‘Nhà thuyền’ ở London
Tới nay, người ta không còn lạ khi nhiều người dân London (Anh) chuyển xuống sông ở. Lý do duy nhất được cho là giá nhà (trên bờ) quá đắt đỏ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trước kia chỉ có giới nhà giàu mới “ngao du” trên sông trong những du thuyền sang trọng và vô cùng đắt; thì nay họ buộc phải trở thành “hàng xóm” của dân nghèo.
Nhà thuyền trên một khúc sông đào ở London.
Theo Chính quyền thành phố London, hiện có khoảng 4.200 chiếc tàu neo đậu tại hệ thống kênh đào ở thành phố này. Nó nhiều gấp 2 lần so với cách đây 7 năm.
London là một trong những thị trường bất động sản đắt nhất châu Âu. Kiếm được một căn nhà ở Thủ đô nước Anh là việc “khó như lên trời”. Mà cũng không cần đến việc mua nhà, ngay như tìm được một căn hộ thuê, thì với mức thu nhập của một người lao động cũng là quá tầm tay với. Nhiều người quanh năm lo trả tiền thuê nhà cũng đủ vã mồ hôi. Những người khác lại luôn thấp thỏm trong lo sợ khi bị đẩy ra khỏi nhà nếu không trả nổi số tiền nợ khi mua nhà trả góp.
Vì thế, những năm gần đây, người ta đành nghĩ tới việc chọn mua những chiếc tàu hẹp để sống trên kênh đào thay vì mua, hay là thuê một căn hộ. Những chiếc tàu hẹp chính là sự lựa chọn phổ biến đối với những ai có thể sống trong một không gian nhỏ không có quá nhiều tiện nghi. Giá nhà trung bình được ghi nhận ở London hơn 609.000 bảng trong tháng 11, gấp 20 lần so với giá của một chiếc tàu hẹp cũ dài 18 m.
Cũng chính vì nhiều người “xuống nước” quá mà giá neo “nhà” đậu cố định trong khúc sông của thành London cũng đã bị “thổi” lên cao ngất ngưởng. Giá neo đậu phổ biến nhất hiện nay là trên dưới 12.000 bảng mỗi năm và có mức tăng hằng năm là 15% (tính trong vòng 5 năm trở lại đây). Cũng do giá thuê bãi đậu cố định tăng, nên hầu hết “chủ nhà nổi” buộc phải xin chính quyền giấy phép di chuyển liên tục, trong đó bao gồm một phần bãi đỗ cố định. Khi có giấy phép này, “chủ nhà nổi” cũng không hẳn đã yên thân vì họ chỉ có thể ở một chỗ trong 2 tuần và sẽ phải di chuyển trong bán kính 32 km suốt cả năm.
Chi phí xin giấy phép di chuyển liên tục trên các kênh đào, sông ngòi hằng năm có giá khoảng 1.000 bảng (khoảng 30 triệu đồng) đối với một chiếc thuyền hẹp, không quá 18 m chiều dài.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cuộc sống lênh đênh sông nước không phải chỉ là lựa chọn của những người không đủ khả năng mua một căn hộ ở London. Mike Leitch – từng làm Giám đốc Công ty Tự động hóa và robot Piab Group tại Đức, trở về Anh sinh sống năm 2016, lại do thích “lang thang” nên đã mua một sà lan nặng 100 tấn dài hơn 36 m ở Hà Lan và di chuyển qua eo biển Manche rồi đến sông Thames. Giờ đây, Leitch neo đậu “nhà di động” của mình ở khu Battersea thuộc London. Chiếc sà lan của Leitch có một bếp ăn, 2 phòng ngủ, 1 phòng khách “cũng đủ để cả nhà tôi sinh sống”.
Theo Tổ chức Canal & River Trust, ước tính số lượng tàu thuyền ở London có thể tăng thêm gần 1.700 chiếc vào năm 2022. Trong đó, có tới 70% số tàu thuyền buộc phải di chuyển liên tục.
Ông Symonds- người quản lý dự án neo đậu mới của Canal & River Trust, cho hay tổ chức này dự định triển khai thêm bãi neo đậu dài hạn dài 1.800 m hoặc khoảng 100 chỗ neo đậu mới và cải thiện mạng lưới bến tàu tạm thời.
Với nước Anh, phần lớn mạng lưới kênh đào được phát triển vào thế kỷ XVIII, trong đó nhiều đoạn liên kết với London. Kể từ đó, chúng rất quan trọng đối với sự phát triển để Vương quốc Anh trở thành một cường quốc công nghiệp. Tuy nhiên, sau thời phồn thịnh, do tàu lửa và giao thông đường bộ mở rộng nhanh chóng đã đẩy mạng lưới kênh đào tới chỗ lỗi thời và bị chìm vào quên lãng một thời gian dài.
Theo hãng Bloomberg, vào những năm 1970, vì mục đích giải trí, mạng lưới đường thủy của nước Anh được khôi phục, hoạt động sông nước lại sôi nổi trở lại. Những người sống trên tàu có thể tự do di chuyển trên hệ thống kênh đào quốc gia dài 3.218 km, kéo dài đến TP Manchester và Leeds ở phía Bắc.
Còn bây giờ, những “nhà nổi” không là mục đích giải trí, phục vụ giới nhiều tiền, mà còn là sự lựa chọn của nhiều người dân London.
