Nhân lên những giá trị sau chiến dịch
Bằng kiến thức và kỹ năng được học trên giảng đường, những thầy cô giáo tương lai của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức các lớp học kỹ năng cho các em nhỏ ở vùng quê nghèo Duy Phước ( huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Khi chiến dịch Mùa hè xanh kết thúc, các em sẽ là lực lượng nòng cốt, tiếp tục lan tỏa giá trị từ lớp học tại địa phương.
Lớp học phòng chống xâm hại tình dục tuổi vị thành niên của sinh viên ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) Ảnh: NVCC
Giúp trẻ tự bảo vệ mình
Tại hội trường thôn Mỹ Phước ( xã Duy Phước), Ngày hội truyền thông kết thúc lớp Tập huấn phòng chống xâm hại tình dục tuổi vị thành niên thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và các em nhỏ.
Những vở kịch tham gia Ngày hội với nội dung tuyên tuyền phòng chống xâm hại tình dục do chính những học sinh cấp 2, cấp 3 tham gia lớp tập huấn lên ý tưởng. Không chỉ mang lại nhiều tiếng cười bởi sự ngộ nghĩnh, thú vị trong diễn xuất, mỗi vở kịch là một bài học về các kỹ năng phòng ngừa khi gặp tình huống có nguy cơ bị xâm hại, quản lý cảm xúc hay tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp nguy hiểm…
Lớp tập huấn phòng chống xâm hại tình dục tuổi vị thành niên được các bạn sinh viên tình nguyện chiến dịch Mùa hè xanh của trường ĐH Sư phạm duy trì tại xã Duy Phước đã được 2 năm. Năm đầu tiên, chiến dịch tổ chức các lớp học ở 8 thôn trên địa bàn xã, đối tượng tham gia là các em học sinh tiểu học. “Các lớp tập huấn năm trước rất thành công, có những lớp có hơn 100 em tham gia.
Năm nay, chiến dịch Mùa hè xanh của trường tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nhưng đối tượng là các đoàn viên năng nổ ở địa phương. Mong muốn của Đoàn trường và Đoàn xã là tập huấn để các em trở thành lực lượng nòng cốt duy trì các nhóm tuyên truyền, tiếp tục tổ chức các hoạt động ở địa phương, lan tỏa các kiến thức và kỹ năng của lớp tập huấn trong cộng đồng sau khi chiến dịch Mùa hè xanh kết thúc”, cô Lê Thị Lâm, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục – ĐH Sư phạm Đà Nẵng – phụ trách lớp tập huấn, cho biết.
Lớp tập huấn năm nay kéo dài 10 ngày, tập huấn cho khoảng 30 bạn đoàn viên ở địa phương đang theo học tại các trường THPT và THCS trên địa bàn. Các em được cung cấp kiến thức về xâm hại tình dục và cách phòng ngừa, hướng dẫn những kỹ năng cần thiết để xử lý khi có nguy cơ bị xâm hại, giúp đỡ khi có bạn bị xâm hại, đồng thời được đào tạo những kỹ năng để tuyên truyền, truyền thông trong cộng đồng.
“Vì đối tượng học sinh nên các lớp tập huấn đều kết hợp nhiều hình thức như trò chơi, văn nghệ, thảo luận nhóm, thuyết trình. Chúng tôi cũng mong muốn thông qua các hoạt động tập thể để nâng cao sự tự tin cho các em, bởi trong việc phòng ngừa quấy rối và xâm hại tình dục tuổi vị thành niên thì việc các em tự tin, có đủ tâm thế để phản ứng lại rất quan trọng”, cô Lâm chia sẻ.
Tập phân loại rác, làm phân hữu cơ
Video đang HOT
Hì hụi cắt thái, đong đếm các thành phần để ủ phân từ những loại rác thải hữu cơ mang từ nhà đến, em Dương Nguyễn Khánh Giang (học sinh trường THPT Hồ Nghinh, xã Duy Phước) thích thú với trải nghiệm mới mẻ này. Cùng các bạn xếp gọn các loại rác thừa từ rau củ, vỏ trái cây vào thùng, Giang hào hứng khoe: “Chỉ độ mười ngày nữa là tụi em có phân để đem bón cho cây trong vườn, các anh chị sinh viên nói vậy”. Giang cùng khoảng 90 bạn học sinh khác là học viên của lớp tập huấn phân loại và xử lý rác thải tại nguồn trong chiến dịch Mùa hè xanh của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức.
