Nhận tiền của nhà thầu Nhật Bản: ‘Sếp’ BQLDA đường sắt bị đề nghị 11 – 13 năm tù
Tại phiên xử chiều nay 26.10, cựu quan chức ngành đường sắt nhận tiền của nhà thầu JTC Nhật Bản bị đề nghị mức án cao nhất là 11 – 13 năm tù.
Bị cáo Phạm Hải Bằng – Ảnh: Hà An
Sáu bị cáo bị đưa ra xét xử ngày hôm nay gồm: Phạm Hải Bằng (46 tuổi, cựu Phó giám đốc RPMU – Ban quản lý các dự án đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên Trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU), Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên Phó giám đốc RPMU).
Theo đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, bị cáo Phạm Hải Bằng đã nêu khó khăn trong thực thi dự án và hứa sẽ tạo điều kiện cho Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) nên được phía nhà thầu này đồng ý chi tiền hỗ trợ 11 tỉ đồng.
Phạm Hải Bằng chỉ đạo cho các bị cáo Nguyễn Nam Thái, Phạm Quang Duy nhiều lần nhận tiền hỗ trợ ngoài hợp đồng tại văn phòng của JTC, RPMU. Bằng trực tiếp sử dụng 4,8 tỉ đồng, Trần Văn Lục hưởng 100 triệu đồng, Trần Quốc Đông 30 triệu đồng, Nguyễn Văn Hiếu 50 triệu đồng. Các bị cáo đã thực hiện trái công vụ để hưởng lợi số tiền. Trên thực tế, sản phẩm của nhà thầu không thực hiện đúng kế hoạch về chất lượng, cũng như tiến độ thi công.
Hành vi của các bị cáo vi phạm quy chế cán bộ công chức, luật Kế toán, gây thiệt hại kinh tế, làm đình trệ tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản và nguồn vốn ODA. Hành vi vi phạm của nhà thầu JTC cũng đã bị nước sở tại tuyên phạt 90 triệu yên, buộc không được đầu tư ra nước ngoài trong vòng 3 năm.
Bị cáo Bằng được xác định là chủ mưu, là người đã chỉ đạo các bị cáo Duy, Thái và tham gia trực tiếp, nên phải chịu trách nhiệm trực tiếp về số tiền đã hưởng lợi. Do vậy, cần phải cách ly bị cáo trong một thời gian dài nhưng xem xét giảm trách nhiệm hình sự vì có lời khai thành khẩn, khắc phục một phần hậu quả.
Video đang HOT
Bị cáo Duy giữ vai trò đồng phạm, nhận tiền từ nhà thầu và qua Bằng. Bị cáo đã sử dụng số tiền vào các khoản chung tại RPMU. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt vì bị cáo Duy vì có thái độ thành khẩn, bản thân có nhiều thành tích trong công tác.
Tương tự, bị cáo Thái có vai trò đồng phạm tích cực, đã làm trái quy định kiểm tra đối chiếu, không xác định rõ nhân công trong dự án để trình lãnh đạo giải ngân. Bị cáo là người nhận 4,4 tỉ đồng chi vào các khoản thăm quan, tết… Viện kiểm sát nhìn nhận cần có mức án thích đáng nhưng có xem xét thái độ thành khẩn, nhân thân tốt của bị cáo Thái.
Bị cáo Lục với tư cách là lãnh đạo RPMU biết rõ hành vi trái pháp luật của cấp dưới nhưng không ngăn cản. Bị cáo là người tham gia ký kết hợp đồng giữa RPMU với JTC và biết bị cáo Duy nhận tiền từ nhà thầu này. Cơ quan công tố đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo.
Bị cáo Đông là người ký vào các quyết định giải ngân cho nhà thầu JTC. Khi bị cáo Bằng báo cáo có sự hỗ trợ từ phía JTC, bị cáo Đông đã chỉ đạo tự chi tiêu vào các hoạt động của cơ quan. Bản thân bị cáo Đông cũng hưởng lợi 30 triệu đồng từ nguồn tiền hỗ trợ của nhà thầu.
Bị cáo Hiếu bỏ qua các quy trình, kiểm tra việc giải ngân cho nhà thầu JTC.
Viện kiểm sát cho rằng các bị cáo đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đến nay vẫn chưa bồi thường hết số tiền đã hưởng lợi.
Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Bằng từ 11 – 13 năm tù giam, tuyên truy thu sung quỹ số tiền bị cáo đã hưởng lợi, phải nộp lại hơn 3 tỉ đồng. Đề nghị tuyên phạt bị cáo Thái từ 10 – 12 năm tù giam, truy nộp số tiền nhận từ JTC để xung quỹ Nhà nước, phải nộp gần 3 tỉ đồng.
