Nhàn tênh như mẹ Hà Thành với bí quyết giúp con đi mẫu giáo ‘không tiếng khóc’, sớm hòa nhập trường lớp
Để mỗi ngày con đi học là một niềm vui, chị Ngọc Thuý (28 tuổi, kinh doanh, sống tại Hà Nội) đã chuẩn bị tâm lý trước cho con và cho cả chính bản thân mình.
Chị Ngọc Thuý cho biết, chắc chắn em bé nào cũng sẽ trải qua cảm giác sợ hãi, lo lắng, khó hòa nhập những ngày đầu đi học. Vì đây là lần đầu tiên con xa bố mẹ lâu thế, đến 1 nơi hoàn toàn xa lạ.
“Như mình quan sát, kể cả những em bé ngày đầu đi học tỏ ra rất hứng thú, những ngày sau cũng đều khóc lóc, ỉ ôi khi đến trường. Nhưng dần dần, nếu bố mẹ hỗ trợ con tốt trong những ngày đầu này, thì con chắc chắn sẽ nhanh chóng thích nghi và yêu thích trường lớp”, mẹ Bơ nhấn mạnh.
Chị Ngọc Thuý và bé Bơ (Ảnh: NVCC)
Theo đó, bà mẹ trẻ mách một số mẹo nhỏ để giúp con sớm hoà nhập với trường lớp như sau:
1.G ợi mở hứng thú với trường mầm non
1 vài tháng trước khi Bơ đi học, chị Thuý rất hay đưa con đi qua các trường mầm non, kể cho con nghe về trường học: “các anh chị chơi vui thế Bơ nhỉ?”, “con nhìn anh chị múa đẹp chưa?” thay vì nói “Con sắp phải đi học rồi, con nhớ ngoan nhé, mẹ mới yêu con”…
Sau đó, chị cho con vào chơi trong trường mầm non cùng các anh chị và các bạn. Bơ mải chơi nên thích thú, cứ đi qua là kéo mẹ vào trường bằng được thôi. Bên cạnh đó, chị cũng đọc cho con các bài thơ, hát các bài hát về trường lớp, cô giáo tạo sự hứng thú cho con.
2. Chuẩn bị tâm lý cho con
Điều này chị Ngọc Thúy luôn lưu ý những ngày đầu con đến lớp, bởi đây là thời gian cực hình với trẻ. Ngày đầu tiên, chị hơi chủ quan nghĩ rằng con gái ham chơi nên cứ để con ở lớp cả ngày đi, chiều đến đón.
Tuy nhiên, sau đó khi đến lớp, thấy con ngồi 1 góc ôm gấu bông, mút tay, nhìn sợ sệt. Lúc đó, chị thấy mình thật có lỗi với con, muốn khóc theo con, nhưng đã kìm lại, chỉ ôm con và vỗ về. Sau này, chị rút kinh nghiệm, chỉ cho Bơ đi nửa buổi, sáng đi, trưa đón về, để con làm quen dần dần với trường lớp trong 1 tuần.
Theo đó, để giúp con yên tâm đến trường và tạo niềm tin với con, chị đưa ra lời khuyên rằng:
Luôn thông báo cho con về giờ sẽ đón con để con chuẩn bị tinh thần, đỡ lo lắng sợ hãi hơn.
Tuyệt đối không được nói dối con là cho con đi chơi công viên, nhưng lại đưa con vào lớp học, không được trốn con về. Điều này tạo nên thói quen xấu ở trẻ như đa nghi, nói dối và còn khiến trẻ mất lòng tin ở bố mẹ.
Khuyến khích con đi học, không được quát mắng, ép buộc con vào lớp, hãy bình tĩnh nói chuyện để con hiểu.
Nói những câu thừa nhận cảm xúc của con “Con nhớ bố mẹ lắm à, mẹ cũng nhớ con lắm đấy, ôm mẹ cái nào!”
Video đang HOT
Nhớ chuẩn bị cho con 1 con vật nhỏ xinh, để con có thể mang đi học cùng, ngủ cùng để con thấy yên tâm hơn khi có “bạn” đi học cùng.
Hình ảnh bé Bơ đi học ngoan ngoãn, không nước mắt (Ảnh: NVCC)
3. Dành thời gian nói chuyện với con sau mỗi buổi đi học về và cuối tuần
Sau mỗi buổi học, chị Ngọc Thuý đều nói chuyện với cô giáo xem hôm nay con ở lớp chơi gì, ăn uống và ngủ nghỉ ra sao. Qua đó, để nói chuyện với con và sắp xếp ăn ngủ cho con vào buổi tối.
Khi con về, bố mẹ gác công việc lại chơi cùng con, trò chuyện với con về buổi học của con, ôm ấp con thật nhiều vì chắc chắn con cũng nhớ bố mẹ lắm.
