Nhà tuyển dụng ngành Luật than: “Mỏi mắt” không tìm được nhân sự
Hỏi đến kiến thức thì biết sẽ “thua” vì các bạn nói không nhớ rõ lắm, đành hỏi thêm về việc tham gia các hoạt động ngoại khóa hay cách nhìn nhận vấn đề xã hội… Chỉ mong mỏi người trẻ có tinh thần, mong muốn làm nghề luật sư mà có khi cả tuần không nhận được bộ hồ sơ nào cả.
Đó là chia sẻ thực tế của một nhà tuyển dụng ngành Luật tại Hội nghị “Đối thoại, hợp tác với nhà tuyển dụng” do Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 19/4 với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và các sinh viên Khoa Luật.
Tại đây, ba bên nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp đã đối thoại cởi mở, thẳng thắn hợp tác tìm hướng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Luật trong bối cảnh hiện nay.
Cử nhân thiếu hụt nhiều kỹ năng thực tế
Góp mặt tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh cho biết, thực tế những nhà tuyển dụng như ông cực kì “đau đầu” vì khó tìm nhân sự ngành luật đáp ứng phù hợp nhu cầu làm nghề.
Theo đại diện này, ứng viên trẻ thường có 2 dạng: thứ nhất, các bạn có năng lực thường đòi hỏi rất cao, thậm chí “không biết” mình đang đòi hỏi gì; thứ hai, các bạn “không biết gì” thì nhiều vô kể.
Ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh chia sẻ thực tế “mỏi mắt” không tìm được nhân sự luật làm được việc.
Hạn chế của đa phần cử nhân mới ra trường thiếu kinh nghiệm thực tế. Nhiều bạn hồ sơ có đủ các loại chứng chỉ tiếng Anh, Tin học nhưng lại không giải quyết được những công việc cơ bản liên quan đến dùng ngoại ngữ hay máy tính.
“Nhiều công văn có thể chuyển phát nhanh nhưng có những công văn phải đến tận nơi, gặp trao các cơ quan đối tác. Lúc này, chúng tôi khó khăn vô cùng khi để các trợ lý là sinh viên vừa ra trường đảm nhận. Bởi lẽ các em thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuẩn mực… Ngành Luật là ngành con người, do vậy ngay từ cách ăn mặc, nói năng không chuẩn của các bạn trẻ cũng ảnh hưởng lớn đến công ty”, ông Truyền dẫn chứng.
Nhiều năm ở vai trò người tuyển dụng, ông Truyền phải thốt lên từ “khó” khi nói về việc tìm nhân tài ngành luật.
“Hỏi kiến thức thì biết phần nhiều sẽ… thua vì các bạn đa phần không biết, không nhớ, nói rằng học lâu quên mất rồi. Nhà tuyển dụng phải hỏi thêm các câu hỏi về vấn đề trong cuộc sống hay việc tham gia các hoạt động cộng đồng để biết độ năng động của sinh viên đó. Bây giờ, chỉ mong người có tinh thần, mong muốn làm nghề luật sư mà cả tuần không nhận được bộ hồ sơ nào cả”, nhà tuyển dụng này chia sẻ.
Hội nghị “Đối thoại, hợp tác với nhà tuyển dụng” do Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội lần đầu tiên tổ chức với sự góp mặt của đông đảo chuyên gia, nhà tuyển dụng đầu ngành.
Bà Dương Thu Hà – đại diện phía Bắc công ty Luật YKVN nhận định, chương trình đào tạo ngành luật ở Việt Nam có phần thiếu tính hệ thống và lí luận phân tích, vẫn có lỗ hổng kiến thức bởi lẽ hệ thống pháp luật thường xuyên cập nhật còn giáo trình thì chưa cập nhật kịp thời… Cử nhân ngành luật ra trường thiếu kỹ năng suy nghĩ, phân tích vấn đề ở nhiều khía cạnh do ít được va chạm thực tế. Theo nhà tuyển dụng này, cơ sở đào tạo ngành luật cần tăng cường các hội thảo, buổi học với chuyên gia luật cho sinh viên. Đồng thời, chú trọng hợp tác với các công ty và trường luật trên thế giới nhằm xây dựng mô hình đan xen lí luận và thực tiễn mang tính quốc tế.
