‘Nhân dân muốn biết còn bao nhiêu lần thay đổi thi cử’
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói như vậy khi báo cáo Quốc hội chiều 16/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Báo cáo Quốc hội, Phó thủ tướng khẳng định giáo dục được toàn dân quan tâm. Những vấn đề các đại biểu chất vấn, tranh luận trong sáng nay cũng là những điều người dân chú ý.
Trong báo cáo vắn tắt, Phó thủ tướng đề cập 3 vấn đề chính là chất lượng giáo dục, triết lý giáo dục và đổi mới thi cử.
Bộ giáo dục chuẩn bị 10 năm, 2 năm thí điểm
Ông Đam cho biết Nghị quyết số 29 xác định thi cử là khâu đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng là khâu gây bức xúc nhất do hiện tại có quá nhiều kỳ thi và còn tồn tại những bất cập.
Việc thi đại học, cao đẳng còn quá căng thẳng và phức tạp, là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng học lệch, học tủ, cũng như ảnh hưởng chất lượng giáo dục đại học. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có một kỳ thi trung thực, khách quan, học sinh học toàn diện và tuyển sinh vào đại học không quá căng thẳng.
Theo Phó thủ tướng, nhiều nước trên thế giới đã giải quyết vấn đề này thông qua hình thức thi đánh giá năng lực như cách Đại học Quốc gia Hà Nội làm mấy năm qua.
Trắc nghiệm là hình thức phổ biến, song nước ta chưa thể tổ chức ngay một kỳ thi đơn giản như vậy, vì không thể thay đổi đột ngột. Việc này cũng phụ thuộc quá trình đổi mới trong giảng dạy, học liệu và các yếu tố khác.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo Quốc hội chiều 16/11. Ảnh: Anh Tuấn.
“Khi bàn bạc về vấn đề này, các chuyên gia thường ví rằng lý tưởng có một chỗ ở mới rồi trên mảnh đất cũ xây ngôi nhà mới hoàn toàn. Nhưng chúng ta không có chỗ ở khác, vì thế chúng ta phải ở đó, con cháu vẫn học hành, sinh hoạt trong quá trình sửa nhà”, Phó thủ tướng nói.
Ông Đam nhận định nhìn tổng thể, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã tốt hơn trước rất nhiều và tiến bộ hơn trong năm 2016.
Video đang HOT
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đưa ra những đổi mới căn bản, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến dư luận để có kỳ thi thành công, trung thực, đơn giản, giảm áp lực cho xã hội.
Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi, Thủ tướng đã chỉ đạo phải ra đề minh họa để học sinh, phụ huynh và giáo viên tham khảo. Phó thủ tướng cho biết ông cũng yêu cầu bộ ra thêm hai đề mẫu để lấy ý kiến chung rồi điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Đam, không có phương pháp toàn diện, dù là thi trắc nghiệm hay tự luận. Vấn đề nằm ở trình độ ra đề. Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, chuẩn bị trong hơn 10 năm và trải qua hai năm thí điểm ở diện rộng. Kết quả phổ điểm cho thấy hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng kỳ thi.
Tuy nhiên, người dân muốn biết đâu là phương án cuối cùng và còn phải trải qua bao nhiêu lần thay đổi mới đến được phương án đó.
“Vì chúng ta có một dự án như việc sửa một ngôi nhà trong một số năm, nhân dân đều muốn biết rằng phương án sau cùng mà chúng ta đi đến ổn định là phương án thi như thế nào, từ lúc này đến khi đó qua bao nhiêu lần thay đổi nữa”, ông Vũ Đức Đam nói.
Trước Quốc hội, Phó thủ tướng cho biết ông đã đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ban hành đề án sớm (trước kỳ thi sang năm).
Ông cho rằng đại biểu, người dân, nhất là phụ huynh và học sinh, có thể yên lòng, tiếp tục theo dõi hướng dẫn và đề mẫu của Bộ GD&ĐT để có một kỳ thi trung thực, khách quan, nhẹ nhàng.
Trình độ càng cao kỹ năng càng kém
Đề cập xếp hạng giáo dục của Việt Nam, Phó thủ tướng cho biết không có sự đồng nhất nhưng về cơ bản, Việt Nam đứng ở vị trí từ 60 đến 70. So với trình độ phát triển kinh tế – xã hội (thứ 130), giáo dục đứng trên các nước có trình độ tương đương.
Đặc biệt, giáo dục phổ thông trong top 50. Theo kết quả kiểm định của một số tổ chức quốc tế, bao gồm OECD, Việt Nam đứng ở vị trí từ 20 đến 30.
Tuy nhiên, giáo dục đại học của nước ta lại chỉ đứng khoảng từ 70 đến 75, thậm chí 80.
Thông qua những số liệu này, Phó thủ tướng khẳng định giáo dục nước ta còn một số bất cập nhưng cũng phải nhìn nhận những nỗ lực của ngành trong thời gian qua.