Các chiến sĩ Mùa hè xanh tuyên truyền về kỹ năng phân loại rác tại nguồn cho bà con tiểu thương ở chợ Duy Phước (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) Ảnh: NVCC
Tại lớp tập huấn, các em được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, xử lý rác hữu cơ để làm phân hữu cơ ứng dụng cho nông nghiệp, sử dụng các loại rác tái chế làm đồ trang trí, đồ chơi, các vật dụng gia đình…
“Duy Xuyên là vùng nông thôn, nguồn rác hữu cơ rất lớn, chưa kể các phế phẩm nông nghiệp. Bình thường, người dân sẽ bỏ rác lẫn lộn hết vào túi rác rồi vứt đi, điều này gây lãng phí nguồn rác tái chế và rác hữu cơ. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn qua các lớp tập huấn sẽ thay đổi nhận thức trong cộng đồng từ chính thế hệ trẻ.
Các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực đến gia đình, bạn bè và những người xung quanh góp phần thay đổi thói quen vứt rác, hạn chế các loại rác thải nhựa”, cô Ngô Thị Hoàng Vân, giảng viên khoa Sinh – Môi trường, Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm, phụ trách lớp tập huấn, cho biết.
“Với đặc thù của trường, chúng tôi mong muốn Mùa hè xanh không chỉ là cơ hội để các bạn sinh viên trải nghiệm, đóng góp cho cộng đồng mà còn là cơ hội để các em được áp dụng những kiến thức, kỹ năng trên giảng đường vào thực tiễn”, anh Trần Trung Phương, Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm nhấn mạnh.
“Vào năm học mới, Đoàn xã sẽ làm việc với trường, chi đoàn trường và các liên đội để tổ chức các buổi ngoại khóa về phòng chống xâm hại và phân loại rác tại nguồn do chính các học viên đã tham gia các lớp tập huấn tổ chức. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu với chính quyền để phát huy mô hình phân loại và xử lý rác tại nguồn, hạn chế rác thải nhựa trong cộng đồng”, anh Trần Thanh Giác, Bí thư Đoàn xã Duy Phước.
GIANG THANH
Theo Tiền phong
Con đậu ngành có điểm chuẩn cao nhất Bách khoa Hà Nội, mẹ canh cánh nỗi lo
Bố mất từ khi em còn học lớp 8, sau mỗi buổi tan trường cậu học trò miền biển Nguyễn Tống Sang phụ giúp mẹ mua từng mớ tôm, rổ cá ra chợ bán lại.
Ngày Sang đậu ngành có điểm chuẩn cao nhất Đại học Bách khoa Hà Nội, người mẹ rất đỗi vui mừng, tự hào nhưng rồi lại mang nặng nỗi lo trong lòng...
Đó là câu chuyện xen lẫn giữa niềm vui và những nỗi lo âu của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng (SN 1972, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trước ngày cậu con Nguyễn Tống Sang (học sinh lớp 12A8, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn) bước chân vào giảng đường đại học.
"Khó đến mấy cũng phải học để ngày mai tươi sáng"
Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình bà Hoàng nép mình trong con ngõ hẹp ở thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng. Thứ đáng giá nhất trong ngôi nhà có lẽ là những giấy khen, bằng khen về thành tích học tập của các con, nhất là người con thứ hai - Nguyễn Tống Sang, được treo trang trọng trên các bức tường bê tông bong tróc xám xịt.
Bà Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ: "Năm 2013, người chồng Nguyễn Hữu Hiền phát hiện mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Cuối năm 2015, sau hơn 2 năm chạy thận nhân tạo, ông Hiền mất vì căn bệnh quái ác. Thời điểm này, người con đầu Nguyễn Tuấn Ngọc đang học năm nhất Đại học Khoa học Huế, đứa con thứ hai Nguyễn Tống Sang học lớp 8 còn bé trai thứ ba mới học lớp 1".
Bố mất, mẹ tần tảo nuôi 3 anh em ăn học, thấu hiểu sự vất vả của người mẹ nên ngoài việc học, mọi việc trong gia đình Sang đều làm phụ giúp mẹ.
Sức khỏe vốn đã yếu, nay chồng lại mất, mọi công việc trong nhà đều trông cậy vào bà Hoàng. Mỗi ngày, bà thức dậy từ 3 giờ sáng tất tưởi ra chợ Cồn Gò, chờ những tàu thuyền cập bến, mua lại mớ tôm, mớ cá rồi mang đi bán tới trưa thì về nhà.
"Ngày may mắn còn kiếm được 100 - 120 nghìn, chứ bình thường chỉ có 30 - 40 nghìn, có ngày không được đồng tiền lời nào. Công việc này lại thất thường, bởi phải theo người ta, họ mà không đi biển, mình cũng chẳng có gì bán", bà Nguyễn Thị Hoàng tâm sự.
