Nhận biết dấu hiệu huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin Covid-19
Tỷ lệ huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19 là hiếm gặp, cụ thể với AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất, Pfizer/BioNTech là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất.
Thời gian theo dõi sau tiêm vắc xin Covid-19 là 30 ngày – ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19″ do Bộ Y tế ban hành, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 là biến cố hiếm gặp, được ghi nhận trong báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc xin tại một số quốc gia.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vắc xin Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch, huyết khối tĩnh mạch não.
Miễn dịch cộng đồng là gì và vắc xin quan trọng ra sao trong đại dịch Covid-19?
Biểu hiện thuyên tắc huyết khối kèm theo số lượng tiểu cầu thấp xảy ra sau khi tiêm vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vắc xin Covid-19, cơ thể có thể sinh kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (platelet factor-PF4). Phức hợp kháng nguyên kháng thể đó hoạt hóa tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối và có thể chảy máu, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.
Để chẩn đoán, cùng với chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, bệnh nhân (BN) cần được thực hiện thêm chẩn đoán hình ảnh, siêu âm doppler mạch vị trí nghi ngờ lâm sàng, chụp X-quang, cộng hưởng từ… giúp phát hiện huyết khối, chảy máu.
Tỷ lệ huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19 là hiếm gặp, cụ thể với AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất, Pfizer/BioNTech là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất. Huyết khối sau tiêm vắc xin AstraZeneca chủ yếu gặp ở nữ.
Tỷ lệ đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi. Sau tiêm vắc xin AstraZeneca, tỷ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu.
Biến chứng đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng, yếu tố V Leiden. Cơ chế bệnh sinh được cho là sự hình thành các kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (PF4), gây tiêu thụ tiểu cầu dẫn đến số lượng tiểu cầu thấp và hình thành huyết khối.
(Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM – HCDC)
Theo Bộ Y tế, cấp cứu điều trị, phụ thuộc vào điều kiện nhân lực các tuyến y tế. Trong đó, tại các cơ sở y tế xã, phường, trung tâm y tế quận/huyện, cần theo dõi người sau tiêm vắc xin Covid-19. Nếu xuất hiện ít nhất 1 trong các triệu chứng lâm sàng kể trên, cần chuyển tuyến cao hơn, xử trí cấp cứu nếu có.
Tại các bệnh viện tuyến quận/huyện, tiếp nhận, xử trí những người sau tiêm vắc xin Covid-19 xuất hiện triệu chứng: đau đầu dai dẳng; đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa); đau, phù chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu) hoặc biểu hiện chảy máu, xuất huyết dưới da. Với các BN có triệu chứng trên, nên được thực hiện các xét nghiệm: đếm số lượng tiểu cầu; các thăm dò khác như: siêu âm, X-quang; cộng hưởng từ (nếu có)… Trường hợp đánh giá BN có bất thường, cần chuyển tuyến cao hơn hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia.
Các loại vắc xin Covid-19 trên thế giới được sản xuất theo công nghệ nào?
Các triệu chứng thường gặp liên quan đến biến chứng huyết khối – giảm tiểu cầu:
- Huyết khối mạch máu não, nội tạng và phổi: Nhức đầu dữ dội; Đau bụng, đau lưng; Buồn nôn và nôn; Thay đổi thị lực; Thay đổi trạng thái tinh thần như cáu gắt, buồn rầu, giận vô cớ, ngủ gà và lơ mơ; Đau ngực và khó thở; Sưng chân và đau chân, tăng hơn khi vận động.
- Giảm tiểu cầu từ nhẹ đến nặng: Vết bầm tím ngoài da có đặc điểm: Dạng chấm, dạng mảng, dạng u máu; Màu đỏ tươi, tím bầm, màu vàng nhạt; Khi ấn hoặc đè vào vết bầm không biến mất; Không đau và xuất hiện tự nhiên. Chảy máu răng, miệng tự nhiên hoặc sau chải răng. Chảy máu mũi, xuất huyết kết mạc mắt tự nhiên. Tiểu ra máu, đại tiện phân đen hoặc máu tươi. Kinh nguyệt bất thường và rong kinh kéo dài. Xuất huyết có thể biểu hiện cùng lúc dưới da, niêm mạc và nội tạng.
Khi có các dấu hiệu trên sau tiêm ngừa từ ngày thứ 4, cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế tiêm ngừa để được thăm khám, tham vấn và trị liệu.
Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh/TP, khi tiếp nhận BN cần đánh giá tình trạng lâm sàng, các xét nghiệm cơ bản và chẩn đoán hình ảnh để đánh giá huyết khối, nguy cơ chảy máu. Nếu vượt quá khả năng, cần hỏi ý kiến chuyên gia hoặc chuyển tuyến.
Tại các tuyến T.Ư, nơi tiếp nhận người sau tiêm vắc xin Covid-19 có biến cố nặng do các tuyến chuyển đến, thực hiện tất cả các thăm dò cần thiết để chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế (về chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch). Tham vấn ý kiến chuyên gia khi cần (tim mạch, đột quỵ, thần kinh, huyết học…), đặc biệt lưu ý chẩn đoán và điều trị giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch khi BN có cả 2 yếu tố: sau khi tiêm vắc xin Covid-19 từ 4 – 28 ngày và xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ huyết khối. Đồng thời, thực hiện ngay các xét nghiệm chẩn đoán số lượng tiểu cầu, xác định huyết khối (chẩn đoán hình ảnh). Cần điều trị càng sớm càng tốt ngay khi nghi ngờ BN giảm tiểu cầu huyết khối do vắc xin.
Có thể hiến máu sau tiêm phòng vắc-xin COVID-19?
