Nhà quản lý giáo dục: ‘Xử lý học sinh tuổi dậy thì cần sự mềm dẻo’
Học sinh lớp 10 đang hoàn thiện nhân cách, không tránh khỏi sai lầm, việc áp dụng hình thức kỷ luật khắt khe đôi khi phản tác dụng.
Đồng tình với việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa ngày 1/11 chỉ đạo thu hồi quyết định đuổi học học sinh vì xúc phạm giáo viên trên Facebook, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng nhiệm vụ của nhà trường là giúp học sinh nhận thức thiếu sót, tiếp tục hoàn thiện nhân cách để trở thành người có ích cho xã hội. Mọi ứng xử của nhà trường với học trò điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải hướng tới giáo dục các em.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang.
Là Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nhiều năm quản lý trường học có nhiều học sinh nổi tiếng ngỗ ngược, TS Lâm cho rằng sai lầm của học sinh đôi khi lại là tình huống tốt để sự giáo dục có hiệu quả hơn. Nhân sự việc đó, thầy cô bằng tình yêu thương giúp học sinh tự nhận thức sai lầm, thấm thía những điều mình gây ra và biết trân quý giáo viên hơn, tích cực học hành. “Giữa việc làm như thế và việc đuổi học sinh bơ vơ ra ngoài xã hội suốt một năm, cái nào sẽ tốt hơn?”, ông Lâm đặt câu hỏi.
Thầy Lâm phân tích, học sinh tuổi 15 (lớp 10) đang hình thành nhân cách nên có sự bồng bột trong suy nghĩ, hành xử. Việc mắc sai lầm là không tránh khỏi. Quá trình giáo dục hay xem xét kỷ luật học sinh, giáo viên cần cân nhắc về tâm lý lứa tuổi để đưa ra mức phù hợp. Việc áp dụng hình thức kỷ luật khắt khe đôi khi phản tác dụng.
“Ở trường tôi, học sinh vi phạm đều được mời lên trao đổi với giáo viên. Chúng tôi hướng đến sự hòa giải văn minh giữa thầy – trò, làm cho học sinh tự nhận ra lỗi lầm và sửa chữa. Tôi tin học sinh nào bản chất cũng tốt và sẽ có sự thay đổi qua cách giáo dục tích cực của nhà trường”, TS Lâm nói.
Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), thầy Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng việc áp dụng hình thức khắt khe để kỷ luật học sinh là “không mang tính giáo dục hiện đại”. Ở lứa tuổi dậy thì (dưới 18), học sinh đang trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách nên nhận thức chưa được đúng đắn. Hành xử của thầy cô cần mang tính thuyết phục, động viên và giúp đỡ các em nhận ra lỗi lầm, sửa chữa.
Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình.
“Trong nhà trường, gia đình luôn có những quy định mà nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, có nhiều hình thức xử lý mềm dẻo giúp người phạm lỗi nhận ra lỗi lầm và khuyến khích họ sửa sai. Điều đó tốt hơn nhiều việc kỷ luật cứng nhắc, chặn con đường đi tiếp theo của học trò”, ông Bình nói và cho rằng dù học sinh phạm lỗi như thế nào, cách xử lý của nhà trường vẫn nên mang tính bao dung, tạo cơ hội cho các em sửa sai.
Video đang HOT
Nhiều năm làm hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội), thầy Bình không ít lần phải xử lý học sinh hư. Việc đầu tiên ông làm là nói chuyện với học sinh để tìm hiểu nguyên nhân. Những em hư hỗn có thể bị cảnh cáo, xếp loại hạnh kiểm yếu, ghi học bạ. Nếu quá trình kỷ luật học sinh được bạn bè, thầy cô đánh giá là có thay đổi tích cực, mức kỷ luật có thể được giảm, thậm chí xóa bỏ. “Đây là cách chúng tôi khuyến khích học trò sửa sai, trở thành người tốt hơn. Thực tế nó đã rất hiệu quả”, ông Bình nói.
Thầy giáo đánh giá việc đuổi học một năm học sinh của trường THPT Nguyễn Trãi là quá nặng. Sự việc cần được tìm hiểu từ cả hai phía, giáo viên nếu làm điều gì không thỏa đáng, gây bức xúc cho học trò, cũng cần kiểm điểm.
Học sinh mong muốn thầy cô “giơ cao đánh khẽ”
Nhiều học sinh THPT, sinh viên đại học khi được hỏi đều thừa nhận từng nói xấu giáo viên, giảng viên khi bức xúc trước việc làm không thỏa đáng nào đó của thầy cô giáo. Mặt khác, do nói tục phổ biến trong đời sống học trò nên khi nói xấu thầy cô, theo thói quen các em sẽ văng tục.
“Hồi lớp 10 chúng em nói tục, nói xấu thầy cô vì bạn bè xung quanh đều thế và để chứng tỏ cá tính của bản thân. Nhưng bây giờ, khi đã trưởng thành hơn, tự chúng em đều hiểu hành vi đó là xấu xí nên trong lớp gần như không ai làm vậy nữa”, Hà Anh – học sinh lớp 12 một trường THPT ở Hà Nội nói.