Nên hỏi con những câu như “Con ở lớp học gì thế? Hôm nay con chơi xếp hình Lego ở lớp thích thế! Hay là hôm nay con được học tiếng Anh về từ này đúng không? Con làm cả thí nghiệm nữa cơ à?”.
Tránh hỏi câu dò xét tiêu cực như “Ở lớp cô mắng con à?”, “Cô giáo có yêu con không?”, “Các bạn có đánh/cắn con không?”. Những câu hỏi như thế này ngoài mục đích dò xét con ra, chỉ khiến con có ấn tượng không tốt về trường, về cô và các bạn.
4. Không lấy trường học, cô giáo ra để doạ nạt con hay ép con phải tự lập hơn, vì sắp đi học rồi
“Mình thấy nhiều ông bà, bố mẹ hay đem cô giáo, bác bảo vệ hay chú công an ra để dọa trẻ. Điều này, không những khiến con có ấn tượng không tốt về những người này, mà con khiến con có cảm giác lo lắng, mất tự tin vì đi đâu cũng gặp toàn những người đáng sợ.
Những câu nói như: “Con ăn đi, không mai đến lớp cô giáo mắng/ phạt đấy”, “ngủ mau không mẹ mách cô giáo nhé!”, “cứ hư đi rồi đến trường cô giáo cho biết tay”, “để đấy cho cô giáo trị”, “con mà không tự xúc ăn thì đến lớp cô giáo cho con nhịn đấy”, “đi học là không được ăn thừa cơm đâu!”…
Khi nghe những câu nói này con sẽ cảm thấy trường học là nơi gò bó, hạn chế và quản thúc mình, khiến con có tâm lý sợ hãi, lo lắng khi đi học”, bà mẹ Hà thành cho biết.
Con sớm làm quen và hoà nhập với trường lớp (Ảnh: NVCC)
5. Tâm lý của bố mẹ sẽ ảnh hưởng đến con
Khi con buồn, khóc lóc, nhất là những ngày đầu đi học, kể cả bố mẹ có lo lắng, thương con, nhớ con thế nào cũng không được thể hiện ra trước mặt con, không được để con nhìn thấy mẹ khóc.
Khi đưa con đến trường, không nên đứng thập thò ngoài cửa để con nhìn thấy, mà hãy chào con rồi ra về dứt khoát. Trẻ con rất giỏi quan sát thái độ của người lớn, chỉ cần bố mẹ tỏ ra mềm yếu chút, trẻ sẽ nắm được ngay.
Mẹ Bơ khuyên rằng, nên thể hiện thái độ lạc quan, tránh nhắc nhiều đến những tâm trạng tiêu cực của trẻ. Tránh nói kiểu như “Mẹ biết con ở trường buồn lắm, mẹ cũng buồn vì phải xa con, nên mình cùng cố gắng nhé”, điều này chỉ khiến con càng yếu đuối, bám mẹ hơn và khó hòa nhập với trường lớp hơn.
6. Đi học đều đặn
Nhiều ba mẹ cho con đi học, thấy con khóc thương con quá, lại cho ở nhà dài thêm chút nữa. Mẹ Bơ cho rằng, điều này thực sự không nên, nếu đã quyết định cho con đi học thì nên quyết tâm cho con đến lớp, tránh tình trạng thương con, xót con xong vài hôm lại cho nghỉ ở nhà chơi.
Hoặc là thấy con xụt xịt hắt hơi, sổ mũi chút, lại cho con nghỉ vì sợ con mệt. Nếu con vẫn vui vẻ chơi, không có vấn đề gì, không phải ốm nặng hay dịch bệnh nguy hiểm thì thực sự, mẹ vẫn nên cho con đến trường đều đặn.
Chị Thuý cũng bày tỏ, tránh tình trạng các bé sau khi nghỉ học dài ngày, lại mất đi hứng thú với trường lớp, gây tâm lý phản kháng khi đi học trở lại.
Mà điều lưu ý nữa chính là, bố mẹ nhớ cho con ngủ sớm, khi ngủ đủ sẽ không có tình trạng em bé mè nheo, ỉ ôi vì chưa ngủ đã và giãy lên không chịu đi lớp.
Tóm lại, mẹ Bơ bày tỏ: “ Nếu sau khi đã thực hiện đầy đủ những điều trên, mà con vẫn không thể yêu trường, lớp, thích đi học sau 1 tháng chậm chí vài tháng, bố mẹ cần xem xét lại về môi trường của con. Cô giáo của con có thực sự yêu thương và quan tâm trẻ không, hay luôn trách phạt con mỗi khi con làm điều gì đó không đúng với “tiêu chuẩn của cô”. Lúc này, bố mẹ nên cân nhắc chọn 1 môi trường khác phù hợp với con hơn”.
Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ cũng lưu ý, bố mẹ nên nhớ rằng, việc chọn trường nào, hay giáo viên thế nào quan trọng thật, nhưng giáo dục gia đình cũng rất quan trọng đối với trẻ. Thái độ cha mẹ ở nhà cũng quyết định rất nhiều đối với việc con thích hay không thích trường học.
Không nên đặt nhiều kì vọng và áp lực vào nhà trường và cô giáo, khiến cô giáo cũng không thoải mái khi dạy con. Nền tảng của con vẫn là gia đình, bố mẹ làm gương cho con học theo, luôn cho con sự tự do thoải mái nhưng cũng hãy luôn để ý đến tâm tư của con mình, để sớm có những quan tâm phù hợp với con.
“Mình chỉ cần cô giáo cho con niềm yêu thích, hứng thú đến trường, còn lại không đặt nhiều kì vọng vào việc cô sẽ giúp con học hành phải thế này thế kia, tạo áp lực cho con và cô. Một môi trường chỉ cần có sự tự do, tôn trọng và tình yêu của giáo viên đối với các con, thì chắc chắn con sẽ vui vẻ, và sẽ học được rất nhiều điều hay ho trong cuộc sống nữa”, chị Ngọc Thuý nhấn mạnh.
Những khoảnh khắc đáng nhớ trong ngày kết thúc năm học
Hơn 200 trẻ khối mẫu giáo lớn và các bậc phụ huynh, thầy cô giáo trường Mầm non Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) đã có một ngày lễ độc đáo trong những ngày gần kết thúc năm học.
Lễ tri ân và trưởng thành với chủ đề "Trái ngọt hạnh phúc" là sự kiện ý nghĩa được trường Mầm non Ban Mai tổ chức hàng năm nhằm ghi dấu sự trưởng thành của các trẻ khối mẫu giáo lớn.
Dù mới ở lứa tuổi mầm non nhưng các bé đã rất tự tin, bản lĩnh thể hiện vai trò dẫn chương trình bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Đây cũng là thành quả của việc đưa các chương trình giáo dục như Tlim, Cambridge vào giảng dạy tại nhà trường.
Những bé gái xúng xính trong trang phục vũ công tạo dáng để chụp ảnh. Các bé sẽ đóng góp cho ngày lễ của mình bằng những tiết mục văn nghệ thật đặc sắc.
Một phụ huynh chăm chút cho con gái trước khi lên sân khấu.
Sau những tiết mục múa hát sôi động, không gian lúc này dường như lắng lại, đầy cảm xúc với phần "trái tim biết ơn mở ra những điều kỳ diệu". Các trẻ khối mẫu giáo lớn cùng khoanh tay, nói lời cảm ơn thầy cô, cha mẹ và những người bạn của mình. Một bé gái òa khóc khi biết sắp phải chia tay bạn bè, thầy cô.
Gương mặt rạng rỡ của các bé khi lên nhận bằng chứng nhận hoàn thành chương trình mẫu giáo. Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường và Ban Phụ huynh trực tiếp lên trao bằng, chúc mừng từng bé.
Không dừng lại ở đó, buổi lễ còn gây ấn tượng mạnh mẽ với phụ huynh và các bé bởi các hoạt động như: Bơi tại bể bơi 4 mùa của nhà trường, dự tiệc buffet tại lớp, Team building và đặc biệt là "School Night". Đây cũng là điểm nhấn quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của sự kiện.
Các bé thích thú vì có một đêm ngủ tại trường cùng thầy cô và bạn bè trước khi nói lời chia tay.
6 giờ sáng hôm sau, chương trình Happy morning diễn ra đầy hứng khởi với màn vũ đạo khởi động ngày mới và chạy bộ tập thể tại hồ Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội). Đây cũng là hoạt động cuối cùng trong chuỗi sự kiện Lễ tri ân và trưởng thành của trường Mầm non Ban Mai. "Lễ tri ân và trưởng thành đã thành công ngoài sức mong đợi. Cảm ơn các thầy cô vì đã luôn đổi mới, sáng tạo không ngừng để tạo ra những sân chơi ý nghĩa cho bố mẹ và các con!" - phụ huynh Trần Huyền chia sẻ.
Tuyển sinh mầm non TP. Nha Trang năm học 2020 - 2021: Nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 20-7 Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh mầm non năm học 2020 - 2021 trên địa bàn thành phố. Theo đó, các trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển trong tuyến từ ngày 20-7, nhận hồ sơ ngoài tuyến từ ngày 3-8. Nguyên tắc xét tuyển Ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng...