“Nhắm mắt” tuyển cô giáo mầm non
Thiếu giáo viên, không ít trường mầm non tư thục “mắt nhắm mắt mở” khi tuyển dụng để có người đứng lớp. Các “chuẩn” giáo viên được hạ đến mức tối đa…
Thiếu giáo viên (GV), không ít trường mầm non (MN) tư thục “mắt nhắm mắt mở” khi tuyển dụng để có người đứng lớp. Các “chuẩn” GV được hạ đến mức tối đa…
Cỡ nào cũng trúng tuyển?!
Thiếu người, các trường MN ngoài công lập ở TPHCM rầm rập tuyển người sau Tết. Các “chuẩn” tuyển dụng cũng được cơi nới hạ đến mức tối đa có thể với hy vọng tìm được người.
Các trường mầm non ngoài công lập ở TPHCM đang “chóng mặt” thì thiếu giáo viên (Ảnh minh họa)
Cô Hoàng Thị Hiền, 24 tuổi, quê ở Gia Lai cho biết, sau thời gian dạy học tại một ngôi trường không có nhiều đổi mới, đầu năm nay cô quyết định tìm chỗ mới. Cô Hiền liên hệ một một số nơi trường đang tuyển dụng của thì thấy sự “đơn giản hóa” trong tuyển dụng GVMN.
Có nơi ứng viên còn không cần phải nộp hồ sơ, chỉ để lại điện thoại rồi phía nhà trường chủ động liên lạc hướng dẫn để người tìm việc khỏi mất công. Có nơi chỉ hỏi vài ba câu qua điện thoại, chưa biết ứng viên khả năng, kinh nghiệm thế nào, bằng cấp ra sao đã lập tức mời… đến nhận việc ngay.
“Thiếu GV đứng lớp nên các trường rất nóng lòng tìm người vào để lấp chỗ trống. Họ dường như không quá cân nhắc đến khả năng, tiêu chí của cô giáo…”, cô Hiền cho hay và bày tỏ “vơ bèo vạt tép” trong tìm GVMN cũng là thiệt thòi cho những người có kinh nghiệm. Hầu hết các trường đưa ra mức lương chung cho người mới vào chứ chưa xem trọng trả lương theo năng lực, kinh nghiệm.
Xin việc chưa cần hồ sơ, không cần kinh nghiệm, thậm chí… cũng có nơi còn cơi nới tuyển người chưa tốt nghiệp, chưa có bằng cho nợ bằng với hy vọng mở rộng diện tuyển dụng. Điều này phản ánh thực tế “khát” GV ở các có sở MN ngoài công lập nên nhiều nơi “âm thầm” phá rào tuyển dụng.
Tuyển giáo viên mầm non không cần kinh nghiệm, chưa cần bằng
Một số địa bàn ở TPHCM như Thủ Đức, Gò Vấp… từng xảy ra thực trạng, trong hồ sơ quản lý trường MN ngoài công lập của quận, phòng giáo dục là GV này, bảo hiểm lưu tên người này nhưng khi xuống kiểm tra lại là… người khác đứng lớp. Có trường GV nghỉ, người khác vào thế, nghỉ và tuyển nhanh đến độ không kịp nhập hồ sơ báo cáo và cũng có tình trạng có trường làm “lơ” tuyển GV không đủ tiêu chuẩn.
Video đang HOT
Cũng không ít bạo hành trẻ MN tại nhiều cơ sở giáo dục khi vỡ lỡ mới hay, người đứng lớp không có bằng cấp chuyên môn, xin vào làm bảo mẫu, phục vụ bếp, điều dưỡng lại được… giao đứng lớp.
Chưa nói đâu xa, chính những người quản lý, những người trong nghề cẩu thả, sơ sài và xem nhẹ vai trò bậc học MN, vai trò của cô giáo MN với tâm lý ai cũng có thể… trông giữ trẻ.
Nặng trọng trách nhưng bị “bỏ rơi”
Ở TPHCM, trường MN ngoài công lập gánh một trọng trách rất lớn trong việc giải quyết chỗ học cho trẻ. Trường tư luôn chiếm tỷ lệ trẻ cao hơn công lập như ở Q.Bình Tân, có đến trên 73% trẻ học ở trường ngoài công lập, Q. Thủ Đức mạng lưới trường lớp MN công lập chỉ đáp ứng thu nhận khoảng 40% tổng số trẻ trong độ tuổi và 60% trẻ còn lại học ở cơ sở ngoài công lập…
Trước tình trạng thiếu GV ở các cơ sở MN ngoài công lập, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM thẳng thắn nói rằng “trả lương cao vào” thì may ra giữ được GV.
