Nhân rộng phong trào nghiên cứu trong học sinh THCS
Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2015 khu vực phía Bắc đã kết thúc vào chiều 10/3. Các đề tài tham dự cuộc thi được BGK đánh giá là có giá trị thực tiễn và tính nhân văn sâu sắc.
BTC tặng bằng khen cho các học sinh đoạt giải. Ảnh: VGP/Đăng Lương 205 đề tài khoa học thuộc 15 lĩnh vực
Theo đánh giá của BGK, cuộc thi năm nay có quy mô lớn hơn năm ngoái: 371 thí sinh của 31 đơn vị dự thi với 205 đề tài thuộc 15 lĩnh vực KHKT.
Nếu tính cả những vòng thi ở cấp trường, cấp tỉnh, thì số lượng các bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) là khá lớn, tạo nên một phong trào rộng rãi trong toàn quốc.
Video đang HOT
Thành công của cuộc thi không chỉ là số lượng đề tài, mà là sự nhiệt tình, tính chủ động, sự say mê với NCKH của các em học sinh.
Có mặt tại cuộc thi, nhiều nhà khoa học cho rằng, chính sự nhiệt tình, tự tin của các em đã truyền cảm hứng cho họ; nhiều học sinh và không ít dự án đã đem lại sự thích thú cho các thành viên BGK.
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Trưởng khoa Sinh học (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Qua cuộc thi, chúng tôi thấy rõ sự nhiệt tình và công sức của các thầy cô giáo, phụ huynh và các nhà khoa học đã tham gia tư vấn và hướng dẫn các em. Sự tham gia của các nhà khoa học trợ giúp trong việc thực hiện ý tưởng của các em cũng là một thành công của cuộc thi”.
Nhiều đề tài khoa học và phần trình bày của nhiều em đã chú ý tới việc vận dụng kiến thức học được trên lớp. Nhìn chung, các đề tài năm nay chuẩn bị khá công phu và đúng theo quy định của một công trình khoa học; một số chuẩn bị rất công phu.
Tại Hội thảo “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo KHKT trong trường phổ thông” diễn ra chiều 9/3, các đại biểu đều thống nhất nhận định, cuộc thi KHKT là đặc biệt quan trọng và cần thiết, vừa giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông, vừa tạo động lực mạnh mẽ cho các em học sinh học tập, nghiên cứu khoa học, từng bước biến ước mơ, hoài bão thành hiện thực.
Đề tài có giá trị thực tiễn, tính nhân văn sâu sắc
Theo đánh giá của BGK, các đề tài của học sinh THCS thường bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn, từ cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn như: “Thiết bị cảnh báo gặp nạn trong nhà tắm, nhà vệ sinh”, “Thiết kế bàn học sinh hỗ trợ dạy – học tích cực”, “Thiết kế bàn học hỗ trợ giảm mắc tật cận thị cho học sinh”…
Một số đề tài thể hiện ý tưởng “không có giới hạn” như “Rô bốt địa hình”: Tuy máy nhỏ nhưng chở được cả 2 tác giả ngồi lên trên; đề tài có nhiều cái “không” như “Chế tạo xe điện không người lái, không vô lăng và không điều khiển từ xa”.
Các đề tài của các em thuộc dân tộc ít người đến từ các tỉnh vùng cao cũng gây ấn tượng mạnh. Những đề tài này mang tính thực tiễn và nhân văn rất cao vì nó được xuất phát từ cuộc sống của chính các em, của chính đồng bào dân tộc vùng cao.
Có những đề tài còn đơn giản, nhưng lại là những gợi ý cho sự gắn kết giữa NCKH với thực tiễn, chẳng hạn như đề tài “Giấy nháp đa năng” (giấy nháp nhưng lại có thể xóa, không phải mua mà có thể tự làm, lại có thể gấp vào trong sách và không bị để quên ở nhà, nếu cần có thể dùng để bọc lại sách) của học sinh người H’mông ở Mù Căng Chải.
Tính nhân văn trong các dự án khá cao, khiến cho phần trình bày của các em đem lại những thiện cảm sâu sắc: “Gậy thông minh” dùng cho người khiếm thị; “Đèn giao thông thông minh” giúp giảm tai nạn giao thông; “Rô bốt ngư dân” để cho cha mẹ không phải lội xuống nước đánh cá, dọn rác…
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cũng cho hay, năm nay các đề tài xã hội-hành vi cũng thu hút được sự quan tâm như đề tài với tình yêu đất nước “Biển đảo Việt Nam và sự quan tâm của bạn” của học sinh Hải Phòng; “Hiểu biết về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của học sinh Hà Nội.
Đại diện thành viên BGK cũng cho biết thêm, trong tổng số 205 dự án dự thi có 43 dự án được lọt vào vòng 2. Đó là những dự án có chất lượng cao thuộc cả 7 nhóm lĩnh vực nghiên cứu, có cả dự án khoa học, dự án kỹ thuật và dự án về khoa học xã hội-hành vi.
Phần lớn các đề tài có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học.
Đa số các dự án có tính sáng tạo ở mức độ khác nhau. Nhiều đề tài tiếp cận những vấn đề lớn có tính khái quát hoặc cần những kỹ thuật phòng thí nghiệm. Điều này giúp rèn luyện năng lực NCKH của các em.
“Tuy vậy, cũng còn một vài hạn chế. Hạn chế lớn nhất của các đề tài là ý tưởng và nguyện vọng thì có, đôi khi là ý tưởng khá lớn, nhưng chưa có đủ thời gian, kiến thức và các điều kiện cần thiết để thực hiện ý tưởng của mình. Cũng vì vậy mà kết quả chưa thật rõ và đôi khi kết luận còn mang tính chủ quan” – PGS.TS Mai Sỹ Tuấn đánh giá.
Theo Baodientu.chinhphu.vn