Ngọc Mai
Theo daidoanket.vn
Kinh tế ban đêm: Động lực mới phát triển kinh tế
Phát triển "kinh tế ban đêm" là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế.
Kinh tế ban đêm (Night Time Economy - NTE) là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h - 6h sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.
Kinh tế ban đêm sẽ là cửa sáng cho phát triển các ngành dịch vụ thương mại và du lịch của Việt Nam.
24h giàu có
Tại châu Âu, hầu hết các thành phố lớn và được du khách tìm tới nhiều nhất đều có nền "kinh tế ban đêm" phát triển. Chính phủ phân quyền và khuyến khích chính quyền các thành phố thực hiện các chương trình, dự án khai thác tiềm năng kinh tế đêm, gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực của riêng mình.
Tại London (Anh), năm 2016, thị trưởng thành phố đã bổ nhiệm chức vụ "Night Czar" nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm, hướng tới mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24h hàng đầu thế giới. Cuộc sống về đêm tại London hiện mang lại hơn 700.000 việc làm, bằng 1/8 tổng số lao động của thành phố.
Ở New York (Mỹ), năm 2018, hoạt động kinh doanh ban đêm của các nhà hàng mang lại 12 tỷ USD và tạo ra 141.000 việc làm, các quán bar thu về 2 tỷ USD. Các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18.000 việc làm và thu về 3,1 tỷ USD, tức mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống. Tại Sydney (Australia), NTE mỗi năm tạo ra 234.000 việc làm, với doanh thu 27,2 tỷ USD và mang lại 102 tỷ USD.
NTE cũng phát triển khá nhanh ở châu Á. Tại Nhật Bản, ước tính vào năm 2020, NTE sẽ đạt quy mô 3,7 tỷ USD, góp phần vào mục tiêu đón 40 triệu du khách (năm 2020) và 60 triệu (năm 2030). Bắc Kinh (Trung Quốc) đứng thứ 6/10 thành phố đặt đồ ăn đêm nhiều nhất thế giới. Thành phố hướng tới mục tiêu đến năm 2022, hơn một nửa số cửa hàng tiện lợi sẽ hoạt động 24/24. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng tại Bắc Kinh cũng bắt đầu kéo dài thời gian mở cửa thêm vài tiếng.
"Cửa sáng" cho kinh tế Việt Nam
Theo số liệu thống kê năm 2018 của Master Card, trung bình, du khách tại Bangkok (Thái Lan) chi tiêu mỗi ngày khoảng 173USD, trong khi con số đó tại Việt Nam là 96 USD, nguyên nhân chính là do các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt ngày đêm ở Bangkok, còn tại Việt Nam thì hạn chế.
Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của du khách quốc tế. Tiềm năng văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc, quy mô dân số trẻ, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu... là nhiều lý do tất yếu để kinh tế về đêm ở Việt Nam phát triển, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Trên thực tế, Việt Nam đã có các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh). Việt Nam còn có Bà Nà Hills ở Đà Nẵng có thể đón khách lúc nửa đêm và Vòng quay Mặt trời ở thành phố này có thể quay suốt đêm, một số công viên giải trí sẵn sàng phục vụ mọi du khách chưa ngủ.
Trên mọi miền đất nước, nhiều nơi có quy hoạch dành riêng cho việc tổ chức các chương trình hoặc dự án kinh tế đêm thu hút khách, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, quảng bá và bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong khi vẫn đảm bảo trật tự trị an và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
Thực tế, để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam cần cân nhắc kỹ nhu cầu của khách du lịch. Theo đó, không áp đặt tư duy của nhà quản lý, cần triển khai thí điểm tại những thành phố lớn. Đặc biệt, cần có kế hoạch, chính sách, sự chỉ đạo thống nhất, đầu tư bài bản các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước, có kết nối giao thông công cộng, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn.
Bên cạnh đó, các khu vực vui chơi giải trí từ 19h - 6h như đường phố chuyên doanh, phố ẩm thực, quảng trường, công viên cần quy hoạch đồng bộ, chọn lựa các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm. Ngoài ra, cần tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, thực hiện quảng bá các nhà hàng đêm, hợp pháp hóa kéo dài thời gian mở cửa các địa điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật và cửa hàng tiện lợi được hoạt động 24/24.
Việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm, từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách. Du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn.
Hoạt động "kinh tế ban đêm" cũng đòi hỏi có cơ chế thích hợp quản lý cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, bia rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá và nâng cao năng lực quản lý các tệ nạn xã hội, chống hàng giả, hàng trốn thuế, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn đô thị.
Với những đột phá về nhận thức và cách làm mới, kỳ vọng kinh tế ban đêm sẽ là "cửa sáng" cho phát triển các ngành dịch vụ thương mại và du lịch của Việt Nam, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giúp giảm áp lực cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải.
Theo baoquocte.vn
Khách du lịch bì bõm lội nước... khi tới Venice, Italy Khách du lịch và người dân thành phố Venice của Italy đã phải đi giày cao cổ và di chuyển trên những lối đi tạm thời để vượt qua những khu vực bị ngập trong thành phố. Cơ quan dự báo thủy triều Venice cho biết, mực nước đạt đỉnh 1,27m vào sáng 12-11. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cảnh báo rằng...