Nhà nước nên bồi thường cho nạn nhân trong án oan
Bồi thường cho nạn nhân trong án oan vừa thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước, vừa nâng cao trách nhiệm từ các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm cho người dân cuộc bình yên.
Sự kiện gia đình nạn nhân phản ứng buổi công khai xin lỗi oan ông Hàn Đức Long khiến nhiều người bàn luận về nhiều chủ đề liên quan. Cá nhân tôi cho rằng đã đến lúc cần hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của tội phạm.
Ở Việt Nam hiện nay, người phạm tội phải bồi thường cho nạn nhân những thiệt hại về mặt vật chất trực tiếp do tội phạm gây ra, những thiệt hại gián tiếp (được quy định từ Điều 604 đến Điều 612 BLDS 2015) và được ghi nhận trong bản án của Tòa án.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được người phạm tội, người phạm tội bỏ trốn, người phạm tội không có khả năng bồi thường thì xem như nạn nhân (gia đình nạn nhân) không nhận được khoản bồi thường nào.
Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (GV Khoa Luật Hình sự, ĐH Luật TP.HCM).
Điều này xuất phát từ lý do là pháp luật chưa có quy định về bồi thường thiệt hại cho nạn nhân từ Chính phủ, chính vì vậy có thể nói rằng quyền lợi của nạn nhân và gia đình họ trong những trường hợp trên chưa được bảo đảm, khiến gia đình họ phải gánh chịu những thiệt hại “kép”, tức là những thiệt hại khi bị tội phạm xâm hại và những thiệt hại về vật chất, tinh thần sau khi tội phạm xảy ra.
Các nước bồi thường cho nạn nhân ra sao?
Tại các nước phát triển, vấn đề Chính phủ bồi thường cho nạn nhân đã được quy định khá chi tiết.
Bên cạnh các khoản bồi thường đã được ghi nhận tại bản án mà người phạm tội phải thực hiện, nạn nhân có thể yêu cầu Ủy ban phụ trách bồi thường cho nạn nhân (Victim Compensation and Government Claims Board) bồi thường những thiệt hại không được ghi nhận trong bản án hoặc không được bảo hiểm. Ví dụ, ở Mỹ, khoản bồi thường này cao nhất là 70 nghìn USD.
Tuy nhiên, tại một số quốc gia khác, Chính phủ chỉ bồi thường khi nạn nhân không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào từ phía người phạm tội hay từ một tổ chức nào khác hoặc nạn nhân (hoặc người phụ thuộc) chỉ nhận được một khoản duy nhất khi bị thương tật hay nạn nhân bị chết mà người phụ thuộc còn sinh sống tại quốc gia đó.
Tuy nhiên, khi chưa chứng minh được người phạm tội hoặc chưa xác định rõ thương tích, Chính phủ sẽ tạm ứng trước một khoản trợ cấp cho nạn nhân.
Video đang HOT
Về các tội phạm cụ thể mà nạn nhân được Nhà nước bồi thường cũng khá khác biệt ở các quốc gia, có thể là không giới hạn các loại tội phạm (như ở Mỹ), hoặc trong phạm vi một số tội phạm như các tội phạm mang tính bạo lực, các tội phạm đến nhân thân và các tội xâm phạm sở hữu (quy định pháp luật Thụy Điển), hoặc chỉ là các tội mang tính bạo lực như giết người (quy định pháp luật Nhật Bản).
Về kinh phí, các khoản bồi thường này mang tính “Nhà nước”, tức là được trích từ nguồn ngân sách của Chính phủ, từ nguồn thu thuế. Và để nhận được khoản bồi thường này, nạn nhân phải không có lỗi khi tội phạm xảy ra, nạn nhân hoặc gia đình phải báo cảnh sát khi tội phạm xảy ra trong một thời gian nhất định.
Việt Nam cần nghiên cứu, bồi thường cho nạn nhân
Vấn đề là Việt Nam có khả năng thành lập các Chương trình bồi thường thiệt hại cho nạn nhân như các nước phát triển hay không? Và tại sao phải gọi là bồi thường chứ không phải là trợ cấp hay hỗ trợ?
Thứ nhất, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được quy định tiến bộ này. Có thể do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, những khoản tiền này ban đầu mang tính tương đối, sau có thể được nâng lên theo đà phát triển của kinh tế và có giới hạn mức tối đa trong từng loại tội phạm.
Nguồn thu cho những khoản bồi thường này có thể từ nguồn việc thu hồi tài sản của các tội phạm tham nhũng và tài sản của người phạm tội trong những tội phạm có nguồn thu lợi bất chính khác, hoặc từ nguồn thuế.
Đối tượng được hưởng khoản tiền bồi thường này là nạn nhân trực tiếp của tội phạm và người phụ thuộc của nạn nhân dưới 18 tuổi (trong trường hợp nạn nhân chết).
Đó là các tội liên quan đến xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự con người, các tội phạm về bạo lực khác làm tổn thương thể chất, tinh thần cho nạn nhân, tội phạm khủng bố, các tội phạm về sở hữu.
Người được quyền yêu cầu bồi thường bao gồm công dân Việt Nam (một số trường hợp là người nước ngoài, người không quốc tịch đang cư trú dài hạn tại Việt Nam nhưng phải có việc làm và có nộp thuế).
Cơ quan có chức năng thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân có thể trực thuộc Bộ Tư pháp hoặc trực thuộc Chính phủ.
