trẻ có thể ồ ạt mở ra rồi không đảm bảo chất lượng. Chắc chắn, sau khi Luật được thông qua, ngành Giáo dục sẽ phải xây dựng và ban hành thêm những văn bản, hướng dẫn liên quan và đưa ra quy chế để các cơ sở giáo dục MN thực hiện đúng.
Ví dụ: Trường mầm non A nhận trẻ từ 3 tháng tuổi thì trường mầm non A phải đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ, điều kiện chăm sóc, nuôi dạy… phải đạt được những quy chuẩn, chứ không phải cứ mở lớp trông trẻ từ 3 tháng tuổi là có thể được phép nhận trẻ.
Để việc giám sát việc chăm nuôi trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi được tốt, các ban ngành cùng phải thể hiện trách nhiệm và vào cuộc với ngành Giáo dục.
Cần đầu tư nguồn lực thích đáng
Video đang HOT
Bà Ninh Thị Hồng
Trên cương vị lãnh đạo của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, theo bà các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân cần những điều kiện gì để làm tốt công việc trông giữ, chăm sóc trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi?
- Theo tôi, Nhà nước phải dành nguồn lực thích đáng cho giáo dục MN, bao gồm cả nguồn lực đầu tư và những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Với các doanh nghiệp hoặc cá nhân, khi đầu tư vào bất cứ một lĩnh vực gì, người ta cũng phải cân nhắc hài hòa giữa lợi nhuận kinh doanh và trách nhiệm xã hội.. Vì vậy cũng cần có những chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cho giáo dục. Không nên xây dựng những trường, lớp MN nhỏ lẻ, khó quản lý, giám sát.
Như vậy mình phải tính đến những điều kiện cụ thể khi xây dựng các cơ sở giáo dục MN đủ tiêu chuẩn chứ không phải là những cơ sở giáo dục MN nhỏ lẻ, cá nhân, một hai người thuê một gian nhà ẩm thấp, hôi hám để làm lớp MN. Việc này nên đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, nhà quản lý giáo dục thì lúc đó mới cho tiếp nhận những trẻ nhỏ như vậy.
Từ kinh nghiệm thực tế của một người phụ nữ làm công tác xã hội vì trẻ em và với cương vị của mình hiện nay bà có đề xuất, kiến nghị gì với Bộ GD&ĐT về chủ trương này?
- Giáo dục MN là giáo dục rất đặc biệt. Trẻ ở độ tuổi nhỏ, phần giáo dục cũng có nhưng phần chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều hơn, vậy những điều khoản của Luật Giáo dục phải quy định rõ ràng, cụ thể riêng về giáo dục MN… Ngành Giáo dục nên có những khảo sát nghiên cứu để đề nghị Quốc hội ra Luật Giáo dục MN, lúc ấy mới có đủ điều kiện cơ sở nghiên cứu cho chúng ta lường hết được mọi vấn đề và làm tốt được.
Trong bối cảnh chưa ra được Luật Giáo dục mới thì vấn đề giáo dục MN phải có những quy định rất chi tiết cụ thể của từng độ tuổi nhỏ, chú ý đến những vấn đề giám sát, làm thế nào để mọi người dân, cộng đồng có thể tham gia cùng giám sát cùng thực hiện, giúp ngành Giáo dục thực hiện được vai trò, sứ mệnh của mình. Nếu vẫn cứ bó hẹp như hiện nay thì rất khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát của ngành Giáo dục vì không đủ nhân lực, như thế rất dễ xảy ra nhiều vụ việc không hay.
“Cơ sở để đưa ra đề xuất này nhằm tạo điều kiện cho những bà mẹ ở khu vực nông thôn không có chế độ nghỉ thai sản 6 tháng; những gia đình công nhân ở các khu chế xuất, công nghiệp muốn gửi con sớm để đi làm kiếm sống; hoặc những bà mẹ là viên chức, công chức nghỉ trước sinh từ 2 – 3 tháng. Do đó, khi đi làm nếu không có chỗ gửi trẻ sẽ rất khó khăn”.
Bà Ninh Thị Hồng
Theo Giaoducthoidai.vn
Tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi vào trường mầm non là phù hợp
Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó có Điều 25 quy định: "Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng - 6 tuổi".
Ngành GD luôn nỗ lực đổi mới hoạt động nhằm đảm bảo quyền đến trường của trẻ mầm non
Rất nhiều những ý kiến đóng góp cho đề xuất trên, xoay quanh việc giữ độ tuổi tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi hay nâng lên mức từ 6 tháng tuổi. PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) có những phân tích sâu hơn về vấn đề này.
Đảm bảo quyền được đến trường mầm non của trẻ
Trước các ý kiến đa chiều trong thời gian vừa qua, PGS.TS Nguyễn Bá Minh đã phân tích rõ hơn sự thuận lợi hay khó khăn của từng phương án cụ thể: Giữ nguyên hay nâng độ tuổi đến trường mầm non của trẻ.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, tại Điều 21, Luật Giáo dục hiện hành, quy định: "Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi".
