Nhà trường phải vì học sinh
Nhiều người nước ngoài chọn nghề giáo đã nhấn mạnh như vậy sau các vụ giáo viên hành xử không đúng chuẩn mực, thậm chí phản giáo dục, gây tổn thương nặng nề cho học sinh.
Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) tặng hoa cho cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam – Ảnh: NHƯ HÙNG
Cô MEREDITH M. HILL (giáo viên, người Mỹ): Đặt hạnh phúc của học sinh lên hàng đầu
Cô MEREDITH M. HILL
Phương pháp bạo lực chắc chắn không bao giờ là câu trả lời trong việc giáo dục học sinh, và tôi thấy việc giáo viên bắt học sinh tát bạn vừa xảy ra ở VN thật khủng khiếp. Là nhà giáo dục, trách nhiệm của chúng tôi là đặt sức khỏe và hạnh phúc của học sinh lên hàng đầu. Giáo viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao.
Có nhiều ý kiến cho rằng giáo viên hành xử gây tổn thương cho học sinh là do giáo viên bị áp lực thi đua, áp lực thành tích. Nếu đây là nguyên nhân thì tôi cho rằng trách nhiệm trước tiên của người giáo viên là phản ứng lại nguồn gốc của áp lực đó và lan tỏa hành động dũng cảm này đến các học sinh về cách hành xử đúng. Chúng ta cần những hình mẫu về cái đúng, cái sai để dạy học sinh.
Từ khi tham gia dạy học tại TP.HCM, tôi may mắn có những đồng nghiệp rất tài giỏi, tuyệt vời và tận tâm. Họ luôn ưu tiên cho học sinh. Tôi chưa từng thấy đồng nghiệp người VN nào có hành động không thích hợp với học sinh. Tuy nhiên, qua chia sẻ, tôi cũng biết họ chịu áp lực rất lớn về kết quả học tập của học sinh. Ở California (quê tôi), chúng tôi cũng khá quan trọng kết quả thi toàn bang.
Tuy nhiên, tôi muốn các phụ huynh và giáo viên nghĩ lại về điều này. Điểm kiểm tra chỉ là một con số. Bài kiểm tra không thể nói lên những thành tích khác của học sinh như sự sáng tạo, kỹ năng sinh tồn, sự tử tế, lòng bao dung hoặc sự hài hước. Những điều này quan trọng không kém điểm số.
Có một số người cho rằng chính mức lương thấp đã khiến ngành giáo dục kém hấp dẫn và khó thu hút người giỏi. Vì vậy, nếu quan tâm đến giáo dục, nhà nước cần trả cho giáo viên mức lương xứng đáng và đánh giá cao sức lao động của họ.
Tôi luôn mơ ước trở thành giáo viên từ khi còn nhỏ. Khi làm giáo viên, tôi luôn khuyến khích học sinh đặt câu hỏi khó với tôi, bất đồng ý kiến với tôi, nghi ngờ những điều hiển nhiên và tham gia tích cực vào việc học của chính mình trong và ngoài nhà trường.
Theo tôi, sự tồn tại của nhà trường là vì học sinh. Do đó, nhà trường phải đáp ứng được các nhu cầu của học sinh trong thế giới vận hành bởi công nghệ và hội nhập toàn cầu hiện nay.
“Sự xuất hiện đó đây một vài vụ giáo viên bạo hành học trò, theo tôi, có lẽ do giáo viên ở VN gần như có toàn bộ quyền để làm bất cứ điều gì mình muốn với học sinh. Còn ở Mỹ, học sinh nào vi phạm kỷ luật sẽ phải nói chuyện với hiệu trưởng, hoặc chịu các hình thức kỷ luật thích hợp ở phòng hiệu trưởng.”
Ông CHARLIE OAKES (người Mỹ, phụ huynh học sinh)
Video đang HOT
Cô NADIA (giáo viên): Nhiều học sinh bị giáo viên làm cho xấu hổ
Phương pháp bạo lực là không chấp nhận được trong giáo dục vì nó chỉ truyền đạt sự sợ hãi và căm ghét. Ở đất nước tôi, giáo viên sẽ bị sa thải và không đơn vị nào tuyển dụng nữa nếu họ ủng hộ hành vi trừng phạt học sinh về thể chất dù ở mức độ nào. Vì vậy, giáo viên ở nước tôi rất cẩn thận và không bao giờ động đến học trò.
