Nhà ở TP. Vinh, thầy giáo vẫn xung phong biệt phái tại Kỳ Anh
Nhà ở xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An) cách nơi công tác gần 45km nhưng thầy Nguyễn Sỹ Thiết – giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn xung phong biệt phái theo chủ trương của tỉnh để đến điểm trường xa hơn hàng chục km, thuộc huyện Kỳ Anh.
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết trong một giờ dạy
Ngày 9/9 tới đây, thầy Nguyễn Sỹ Thiết cùng một số thầy cô của huyện Can Lộc sẽ chính thức nhận nhiệm vụ biệt phái tại huyện Kỳ Anh.
Đến hôm đó, thầy Thiết và các thầy cô được biệt phái mới rõ điểm trường đến nhận nhiệm vụ. Cũng có nghĩa, các thầy cô và riêng thầy Thiết đã xác định, điểm trường tới công tác có thể cách trung tâm huyện nhiều km nữa.
Trước đó, ngày 4/9, huyện Can Lộc đã tổ chức gặp gỡ, tặng hoa và động viên đội ngũ giáo viên biệt phái vào huyện Kỳ Anh (thầy Nguyễn Sỹ Thiết thứ 3 từ phải sang).
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết (SN 1979) quê ở Đức Hương, Vũ Quang. Tháng 3/2012, với tấm bằng thạc sỹ trong tay, thầy được tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận công tác theo diện thu hút và phân công về giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Can Lộc).
Cũng từ đó, thầy bắt đầu làm quen với quãng đường xa cách từ nhà đến trường, với gần 45 km. “Từ nhà đến trường phải đi 2 chặng xe buýt. Phải căn giờ lên xe cụ thể để không bị chậm giờ dạy. Tính đến nay cũng đã hơn 7 năm” – thầy Thiết chia sẻ.
Video đang HOT
Điều đáng trân trọng hơn, thầy Thiết có vợ công tác trong môi trường quân y. Công việc đặc thù, vợ của thầy thường xuyên đi công tác đột xuất và trực đêm. Quảng đường xa, công việc của vợ bận rộn, gia đình thầy rất chật vật để sắp xếp thời gian lo việc ăn, học cho 2 con nhỏ (năm nay, cháu đầu học lớp 6, cháu thứ 2 học lớp 1).
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết là người thường xuyên tổ chức các sân chơi giáo dục về kỹ năng sống cho học trò
Dù vất vả là vậy, song 7 năm công tác tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thầy Nguyễn Sỹ Thiết luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, đóng góp nổi bật cho các hoạt động của nhà trường trong vai trò bí thư chi đoàn nhiều năm liền.
Thầy từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi huyện, 7 năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến và nhiều giải thưởng của ngành.
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết chụp ảnh lưu niệm với Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành trước khi tạm xa ngôi trường thân quen
Thầy Nguyễn Sỹ Thiết bộc bạch: “Vì thiếu giáo viên nên tỉnh chủ trương biệt phái là đúng, nhằm đảm bảo hoạt động giảng dạy trong năm học mới. Chính vì thế, dù hoàn cảnh vất vả, nhưng với vai trò người đảng viên và là nam giới nên tôi xung phong đi để đỡ cho chị em trong tổ”. Được biết, tổ Văn – Sử – Địa – Giáo dục công dân, nơi thầy Thiết công tác có 17 thầy cô nhưng chỉ có 2 nam giới.
Thầy Thiết cũng chia sẻ thêm: “Bố mẹ tôi đều trên 70 tuổi, đang sống ở Vũ Quang, bố là thương binh thời kỳ chống Mỹ. Gia đình nội, ngoại đều cách xa nhà tôi và nơi biệt phái nên việc ăn ở phải phục thuộc hoàn toàn vào sự sắp xếp của trường nơi tiếp nhận và cố gắng của bản thân.”
Theo baohatinh
Hà Tĩnh: Cô giáo vợ bộ đội xung phong đi 'biệt phái'
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng đã ký ban hành Quyết định số 2716/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ tiêu biệt phái giáo viên THCS năm 2019.
Điều đáng trân trọng là có một giáo nữ viên thuộc Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê xung phong đi biệt phái tại huyện Kỳ Anh trong dịp này.
Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê tổ chức gặp mặt 12 giáo viên đi biệt phái
Nữ giáo viên khiến dư luận nói chung và các đấng mày râu nói riêng, không khỏi ngạc nhiên và thán phục đó là cô Nguyễn Thị Hoài Lê (SN 1978, quê quán xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Hiện đang giảng dạy Văn - Sử tại Trường THCS Phúc Đồng (huyện Hương Khê).