Trường mầm non ngoài công lập đang cần những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn (Ảnh minh họa)
Nhưng ai cũng hiểu trả lương cao là chuyện đánh đố ở các trường ngoài công lập. Được thầy mất trò, nếu thu học phí cao để trả lương GV cao thì sẽ kén người học, thu thấp để có học sinh thì… mất thầy.
Đại diện này cho hay, nhiều năm gần đây chính sách dành cho GVMN công lập quá hấp dẫn nên có cơ hội GV sẽ vào trường công.
Có thể kể đến Nghị quyết 01 của thành phố hỗ trợ GVMN mới ra trường được tuyển dụng trong 3 năm đầu sẽ được hỗ trợ trong mức 50 – 100% lương; cán bộ quản lý, GV, nhân viên hỗ trợ 25% tiền lương/tháng; những người tham gia vào việc nuôi dạy nhóm trẻ 6-18 tháng được hỗ trợ thêm 35% lương/tháng.
Chưa kể, từ tháng 9/2017, GVMN còn được hỗ trợ theo trình độ. Hỗ trợ khuyến khích đối với GVMN có trình độ thạc sĩ 18 triệu đồng/năm, trình độ ĐH gần 11 triệu đồng/năm; trình độ CĐ là 6,6 triệu/năm. Rồi nữa, từ tháng 4/2018, công nhân viên chức ở TPHCM được chia thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 có thể lên đến 30 – 40 triệu đồng/năm.
Kín đặc chế độ, chính sách mà “trường nhà nước” vẫn còn còn thiếu GVMN trầm trọng thì trường ngoài công lập hoàn toàn phải “tự bơi” dựa trên học phí của học sinh từ cơ sở vật chất, thuê mặt bằng, lương GV… họ bị “mất người” là việc dễ hiểu.
Năm học này, Sở GD-ĐT TPHCM có hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục MN ngoài công lập. Sở tổ chức xây dựng tài liệu và tập huấn 10 lớp bồi dưỡng cho 500 chủ nhóm, GV, bảo mẫu và người trông trẻ ở 10 quận, huyện có các khu công nghiệp, khu chế xuất; phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 4.000 cán bộ, GV, nhân viên cơ sở MN ngoài công lập; tổ chức 4 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và đạo đức, lương tâm nghề nghiệp cho 218 GV bảo mẫu tại các nhóm trẻ độc lập tư thục…
Hoài Nam
Theo Dân trí
"Giáo viên mầm non ở đâu rồi?"
Tuyển mãi mà không ra giáo viên mầm non, đại diện nhiều cơ sở mầm non ở TPHCM đã phải lên tiếng kêu gào, năn nỉ cũng như tung đủ chiêu "săn" giáo viên mầm non.
Trường bao đủ thứ
"Trời ơi, sao tuyển hoài mà chưa thấy đội mình đâu hết vậy? Có ai về trường A với chúng mình không? Chúng mình đang rất cần giáo viên (GV) và cấp dưỡng. Lương bao căng, trường bao đẹp, môi trường bao thoải mái", sau tiếng tìm người "thảm thiết" đó là thông tin, số điện thoại liên lạc của đại diện của một trường mầm non ở Thủ Đức, TPHCM.
Đến hẹn lại lên, các trường mầm non ngoài công lập ở TPHCM đang vào mùa "khát" giáo viên (Ảnh minh họa)
Trường đang có nhu cầu tìm GV, cấp dưỡng không giới hạn số lượng. Thế nhưng, đại diện trường cho biết, họ đăng thông tin liên tục cả tháng nay, từ trước Tết nhưng không tài nào tìm được người. Họ vừa mệt mỏi trước tình trạng thiếu GV đứng lớp vừa ngạc nhiên không hiểu các ứng viên là GV mầm non đang "trốn" ở đâu hết.
Một trường mầm non khác ở Tân Phú, TPHCM cũng kịch liệt mời gọi các ứng viên mầm non: "Các cô giáo mầm non ơi, về với đội chúng tôi, các bạn muốn gì cũng có. Môi trường làm việc thân thiện, lương cao, có lương tháng 13, xuất sắc thêm tháng 14, đi du lịch, lo vé tàu Tết".
Thế nhưng, cũng như bao nhiêu ngôi trường đang "đốt đuốc" tìm GV mầm non, dù kêu gọi như vậy nhưng các trường vẫn chịu "điệp khúc" không tìm ra người.
