Nhà trường nói gì về 6 giáo viên giả chữ ký phụ huynh lạm thu nửa tỷ?
Nói về sự cố giáo viên ký thay phụ huynh trong danh sách đồng ý các khoản thu tự nguyện, hiệu trưởng trường mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) cho rằng đây chỉ là vô tình.
Sau khi trải qua 9 cuộc họp giữa đại diện cha mẹ học sinh, ban giám hiệu nhà trường, đại diện chính quyền địa phương đã thống nhất, trường mầm non Hợp Tiến phải trả lại số tiền đã thu của phụ huynh học sinh trong năm học 2016-2017, gồm các khoản “tự nguyện”, xã hội hóa, tổng số tiền là 520,7 triệu đồng.
Điều đáng nói, khoản thu “tự nguyện” nhà trường áp dụng thu cho mỗi đầu phụ huynh, phục vụ năm học 2016-2017 có sự không minh bạch.
Hiệu trưởng trường mầm non Hợp Tiến.
Nhiều phụ huynh xác nhận không ký vào bản vận động đóng tiền tự nguyện nhưng lại có tên trong bản danh sách đồng ý tự nguyện đóng góp kinh phí hoạt động ban đại diện CMHS. Điều này được giải thích là một số giáo viên đã tự ý ký thay họ trong bản vận động này.
Ông Đ.K.T. (thôn Viêm Khê) – đại diện cha mẹ học sinh – cho biết sự việc vỡ lở khi phụ huynh chậm đóng tiền, cô giáo cứ thúc giục phụ huynh. Lúc này, phụ huynh yêu cầu nhà trường chỉ rõ các khoản cụ thể, phải có giấy tờ ký nhận, đóng dấu thì họ mới đóng.
Ông T. nói nhà trường thu tiền nhưng không xuất trình được giấy tờ, chữ ký, xác nhận dẫn tới việc nhiều phụ huynh phản đối.
“Nhà trường nói là phụ huynh ‘tự nguyện’ đóng góp, nhưng lại quy định số tiền cụ thể cho phụ huynh đóng. ‘Tự nguyện’ là ai có nhiều đóng nhiều, có ít đóng ít, ở đây mọi người đều đóng với số tiền giống nhau”, ông T. đặt câu hỏi.
Trước những thắc mắc này, bà Trần Thị Bình – hiệu trưởng nhà trường – lý giải do ngân sách nhà nước cấp cho trường đầu năm 2016 hạn hẹp nên nhà trường phải thỏa thuận thu với phụ huynh. Hiện tiền thu của năm học này đã trả lại cho phụ huynh.
Video đang HOT
“Việc thu tiền, chúng tôi đã thông qua cha mẹ học sinh rồi”, bà Bình nói và từ chối cung cấp tờ trình kế hoạch thu chi, văn bản thỏa thuận giữa trường và phụ huynh khi phóng viên đề cập.
Về việc giáo viên ký thay chữ ký phụ huynh, bà hiệu trưởng cho hay do nhận thức giáo viên chưa đầy đủ nên mới có chuyện này. “Có khoảng 6 trường hợp ký thay phụ huynh. Nhà trường đã kiểm điểm 6 giáo viên bằng hình thức cảnh cáo rồi”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về mức độ xử lý đối với giáo viên “giả” chữ ký trên bà Bình nói: “Ở mức cảnh cáo và rút kinh nghiệm thôi. Các giáo viên chỉ ‘ký thay’ phụ huynh chứ không phải giả chữ ký”.
Việc 6 giáo viên “ký thay” chữ ký của phụ huynh để thu tiền vận động, chẳng nhẽ nhà trường không biết, bà Bình nói: “Chúng tôi vô tình không kiểm soát hết được vì phụ huynh đông quá. Phụ huynh nói không biết chữ nên mới xảy ra chuyện như thế”.
Theo Zing
Lạm thu nở rộ do 'xử' chưa tới
Lãnh đạo ngành giáo dục nhiều địa phương không giám sát quy định thu chi. Việc kiểm tra, xử lý sai phạm tại một số nơi cũng chưa được làm nghiêm khiến tình trạng lạm thu tái phát.
Bức xúc trước các khoản thu bất hợp lý đầu năm, phụ huynh trường Tiểu học Hải Bối (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đã có đơn tập thể gửi báo chí tố cáo ban giám hiệu trường này thu của học sinh (HS) nhiều khoản tiền ngoài quy định.
Đầu năm học đã lo thu tiền hè!
Trong lá đơn này, phụ huynh liệt kê hàng chục khoản thu khiến họ choáng váng. Cụ thể, các khoản thu hè 2017-2018 gồm học kỹ năng sống 100.000 đồng/HS, học văn hóa 525.000 đồng/HS, quần áo đồng phục 670.000 đồng/HS, cơ sở vật chất bán trú 100.000 đồng /HS/năm, mua máy chiếu 800.000 đồng/HS.
Các khoản thu đầu năm 2017-2018 gồm học kỹ năng sống 1 tiết/tuần 40.000 đồng/ tháng (9 tháng là 360.000 đồng), chăm sóc bán trú 120.000 đồng/HS/tháng, dạy 2 buổi/ngày 100.000 đồng/HS/tháng.
Đầu năm học, phụ huynh lại có nhiều nỗi lo toan, trong đó có các khoản phụ phí. Ảnh: Hoàng Triều /Người Lao Động.