Phản đối việc dùng ngôn từ tục tĩu nói xấu thầy cô, nhưng nữ sinh Hà Nội không đồng tình việc nhà trường đuổi học một năm các học trò đó. Hình thức kỷ luật này theo em không thuyết phục vì phụ huynh gửi con đi học là để được giáo dục. Học sinh mắc sai lầm, nhà trường đuổi học ngay có thể khiến học sinh, phụ huynh khác có cái nhìn tiêu cực về lãnh đạo trường.
“Ở lứa tuổi thích thể hiện, rất sĩ diện, nếu bị đuổi học một năm đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ dị nghị, chê bai, đánh giá…, các bạn chắc chắn cảm thấy xấu hổ và phản ứng tiêu cực. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành động sai lầm sau đó của học sinh”, Hà Ánh nói.
Một nam sinh lớp 12 trường THPT ở Hà Nội cũng cho rằng, các biện pháp mềm dẻo có tác dụng giáo dục tốt hơn kỷ luật khắt khe, đặc biệt là với lứa tuổi dậy thì thích thể hiện cái tôi. “Khi cô giáo phê bình em trước lớp, em sẽ ác cảm và chống đối cô. Nhưng có những giáo viên chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng với riêng em, em sẽ nghe lời, không tái phạm”, nam sinh chia sẻ.
Ngày 23/10, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi ký quyết định đuổi học một năm ba học sinh lớp 10A5. Bốn nam sinh khác bị đuổi học một tuần lễ và một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường. Lý do là trong nhóm Facebook có tên là “Động Cô Bích”, học sinh nói tục tĩu, nói xấu và xúc phạm thầy cô, nhà trường.
Ban giám hiệu nhà trường sau đó đã mời đại diện hội cha mẹ học sinh và các phụ huynh liên quan thông báo sự việc, đồng thời yêu cầu học sinh viết tường trình. Do học sinh không có thái độ tiếp thu, tiếp tục vi phạm, nhà trường phải kỷ luật.
Ngày 1/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi quyết định đuổi học bảy học sinh lớp 10A5, thông báo cho các em ngày mai đến trường học tập. “Nhà trường đã kỷ luật quá nặng tay, nóng vội, không mang tính giáo dục. Vi phạm của các em chưa đến mức phải đuổi học một năm”, Giám đốc Sở Giáo dục Phạm Thị Hằng nói.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Giải pháp để nhà vệ sinh không còn ám ảnh học trò
Quan trọng nhất là nhà trường phải giáo dục ý thức học sinh trong việc bảo vệ môi trường nói chung và khu vệ sinh nói riêng.
Nhiều năm quản lý trường học ở Hà Nội, thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn) cho rằng nhà trường cần dành sự quan tâm đúng mức đến nhà vệ sinh. Ngoài việc đảm bảo số khu vệ sinh phù hợp với số học sinh theo quy chuẩn, tăng cường số lần dọn dẹp sao cho kịp thời, điều quan trọng nhất là nhà trường phải giáo dục ý thức học sinh trong việc bảo vệ môi trường nói chung và khu vệ sinh trường học nói riêng.
"Số nhân công làm công tác vệ sinh của mỗi trường hạn chế, công việc dọn dẹp lại nhiều. Nếu mọi người trong trường, gồm cả thầy cô và học sinh, chung tay dọn dẹp vệ sinh, vấn đề này phần nào được giải quyết", thầy Bình nói.
Nhà vệ sinh được đầu tư xã hội hóa ở một trường học Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương
Từng đến thăm các trường học ở Nhật Bản, thầy Bình đánh giá cao việc học sinh trường tiểu học tham gia làm vệ sinh, không chỉ dọn lớp học, sân trường mà cả kỳ cọ toilet. Trong khi đó, ở Việt Nam, đặc biệt là thành phố, học sinh chỉ phải trực nhật, làm những việc đơn giản trong lớp học.
Hiệu trưởng này khẳng định ngoài học kiến thức và rèn luyện, một trong những nhiệm vụ ở trường của học sinh là tham gia lao động. Các em có thể làm công việc nhẹ như quét dọn sân trường, hành lang lớp học. Nhờ đó, lao công có nhiều thời gian hơn, tập trung hơn trong việc làm sạch khu vệ sinh. Các em cũng sẽ hiểu được giá trị của lao động và thông qua lao động có ý thức giữ gìn khu vệ sinh tốt hơn, không vứt rác bừa bãi.
"Rõ ràng giáo dục trong nhà trường đang không làm được việc này, thậm chí học sinh thấy mình bày bừa ra là có người dọn nên càng thiếu ý thức. Việc giáo dục để các em có ý thức trách nhiệm với cá nhân, với cộng đồng ngay từ nhỏ là rất quan trọng", thầy Bình nói.
