Nhà trường không được ép học sinh mua sách tham khảo
Giáo viên không được sử dụng nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình trong sách tham khảo để kiểm tra học sinh.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu hiện tượng nhiều trường ép học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. “Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục”, ông Đam nói.
Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ tối cùng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải trình nội dung này. Theo Bộ, sách tham khảo theo chương trình giáo dục phổ thông hiện nay được nhiều đơn vị tổ chức xuất bản, phát hành trên thị trường. Một số tên nổi bật như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (có nhiều công ty trực thuộc tham gia), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM… Sự tham gia của nhiều đơn vị giúp thị trường sách tham khảo phong phú, mỗi môn học có rất nhiều sách theo từng khối, lớp, cách thức tiếp thị, phát hành đa dạng.
Học sinh đọc sách trong thư viện. Ảnh: Quỳnh Trang.
Để việc sử dụng sách tham khảo trong các nhà trường bảo đảm chất lượng, năm 2014 Bộ Giáo dục đã ban hành thông tư về Quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Văn bản quy định việc lựa chọn, quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo thuộc trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Sở, Phòng Giáo dục có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra hoạt động này.
Nhằm tránh việc giáo viên cố tình đưa nội dung từ sách tham khảo vào bài kiểm tra nhằm bắt ép học sinh mua sách, thông tư quy định: Giáo viên không được sử dụng nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học… Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không được lạm dụng vị trí công tác để thực hiện hoặc tham gia ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Bài tập trong sách giáo khoa là “tình huống” để hướng dẫn
Cũng trong báo cáo này, Bộ Giáo dục lần nữa giải thích việc thiết kế bài tập có khoảng trống với câu lệnh “điền vào chỗ chấm” nhằm xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức, từ tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi… Qua đó, học sinh được làm quen với các dạng bài trong kiểm tra, đánh giá theo xu hướng thế giới, rèn luyện thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức…
Video đang HOT
Đối với các bài có thí nghiệm, học sinh được hướng dẫn tiến hành theo nhóm và ghi số liệu vào bảng trong Phiếu học tập (lập theo mẫu trong sách giáo khoa) để tính toán, phân tích, rút ra kết luận. Các em không cần ghi số liệu thí nghiệm vào bảng trong sách. Với dạng bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi, đánh dấu…, học sinh phải ghi vào vở phương án trả lời (dự kiến), kèm theo lời giải thích để trình bày, thảo luận trên lớp.
“Vì sách giáo khoa được sử dụng đang trong quá trình học sinh học tập để thu nhận kiến thức mới, nên bài tập được đưa ra với vai trò là tình huống để học sinh dự đoán. Khi dự đoán, các em sẽ có nhiều phương án lựa chọn và tạo ra mâu thuẫn nhận thức. Giáo viên do đó cần sử dụng các dạng bài tập in trong sách giáo khoa làm tình huống học tập, từ đó hướng dẫn các em ghi vào vở dự kiến phương án trả lời kèm giải thích lý do lựa chọn, để trình bày, thảo luận, bảo vệ phương án đúng”, báo cáo của Bộ Giáo dục viết.
Bộ Giáo dục đồng thời khẳng định cách làm trên thực hiện đúng tinh thần của phương pháp dạy học tích cực mà sách giáo khoa hướng tới. Nếu trong dạy học giáo viên cho học sinh trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào sách giáo khoa rồi đánh giá kết quả là đúng hay sai thì hiệu quả dạy học không cao, hạn chế trong việc phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Dù đã có những yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, nhắc nhở các em ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách, thực tế chỉ 35% sách giáo khoa có thể sử dụng lại.
Trước đó, dự thảo Báo cáo Kết quả khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng cho biết, việc thiết kế các bài tập cho học sinh điền vào sách giáo khoa là nguyên nhân chủ yếu khiến phần lớn sách chỉ sử dụng một lần và thay mới mỗi năm tới 100 triệu bản, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tăng chi trả của người dân, bức xúc dư luận.
Khảo sát thực tế cũng cho thấy hầu hết sách giáo khoa các lớp tiểu học, nhiều sách cấp THCS (tập trung ở sách khối khoa học tự nhiên) có thiết kế phần bài tập trắc nghiệm cho học sinh điền vào. 7/12 cuốn sách giáo khoa lớp 6 đó có in bài tập để học sinh điền đáp án trực tiếp. Tỷ lệ này ở bộ sách giáo khoa lớp 1 là 6/8.
Không sách giáo khoa nào có dòng lưu ý học sinh không ghi đáp án trực tiếp vào sách. Ngược lại, câu mệnh lệnh được đưa ra ở những bài này với yêu cầu rất rõ ràng là: “Điền vào chỗ trống trong bảng sau”; “Đánh dấu x vào câu trả lời đúng trong bảng dưới đây”… Thậm chí, một số bài tập thực hành môn Vật lý, Sinh học, sách giáo khoa cũng yêu cầu điền kết quả thí nghiệm vào bảng biểu đã kẻ sẵn trong sách.
Quỳnh Trang
Theo Vnexpress
Bộ Giáo dục: 'Chiết khấu phát hành sách giáo khoa ở mức rất thấp'
Chi phí phát hành sách giáo khoa hiện là 18-20%, dùng chiết khấu cho đại lý cấp dưới, tiếp thị, vận chuyển, kho bãi...