Ở khối 1 và các lớp thường, mỗi HS bị thu hỗ trợ soạn giảng 35.000 đồng/tháng, sổ liên lạc điện tử 15.000 đồng/tháng (9 tháng là 135.000 đồng), nước uống 100.000 đồng/năm, học tiếng Anh 2 tiết/tuần 50.000 đồng/tháng, bảo hiểm thân thể 100.000 đồng, bảo hiểm y tế 614.250 đồng...
Nhà trường còn thu các khoản "tự nguyện" gồm xã hội hóa giáo dục 200.000 đồng/HS (trái tuyến 300.000 đồng), quỹ hội cha mẹ 150.000 đồng/HS, quỹ khuyến học 70.000 đồng/HS, thuê phông bạt che khai giảng và bế giảng 50.000 đồng/HS.
Trước phản ứng từ các phụ huynh, bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hải Bối, thừa nhận nhà trường có các khoản thu như vậy. Tuy nhiên, các khoản thu này dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường chứ nhà trường không ép buộc.
Tại trường Tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, TP Hải Phòng), phụ huynh cũng phản ứng về các loại phí phải đóng đầu năm học 2017-2018.
Cụ thể, đối với HS lớp 1, phụ huynh phải đóng 14 khoản tiền như ủng hộ cơ sở vật chất, câu lạc bộ hè 2.650.000 đồng, sách giáo khoa 80.000 đồng, kỹ năng sống 1 triệu đồng/năm, tiếng Anh 2 triệu đồng... và nhiều khoản khác với tổng cộng hơn 10 triệu đồng/HS.
Các loại phí đầu năm của HS lớp 4 và lớp 5 cũng lên tới 6 triệu đồng với nhiều khoản thu như trải nghiệm sáng tạo, hoạt động ngoài giờ, kỹ năng sống, tạp phí, lao động, bảo vệ hỗ trợ chuyên môn, tăng giờ, sinh hoạt hè...
Ngoài các loại tiền liên quan đến học tập, HS trường Tiểu học Đặng Cương còn phải nộp thêm các khoản như: ủng hộ khai giảng 50.000 đồng, ủng hộ các ngày lễ lớn 100.000 đồng, trang trí tu sửa khuôn viên 100.000 đồng và thăm hỏi, phong trào, tiền khen thưởng...
Lãnh đạo trường Tiểu học Đặng Cương cho biết phụ huynh tự nguyện ủng hộ và những người tự nguyện ủng hộ phải có đơn thì nhà trường mới nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ huynh cho hay danh nghĩa là tự nguyện nhưng họ đều bị đưa vào thế không thể không ủng hộ tiền do lo ngại ảnh hưởng đến việc học của con em.
Phải xử lý người đứng đầu
Trước hàng loạt vụ lạm thu đang xảy ra ở nhiều trường học, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - thừa nhận chuyện này năm nào cũng tái diễn với những mức độ và hình thức khác nhau. Trong đó, nhiều hoạt động đã biến tướng trên danh nghĩa "tự nguyện" hay "thu các khoản ngoài quy định của nhà nước", gây ra phản ứng trong dư luận.
Ông Khánh thẳng thắn cho rằng để xảy ra việc lạm thu như vừa qua có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và ngành giáo dục các địa phương. Họ đã không theo dõi, giám sát các quy định về thu chi. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý sai phạm tại một số địa phương cũng chưa được làm tới nơi tới chốn.
Để ngăn ngừa tình trạng lạm thu đầu năm học, theo ông Trần Tú Khánh, bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tài chính, thu chi trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các địa phương nhằm kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý những sai phạm.
Tuy nhiên, ông Khánh nhấn mạnh trách nhiệm xử lý là của địa phương, Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền để xử lý trực tiếp. Vì thế, các địa phương phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, mạnh dạn kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở giáo dục vi phạm thì mới có thể hạn chế, dứt điểm được tình trạng lạm thu.
Thanh tra vào cuộc
Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh đã cử đoàn thanh tra đến trường Tiểu học Hải Bối làm việc theo đơn thư tố cáo của nhóm phụ huynh học sinh. Bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh, cho hay sau khi kiểm tra, xác minh, phòng sẽ có báo cáo chi tiết gửi Sở GD&ĐT Hà Nội.
Một trường khác ở huyện Đông Anh là Tiểu học Uy Nỗ cũng đã bị thanh tra vào cuộc vì lạm thu. Một số khoản thu xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện chưa lấy ý kiến đồng thuận ở các tập thể lớp đã được đại diện phụ huynh tiến hành thu.
Cụ thể, các phụ huynh đã thống nhất tạm với nhau ở cuộc họp, sau đó tiến hành thu luôn khoản tiền mua máy chiếu. Sau khi bị phụ huynh lên tiếng phản đối, nhà trường đã trả lại số tiền máy chiếu, điều hòa mà đại diện phụ huynh đã thu.
Theo Yến Anh / Người Lao Động
Thu tiền xây dựng trường, trông xe, tưới cây có đúng quy định? Quy định của Bộ GD&ĐT nêu rõ những khoản nhà trường được thu sau khi thỏa thuận với đại diện cha mẹ học sinh nhằm tránh trường hợp lạm thu đầu năm. Theo Zing