Thứ hai, sử dụng từ “bồi thường” thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm của Nhà nước khi tội phạm xảy ra (và phù hợp với xu hướng của các nước tiến bộ khi dùng từ “compensation”- xem thêm tại các đường link đã dẫn).
Thực hiện việc bồi thường cho nạn nhân của tội phạm trong những trường hợp trên thể hiện tính nhân đạo của nhà nước, góp phần bảo đảm cuộc sống của nạn nhân và gia đình họ sau khi bị tội phạm xâm hại.
Việc làm này còn nâng cao ý thức trách nhiệm từ các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm cho người dân có một cuộc sống bình yên, không bị tội phạm xâm hại, và hơn thế nữa là khuyến khích nạn nhân tích cực tham gia tố giác tội phạm.
Theo P.V (Zing)
Vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh: Ai đền bù cho nạn nhân?
Vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh đã làm 2 người chết, 14 người bị thương. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm đền bù?
Hiện trường vụ nổ xe khách khiến 16 người thương vong.
Ngày 21.2 vừa qua, trên đường từ di chuyển về Quảng Ninh, chiếc xe khách giường nằm bất ngờ phát nổ trên quốc lộ 18 đoạn qua huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Vụ nổ xe làm 2 hành khách trên xe chết tại chỗ, 14 người khách bị thương.
Công an tỉnh Bắc Ninh xác định, nguyên nhân dẫn tới vụ nổ là do xe có vật liệu nổ và đã khởi tố vụ án vận chuyển trái phép vật liệu nổ.
Liên quan đến vụ nổ xe khách, nhiều người đặt câu hỏi, "ai sẽ là người chịu trách nhiệm đền bù, chủ xe hay công ty bảo hiểm?"
Trao đổi với PV về câu hỏi trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết: Khi hành khách lên xe để di chuyển, tức là đã phát sinh hợp đồng vận chuyển hành khách giữa chủ sở hữu xe và khách hàng. Hợp đồng này có thể giao kết bằng lời nói, hành vi hoặc văn bản nên dù hàng khách có vé hay không thì quan hệ này vẫn được pháp luật ghi nhận và tôn trọng.
Theo luật sư Tuấn Anh, trong vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh, cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân vụ nổ là do vật liệu nổ. Theo quy định, vật liệu nổ là nguồn nguy hiểm cao độ vì vậy việc bồi thường sẽ căn cứ theo quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong Bộ luật Dân sự 2015.
"Trong trường hợp, cơ quan điều tra xác định, chủ sở hữu xe khách (nhà xe) đã nhận vận chuyển số hàng hóa tình nghi vật liệu nổ (nguyên nhân dẫn đến vụ nổ) thì tại thời điểm đó, chủ xe được coi là người chiếm hữu số hàng trên.
Dù là hàng hóa được gửi theo hình thức vận chuyển hàng hóa hay hành lý được hành khách kèm theo thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn thuộc về chủ sở hữu xe.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về "Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra" ghi rõ, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác", luật sư Tuấn Anh phân tích.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thăm hành khách nhập viện sau vụ nổ xe khách ở Bắc Ninh tối 21.2.
Theo luật sư Tuấn Anh, theo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe. Như vậy, nếu nhà xe thực hiện đúng quy định thì thiệt hại của hành khách trên xe sẽ được bảo hiểm chi trả ngoài trừ một số trường hợp như hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; nguyên nhân do chiến tranh, khủng bố, động đất...
"Trong trường hợp hồ sơ vụ việc cho thấy, vụ cháy xe thuộc các trường hợp được thanh toán bảo hiểm thì chủ xe khách vẫn có trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại trước cho các nạn nhân. Sau đó, chủ xe sẽ làm thủ tục nhận chi trả bảo hiểm từ bên bán bảo hiểm.
Trường hợp nhà xe không mua bảo hiểm thì phải chịu toàn bộ các chi phí bồi thường cho các nạn nhân", luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý), cho rằng, để xác định ai bồi thường cần phải làm rõ nguyên nhân vụ nổ, ai gây ra vụ nổ.
"Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định vật liệu gây nổ nằm trong hành lý của hành khách hoặc trong hàng hóa nhà xe nhận vận chuyển thì nhà xe sẽ chịu trách nhiệm bồi thường trước. Sau đó, nhà xe sẽ yêu cầu bên bán bảo hiểm thanh toán nếu vụ nổ thuộc các trường hợp được thanh toán.
Trường hợp cơ quan điều tra xác định, lái xe và nhân viên phụ xe lợi dụng công việc đưa chất nổ lên xe thì ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự họ phải liên đới bồi thường cho nạn nhân.
Dù vậy, việc bồi thường trực tiếp cho nạn nhân vẫn do chủ xe thực hiện bởi quan hệ hợp đồng vận chuyển là giữa khách với nhà xe, không phải lái xe hay phụ xe", luật sư Kiên nói.
Luật sư Kiên cho biết, việc bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ nổ sẽ được áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để tính mức bồi thường. Các nạn nhân sẽ được yêu cầu bồi thường toàn bộ đối với các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và cả mặt tinh thần.
Theo Danviet
Những người bị án oan sẽ làm gì trong năm mới 2017? Những trường hợp án oan sau khi được trả tự do có người đã được nhận bồi thường thiệt hại, có người vẫn đang trong quá trình đòi bồi thường. Những số phận đó, những con người "nổi tiếng" một cách bất đắc dĩ, đều có những mong ước trong năm mới 2017. 1. Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang): Phải chữa bệnh...