Hợp tác là tất yếu, ai đi trước sẽ thắng…
Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc công ty Luật TNHH Vietthink khẳng định, để giải bài toán cử nhân luật thiếu kinh nghiệm thực tế thì giải pháp hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp/công ty là tất yếu. Cơ sở đào tạo nào đi trước, đón đầu sẽ cho “ra lò” những cử nhân luật chất lượng.
Qua thực tế tiếp nhận sinh viên, cử nhân ngành luật vào thực tập/ làm việc, ông Vinh đánh giá: “Đa phần các bạn chưa vượt qua được khuôn khổ lí thuyết sách vở, khi bắt tay làm việc thực tiễn thường bỡ ngỡ, bối rối”. Do đó, việc hợp tác đồng bộ, tích cực giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên luật tiếp cần những người làm nghề thực tiễn thông qua các chương trình học tập, thực tập sinh.
“Muốn sinh viên có được kỹ năng thì phương pháp giảng dạy phải thay đổi. Đặc biệt, chương trình đào tạo phải đổi mới, tính đến giảm bớt các môn học lí thuyết, có thêm các môn kỹ năng. Và không gì tốt hơn là sinh viên tự lăn xả vào thực tiễn. Em nào muốn theo tư vấn thì đến công ty luật chuyên về tư vấn, em nào muốn làm tranh tụng thì phải thường xuyên đến tòa án để học hỏi”, ông Vinh nhắn nhủ.
Video đang HOT
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Quang, Luật sư Văn phòng Luật sư Nguyễn Quang Hưng và đồng sự gợi ý, nhà trường và các công ty luật nên quan tâm xin các dự án nghiên cứu được tài trợ mang tính quốc tế, cho sinh viên tham gia vào các dự án đó. Việc này không chỉ giúp sinh viên tìm hiểu môi trường pháp luật Việt Nam mà cả môi trường, tình huống pháp luật quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Mạnh – Vụ Pháp Luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, khoảng cách giữa đào tạo và thực tế chắc hẳn thời nào cũng có, ngành nghề nào cũng có. Điều quan tâm nhất là làm sao thu hẹp và rút ngắn thời gian phải đào tạo lại. Theo ông Mạnh, có thời kỳ chúng ta đưa sinh viên đi thực tập chỉ để… cho vui, sau này thấy không hiệu quả lại cắt luôn.
“Cần là làm cho chương trình thực tập đổi mới, thiết thực. Sinh viên được trau rèn kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn để chuẩn bị hành trang khi bước vào thị trường lao động tốt nhất. Nhân sự ngành luật có kỹ năng tốt, chuyên môn tốt phải được hưởng mức lương, đãi ngộ cao và ngược lại”, ông Mạnh góp ý.
Nhà tuyển dụng và sinh viên đối thoại tại hội nghị.
Ông Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh, muốn sinh viên là những nhân lực chất lượng khi bước ra thị trường lao động thì phải có môi trường thực hành rõ ràng cho các em từ năm nhất… Việc bồi đắp kỹ năng chuyên môn cần có những CLB chuyên sâu mô phỏng thực tế làm nghề (luật sư trẻ, công tố viên. thẩm phán….). Đặc biệt quan trọng, nhà trường phải tăng thời lượng thỉnh giảng.
“Việc mời các luật sư, chuyên gia trong ngành giảng dạy giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc về nghề, kinh nghiệm làm nghề. Để có đội ngũ thỉnh giảng hùng hậu, các trường nên tận dụng ban liên lạc cựu sinh viên của trường vì đây là những người có tâm huyết truyền giảng cho các hậu bối”, ông Truyền đề xuất.
