Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76
Đại diện của gia đình Hawking cho biết nhà vật lý thiên tài người Anh vừa qua đời ở tuổi 76. Ông có đóng góp lớn cho khoa học và dành cả cuộc đời để giải mã các bí ẩn của vũ trụ.
Hawking sinh ngày 8/1/1942, là nhà vật lý người Anh có đóng góp lớn cho khoa học. Các con của nhà vật lý cho biết ông Hawking, 76 tuổi, đã ra đi trong bình an vào sáng sớm ngày 14/3 tại nhà riêng ở Cambridge, Anh.
Guardian gọi Hawking là “ngôi sao sáng nhất trong ngành vũ trụ học hiện đại”. Ông là tác giả của A Brief History of Time (Lược sử thời gian), một trong những cuốn sách phổ thông về khoa học nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Sự ra đi của Hawking không chỉ là một tin buồn đối với giới khoa học mà còn cả những người quan tâm đến vật lý và vũ trụ học. Cuộc đời Hawking là những chuỗi ngày sống chung với căn bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) và tìm kiếm lời giải cho những bí ẩn của vũ trụ.
Những công trình của Hawking trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ khám phá về nguồn gốc vũ trụ, thăm dò tiềm năng của việc du hành thời gian cho tới bí ẩn đằng sau hố đen.
“Chúng tôi đau buồn sâu sắc trước việc người cha thân yêu đã qua đời vào hôm nay”, các con của Hawking, gồm Lucy, Robert và Tim nói trong một thông cáo được hãng PA đăng tải. “Ông là một nhà khoa học vĩ đại, một người đàn ông phi thường với công sức và di sản sẽ sống cùng chúng ta trong nhiều năm nữa”.
“Ông ấy từng nói, ‘vũ trụ sẽ không còn là vũ trụ nếu nó không thể là nhà cho những người bạn yêu thương’. Chúng tôi sẽ nhớ ông mãi”, các con của Hawking nói.
Video đang HOT
Sức mạnh trí não, đáng buồn thay, tương phản với cơ thể tật nguyền của Hawking, hệ quả của căn bệnh thoái hóa thần kinh vận động đã đày đọa nhà vật lý thiên tài từ năm 21 tuổi.
Gần như toàn bộ cuộc đời của Hawking gắn với chiếc xe lăn. Khi tình trạng bệnh tật của Hawking ngày một xấu đi, ông buộc phải giao tiếp thông qua thiết bị hỗ trợ giọng nói nhân tạo và ra hiệu bằng lông mày.
“Tôi thường được hỏi: bị ALS thì sao”, ông viết. “Câu trả lời là, không nhiều lắm. Tôi cố gắng sống một cuộc đời bình thường nhất có thể, không nghĩ về tình trạng của mình, không hối hận những điều mà mình không thể làm, mà cũng không nhiều những điều như thế lắm”.
Stephen đúng là đã làm được điều ông tin là định mệnh của mình, khoa học. Dù cuộc đời ông thì không bình thường lắm. Bên trong thân thể trông như vô dụng của Hawking là một bộ não sắc bén và tò mò trước bản chất vũ trụ, cách nó hình thành cũng như số phận mà nó có thể đi đến.
Hawking xem việc tạo ra trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là sự kiện lớn nhất trong lịch sử nền văn minh của chúng ta. “Bên cạnh những lợi ích, AI cũng mang lại cả mối nguy, nhưng các hệ thống vũ khí tự hành mạnh mẽ hoặc phương thức mới để đàn áp con người”, ông nói với năm 2016.
Stephen Hawking cũng là một trong những nhà khoa học năng lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội. Ông cảnh báo rằng tương lai của nhân loại chính là vũ trụ ngoài kia.
“Tôi nghĩ nhân loại không có tương lai nếu họ không đi vào không gian”, ông nói. “Tôi tin rằng cuộc sống trên Trái Đất đang bị đe dọa ngày càng nhiều trước nguy cơ một đợt nóng lên đột ngột, chiến tranh hạt nhân, một loại vi rút phát tán hàng loạt và những mối nguy khác”.
Theo Phương Thảo (Zing)
Vì sao thiên tài vật lý Hawking chống được bệnh quái ác suốt 50 năm?
