Nhà trường ép thí sinh nộp hồ sơ sớm
Nhiều trường THPT gút thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2012 khá sớm khiến học sinh phải “vắt chân lên cổ”. Nhiều sĩ tử chỉ có hơn một tuần từ khi nhận hồ sơ đến lúc nộp lại cho trường.
Thủy Tiên – học sinh lớp 12 Trường THPT Thực hành sư phạm, Q.5, TP.HCM – tự đánh giá mình có năng lực học tập khá. Đầu năm học, bạn dự định thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên, thời điểm này cầm trên tay năm bộ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, Tiên không biết mình có nên “hạ nguyện vọng” hay không khi nhận thấy không đủ sức thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Nộp hồ sơ trong hai ngày
“Lo lắng nhiều, nhưng thời điểm các phương tiện truyền thông râm ran chuyện bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, em và bạn bè vẫn chưa biết “mặt mũi” hồ sơ dự thi như thế nào” – Tiên kể. Chỉ gần hai tuần nay, chiếc cặp của Tiên đến trường bên cạnh sách vở còn có năm bộ hồ sơ đăng ký dự thi (một bộ đã viết nháp) cùng những tài liệu tuyển sinh nhiều loại bạn mua ở nhà sách. Chưa yên tâm lắm, bạn đăng ký và nộp 30.000 đồng cho lớp để mua tài liệu Những điều cần biết… của NXB Giáo Dục nhưng đến nay vẫn chưa nhận được.
“Hôm 2-4 vào lớp, thầy chủ nhiệm hỏi cả lớp đã biết cách làm hồ sơ đăng ký dự thi chưa, nhiều bạn lắc đầu nói chưa – Tiên cho biết – Không có Những điều cần biết…, tụi em lên lớp hỏi giáo viên chủ nhiệm, vô mạng lục tìm danh mục mã ngành cấp IV gì đó để điền vào hồ sơ mà không biết có đúng hay không. Em dự định hạ nguyện vọng xuống, thi vào khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) thay cho Trường ĐH Y dược nhưng vẫn còn phân vân nhiều lắm”. Nỗi lo của Tiên tăng lên gấp bội khi trường thông báo hạn chót nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH trong trường vào trưa 7-4.
Không được kết thúc sớm Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 của Bộ GD-ĐT (ban hành ngày 24-2-2012) quy định thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (mục II.1.2) thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau: “Theo hệ thống của sở GD – ĐT từ ngày 15-3 đến 17g ngày 16-4-2012; tại các trường tổ chức thi từ ngày 17-4 đến 17g ngày 23-4-2012″. Văn bản này đồng thời nhấn mạnh: “Các sở GD-ĐT, các trường không thay đổi thời hạn, không kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước hoặc sau thời hạn quy định”.
Chưa biết làm hồ sơ, chưa xác định được trường, Tiên lại nóng ruột hơn khi nghe nói mấy bạn ở các trường khác đã nộp xong hồ sơ. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã “gút nội bộ” thời hạn nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH ở trường mình khá sớm. Chẳng hạn như Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, vào ngày 30-3; Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, ngày 2-4; Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, ngày 5-4; Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, đến ngày 7-4…
Minh Trí – học sinh lớp 12 – kể: “Mình nhận hồ sơ từ ngày 23-3. Trường thông báo làm và nộp lại trong hai ngày 30-3 và 2-4″. Làm gấp nên sai sót nhiều. Trí kể tiếp: “Mình mua 10 bộ hồ sơ. Được thầy cô hướng dẫn kỹ nhưng vẫn sai hết một nửa. Các bạn trong lớp làm sai nhiều quá nên không đủ hồ sơ. Lớp trưởng phải ra nhà sách mua thêm cho các bạn về làm để nộp cho kịp”.
Video đang HOT
Tiện cho trường, khó cho học sinh
Về việc quy định thời hạn thu hồ sơ trong trường, nhiều trường THPT giải thích “chỉ gút nội bộ chứ chưa khóa sổ”. Cô Vũ Thị Ngọc Dung – phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân – nói: “Không hối như vậy là các em cứ ầu ơ ví dầu không chịu nộp. Nhiều em vô lớp cứ ôm hồ sơ bàn tán mà không chịu nghe giảng. Giáo viên chủ nhiệm cũng đã hướng dẫn các em xác định ngành, trường từ đầu học kỳ II rồi. Bây giờ chỉ là thủ tục điền vào hồ sơ thôi. Để đến đó (tức ngày 14-4 – PV) là làm không kịp”.
Ngày 2-4 là hạn cuối để học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường
Tương tự, cô Trương Thị Thanh Thủy – hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can – khẳng định: “Trường chỉ quy định thời hạn để học sinh nộp trong trường cho sớm thôi. Sau thời hạn này (ngày 30-3) các em vẫn được chỉnh sửa, bổ sung, nộp thêm… đến hết ngày 14-4″. Trong khi đó, một cán bộ giáo vụ Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) lý giải hạn chót nhận hồ sơ trong trường đến hết ngày 7-4 là bởi: “Để đến ngày cuối cả ngàn học sinh ùn ùn vô nộp thì không thể làm kịp”.
“Chính điều này tạo nên áp lực lớn cho học sinh” – một chuyên gia lâu năm về tuyển sinh nhận định. Chuyên gia này phân tích: năm nay khi thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH bắt đầu muộn, rất nhiều thí sinh vẫn chưa có hồ sơ. Thậm chí hơn 10 ngày sau nhiều em mới nhận được hồ sơ.