Nhà tuyển dụng tham gia xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo
Trước sự đối thoại cởi mở, thắng thắn và góp ý chân thành từ các nhà tuyển dụng, đại diện các cơ quan nhà nước, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh: Các chương trình đào tạo cử nhân luật, chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng ứng dụng và các chương trình khác đều đang dành sự quan tâm lớn cho những kiến thức, kỹ năng thực tiễn và dành nhiều thời lượng hơn cho những khóa kiến tập, thực tập… Tuy nhiên, thực tế, trong những năm qua, Khoa và sinh viên, học viên Khoa Luật dù đã rất cố gắng, nhưng kết quả nhận lại nhiều khi chưa được như kỳ vọng.
Với 42 năm hình thành và phát triển, Khoa Luật có chuyên gia rất mạnh, đầu đàn về khoa học pháp lý, có tính hàn lâm, học thuật rất cao. Tuy nhiên, để đào tạo ra các cử nhân đáp ứng ngay nhu cầu xã hội, khoa rất cần sự hợp tác, hoàn thiện từ phía xã hội – những nhà tuyển dụng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, cơ sở đào tạo cần có sự tham gia nhiều hơn, tích cực hơn của xã hội, của nhà tuyển dụng trong xây dựng, chỉnh sửa và thực hiện chương trình đào tạo.
“Chúng tôi được biết, nhiều nhà tuyển dụng than phiền về việc sinh viên thừa chất hàn lâm, nhưng thiếu đi những kiến thức, kỹ năng thực tiễn của nghề luật. Đó cũng là một lý do mà Khoa mong muốn có hội nghị hôm nay để phần nào tìm ra giải pháp thu hẹp khoảng cách và gắn kết tốt hơn tri thức hàn lâm và thực tiễn của sản phẩm đào tạo. Ở điểm này, chúng tôi rất cảm ơn và lắng nghe ý kiến, những gợi ý hợp tác của các nhà tuyển dụng để có thể làm hiệu quả hơn, chất lượng hơn sản phẩm của mình”.
Không chỉ dừng lại ở hoạt động kiến tập, thực tập, xu hướng tự chủ đại học hiện là xu hướng không thể đảo ngược hiện nay ở nước ta. Để thực hiện thành công tự chủ đại học, các đơn vị, cơ sở đào tạo cần có sự tham gia nhiều hơn, tích cực hơn của xã hội, của nhà tuyển dụng trong xây dựng, chỉnh sửa và thực hiện chương trình đào tạo.
“Không gian hợp tác trong lĩnh vực tự chủ đại học ngày càng mở rộng. Các công ty luật, văn phòng luật, các doanh nghiệp… có thể tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động nghiên cứu, hợp tác xuất bản, truyền thông… để hiện thực hóa sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức hàn lâm và kiến thức thực tiễn qua đó góp phần gia tăng chất lượng sản phẩm đào tạo luật hiện nay ở nước ta”, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh bày tỏ.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Bộ trưởng TN&MT: Cần những đột phá, biến thách thức thành cơ hội
2017 là một năm đặc biệt khi lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển KT-XH, trong đó GDP vượt mục tiêu 6,7% đề ra, trở thành mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong thành công chung có sự đóng góp "âm thầm" của ngành TN&MT, bởi nếu không giải quyết vấn đề này sẽ tác động đến đầu vào của hầu hết các hoạt động KT-XH, ảnh hưởng không chỉ đến tăng trưởng mà còn nhiều vấn đề xã hội.
Nhân dịp đầu năm mới, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về những kết quả đã đạt được, những trăn trở và định hướng cho tương lai.
"Cởi trói" cho đất, kiên quyết với môi trường
- Thưa Bộ trưởng, năm 2017 nhiều người đánh giá là năm ngành Tài nguyên và môi trường (TN&MT) "tứ bề thọ địch" nhưng bằng những nỗ lực, ngành đã tạo được bước chuyển căn bản, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững sau này. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn quan trọng mà ngành đã đạt được trong năm qua?