Căn bệnh của Hawking thường gây tử vong chỉ vài năm sau khi chẩn đoán nhưng ông đã sống cùng nó suốt hơn 50 năm.
Thiên tài vật lý Spephen Hawking vừa qua đời ngày 14.3
Thiên tài vật lý Spephen Hawking vừa qua đời ngày 14.3 sau 50 năm chống chọi với căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), gia đình ông cho biết.
ALS là một căn bệnh về thần kinh không thể chữa trị. Nó làm chết các tế bào thần kinh điều khiển vận động (nhai, đi bộ, nói chuyện, thở...).
Hawking chỉ mới 21 tuổi khi bị chẩn đoán mắc căn bệnh quái ác này. Lúc đó bác sĩ dự đoán ông chỉ có thể sống thêm 2 năm nữa.
Vậy làm thế nào Hawking vẫn sống đến năm 76 tuổi dù bị mắc bệnh thường gây tử vong chỉ trong vài năm?
Theo Live Science, trên thực tế, không ai biết rõ tại sao Hawking có thể sống lâu như vậy cùng ALS. Nhưng các nhà nghiên cứu biết rằng sự tiến triển của bệnh khác nhau ở từng người.
Theo nghiên cứu, trung bình bệnh nhân mắc ALS sống thêm được khoảng 3 năm sau khi chẩn đoán. Tuy nhiên, khoảng 20% số người mắc bệnh vẫn sống được thêm 5 năm, 10% sống thêm 10 năm và 5% sống thêm 20 năm hoặc hơn, theo Hiệp hội ALS.
Một yếu tố khác có thể đóng vai trò quyết định thời gian sống của bệnh nhân là gen di truyền. Các nhà khoa học đã xác định hơn 20 gen khác nhau của con người có liên quan đến ALS, theo Tiến sĩ Anthony Geraci, Viện Thần kinh Northwell Health ở New York.
Ví dụ, một gen gọi là SOD1 - có liên quan đến ALS - có thể khiến căn bệnh tiến triển nhanh hơn, Geraci nói với Live Science.
Các nghiên cứu cũng nhận thấy rằng việc được chẩn đoán ALS lúc còn trẻ có liên quan đến việc kéo dài thời gian sống. (Hawking tương đối trẻ khi được chẩn đoán ALS, bệnh này thường được chẩn đoán ở những người từ 55-75 tuổi).
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Mỹ đã phê duyệt hai loại thuốc để điều trị ALS, được gọi là riluzole (Rilutek) và edaravone (Radicava). Mỗi loại thuốc này có thể kéo dài thời gian sống thêm khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, thuốc nhiều khả năng không có vai trò trong trường hợp đặc biệt như của Hawking, Geraci nói.
Các triệu chứng ban đầu của ALS có thể bao gồm yếu cơ hoặc nói lắp bắp. Cuối cùng, bệnh có thể khiến bệnh nhân mất khả năng di chuyển, nói, ăn hoặc tự thở.
Những người mắc ALS thường chết vì suy hô hấp, điều xảy ra khi các tế bào thần kinh kiểm soát cơ hô hấp ngừng hoạt động, hoặc do suy dinh dưỡng và mất nước, điều xảy ra khi các cơ kiểm soát hoạt động nuốt bị chết, Tiến sĩ Leo McCluskey tại Đại học Pennsylvania từng nói với trang Scientific American vào năm 2012.
"Nếu bạn không có hai dấu hiệu trên, bạn có thể sống trong một khoảng thời gian dài - mặc dù cơ thể bạn trở nên tệ hơn", McCluskey nói. "Điều xảy ra với Hawking chỉ đơn giản là đáng kinh ngạc. Ông ấy chắc chắn là một trường hợp ngoại lệ".
Theo Danviet
Cảnh báo cuối cùng của thiên tài Stephen Hawking dành cho nhân loại Giáo sư, nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking đã đưa những lời cảnh báo dành cho nhân loại chỉ vài tháng trước khi ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14/3. Nhà vật lý Stephen Hawking trải nghiệm môi trường không trọng lực (Ảnh: AFP) Theo Dailymail, chỉ vài tháng trước khi qua đời ở tuổi 76, thiên tài vật lý...