Tôi đến VN dạy học tại một trường quốc tế. Một số học sinh đã học trường công trước khi vào học trường quốc tế cho rằng sự đối xử thiếu chuẩn mực của giáo viên trường công đối với học sinh là phổ biến. Đa số các em đều từng bị hoặc thấy bạn mình bị giáo viên làm cho xấu hổ hoặc áp đặt.
Tôi không cho rằng có giáo viên ở bất cứ nơi nào trên trái đất này chọn nghề giáo để kiếm nhiều tiền. Ở hầu hết mọi quốc gia, thu nhập của nhà giáo là thấp so với khoảng thời gian khổng lồ chúng tôi dành cho công việc. Động lực của giáo viên đến từ khát vọng tạo ra sự khác biệt và tôi biết rất nhiều nhà giáo VN quan tâm giúp đỡ học sinh nhiều hơn khoản tiền lương được nhận. Thật không may, thu nhập của nghề giáo ở VN dường như không đủ sống. Vì vậy, tăng lương sẽ là biện pháp thu hút nhiều giáo viên có đam mê cống hiến hết mình cho bài giảng, lớp học.
Bộ giáo dục – đào tạo, sở giáo dục – đào tạo phải có quy định nghiêm và các trường phải tuân thủ: không chấp nhận hình phạt bạo lực do giáo viên hoặc học sinh gây ra đối với học sinh. Có vẻ như một số giáo viên ở VN đã dùng biện pháp đe dọa và làm xấu hổ học sinh để tạo sự sợ hãi! Điều này không được xảy ra trong giáo dục.
Bớt bài kiểm tra, tăng đáp ứng nhu cầu từng học sinh
Theo cô Nadia, giáo dục VN cần giảm bớt số lượng bài kiểm tra và tăng cường đáp ứng nhu cầu của từng học sinh. Thay vì yêu cầu các học sinh vốn có năng lực khác nhau phải đáp ứng cùng một tiêu chuẩn vào cuối năm, những ai quan tâm đến việc học của học sinh nên thảo luận về năng khiếu, sở thích của học sinh và cho các em lời khuyên để phát huy.
Không phải mọi người đều trở thành bác sĩ hay doanh nhân. Thế giới cần đầu bếp và các nhạc công, kỹ sư công nghệ thông tin và cầu đường có khả năng tư duy độc lập. Kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và giao tiếp tốt được đánh giá cao trên toàn cầu trong tương lai, chứ không phải sự vâng lời.
Ông STIVI COOKE (người Úc): Trẻ con bắt chước những gì chúng thấy
Ông STIVI COOKE
Theo tôi, vụ cô giáo cho bạn cùng lớp tát một em học sinh hơn 200 cái chỉ là cá biệt. Tôi từng đi dạy ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và cũng từng thấy nhiều trường hợp giáo viên mất bình tĩnh, nhưng thường là giáo viên người nước ngoài chưa có
kinh nghiệm ứng xử với học trò. Trong hầu hết các trường hợp tôi từng thấy, có ba yếu tố khiến giáo viên mất bình tĩnh trong lớp: đó là sự mệt mỏi, bài giảng chán (thường là do thiếu kinh nghiệm và không được đào tạo bài bản) và không có khả năng kiểm soát cảm xúc khi đối mặt với các vấn đề.
Trẻ con bắt chước những việc mà chúng thấy giáo viên và cha mẹ của mình làm. Vì vậy, cả giáo viên và phụ huynh đều phải cư xử hợp lý và bình tĩnh. Những hành động bạo lực và giận dữ không mang lại kết quả tốt cho bất cứ ai.
Bàn về chất lượng giáo viên, tôi từng gặp nhiều giáo viên ở khu vực miền Trung Việt Nam và hầu hết họ ở mức ổn. Họ không được xuất sắc đơn giản là vì cách thức đào tạo cũ chỉ tập trung vào lý thuyết và không tiếp xúc thực tế nhiều với các phương pháp giảng dạy hiện đại.
Để thu hút nhiều người giỏi vào ngành sư phạm, tôi nghĩ nên có mức lương cao hơn cho giáo viên, chất lượng đào tạo tốt hơn, cũng như có những sự hỗ trợ khác như tài liệu và trang thiết bị tốt, các chương trình tập huấn… Để tạo hứng khởi và khiến giáo viên mê nghề hơn, hãy cho phép họ được tự chủ trong việc truyền đạt kiến thức cũng như sáng tạo chương trình giảng dạy hấp dẫn hơn.
Ông B.THOMAS (người Anh): Đòn roi với trẻ có thể bị ngồi tù
Việc sử dụng bạo lực để trừng phạt những hành động không đúng của trẻ được chấp nhận trong xã hội của Anh cách đây 50 năm, nhưng nay nếu giáo viên nào còn dùng đòn roi với trẻ là có nguy cơ ngồi tù rất cao.
Việc dạy dỗ trẻ bằng các hành vi bạo lực như đánh, khẻ tay, hay tát sẽ khiến chúng nghĩ rằng người ở vị thế quyền lực (trong trường hợp này là giáo viên) được quyền sử dụng bạo lực với cấp dưới (học sinh). Điều này sẽ ăn sâu vào ý thức của trẻ và dần dần chúng sẽ sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn. Chính vì vậy mà quan điểm giáo dục “thương cho roi cho vọt” đã trở nên lỗi thời.
Ông MIKE DOLAN (người Ireland): Giáo viên phải phấn đấu mới được nể trọng
Một trong những cái hay của văn hóa VN là tinh thần tôn sư trọng đạo. Tuy nhiên, theo tôi, không nên “mặc định” mà ban cho tất cả giáo viên sự kính nể của bạn. Giáo viên cũng cần phải phấn đấu để có được điều này.
Trong lớp học tiếng Việt tôi đang theo học, mặc dù giáo viên của tôi khá giỏi, tôi vẫn không nể phục ông ta vì với tư cách là một giáo viên, ông chưa làm tròn bổn phận của mình.
Cụ thể, trước khi đến lớp ông ta không có sự chuẩn bị trước và cũng không thật sự nhiệt tình trong việc dạy.
Theo tuoitre
Giáo viên "xuống tay" với học trò: Không phù hợp, hãy bỏ nghề!
Có thể chỉ đạo học trò đánh học trò tàn bạo, bắt học trò súc nước vắt giẻ lau bảng, đánh trẻ như kẻ thù... - trong những hoàn cảnh này, không chỉ học trò mà chính người thầy đã không nhìn thấy được niềm vui từ công việc, từ học trò.
Giáo viên bắt học sinh tát bạn 230 cái rồi tự mình ra tay thêm 1 cái tát; giáo viên bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng; cô giáo lên lớp nhiều tháng trời không hé miệng nói một lời với học trò... Và còn nhiều lắm những vụ việc bạo hành học đường kinh hoàng từ chính thầy cô gieo cho học trò.
Từ những trường hợp cụ thể, cho dù là nguyên nhân gì đi nữa như nghề giáo vất vả, lương thấp, áp lực thi đua thành tích... thì cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, người đó không phù hợp với công việc nghề giáo.
Cậu học trò lớp 6 ở Quảng Bình bị 23 bạn và cô chủ nhiệm tát tất cả 231 cái.
Không chỉ là những đòn roi, những hình phạt khủng khiếp, không chỉ những sự việc đưa ra dư luận. Trên thực tế, không hề ít những giáo viên cứ vào lớp và chửi bới, chì chiết, cay nghiệt với học trò... Mắng mỏ, chê bai, bêu riếu học trò trở thành một phần trong "công việc" chuyên môn của nhiều nhà giáo. Họ đã không nhìn thấy niềm vui từ công việc, từ học sinh, không thấy động lực để sáng tạo, để nghĩ ra các giải pháp trong cả những trường hợp, tình huống khó khăn hay gặp phải học trò "cá biệt"...
Người thầy đối xử với học trò như là "nỗi uất ức của cuộc đời", đối xử với bục giảng như là nơi để xả giận, như là đấu trường... thì rõ ràng người đó không phù hợp với nghề giáo. Và trong cuộc sống, không chỉ với nghề giáo, với giáo viên mà với tất cả mọi ngành nghề, mọi người không có gì bi kịch hơn là làm và bám lấy công việc mình không yêu thích, không phù hợp.
Nhiều năm qua, tại một số trường sư phạm thường có các tọa đàm với tinh thần "Tiếp lửa cho lòng yêu nghề" cho nghề giáo. Rất nhiều lý do được xem là cản trở của nghề giáo được nhắc đến như lương bổng, vị thế người thầy trong xã hội phụ huynh, tâm sinh lý học sinh phức tạp...