Ông Đam cũng nêu hai khuyến nghị của chuyên gia nước ngoài về giáo dục Việt Nam.
Thứ nhất, giáo dục phổ thông cần đặc biệt lưu ý người dân tộc thiểu số. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT.
Ông khẳng định thời gian tới, Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ bàn bạc để đưa ra chương trình, chính sách cụ thể hơn về giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, nhìn chung ở Việt Nam, trình độ càng cao, kỹ năng so với mặt bằng thế giới càng kém.
Theo ông Đam, nếu phân lực lượng lao động thành 3 tầng, 80% người quản lý cấp cao được các công ty đa quốc gia đánh gia chưa đạt yêu cầu, cần bồi dưỡng tiếp. Con số này ở khoảng từ 40% đến 60% đối với nguồn nhân lực kỹ thuật có chuyên môn cao nhưng làm trực tiếp. Ngược lại, khoảng 20% người lao động kỹ thuật đơn giản cần đào tạo tiếp.
Vì thế, giáo dục đại học cần được đổi mới, bắt đầu từ công tác kiểm định chất lượng.
Triết lý giáo dục nằm ở xây dựng đất nước
Trong phiên chất vấn ngày 16/11, một đại biểu đề cập vấn đề triết lý giáo dục. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam có triết lý giáo dục, chỉ là không có những câu trích dẫn kinh điển.
Theo ông, triết lý giáo dục của nước ta nằm ở xây dựng đất nước, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nằm ở việc chúng ta xây dựng con người toàn diện đức trí thể mỹ, có tinh thần dân tộc có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế.
Điều này được giải thích rõ ở phần mục tiêu trong đề án phê duyệt chương trình SGK mới.
Theo Zing
Phó thủ tướng: 'SV ra trường không được thua chị kém em'
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khuyên sinh viên phải ý thức được trách nhiệm lớn của bản thân với xã hội và gia đình, người thân, làm sao để khi ra trường không thua chị, kém em.
Sáng 11/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và khai giảng năm học 2016-2017 tại Đại học Công nghiệp TP.HCM. Tại buổi lễ, Phó thủ tướng chia sẻ nhiều câu chuyện, đề cập một số vấn đề trong bối cảnh hội nhập thế giới.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sinh viên ra trường phải giỏi ngoại ngữ, rèn kỹ năng mềm và tác phong làm việc công nghiệp; phải phấn đấu hết mình cống hiến cho xã hội, đất nước và gia đình.
Ông Đam cho rằng đại học là môi trường tự học nên đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực để vươn lên. Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên phải trở thành công dân toàn cầu đúng nghĩa, với những kỹ năng và tác phong công nghiệp trong công việc, nghiên cứu.
"Làm sao để khi ra trường không thua chị, kém em. Không chỉ ở trong nước mà cả thế giới, không chỉ chuyên môn mà cả ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm", ông Đam nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng 60 năm ngày thành lập Đại học Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: Hoàng Bình.
Cũng tại buổi lễ, Phó thủ tướng dành nhiều thời gian để chia sẻ về câu chuyện tự chủ đại học và định hướng phát triển của nền giáo dục đại học. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đại học phải là môi trường học tập và nghiên cứu khoa học dân chủ, những cống hiến khoa học được trân trọng, tôn vinh.
"Những tài năng phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để bừng nở, giá trị nhân văn được tỏa sáng. Những cựu sinh viên, cựu cán bộ sẽ luôn nhớ về khoảng thời gian học tập và lao động với rất nhiều tình cảm tốt đẹp", Phó thủ tướng chia sẻ.
Ông Đam nói thêm rằng một quốc gia muốn giàu mạnh nhất thiết phải có nền giáo dục tốt. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, yếu kém, Trung ương Đảng và cả xã hội đã xác định phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trong đó có đổi mới giáo dục đại học.
Đánh giá cao Đại học Công nghiệp TP.HCM với những thành công bước đầu trong hơn một năm thực hiện cơ chế tự chủ, ông Đam cũng nhắc nhở trường phải đẩy mạnh thực hiện tự chủ thực chất, không nửa vời.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: "Đổi mới luôn là quá trình cọ sát giữa cái mới, cái cũ và luôn có một bộ phận bị ảnh hưởng. Bộ phận đó nhiều khi không tách riêng mà là ngay một phần trong chính chúng ta. Và điều quan trọng chúng ta phải dũng cảm vượt lên những trở lực do thói quen, lợi ích. Tất cả vì lợi ích chung".
Dịp này, Đại học Công nghiệp TP.HCM đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng.
Theo Zing
Tăng phần kiểm tra năng lực và tuyển thẳng Trong khi nhiều trường ĐH đang tính toán tuyển sinh theo môn thi và bài thi của kỳ thi THPT quốc gia, một số trường ĐH dự kiến tổ chức thêm kỳ thi kiểm tra năng lực. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG TP.HCM, cho biết bên cạnh kỳ thi THPT quốc gia, năm 2017, ĐHQG TP.HCM...