Nhân lực ngành thống kê vừa thiếu và yếu
Mấy năm qua, ngành thống kê chỉ tuyển được tỷ lệ đúng chuyên ngành khoảng 20%. Ước tính từ nay đến năm 2015, hàng năm Tổng cục Thống kê cần tuyển thêm hơn 500 người. Tuy nhiên, nguồn nhân lực thống kê hiện thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Các con số này được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia về “Đào tạo thống kê trong các trường đại học ở Việt Nam và nhu cầu của xã hội” do Trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 11/11.
Chỉ có 3 người đạt trình độ Tiến sĩ đúng chuyên ngành
Theo điều tra khảo sát của PGS.TS Trần Thị Kim Thu – Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Nguyễn Trí Duy – Tổng cục Thống kê về nguồn nhân lực ngành thống kê từ 31/5/2001 đến ngày 31/5/2011, có 5.030 người đang làm việc trong toàn hệ thống, trong đó cơ quan Tổng cục Thống kê ở TƯ có 274 người (chiếm 5,45% so với tổng số), cơ quan thống kê ở địa phương có 4658 người (chiếm 92,6%). Trong vòng 10 năm, đội ngũ nhân lực của ngành Thống kê đã tăng 734 người từ 4296 lên 5030 người. Trong đó, tổng cục thống kê TƯ chỉ tăng 43 người. Cục thống kê và Chi cục tăng thêm 593 người.
Không chỉ ít về số lượng mà trình độ ngành thống kê cũng vô cùng yếu. Theo khảo sát, trình độ đại học trong ngành thống kê đến nay có 3.357, trong đó 1.086 người đúng chuyên ngành đào tạo, trình độ Thạc sỹ có 67 người, trong đó có 23 người đúng chuyên ngành. Đặc biệt, trình độ tiến sĩ cả ngành hiện nay có 9 người, trong đó chỉ có 3 người đúng chuyên ngành Thống kê. Tính chung tỷ trọng nguồn nhân lực Thống kê có trình độ sau đại học chỉ có 1,5% trong khi đó cả nước là 2,3%.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2010, chỉ số chung về năng lực thống kê Việt Nam chỉ đạt mức trung bình. Để cải thiện vị trí xếp hạng, ngày 18/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1803/QĐ – TTg “Phê duyệt chiến lược phát triển Thống kê VN giai đoạn 2011 – 2020″ và tầm nhìn đến năm 2030. Một trong 9 chương trình hành động đã được phê duyệt là “Phát triển nhân lực làm công tác thống kê để xây dựng đội ngũ những người làm công tác thống kê chủ về số lượng, bảo đảm chất lựng và cơ cấu trình độ hợp lý”.
Sinh viên (SV) ngành thống kê sau khi tốt nghiệp có năng lực lập kế hoạch nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu và tổ chức thực hiện cuộc nghiên cứu, thu thập, mã hóa, xử lý, phân tích và viết báo cáo kết quả từ các số liệu nội bộ và từ số liệu thu thập từ bên ngoài doanh nghiệp. SV tốt nghiệp có thể tham gia thiết kế, thực hiện và duy trì hệ thống thông tin kinh doanh và tiếp thị của doanh nghiệp.
Video đang HOT
Tốt nghiệp ngành Thống kê, SV có thể làm việc tại các tổ chức và công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường, bộ phận nghiên cứu và phân tích dữ liệu nội bộ; có thể thực hiện việc khai thác mỏ dữ liệu khổng lồ tại các công ty có lượng dữ liệu rất lớn như các ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm, công ty viễn thông, hãng hàng không, tổ chức cung cấp dịch vụ y tế…
Tuy nhiên, hiện nay ngành Thống kê vẫn thiếu sức hút đối với SV, nguyên nhân theo giảng viên Hà Văn Sơn, khoa Toán – Thống kê, ĐH Kinh tế TPHCM, học ngành Thống kê khó hơn các ngành khác, ra trường khó tìm việc làm, nếu được việc làm trong các cơ quan Thống kê nhà nước thì lương quá thấp, không đủ sống.