Các chuyên gia y tế khẳng định rằng, việc hiến máu sau chủng ngừa COVID-19 là an toàn. Trên thực tế, hiến máu được khuyến khích mạnh mẽ, đặc biệt trong những tháng hè lượng máu hiến có xu hướng giảm.
Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ báo cáo rằng phản ứng miễn dịch của người hiến máu đối với vắc-xin không bị gián đoạn khi cho máu và không làm giảm khả năng bảo vệ của kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Ngoài ra, có thể hiến máu có kháng thể từ vắc-xin.
Những đối tượng nên và không nên hiến máu
Bạn có thể hiến máu bất cứ lúc nào sau tiêm chủng vắc-xin COVID-19, miễn là bạn cảm thấy khỏe mạnh, không cần chờ đợi thời gian giữa việc tiêm và hiến máu.
Theo Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, máu cũng có thể được hiến tặng giữa liều vắc-xin thứ nhất và thứ hai nếu là người cho không gặp bất cứ tác dụng phụ nào từ vắc-xin như đau cơ, nhức đầu, sốt... Việc hiến máu có thể tiếp tục sau khi hết các tác dụng phụ.
Mặc dù hiến máu là cách tuyệt vời để giúp đỡ những người đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe nguy cấp, song không phải ai cũng có đủ điều kiện hiến máu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên rằng, bạn không nên hiến máu nếu: mắc bệnh cúm, đau họng, cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng khác; vừa thực hiện một thủ thuật nha khoa, phải đợi 24 giờ trước khi hiến máu; gần thời điểm hiến máu có du lịch đến các quốc gia có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng; quan hệ tình dục không an toàn, nguy cơ cao trong 12 tháng qua; không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác (virus viêm gan B, viêm gan C, giang mai...); người sử dụng các loại thuốc, chất kích thích; người đã từng sinh con trong vòng 9 tháng qua, phụ nữ có thai, đang cho con bú.
Về hiến tặng huyết tương hồi phục: trong thời kỳ đầu của đại dịch, các kháng thể từ huyết tương người tặng thu được từ những người hồi phục sau COVID-19 (gọi là huyết tương dưỡng), được cho là có lợi trong việc điều trị dịch bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng không phải như vậy. Do đó, theo Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, những người đã được chủng ngừa COVID-19 không đủ điều kiện hiến huyết tương dưỡng trong thời điểm này.
Hiến máu là nghĩa cử cao đẹp cho cộng đồng.
Các hình thức hiến máu
Có một số hình thức hiến máu khác nhau: máu toàn phần, huyết tương và tiểu cầu. Mỗi loại có các yêu cầu và điều kiện cụ thể. Hiện ở Việt Nam chủ yếu có 2 hình thức hiến máu là hiến máu toàn phần và hiến tặng tiểu cầu.
Hiến máu toàn phần: Máu toàn phần chứa các tế bào hồng cầu, tế bào bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương.
Điều kiện hiến máu toàn phần: Người khỏe mạnh, hoàn toàn tự nguyện hiến máu; tuổi từ 18 - 60; cân nặng: 42kg với nữ và 45kg với nam; lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng; huyết sắc tố 120g/l; sau khi hiến máu, cần tối thiểu 12 tuần để có thể tiếp tục hiến máu hoặc tiểu cầu.
Hiến tặng tiểu cầu: Tiểu cầu là thành phần đông máu của máu, giúp cơ thể cầm máu khi bị thương. Hiến tặng tiểu cầu rất hữu ích đối với những bệnh nhân ung thư, mắc bệnh mạn tính hay bị chấn thương.
Điều kiện hiến tặng tiểu cầu: Người khỏe mạnh, hoàn toàn tự nguyện hiến máu; tuổi: từ 18 - 60; có cân nặng từ 50kg trở lên; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe: huyết áp, lượng huyết sắc tố, số lượng tiểu cầu... (được khám, xét nghiệm trước khi tham gia hiến tiểu cầu); kích thước tĩnh mạch phù hợp; đã hiến máu trước đó 12 tuần hoặc đã hiến tiểu cầu trước đó 3 tuần; sau khi hiến tiểu cầu, cần 3 tuần để hiến lần tiếp theo.
Ý nghĩa của việc hiến máu
Cho đến nay, máu là loại chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể tổng hợp nhân tạo được. Các bác sĩ dựa vào nguồn máu được hiến tặng để cứu sống các bệnh nhân. Các cơ sở y tế dựa vào nguồn cung cấp máu từ người hiến để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, đảm bảo nguồn máu dự trữ cho các trường hợp khẩn cấp.
Truyền máu được sử dụng trong phẫu thuật, trong các chấn thương, bệnh nhân ung thư, bệnh mạn tính hay các bệnh nhân có bệnh lý rối loạn máu như: thiếu máu hồng cầu hình liềm, máu khó đông...
Hiến máu không chỉ là một việc làm có ích cho xã hội mà còn mang lại nhiều sức khỏe cho người hiến tặng như tạo trạng thái tinh thần tích cực, tâm lý thoải mái, giảm quá tải sắt cho cơ thể, tăng tạo máu mới, giảm nguy cơ đột quỵ... Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện trở nên khan hiếm, do đó khuyến khích những người có đủ điều kiện nên tham gia hiến máu. Những người đã tiêm phòng COVID-19 cũng có thể hiến máu như bình thường.
Covid-19: Hội chứng "vắc xin hành" như dân mạng đặt tên có đáng ngại? Nhiều người sợ sau tiêm vắc xin Covid-19 bị sốt cao trên 39 độ, người đang nóng như hòn than bỗng dưng lên cơn rét run đắp 3 chăn không đỡ. Hội chứng "vắc xin hành" như dân mạng đặt tên có đáng ngại? Sau tiêm vắc xin Covid-19, nhiều người "cảnh báo" sẽ có một đêm "phê" vì sốt. Rất nhiều người...