Do Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Lao động 2012, quy định "Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng", nên có ý kiến cho rằng nên thay đổi quy định tại Luật Giáo dục theo hướng tăng độ tuổi trẻ mầm non đến trường từ 3 tháng lên 6 tháng.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho biết, có thể chỉ ra một số nội dung phân tích liên quan đến hai phương án nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non hay không nâng, như sau:
Nếu nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi (nghĩa là không nâng tuổi đưa trẻ đến trường mầm non), sẽ vẫn có trường hợp trẻ mới 3 - 4 tháng tuổi, cha mẹ phải đi làm và không thuê được người giữ trẻ, việc giữ nguyên quy định để các cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện có thể nhận trẻ đáp ứng nhu cầu của đối tượng này, dù đối tượng này rất ít. Việc giữ nguyên độ tuổi đến nhà trẻ (từ 3 tháng tuổi) là để không bỏ sót đối tượng.
Ngược lại, nếu nâng độ tuổi đưa trẻ tới trường mầm non từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi, chúng ta sẽ nhìn thấy ngay một sự hợp lý: Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Lao động 2012, quy định "Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng", như thế bà mẹ có thể ở nhà 6 tháng để giữ con, đảm bảo trẻ được gần gũi mẹ, hết thời gian này, mẹ đi làm còn con tới trường mầm non.
Về chương trình giáo dục mầm non, vốn dĩ được xây dựng dành cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi; nghĩa là chương trình bảo đảm cho việc tiếp nhận và nuôi dạy trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi, nên không có khó khăn gì về độ tuổi đến trường của trẻ, dù giữ ở độ tuổi 3 tháng đến 6 tuổi hay nâng lên 6 tháng đến 6 tuổi.
Đó là những mặt thuận lợi của việc giữ hay nâng độ tuổi đến trường mầm non của trẻ. Còn về những khó khăn thì giữ nguyên hay thay đổi cũng đều có những khó khăn nhất định.
Trước hết là về đội ngũ giáo viên. Giáo viên mầm non được đào tạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong đó có yêu cầu phải thực hiện được chương trình giáo dục mầm non, tức là có năng lực để nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.
Tuy nhiên, cơ sở thực hành chăm sóc trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi trên thực tế không có nên năng lực chăm sóc trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 2 tuổi của giáo viên mầm non hiện nay rất hạn chế. Chưa kể đối với trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi, mỗi giáo viên đảm nhiệm 5 - 6 trẻ nên cần nhiều giáo viên, dẫn đến học phí cao. Như thế về mặt đội ngũ giáo viên, cả hai phương án giữ nguyên hay nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non đều khó khăn như nhau.
Đối với cơ sở vật chất hiện có, cả hai phương án đều gặp những khó khăn cũng như thuận lợi tương tự nhau vì cơ sở vật chất dành cho độ tuổi trẻ nhỏ không tốn kém hơn cơ sở vật chất dành cho trẻ mẫu giáo.
Đã có giai đoạn nhà trẻ nhận trẻ từ 2 tháng tuổi
Trên đây PGS.TS Nguyễn Bá Minh đã phân tích một số nội dung liên quan đến hai phương án nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non (nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi) hay không nâng (nhận trẻ đến trường từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi). Hiện nay, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau:
Luồng ý kiến thứ nhất, nếu chọn phương án nhận trẻ từ 3 tháng tuổi (giữ nguyên quy định hiện hành) thì ý kiến phản biện cho rằng thiếu thực tế, thiếu tính khả thi.
Luồng ý kiến thứ hai, nếu chọn phương án nhận trẻ từ 6 tháng tuổi thì ý kiến phản biện cho rằng bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn.
Từ thực tiễn giáo dục mầm non hiện nay, với quan điểm cá nhân, PGS.TS Nguyễn Bá Minh đề xuất chọn phương án không thay đổi, bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, Luật Giáo dục hiện hành quy định "Nhà trẻ, nhóm trẻ... nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi" là quy định cho phép cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi chứ không phải nghĩa vụ phải nhận (không phổ cập giáo dục);
Thứ hai, Luật không bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn. Thực hiện được đến mức độ nào là phụ thuộc vào điều kiện, luật cần tạo điều kiện để ở đâu thực hiện được thì có thể thực hiện.
Thứ ba, trong thực tiễn có thời gian các nhà trẻ đã nhận trẻ từ 2 tháng tuổi để bố mẹ yên tâm công tác.
Ý kiến đề xuất là vậy, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Bá Minh cũng nhấn mạnh Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến để có phương án tốt nhất trong việc điều chỉnh quy định độ tuổi tiếp nhận trẻ tới trường mầm non, theo hướng thích hợp nhất với sự đồng thuận cao của xã hội.
Theo Giaoducthoidai.vn
Rà soát chặt chẽ khi đưa vào triển khai Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó có Điều 25 quy định: "Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi". Bà Nguyễn Thị...