“Công việc của ngành Thống kê thì đơn điệu, chỉ dừng lại ở việc điều tra, tổng hợp dữ liệu, không coi trọng phương pháp phân tích. Sản phẩm của ngành Thống kê không bán được. Số liệu sau khi điều tra, tổng hợp được in thành các Niên giám thống kê và sử dụng miễn phí. Liệu đó có phải là nguyên nhân?” – giảng viên Hà Văn Sơn băn khoăn.
Giảng viên Hoàng Trọng, bộ môn Thống kê – Phân tích dữ liệu – ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng: “Những nhà tuyển dụng chưa hiểu về chuyên ngành Thống kê, chưa hình dung là người tốt nghiệp chuyên ngành Thống kê có thể thực hiện các công việc đó. Việc mô tả đào tạo, việc làm, cơ hội nghề nghiệp và truyền thông ra bên ngoài của chuyên ngành có vấn đề”.
Giảng viên Hoàng Trọng đề nghị: “Cần xây dựng chương trình đào tạo ngành Thống kê độc lập, không phụ thuộc vào ngành Hệ thống thông tin kinh tế. Mô tả kỹ lưỡng và chi tiết mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, các cơ hội việc làm để hướng nghiệp cho SV và truyền thông ra bên ngoài”.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thống kê hiện nay, PGS.TS Trần Thị Kim Thu đề xuất: “Khẩn trương xác định nhu cầu và lập kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo bậc sau đại học nói chung và chuyên ngành Thống kê nói riêng. Xây dựng đề xuất với Bộ Nội vụ ưu tiên những người học đúng chuyên ngành Thống kê thì không phải qua lớp đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ. Thay đổi cơ cấu về chỉ tiêu tuyển dụng theo hướng ưu tiên những người có chuyên ngành đào tạo về thống kê”.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân, một trong những định hướng quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ là phải dựa nhiều hơn vào các tín hiệu thị trường. “Tín hiệu” của thị trường chính là các số liệu thống kê. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, một trong những giải pháp là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Thống kê. Trong việc đổi mới mục tiêu và chương trình đào tạo, cần đặc biệt chú trọng nâng cao các kỹ năng cơ bản của một SV tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thống kê là các kỹ năng như thiết kế bảng hỏi, thiết kế mẫu, thành thạo các công cụ mô tả thống kê, các kỹ năng phân tích cơ bản, phân tích nâng cao, sử dụng thành thạo các phần mềm xử lý số liệu và kỹ năng viết báo cáo.
PGS.TS Hoàng Hữu Hòa, Trường ĐH Kinh tế – ĐH Huế cho rằng: “Các trường và khoa có đào tạo cử nhân Thống kê cần ngồi với nhau để thảo luận về xây dựng chương trình khung thống nhất đào tạo thống kê. Khoa Thống kê, trường ĐH Kinh tế quốc dân với tư cách là đơn vị có bề dày truyền thống và kinh nghiệm đào tạo thống kê ở nước ta làm đầu mối chủ trì việc xây dựng mã ngành Thống kê trên cơ sở tập hợp ý kiến đóng góp của các trường khác và các cơ quan doanh nghiệp liên quan. Các trường đào tạo thống kê đề nghị với Bộ GD-ĐT về việc mở mã ngành mới: Ngành Thống kê đã được xây dựng”.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Lương thấp, SV giỏi không mặn mà làm giảng viên
Năm học nào các trường đại học cũng thông báo tuyển giảng viên với số lượng không nhỏ từ vài chục đến vài trăm chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường rất khó tuyển vì nhiều sinh viên giỏi "chê" làm giảng viên.
Khó tuyển
Mỗi năm trường ĐH Mỏ Địa chất tuyển khoảng gần 100 giảng viên vào nhiều chuyên ngành khác nhau của trường. Tuy nhiên, năm nào trường cũng rơi vào tình trạng thiếu chỉ tiêu, bởi số lượng thí sinh đến tuyển nhiều ngành quá ít.
PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết: "Chỉ những chuyên ngành chính của trường như Địa chất, Dầu khí... là dồi dào nguồn tuyển có nhiều sinh viên giỏi. Còn lại hầu hết các ngành khác trong trường đều khó tuyển và phải tuyển sinh viên tốt nghiệp loại khá. Thậm chí, có ngành, có năm chúng tôi thậm chí không tuyển được giảng viên nào".