- Nếu như năm 2016 là năm ngành TN&MT vượt qua khó khăn, thì năm 2017 chính là năm tạo nền tảng. Toàn ngành đã tập trung vào những mục tiêu lớn là giải quyết tồn tại của quá trình phát triển nóng để lại; tháo gỡ, cởi trói các điểm nghẽn về thể chế, chính sách để đưa nguồn lực TN&MT vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có 9 điểm nhấn mà ngành đạt được trong năm 2018.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Thứ nhất, đã ban hành nhiều chính sách mới tháo gỡ các khó khăn điển hình như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP được các địa phương, doanh nghiệp,dư luận đánh giá là đã tháo gỡ cơ bản các vướng mắc về đất đai, thị trường bất động sản, đặc biệt, đã "cởi trói" được một phần cho nông nghiệp.
Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận (GCN).
Thứ ba, đã tổ chức thành công Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ cho phát triển bền vững ĐBSCL, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, mở ra mô hình mẫu về phát triển các vùng đồng bằng lớn thích ứng với BĐKH trên cả nước.
Thứ tư, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã có sự chuyển biến rất rõ nét.
Thứ năm, đã tạo ra những chuyển biến lớn, chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoàn thành kế hoạch khắc phục đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành như: Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang... đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ sáu, đã dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan trên diện rộng, đưa thông tin về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét vào bản tin cảnh báo, dự báo Khí tượng thủy văn.
Thứ bảy, triển khai kinh tế hoá trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ tám, đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông, nhờ đó tình trạng khai thác trái phép đã giảm rõ rệt.
Cuối cùng, ngành TN&MT đã hoàn thành việc sơ kết, đánh giá một cách toàn diện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với 2 lĩnh vực hết sức quan trọng cho phát triển bền vững đó là đất đai, môi trường.
Coi rác thải là tài nguyên
- Các Nghị quyết gần đây của Đảng đều hết sức chú trọng đến công tác quản lý TN&MT, coi đây là vấn đề cần tiếp tục đổi mới để tạo ra xung lực mới cho phát triển. Vậy đâu sẽ là trọng tâm ưu tiên của Bộ trưởng để đáp ứng được yêu cầu trên cũng như kỳ vọng của nhân dân?
- Hai động lực quan trọng đó là đột phá trong thể chế và quyết liệt trong hành động. Chủ trương, chính sách có phù hợp đến mấy mà không được tổ chức thực hiện tốt thì sẽ không đi vào thực tiễn cuộc sống. Ngành sẽ phải nỗ thực hiện 3 trọng tâm lớn, đó là tập trung cho việc sửa đổi Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường (BVMT); trình ban hành chiến lược biển và khoáng sản, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai bởi hiểm họa thiên tai luôn gây tổn thất lớn về người và của.
- Cụ thể, trong lĩnh vực đất đai, ngành sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
- Ngành sẽ tập trung sửa đổi Luật đất đai; trong đó xem xét một cách căn cơ một số vấn đề lớn đang đặt ra trong quản lý đất đai. Cơ chế quản lý đất đai sẽ cần được chuyển trọng tâm từ nặng về quản lý hành chính sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; qua đó giải quyết 3 mục tiêu cơ bản: quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai;nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn lực tài chính từ đất đai cho phát triển; giải quyết vấn đề khiếu kiện trọng lĩnh vực đất đai.
- Còn đối với môi trường, một lĩnh vực mà người dân rất quan tâm?
- Trong lĩnh vực môi trường, sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật BVMT tạo ra những cơ chế đột phá để quản lý huy động nguồn lực xã hội nhằm giải quyết vấn đề môi trường; chuyển thói quen từ BVMT cuối đường ống sang BVMT ở đầu đường ống, kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau. Phải coi rác thải là tài nguyên, cần tái chế, tái sử dụng một cách hợp lý.