Thế nhưng, rất nhiều người cũng đặt ra vấn đề, không có nghề nghiệp nào trong xã hội này được rải sẵn hoa hồng đã gỡ bỏ gai để cho mọi người bước đi. Việc tiếp lửa cho nghề giáo sẽ trở nên vô nghĩa, khi mà người thầy đã không yêu nghề, không thích hợp - thì lại sẽ có vô số những lý do khác để họ không thể nhìn thấy hạnh phúc trong nghề.
Một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã thốt lên: Giáo viên làm ơn đừng viện cớ nghề giáo lương thấp, lớp đông, áp lực cao, học sinh ngày nay khó dạy để bào chữa cho việc xem học sinh như kẻ thù. Không ai súng vào đầu các thầy cô giáo ấy để bắt họ phải theo nghề.
Bà cho rằng, nghề nào cũng có áp lực, cũng có khó khăn, lựa chọn theo nghề nào đó hoàn toàn là quyết định cá nhân. Nếu thấy bản thân không đủ phẩm chất lẫn năng lực để làm tốt các yêu cầu của nghề đó thì hãy từ bỏ, chuyển sang nghề khác.
Không phủ nhận nghề giáo có những áp lực đặc thù, giảng viên này nhấn mạnh, nếu thầy cô nào cảm thấy năng lực giáo dục học sinh của mình hạn chế mà vẫn mong muốn theo nghề vì yêu nghề, yêu trò thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất cứ nguồn nào.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho rằng nếu đứa trẻ không được an toàn trong trường học thì những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm với lương tâm của chính mình trước khi đối diện với pháp luật. Nhiều người đặt câu hỏi nếu không dùng nhục hình, bạo lực và sự xúc phạm làm vũ khí thì người thầy sẽ làm gì? Bà Quyên trả lời: Người thầy phải có phương pháp, tâm lý và tình yêu.
Người thầy chỉ hạnh phúc khi tìm được niềm vui từ công việc, từ chính học trò (Ảnh thầy trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM trong dịp lễ 20/11)
Còn nếu không thể có được những điều ấy thì bà Quyên cho hay, người thầy nên bước ra chọn một công việc khác. Không có bất kỳ nguyên cớ nào được cảm thông bởi còn dạy trẻ ngày nào thì những người đó sẽ còn các sản phẩm lỗi của giáo dục ra đời.
Chứng kiến nhiều sự việc bạo hành của giáo viên với học sinh, người thầy thể hiện tính bạo lực, một chuyên gia tâm lý nổi tiếng nói thẳng: Một số giáo viên không cần phải tập huấn lại mà chỉ cần trục xuất khỏi ngành.
Có rất nhiều phương án được đặt ra để bồi đắp lòng yêu nghề cho giáo viên như tập huấn, bồi dưỡng... hay với những giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo có thể bị kỷ luật, đuổi việc. Thế nhưng, đó chỉ là những phương án từ bên ngoài hay sự đã rồi, chính mỗi người phải tự cứu mình. Nếu thấy bản thân không phù hợp với công việc, với những áp lực có thể của nghề giáo hãy mạnh dạn rời nghề.
Còn nhớ trong sự bạo hành trẻ mầm non chấn động xảy ra ở cơ sở Phương Anh, TPHCM gây chấn động dư luận năm 2013, lời của cô bảo mẫu "sa chân" cũng là lời cảnh tỉnh với rất nhiều: Tôi không phù hợp với nghề chăm trẻ, lẽ ra tôi không nên chọn công việc này!
Bỏ nghề khi bản thân không thấy hợp - đó cũng chính là cách tôn trọng, trân quý bản thân và để sống hạnh phúc!
Hoài Nam
Theo Dân trí
Phụ huynh 'đấu' giáo viên, học sinh đi đâu về đâu? Có lẽ chưa bao giờ các vấn đề về giáo dục, về mối quan hệ thầy - trò, phụ huynh - giáo viên lại trở nên căng thẳng đến mức đáng báo động như hiện nay. Hiện nay nhiều phụ huynh sẵn sàng trách mắng giáo viên mà không cần biết đúng hay sai - Tranh: NGỌC NHI Chúng ta phải làm gì...