ĐH Thái Nguyên, năm nay cũng tuyển khoảng 70 - 80 giảng viên. Ông Ngô Việt Hải, phó giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết: "Có rất nhiều hồ sơ dự tuyển nhưng không đáp ứng được yêu cầu nên có ngành trường vẫn thiếu giảng viên".
"Trường ĐH và Viện nghiên cứu là nơi rất cần những người giỏi nhưng nhiều sinh viên không ở lại trường, bởi lương quá thấp. Số lượng giảng viên của trường ĐH Thái Nguyên hiện nay khoảng 600 người, trong đó số lượng cử nhân chiếm 1/3" - ông Hải cho hay.
Giảng viên Học viện Ngân hàng luôn luôn có mức thu nhập cao hơn so với giảng viên của nhiều trường khác. Mặc dù có nhiều nguồn tuyển nhưng một số ngành Học viện cũng rơi vào tình trạng khó tuyển. Theo ông Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo nhà trường, nguồn tuyển của trường rất dồi dào, năm nào cũng tuyển vài chục giảng viên. Tuy nhiên, với ngành Công nghệ thông tin là chúng tôi khó tuyển nhất.
Tương tự, nhiều trường ĐH khu vực trong Nam cũng khó tuyển giảng viên như trường ĐH Mở TPHCM, ĐH Luật TPHCM... Cụ thể, Trường ĐH Luật TPHCM, qua gần 3 tháng thông báo tuyển giảng viên nhưng chỉ nhận được 72 hồ sơ dự tuyển. Ông Phan Lê Hoàng Toàn, phó trưởng Phòng Tổ chức - hành chính của trường, cho biết hầu hết ứng viên là cử nhân, trong đó chỉ có 7 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
Để trở thành một giảng viên đại học luôn luôn phải học tập nâng cao trình độ.
Lương thấp, áp lực nâng cao trình độ
Phân tích nguyên nhân tại sao sinh viên giỏi "chê" làm giảng viên, PGS.TS Lê Trọng Thắng khẳng định: "Tình trạng khó tuyển giảng viên kéo dài nhiều năm rồi với lý do lương quá thấp. Một SV tốt nghiệp loại giỏi giữ lại làm giảng viên lương khởi điểm chỉ 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó ra làm tại công ty hay doanh nghiệp, mức lương được chục triệu/tháng, nên nhiều em không ở lại. Đây là một vấn đề lớn phụ thuộc vào chính sách nhà nước".
Đồng quan điểm, ông Ngô Việt Hải, ĐH Thái Nguyên cho rằng: "Hiện nay không có cơ chế để thu hút người giỏi ở lại trường".
Ông Hoàng Trọng Dũng, Học viện Ngân hàng cho hay: "Làm giảng viên đại học mức lương so với một số ngành khác thấp hơn nhưng lại đòi hỏi cao hơn về trình độ. Bên cạnh đó, khi vào làm giảng viên, sinh viên phải mất 1 năm tập sự và áp lực liên tục để nâng cao trình độ. Nhiều sinh viên giỏi khi ở lại làm giảng viên đều tìm suất học bổng để du học nước ngoài. Tuy nhiên, khi đi du học về nhiều em đã xin ra ngoài làm, lý do thu nhập cao hơn trong trường".
Tuyển giảng viên đã khó nay dự thảo Luật giáo dục đại học đưa ra yêu cầu dạy đại học phải là người có trình độ thạc sĩ trở lên lại càng khó hơn. PGS.TS Lê Trọng Thắng cho rằng: "Thực tế Việt Nam chưa ai thay đổi được phải có thời gian. Đặt chính sách như vậy chỉ có giải tán trường hoặc giảm bớt trường. Tôi cho rằng tất cả chính sách phải căn cứ vào thực tế và phải có lộ trình để các trường phấn đấu".
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Tìm không đủ giáo viên ngoại ngữ Tại hội nghị trực tuyến về triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ diễn ra ngày 19-10, hầu hết đại diện các tỉnh, thành tham dự nêu lên rất nhiều khó khăn, trong đó đa số đều cho rằng "tìm đủ giáo viên đạt chuẩn" là việc gian nan nhất. Tìm đủ giáo viên đạt chuẩn là thách thức trong việc...