Ngoài ra, cần tập trung cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, lưu vực sông, hồ, ven biển... Quan trọng hơn cả, cần hiểu BVMT là bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của chính người dân và chỉ có thể thành công khi thay đổi nhận thức trước đây bảo vệ môi trường là việc của Nhà nước sang mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan phải tự chịu trách nhiệm đối với những gì mình thải ra môi trường.
Đã đến lúc không thể không thay đổi
- Có lần ông còn nói, đã đến lúc "không thể không thay đổi". Vậy đâu là lý do thưa ông?
- Hiện nay, đang có những dịch chuyển lớn trong chính sách đầu tư quốc tế, đặc biệt là chuyển năng lượng từ "đen" sang "xanh", tiến tới phi các-bon hóa nền kinh tế. Điều đó được thể hiện trong những cam kết rất mạnh mẽ tại Hội nghị Thượng đỉnh "Một hành tinh" diễn ra tại Paris, Pháp, tháng 12/2017, mà điển hình là tuyên bố của WB về việc ngừng hỗ trợ tài chính cho các dự án ảnh hưởng đến môi trường.
Ở Việt Nam, mô hình phát triển hiện nay còn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, chưa quan tâm đúng mức đến BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu không có những thay đổi mang tính cơ bản trong nhận thức, hành động của toàn xã hội thì các thế hệ mai sau, thậm chí là ngay cả hôm nay sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả khôn lường.
- Vậy thay đổi đó là những gì, được hiểu như thế nào?
- Trước hết, thay đổi trong nhận thức, hành động của các cấp chính quyền và toàn xã hội về mô hình phát triển;
Thứ hai, là thay đổi trong mô hình phát triển, cần tiếp tục chuyển đổi theo hướng xanh, thân thiện mới môi trường với lộ trình phù hợp.
Thứ ba, đó là thay đổi trong cơ chế, chính sách theo hướng giảm phát thải các-bon,ô nhiễm môi trường, chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa và ngăn chặn suy thoái và ô nhiễm môi trường, phi các-bon hóa các ngành kinh tế. Nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công.
Được biết tại Hội nghị Tổng kết của ngành năm 2017 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có những chỉ đạo sát sao đối với công tác TNMT...?
Phó Thủ tướng đã ghi nhận những đóng góp của chúng tôi thay mặt Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương ngành TNMT nói chung, Bộ TNMT nói riêng. Phó Thủ tướng cũng nhận xét là: "Đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân; có bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính".
Đồng thời Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: "Phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phải tăng đầu tư, tăng sản xuất kinh doanh. Phát triển kinh tế đỏi hỏi phải tăng đầu tư, khai thác hợp lý các nguồn lực tài nguyên, đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh giải quyết tốt vấn đề tăng trưởng và môi trường; phát triển và công bằng xã hội. Giữ vững được 3 mối quan hệ hữu cơ của 3 trụ cột chính là phát triển kinh tế, văn hóa, và bảo vệ môi trường".
- Ông mong muốn cụ thể gì từ những người làm báo chúng tôi?
- Tôi mong các bạn truyền tải thông tin về những thay đổi đột phá trong cơ chế chính sách, pháp luật của ngành đến với người dân, doanh nghiệp đồng thời tiếp tục có tiếng nói phản biện để ngành TN&MT cùng với các ngành khác tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bùi Hoàng Tám (thực hiện)
Theo Dantri
Kỹ năng mềm ngày càng được coi trọng Nhiều chuyên gia tuyển dụng cho biết, kỹ năng mềm ngày càng được coi trọng. Ngoài bằng cấp chuyên môn, việc bổ sung, học hỏi thêm các kỹ năng thực tế bổ trợ cho công việc, các kỹ năng mềm sẽ giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm và giữ được việc làm hơn. Lao động trẻ tìm việc tại Ngày hội hướng...