Bên cạnh đó tài liệu Những điều cần biết… của NXB Giáo Dục – được nhiều bạn chờ đợi – cũng đến tay thí sinh khá trễ. Tiếp đó, tài liệu này lại phải đính chính, bổ sung một số mã ngành, thiếu thông tin về học phí…càng làm thí sinh lúng túng hơn khi không biết dựa vào đâu để làm hồ sơ dự thi ĐH. Cũng cần nói thêm năm nay có nhiều quy định mới, thay đổi liên quan trực tiếp đến thí sinh như hồ sơ đăng ký dự thi, đăng ký theo danh mục mã ngành đào tạo cấp IV bậc ĐH, CĐ… nên thí sinh cần nhiều thời gian tìm hiểu.
“Giới hạn thu hồ sơ quá sớm sẽ thuận lợi cho trường – chuyên gia này kết luận – Tuy nhiên, việc này sẽ thiệt thòi lớn cho học sinh trong việc chọn ngành, trường và gây sai sót nhiều trong khâu làm hồ sơ bởi sức ép về thời gian”.
Theo TTO
Học phí mập mờ, thí sinh hoang mang
Các trường THPT đã thực hiện thu hồ sơ đăng ký dự thi đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) được nửa tháng, nhưng nhiều học sinh nông thôn vẫn còn loay hoay với việc tìm thông tin, nhất là thông tin về học phí của các trường.
"3 công khai" nhưng mới được 1
Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, khu vực miền Bắc có 13 trường ĐH và 7 trường CĐ, khu vực phía Nam có 25 trường ĐH và 12 trường CĐ chưa công bố thông tin về học phí trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh 2012".
Ngoài ra, trên trang web của hầu hết các trường này đều chưa có thông tin học phí và một số thông tin khác về chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành, còn điều kiện và phương thức tuyển sinh được "khai báo" khá mù mờ.
Trong số đó, một số trường công lập, trường top đầu, trường quốc tế không công khai học phí như: ĐH Văn hoá Hà Nội, ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội, ĐH Hoà Bình, ĐH Thái Nguyên (gồm 7 trường thành viên và 2 khoa trực thuộc), ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM...
Một số trường ngoài công lập có mức học phí hàng năm rất cao thì năm nay cũng "lờ" thông báo như: ĐH FPT, ĐH Hoa Sen, ĐH Tân Tạo, ĐH RMIT, ĐH Quốc tế Sài Gòn....
Trước tình trạng trên, Bộ GDĐT đã có công văn yêu cầu các trường chưa công bố thông tin trên cuốn "Những điều cần biết..." cần thực hiện ngay việc đăng thông tin học phí trên website của trường và gửi công văn về Vụ Giáo dục ĐH trước ngày 25/3.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH - bà Hoàng Thị Lan Phương cho biết: "Hiện tại, Vụ vẫn chưa nhận được báo cáo của các trường về học phí". Còn theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GDĐT đã cấp cho mỗi trường một account trên website của Bộ để cập nhật thông tin còn thiếu về ngành, nghề, chỉ tiêu và học phí nhưng các trường vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.
Thu học phí tại Trường Cao đẳng Y Phú Thọ
Làm khó học sinh nông thôn
Việc các trường không công khai học phí khiến nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh nông thôn hoang mang vì sợ rơi vào tình cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội" khi trót trúng tuyển vào trường sau đó mới biết là học phí cao không kham nổi.
Thông tư số 09/2009 (thực hiện "3 công khai") của Bộ GDĐT quy định rõ các trường phải công khai về: Học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học mức học phí dự kiến cho cả khóa học chính sách miễn giảm học phí, học bổng và trợ cấp...Thông tin này phải công bố trên trang web của trường và trong cuốn "Những điều cần biết..." trước thời gian tuyển sinh.
Em Trần Thu Anh - học sinh Trường THPT Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cho biết: "Với những bạn nhà khá giả thì chọn trường theo sở thích, phù hợp với khả năng. Nhưng đối với học sinh nghèo như em thì vấn đề học phí vô cùng quan trọng. Nhiều bạn trong lớp em cũng quyết định thi vào trường quân đội, sư phạm mặc dù không thích nhưng vì trường đó được miễn học phí...".
Hiện khung học phí của trường công lập ở mức 180.000-360.000 đồng/tháng, tuy nhiên nhiều trường đã "đẩy" học phí lên 500.000-700.000 đồng/tháng. Trường ĐH dân lập học phí trung bình khoảng 1 triệu đồng/tháng. Còn các ngành học liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài thì học phí tính bằng USD.
Theo cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên Trường Bán công Tiền Hải (Thái Bình), do không nắm rõ thông tin học phí, tại Trường THPT Bán công Tiền Hải đã từng có vài học sinh phải bỏ trường học đã trúng tuyển vì không kham nổi học phí và các chi phí học tập.
Một số chuyên gia giáo dục thì cho rằng, do Bộ GDĐT chưa có chế tài đủ mạnh để quản lý các trường thực hiện việc công khai học phí nên các trường vẫn cố tình giấu thông tin mặc dù biết như thế là sai luật. Ông Nguyễn Hải Bình - cựu giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng: "Nếu Bộ GDĐT không cương quyết buộc các trường phải công khai thì chỉ có thí sinh chịu thiệt".
Theo Tùng Anh - Nguyễn Mai (Dân Việt)
Ngày đầu nộp hồ sơ, thí sinh vẫn còn cân nhắc Trong ngày đầu tiên thu nhận hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ 2012, hầu hết các điểm thu nhận hồ sơ trên địa bàn Hà Nội chưa nhận được bộ nào. Theo kinh nghiệm của nhiều cán bộ thu nhận hồ sơ, thí sinh còn đang cân nhắc, lựa chọn nên chưa vội nộp. Nhiều thí sinh thường chờ tới phút cuối mới nộp...