Bị cáo Duy bị đề nghị 8 – 10 năm tù giam, phải nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính gần 2,4 tỉ đồng. Bị cáo Lục tù 6 – 8 năm, truy thu số tiền 100 triệu đồng. Bị cáo Đông từ 7 – 9 năm tù giam, truy thu số tiền 30 triệu đồng. Đề nghị bị cáo Hiếu từ 7 – 9 năm tù giam, truy thu số tiền 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Viện kiểm sát còn đề nghị kê biên tài sản của các bị cáo Bằng, Duy, Thái để đảm bảo cho công tác thi hành án.
Hà An – Nam Anh
Theo Thanhnien
Nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt: Chi xong là xoá dấu luôn
10 giờ 15 phút sáng nay 26.10, Tòa bước sang phần thẩm vấn 6 bị cáo nguyên là quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Bị cáo Bằng tại phiên tòa sáng nay
Phần thẩm vấn bắt đầu với bị cáo Phạm Hải Bằng (Nguyên Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Theo lời khai, tuyến đường sắt đô thị dài 28 km từ Yên Viên đến Ngọc Hồi (Hà Nội) có tổng giá trị hợp đồng tuyến 01 vào khoảng 320 tỉ đồng. Phương thức thanh toán định kỳ hàng tháng sẽ được giải ngân sau khi nhà thầu tư vấn công bố. Khoảng 2 tháng một lần sẽ thanh toán.
Ngay sau khi dự án triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu dự đoán có những khó khăn, có những cái vượt quá thẩm quyền của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Khi có những phát sinh sẽ báo cáo cấp trên để bổ sung. Chính vì vậy, đã có phụ lục hợp đồng 01 và đã được phía Nhật Bản - JICA, Bộ Tài chính thẩm định, điều chỉnh giá trị tăng thêm gần 8% so với giá trị hợp đồng (tương ứng với hơn 84 tỉ đồng).
"Về nguyên tắc khi ký hợp đồng, chi phí do ai chi trả?", Chủ tọa hỏi. Bị cáo Bằng khai: Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) không phải trả. "Vậy tại sao JTC đưa khoản tiền trên? Ban quản lý có đề nghị đưa tiền không?", Chủ tọa hỏi tiếp. "Không", bị cáo Bằng trả lời.
"Bị cáo là người thực hiện dự án, có bàn nội dung lớn về triển khai. Trong quá trình làm việc với JTC, có bàn đến các khó khăn. Nhà tư vấn trình bày trước, cho rằng sẽ đảm bảo các nội dung từ trước. Riêng về các thủ tục tại Việt Nam họ không rõ", bị có Bằng khai.
Chủ tọa ngắt lời và hỏi tiếp "tại sao trong hợp đồng không đưa các nội dung tiên lượng những khó khăn". Bị cáo Bằng khai: "Đã có trong hợp đồng". Chủ tọa cho rằng, vậy thì phải lấy tiền trong hợp đồng chứ không phải khoản bên ngoài. Tại sao trong các buổi thương thảo không nêu trong hợp đồng về những khó khăn mà bị cáo lại lấy tiền ngoài hợp đồng. Bị cáo khai có uỷ quyền cho Phạm Quang Duy.
Bị cáo này còn khai, số tiền 11 tỉ đồng không phải phục vụ cho Ban quản lý các dự án đường sắt nên không nhập vào sổ kế toán, giấy tờ. "Chi tiêu trên không phải trong hệ thống Nhà nước quy định nên đã không lưu lại trong sổ sách. Mỗi lần chi xong lại xoá đi", bị cáo Bằng khai.
"Có bao giờ bị cáo chủ động đặt vấn đề JTC phải hỗ trợ tiền không?", Chủ tọa truy tiếp. "Không ạ, chỉ nêu trong các cuộc họp với phía nhà thầu chứ không đề nghị riêng lẻ", Bằng khai.
Cũng tại phiên sơ thẩm, bị cáo Bằng khai chỉ nhớ tương đối toàn bộ số tiền là khoảng 11 tỉ đồng, chứ không nhớ chính xác bao nhiêu, chỉ nhớ dùng vào các khoản chi tiêu bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra.
Trả lời câu hỏi của vị Chủ tọa "Bị cáo nhận thức gì về khoản tiền đã nhận?", bị cáo Bằng khai: "Đây là khoản tiền tư vấn, lẽ ra họ phải thực hiện trong quá trình triển khai tư vấn. Do JTC không hiểu nên bị cáo đã thay mặt sử dụng và chi tiêu. Lẽ ra JTC phải chi nhưng Ban quản lý đã chi hộ cho họ".
Hà An
Theo Thanhnien
Sáu cựu quan chức đường sắt hầu tòa vì nhận tiền của nhà thầu JTC Nhật Bản Ngày 26.10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử 6 cựu quan chức ngành đường sắt, vì nhận tiền của nhà thầu JTC Nhật Bản. 6 cựu quan chức ngành đường sắt bị xét xử, gồm: Phạm Hải Bằng (46 tuổi, cựu Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt - RPMU, thuộc Tổng...