Nhà giáo Trần Mậu Minh (nguyên Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP HCM) chia sẻ câu chuyện nhà vệ sinh trường học là "muôn thuở", lúc nào cũng được nhắc đến bởi giữ được nơi này sạch sẽ, không trở thành nỗi ám ảnh của học trò là rất khó.
Gần chục năm trước, trường Trần Văn Ơn có gần 2.000 học sinh, có bốn dãy phòng học với 14 khu nhà vệ sinh, mỗi khu 7 cái bồn cầu. Trường chỉ có vài nhân công, phải dọn cả rác ở trường, phòng học rồi tới nhà vệ sinh. Mỗi tuần thầy Minh vào kiểm tra, không ít lần thấy trò đi tiểu không dội nước, bồn cầu còn nguyên "hậu quả". Ông đã vẽ tranh vui nhắc nhở treo ngay cửa.
Theo nhà giáo này, việc quan tâm của hiệu trưởng, thầy cô đến việc tưởng chừng là tế nhị này phần nào cũng giúp học sinh nâng cao ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh. Việc đảm bảo sạch sẽ nhà vệ sinh phải gắn với trách nhiệm của người quản lý, giáo viên và cả học sinh thì mới có được sự chuyển biến tích cực.
Kêu gọi phụ huynh chung sức
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Tân Bình (TP HCM) thẳng thắn nói, muốn có nhà vệ sinh sạch phải có tiền để mua trang thiết bị hiện đại và thuê nhiều lao công dọn dẹp liên tục. "Không chờ ngân sách được vì mỗi năm chỉ rót một đợt và phải chi bao khoản, đến hạng mục nhà vệ sinh thì chẳng còn gì. Không có tiền thì cái nút vặn bồn cầu hư cũng chẳng thể thay được", ông nói và cho rằng "muốn có tiền cho nhà vệ sinh thì đi xin phụ huynh".
Theo hiệu trưởng này, nếu nhà trường nói rõ mục đích phục vụ tốt hơn cho học sinh, cần thêm tiền ngoài ngân sách thì chẳng cha mẹ nào tính toán. Nhờ xin quỹ hội phụ huynh mà trường có tiền thuê thêm ba nhân viên dọn dẹp, làm việc theo giờ. Nhờ đó tần suất dọn dẹp dày hơn, nhà vệ sinh lúc nào cũng được đảm bảo khô thoáng, học trò đỡ sợ hơn.
"Trước đây nhiều bệnh viện nhà vệ sinh cũng rất khủng khiếp nhưng sau khi được tự thu tự chi, xã hội hóa thì mọi thứ cũng tốt lên. Nhà vệ sinh trường học cũng vậy, cần huy động hết nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để giải quyết mọi vướng mắc", hiệu trưởng đề xuất.
Ở Thanh Xuân (Hà Nội), có hai con học trường công lập, ông Trần Văn Nam nhận thấy việc xây thêm khu vệ sinh để tránh quá tải là rất khó bởi không còn quỹ đất. Phụ huynh có thể thông cảm với điều này, nhưng không hài lòng khi chính quyền và trường chưa quan tâm đúng mức đến nhà vệ sinh, không dành khoản đầu tư cho hạng mục này, để nó xuống cấp.
"Học sinh phải đóng nhiều khoản, trong đó có tiền xây dựng, tiền vệ sinh hàng tháng, nhưng thực sự tôi không hiểu tiền đó dùng vào việc gì khi thấy trường không mấy thay đổi. Mỗi lần muốn đầu tư cơ sở vật chất, ví dụ lắp đặt hệ thống bạt che nắng ở sân trường, trường cũng huy động đóng góp. Sao không dùng số tiền đó để sửa chữa, thuê thêm lao công dọn dẹp nhà vệ sinh?", ông Nam nói.
Phụ huynh này lấy ví dụ về nhiều bệnh viện, nơi lao công được thuê để dọn dẹp nhà vệ sinh vào nhiều thời điểm trong ngày với mức lương chỉ 4-5 triệu đồng. Nhà trường có thể thuê nhân công theo hợp đồng, lau dọn nhà vệ sinh 3-4 lần thay vì chỉ dọn sau giờ học. Với một trường có 1.500 học sinh, nếu mỗi cháu góp 20.000 đồng một tháng, số tiền đủ để thuê nhiều lao công hơn.
"Nhiều trường có mô hình nhà vệ sinh xanh - sạch - đẹp, nhưng quan trọng là giữ nó sạch đẹp được bao lâu trong khi các cháu còn nhỏ, hiếu động, ham chơi. Trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về nhà trường, nhưng phía nhà trường cần có biện pháp để tạo môi trường tốt nhất cho các cháu", ông Nam nói.
Theo Vnexpress
Dạy thêm học thêm: Phạt tiền thế nào cho đúng đối tượng? Dạy thêm học thêm trái quy định có thể bị phạt tới 15 triệu đồng theo đề xuất mới đây của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Điều này được không ít người đồng tình cho rằng cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn dạy thêm tràn lan. Nhiều tranh cãi xung quanh việc phạt tiền dạy thêm học sinh...