Tối 1/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi báo cáo đến Văn phòng Chính phủ về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2012-2017, trong đó đặc biệt giải thích số tiền chiết khấu phát hành sách.
Theo báo cáo, việc phát hành SGK được thực hiện thông qua hệ thống các công ty Sách - Thiết bị trường học, đối tác thuộc các tỉnh, thành cả nước. Toàn bộ chi phí in ấn và phát hành Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, không có trợ giá từ ngân sách Nhà nước. Các công ty trong kênh phân phối SGK đều hoạt động theo luật doanh nghiệp và chịu tác động của các quy luật thị trường.
"Sách giáo khoa cũng như mọi hàng hóa khác, để tới được tay học sinh trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lý dùng để chi phí trong quá trình bán hàng", báo cáo của Bộ giải thích.
Cụ thể, chiết khấu bán hàng (phí phát hành) dành cho các công ty, đối tác là 20% (đối tác chiến lược) và 18% (đối tác phát hành). Phần phí này ngoài việc dùng để chiết khấu lại cho đại lý cấp dưới thì còn chi trả cho việc tiếp thị, khuyến mại, kho bãi, bao bì, vận chuyển, bù hao (rách, hỏng do vận chuyển). Bảo hiểm hàng hoá, chi phí nhân công, quản lý, vốn, chi phí thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp... cũng được tính vào.
Với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chiết khấu phát hành được dùng để trả phí mặt bằng, vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.
Để giảm chi phí vận chuyển, Nhà xuất bản Giáo dục chia thị trường phát hành thành bốn khu vực và giao cho các công ty Sách - Thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) làm đầu mối tập kết, cung ứng SGK. Mức chiết khấu cho các đơn vị này là 5%.
Phần phí phát hành này để các đơn vị đầu mối chi cho việc: điều phối nhà in nhập kho đáp ứng tiến độ phát hành, tổng hợp kế hoạch đặt và cung ứng hàng hóa, kiểm tra hàng nhập kho, thuê và vận hành kho bãi, bảo hiểm hàng hóa, bao bì, vận chuyển... Chi phí hàng tồn, nhân công bốc xếp, quản lý, vốn vay ngân hàng, tập huấn - hội thảo, tiếp thị, thực hiện công tác xã hội (biếu, tặng sách), nghĩa vụ với Nhà nước... cũng được tính vào.
"Mức chiết khấu với SGK hiện nay (18-20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng, chiết khấu mặt hàng sách nói chung của các nhà xuất bản (35% -40%). Hơn nữa, giá SGK hiện ở mức thấp, chỉ bằng 30-40% giá các loại sách khác có cùng số trang, nên giá trị thu được sau phát hành càng nhỏ. Các đối tác phát hành không mặn mà phát hành sách giáo khoa do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ chi phí lưu thông, bán hàng", báo cáo của Bộ Giáo dục viết.
Theo Bộ, trong 16 năm qua Nhà xuất bản Giáo dục đã nỗ lực tìm phương án thuyết phục các công ty chia sẻ nhiệm vụ chính trị của ngành để giảm dần chiết khấu với sách giáo khoa. Điều này đồng thời giúp kìm giữ giá sách như hiện nay, giảm việc phải bù đắp khoản lỗ trong in, phát hành.
Trước năm 2008, mức chiết khấu sách giáo khoa là 21%-34% tùy địa bàn.
Năm 2008-2009, Nhà xuất bản Giáo dục đề nghị nhà in không tăng giá công in sách giáo khoa, công ty Sách - Thiết bị trường học chia sẻ bằng việc điều chỉnh chiếu khấu xuống 20%-27%.
Năm 2010, trước bối cảnh giá giấy và công in tăng cao, Nhà xuất bản Giáo dục lần nữa đề nghị các công ty phát hành áp dụng mức chiết khấu chung là 20%.
"Mức chiết khấu 18-20% hiện nay là một khó khăn rất lớn với các công ty Sách - Thiết bị trường học, đặc biệt là các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo", báo cáo của Bộ lần nữa khẳng định và cho biết, đối tác phát hành đã nhiều lần kiến nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển.
Năm 2017, câu lạc bộ công ty Sách - Thiết bị trường học ở Điện Biên đã kiến nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ vận chuyển 2%-5% cho các công ty miền núi. Tuy nhiên, giá do Bộ Tài chính quản lý chưa được điều chỉnh, Nhà xuất bản Giáo dục đang phải bù đắp lỗ (40 tỷ đồng mỗi năm) nên kiến nghị trên chưa được đáp ứng.
Ngày 25/9, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng quốc hội công bố dự thảo Báo cáo Kết quả khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017.
Dự thảo đánh giá hệ thống phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn cồng kềnh, quy trình chưa thật hợp lý do phải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển, các chi phí trung gian khác. Mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông khoảng 250 tỷ đồng/năm là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên, lợi nhuận của các cơ sở in.
Quỳnh Trang
Theo Vnexpress
Bộ GDĐT cần quyết liệt chấn chỉnh tình trạng "ép" mua sách Trong hơn 2 tháng qua, dư luận rất quan tâm đến vấn đề in ấn, phát hành sách giáo khoa, Bộ GDĐT cũng đã ra nhiều văn bản giải trình và chỉ đạo cung cấp đủ SGK phục vụ cho năm học mới 2018-2019. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 lại tiếp tục đề cập đến vấn đề này. Tại...