Nhân cách phải rèn luyện chứ không nằm trên lý thuyết
(Chinhphu.vn) – NGƯT. TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã có những lý giải về nguồn gốc sâu xa của tình trạng xuống cấp và suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay, thể hiện qua những vụ trong án vừa diễn ra.
NGƯT. TS. Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: VGP/Phương Liên
Theo quan điểm của ông Nguyễn Tùng Lâm, khi tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hiện nay, chúng ta phải tìm hiểu hệ thống các nguyên nhân chứ không phải nguyên nhân đơn lẻ.
Video đang HOT
Kinh tế thị trường với những mặt tiêu cực của nó hiện nay đang có những tác động mạnh mẽ vào thế hệ trẻ. Xác định một lý tưởng cho thanh thiếu niên bây giờ khó khăn hơn nhiều so với cách đây vài ba chục năm. Xã hội nhìn nhận, đánh giá giá trị của con người cũng khác trước. Ai là hình mẫu lý tưởng? Người giàu có hay người học hành tử tế? Thế nào là người thành đạt? Việc thanh niên đi tìm bản thân mình và địa vị trong xã hội vừa dễ vừa rất khó. Trong điều kiện đó, khi thanh thiếu niên rơi vào trạng thái tinh thần, tình cảm tiêu cực nếu không có định hướng đúng, họ sẽ rất dễ có những hành vi vi phạm pháp luật.
Trên bình diện xã hội, một bộ phận thanh thiếu niên có thể đã mất lòng tin ở cuộc sống nói chung. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm mà có lẽ chúng ta phải thừa nhận để có thể sớm tìm được những con đường, những giải pháp giúp cho nhóm xã hội đặc thù này thoát khỏi những trạng thái tinh thần, tình cảm tiêu cực đã bắt đầu xảy ra đối với họ. Hung thủ vụ án ở Bình Phước đã bày binh bố trận, hành động một cách rất vô nhân tính. Ta phải thấy đây là quá trình đẩy con người từ cuộc sống thực dụng đến cuộc sống bị tha hóa nhân cách.
Xét trên khía cạnh văn hóa tinh thần, một nhóm nhỏ thanh niên thường có xu hướng sử dụng “tiểu văn hóa” của mình để “phản ứng” lại văn hóa chung của cộng đồng…
Những vụ trọng án như ở Bình Phước tuy ít về số lượng nhưng là những dấu hiệu bộc lộ một tình trạng rạn nứt thực sự đáng báo động trong sự vận hành của những mô tế bào cơ bản của xã hội.
Trong hệ thống giáo dục, nhất là hệ thống giáo dục phổ thông, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cần xác lập tư tưởng ưu tiên dạy làm người, tức là đào tạo ra những con người tự do, biết độc lập suy nghĩ, có khả năng phê phán.
Nhà trường của chúng ta đang uốn nắn từ dạy chữ sang dạy người, đây là một quá trình, từ xưa chúng ta lao mãi vào việc dạy kiến thức mà gần như dạy người của chúng ta không ngấm, chỉ có tính chất lý thuyết. Ở các nước hiện đại, chương trình học ở tiểu học và THCS là rất nhẹ, chủ yếu là rèn kỹ năng sống, tôn vinh những giá trị để đưa con người ta có nếp sống tốt. Kiến thức phải lên đến cấp THPT và đại học mới nhiều.
Chính vì vậy, theo nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục phẩm chất đạo đức của học trò hiện nay vẫn nặng về lý thuyết, học sinh không được trải nghiệm, không được nhận thức về chính nhận thức của các em.
Đối với học trò tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thầy Lâm áp dụng nhiều biện pháp để rèn luyện đạo đức. Trường Đinh Tiên Hoàng thực hiện chương trình giá trị sống, kỹ năng sống thường xuyên, liên tục trong cả ba năm học. Kỹ năng sống được đưa thành một giờ học chính chứ không phải là dạy thêm. Bên cạnh đó, trường vẫn thực hiện dạy môn Giáo dục công dân theo sách giáo khoa nhưng phương pháp dạy là giúp học sinh trải nghiệm, luận theo những tình huống. Ví dụ, dạy về các giá trị cần, kiệm, học sinh phải đi chụp ảnh, quay phim những hành vi chưa tốt trong cuộc sống thực để thực hiện bài thuyết trình cho mình. Học sinh học Giáo dục công dân là phải chuyển từ nhận thức thành hành vi chứ không phải chỉ lý thuyết suông.
Đặc biệt, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã liên kết với các tổ chức quốc tế để thực hiện một chương trình giáo dục pháp luật, cho học sinh tiếp cận với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… giúp học sinh nắm vững thế nào là phạm tội, là vi phạm, ở mức độ nào…
Nhân cách không chỉ được nghe và nói mà phải thực sự hành động. Với học sinh của Trường Đinh Tiên Hoàng, thầy Lâm xác lập 5 nguyên tắc ứng xử của học sinh. Đó là: Tự chủ, tự lập, tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Theo GS. Nguyễn Tùng Lâm, để có thể hình thành được một xã hội dân sự lành mạnh, không có con đường nào khác ngoài con đường xây dựng cấu hình Nhà nước theo mô hình của một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của từ này mà hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều đã chấp nhận, đặt nền tảng trên những tư tưởng dân chủ, công bằng, và văn minh.
Theo chinhphu.vn