Trong cơn khát tuyển GV mầm non, hầu hết các trường không nhấn mạnh đến yêu cầu, tiêu chí của ứng viên mà họ tập trung vào chế độ để thu hút các ứng viên. Các trường giới thiệu rất nhiều "ưu đãi" cho GV từ các đãi chung như bảo hiểm, lương thưởng thì nhiều trường tung các chế độ riêng.
Các trường mầm non ngoài công lập đua nhau giới thiệu các "ưu đãi" tuyển dụng giáo viên mầm non.
Trường mầm non Khánh Hội, Q.4, TPHCM cần tuyển GV, bảo mẫu, theo đó ngoài bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp còn có tiền phụ cấp, tiền ăn trưa, lương thưởng tháng 13, lễ tết và du lịch. Trường mầm non Nam Long, Q.7, TPHCM công khai mức lương khởi điểm cho GV từ 4,7 - 5,7 triệu tùy bằng cấp, được tăng lương định kỳ, có đầy đủ chế độ bảo hiểm, chế độ tham quan du lịch. Ngoài ra, trường có chỗ ở nội trú cho GV, hỗ trợ cơm trưa...
Hay Trường mầm non Ngọc Quỳnh (Q. Bình Tân) giới thiệu mức lương 5 - 5,5 triệu, có thưởng thi đua tháng, tiền ăn chiều, thưởng thâm niên, thưởng lễ Tết, du lịch hè, nghỉ phép...
Ứng viên mầm non được săn đón
Ra Tết, nhiều GV nghỉ việc nhưng cũng là thời điểm nhiều người tìm môi trường mới, sinh viên mới xin việc. Trước "cơn khát" GV mầm non, phải nói rằng nghề cô giáo mầm non rất dễ tìm việc.
Cô Nguyễn Phương Thùy, một cô giáo mầm non 24 tuổi quê ở Bình Thuận kể, cô từng dạy ở TPHCM nhưng sau đó nghỉ việc về quê. Lận đận ở quê, Quỳnh quay lại TPHCM để đi dạy. Chỉ đúng hai hôm cô đăng tin cần tìm việc, đã có không dưới chục quản lý các trường học từ nhắn tin, gọi điện mời cô về trường làm việc. Rất nhiều trường có sẵn chỗ ở chỗ ở, hỗ trợ ăn trưa...
"Tìm việc không khó nhưng tôi muốn tìm nơi gần chỗ ở của mình và cũng muốn tìm hiểu kỹ về chế độ, môi trường làm việc để có thể gắn bó lâu dài. Chứ làm thời gian rồi nghỉ khổ mình và khổ cả trường", cô Thùy cho hay và khẳng định cô giáo mầm non không lo thất nghiệp. Nhưng khó nhất là bám trụ được công việc lâu hay không.
Giữ chân cô giáo mầm non là đang là một bài toán khó của TPHCM (Ảnh minh họa)
Trên các diễn đàn, hội nhóm về GV mầm non, nếu thông tin các trường đăng tải tuyển dụng ít được quan tâm thì đổi lại tin GV tìm việc lại vô cùng thu hút các trường. Chỉ cần có một ứng viên tìm việc là lập tức các trường vào giới thiệu, mời mọc, thậm chí có trường nóng lòng: "Em có thể đến nhận việc chiều nay luôn".
Tìm được GV mầm non đã khó, giữ được chân GV càng khó hơn là "số phận chung" của rất nhiều người mầm non ngoài công lập ở TPHCM.
Một thực tế rằng, dù có chế độ đặc biệt thế nào đi nữa thì các trường mầm non ngoài công lập cũng khó có thể trả được mức lương "ngất ngưởng" để giữ nổi GV bằng tiền. Tất cả các khoản của trường đều phải tính toán trên học phí của học sinh, nếu học phí thu cao thì trường sẽ chuyển thành phân khúc "kén" người học.
Đồng lương không cao, công việc áp lực... trong khi GV "dạt" vào hệ thống mầm non ngoài công lập phần lớn là GV tỉnh nên ít có sự ràng buộc. Mức lương bình quân 5 - 6 triệu đồng, họ phải co kéo với mức chi tiêu ở thành phố, chưa kể công việc mất nhiều thời gian, áp lực... nên nhiều người chỉ xem đây là công việc tạm bợ trong khi chờ cơ hội khác.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Giáo viên "mất tích" sau Tết, trường mầm non liêu xiêu Nhiều giáo viên về quê ăn Tết rồi một đi không trở lại, không ít trường mầm non tư ở TPHCM và các tỉnh lân cận rơi vào cảnh liêu xiêu khi trống giáo viên. Đưa con đến trường những ngày đầu năm, chị Thu Nhân, có con học tại Trường mầm non N. (Đức, TPHCM) ngạc nhiên vì chỉ thấy một cô...