Dù gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng người mẹ này quyết không cho các con nghỉ học vì theo bà: "Khó đến mấy cũng phải học để có ngày mai tươi sáng".
Thời gian rảnh hoặc ngày nghỉ, Sang không ngần ngại việc ra chợ phụ giúp mẹ bán cá.
Thương mẹ, 3 người con luôn chăm chỉ học hành. Ngoài những giờ lên giảng đường, người con trai đầu kiếm việc làm thêm, đỡ đần chi phí sinh hoạt hàng tháng. Cậu con trai Nguyễn Tống Sang giúp mẹ làm việc nhà, chăm em trai còn nhỏ. Ngoài ra những ngày nghỉ, hay sau giờ tan học, Sang vẫn thường xuyên phụ giúp thêm cho công việc bán cá của mẹ.
Suốt những năm tiểu học và cấp 2, Nguyễn Tống Sang luôn có học lực khá giỏi. Sang rất đam mê bộ môn Tin học, dù gia đình nghèo, không có máy tính, sách vở cũng xin lại của người đi học trước nhưng cậu học trò miền biển luôn tận dụng tối đa những giờ học trên lớp để trau dồi kiến thức. Trong 3 năm học ở trường THPT Nguyễn Đình Liễn, Sang luôn giành vị trí cao ở các cuộc thi môn Tin học của tỉnh (năm lớp 10 và lớp 12 đạt giải Nhì, năm lớp 11 đạt giải Ba).
Đậu ngành "hot" nhất lại canh cánh nỗi lo
Ở kỳ thi THPT quốc gia 2019, với 9,2 điểm Toán, 9 điểm Lý và 8,25 môn Hóa, Nguyễn Tống Sang đã đăng ký dự tuyển ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm nay, điểm chuẩn ngành này là 27,42. Với cách tính điểm chuẩn của trường, Sang đã đậu vào ngành Khoa học máy tính với điểm số 27,49.
"Ngành Khoa học máy tính đang khá "hot", nếu học chăm chỉ, khả năng sau này ra trường cũng sẽ dễ xin được việc làm", Sang nói và chia sẻ rằng, ngoài việc yêu thích môn Tin học, thì trước khi lựa chọn ngành em cũng nhận được sự góp ý từ thầy cô giáo trong trường.
Nhận giấy báo trúng tuyển từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cậu học trò miền biển Hà Tĩnh vui mừng thông báo với gia đình, thầy cô và bạn bè. Ngày 11/8 vừa rồi, Sang cùng anh trai đã ra làm thủ tục nhập học.
Mặc dù Sang đậu vào ngành "hot" nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng cả em và mẹ vẫn canh cánh nỗi lo không đủ chi phí để học tập.
Xen lẫn trong niềm vui của con trai, bà Nguyễn Thị Hoàng có lẽ là người lo lắng nhất. "Khi nghe con báo trúng tuyển, tôi thực sự rất mừng, nỗ lực học tập lâu nay của cháu đã được đền đáp xứng đáng, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, tiền nợ lúc Ngọc ( cậu con trai đầu) đi học còn chưa trả được, không biết tới đây sẽ xoay xở ra sao", người phụ nữ 47 tuổi thở dài.
Khi Sang nhập học, nhà trường có thông báo nộp 4 triệu đồng nhưng hiện gia đình cũng chưa có. Bà Hoàng chia sẻ rằng ngoài số tiền này, còn phải vay mượn người thân thêm ít tiền để lúc Sang ra Hà Nội học còn trang trải tiền thuê trọ, ăn uống, đặc biệt là phải có máy tính cá nhân phục vụ việc học.
"Để nuôi được 3 anh em ăn học, mẹ đã phải rất vất vả. Em rất thương mẹ. Ra Hà Nội, em sẽ cố gắng học tập và tìm việc làm thêm để đỡ đần cho mẹ phần nào", cậu học trò miền biển Nguyễn Tống Sang tâm sự.
Theo Dân Trí
Ba mẹ đồng hành cùng con nhập học trong ngày Vu lan Hôm nay lễ Vu Lan cũng là ngày mà tân sinh viên nhiều trường ĐH tại TP.HCM làm thủ tục nhập học. Cô Đinh Thị Phương cùng con gái Có lẽ lễ Vu lan năm nay có ý nghĩa nhiều hơn khi trùng với ngày mà nhiều phụ huynh đồng hành cùng con đến giảng đường đại học. Cùng con nhập học ngày...