Được biết, cô Lê tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh năm 2000. Sau đó được điều động đến dạy học tại các xã miền núi Phương Điền 2002 - 2007), rồi xã Phương Mỹ (2007 - 2012). Từ năm học 2012 thì chuyển về dạy tại THCS Phúc Đồng cho đến nay.
Hiện gia đình cô Lê sinh sống tại xã Phúc Đồng, chồng là Bộ đội đóng quân ở xã Thạch Vĩnh, Thạch Hà. Vợ chồng cô Lê có một con gái năm nay vào học lớp 3.
Nói về việc xung phong đi biệt phái, cô Nguyễn Thị Hoài Lê cho hay: "Nếu xét điểm nghĩa vụ thì chưa đến lượt, bởi vì tôi đã từng công tác 10 năm ở vùng 3 Phương Điền, Phương Mỹ. Nhưng nghĩ rằng hoàn cảnh của mình đi thì cũng tiện hơn người khác. Vì chồng bộ đội không ở nhà, gia đình mới chỉ có một cháu năm nay học lớp 3".
"Mình chỉ có một đứa nên ngắn sào dễ trở. Họ hai ba đứa con thì sẽ vướng bận hơn nhiều. Thấy mình thuận lợi hơn người khác nên viết đơn tình nguyện đi thôi", cô Lê nói tiếp.
Khi hỏi về việc đi biệt phái như vậy thì ai chăm lo cho cháu nhỏ. Cô Lê vui vẻ trả lời: "Tôi sẽ đưa cháu đi theo vào học tại Kỳ Anh luôn".
Cô Nguyễn Thị Hoài Lê, nữ giáo viên duy nhất tại Hương Khê tình nguyện đi biệt phái dù chưa đến lượt trách nhiệm của mình
Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hương Sơn, anh trai của cô giáo Nguyễn Thị Hoài Lê cho hay: "Việc cô Lê xung phong đi biệt phái là thể hiện vai trò trách nhiệm của một người Đảng viên. Ở Hương Khê không chỉ riêng cô Lê mà các giáo viên khác cũng đăng ký tình nguyện tăng cường cho Kỳ Anh. Với vai trò là một cán bộ quản lý, tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ".
Được biết, đoàn giáo viên biệt phái của Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê có 12 người, trong đó có 11 nam và 1 nữ. Ngày mai (4/9), đoàn sẽ lên đường vào Kỳ Anh nhận nhiệm vụ.
Nhằm mục đích đảm bảo cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, cân đối thiếu, thừa giáo viên giữa các đơn vị cấp huyện, UBND tỉnh đã phê duyệt 56 chỉ tiêu biệt phái giáo viên THCS giữa các huyện, thị, gồm 33 chỉ tiêu Toán - Lý - Tin, 2 chỉ tiêu Hóa - Sinh, 14 chỉ tiêu Văn - Sử - Địa - GDCD, 7 chỉ tiêu Ngoại ngữ.
Các huyện, thị có giáo viên biệt phái gồm: Thạch Hà (6 giáo viên); Can Lộc (8 giáo viên); Hương Khê (18 giáo viên) Hương Sơn (1 giáo viên); Vũ Quang (6 giáo viên); Đức Thọ (10 giáo viên); Nghi Xuân (3 giáo viên) và thị xã Hồng Lĩnh (4 giáo viên).
Đơn vị tiếp nhận giáo viên biệt phái là thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, trong đó, thị xã Kỳ Anh tiếp nhận 12 giáo viên đến từ các huyện Hương Khê (8 giáo viên Toán - Lý - Tin), Vũ Quang (2 giáo viên Hóa - Sinh), Thạch Hà (2 giáo viên Tiếng Anh).
Huyện Kỳ Anh tiếp nhận 44 giáo viên đến từ các huyện, thị: Thạch Hà (4 giáo viên Toán - Lý - Tin); Can Lộc (2 giáo viên Toán - Lý - Tin, 4 giáo viên Văn - Sử - Địa - GDCD, 2 Tiếng Anh); Hương Khê (10 giáo viên Văn - Sử - Địa - GDCD); Hương Sơn (1 giáo viên Toán - Lý - Tin); Vũ Quang (4 giáo viên Toán - Lý - Tin); Đức Thọ (10 giáo viên Toán - Lý - Tin); thị xã Hồng Lĩnh (4 giáo viên Toán - Lý - Tin); Nghi Xuân (3 giáo viên Tiếng Anh).
Theo infonet
Nghệ An: Học sinh nghỉ học, phụ huynh hối hả chống bão cùng nhà trường Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, ngày 29/8 tại Nghệ An đã bắt đầu có mưa to. Nhiều địa phương đã thông báo cho học sinh nghỉ học. Tại các trường học, phụ huynh cũng mang theo vật dụng hỗ trợ thầy cô chống bão. Phụ huynh trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) mang nứa, vật dụng đến...