Nhà nghỉ đắt khách dịp thi THPT quốc gia
Nếu không tính buổi tập trung, kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra 3 buổi làm bài thi 25-27/6. Nhà xa trường hàng chục cây số, nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã chọn giải pháp thuê nhà nghỉ cho con ngủ trưa, sáng đi, tối về.
Nhà nghỉ khu vực Trường ĐHSP sẵn sàng phục vụ sĩ tử thi THPT quốc gia nghỉ trưa
Nhà nghỉ không tăng giá
Phần lớn, phụ huynh phải đi thuê nhà nghỉ cho con trong những ngày thi THPT quốc gia là do nhà ở cách quá xa điểm thi. Thời gian nghỉ giữa hai buổi thi không được nhiều, đường Hà Nội hay tắc. Chính vì vậy, họ đã chọn giải pháp này để đảm bảo việc đưa con đi thi đúng giờ. Hơn nữa con lại có phút chợp mắt buổi trưa.
Dạo quanh các khu vực tổ chức điểm trường thi THPT quốc gia cho thấy, tùy từng nơi, lượng nhà nghỉ có nhiều hay ít, đẹp hoặc bình dân. Khu vực Cầu Giấy với nhiều điểm thi, phụ huynh rất dễ lựa chọn nhà nghỉ. Hoặc khu Cầu Diễn cũng vậy. Tuy nhiên, với các điểm thi cách xa trung tâm Thủ đô, phụ huynh càng khó kiếm nhà nghỉ hơn. Theo khảo sát của phóng viên, giá hai giờ nghỉ trưa dao động từ 90.000 đồng – 150.000 đồng. Nếu khách lưu trú thêm, sẽ cộng từ 20.000-30.000 đồng/1 giờ lưu trú.
Trong vai khách đi thuê nhà nghỉ buổi trưa cho con đi thi tại điểm Trường THCS Phú Diễn, một phụ huynh cho biết: “Giá thuê díp này vẫn như ngày thường. Với phòng bình dân khoảng 10m2, có 1 giường 1,6m, khép kín, có đầy đủ tiện ích, giá thuê hai giờ đầu là 100.000 đồng. Quá 15 phút tính thêm 20.000 đồng. Còn phòng vip có vị trí đẹp vì là phòng đầu hồi, có cửa sổ, diện tích rộng gấp đôi giá thuê 150.000 đồng/2 giờ đầu, quá 15 phút tính thêm 30.000 đồng”.
Thuê phòng vip 2 giờ đầu ở Khách sạn Nhuệ Giang là 150.000 đồng
Video đang HOT
Còn ở khu vực gần Trường ĐHSP Hà Nội 1 và Trường Nguyễn Tất Thành, giá thuê phòng cũng bình dân, không hề tăng. Nếu phụ huynh có nhu cầu tìm chỗ nghỉ trưa cho con sau phần thi buổi sáng, cũng rất dễ tìm và lựa chọn.
Giải pháp tình thế bắt buộc
Chị Vũ Quỳnh Liên, phụ huynh học sinh Trường Khoa học giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: “Ngày 3/6, nhận được thông báo điểm thi của con ở Trường THPT Thượng Cát, vợ chồng tôi rất lo lắng bởi tra trên Google, nhà cách trường những 20 km. Nghe địa danh lạ lẫm vì chưa đặt chân đến bao giờ.
Ngày 12/6, nhờ Google dẫn đường, tôi đã đích thân tiền trạm điểm thi của con. Dù là cụm trưởng của huyện nhưng nơi đây cách xa trung tâm, cả làng chỉ có 1 nhà nghỉ và 2 quán nhậu, 1 quán phở, không có cơm bình dân. Nhà nghỉ giá 350.000 đồng/ngày đêm. Mình chấp nhận thuê để buổi trưa con có chỗ ngả lưng cho đỡ mệt, chiều còn có sức thi tiếp. Nhất là con gái của tôi thi tổ hợp Khoa học xã hội, kéo dài 3 ngày thi liên tục”.
Anh Trần Quang Huy, nhà ở Đại Mỗ cho biết: “Nhà tôi ở cạnh Trường THPT Đại Mỗ nhưng con trai nhất định đăng ký thi vào Trường THPT Cầu Giấy. Cháu hoàn toàn toại nguyện khi điểm đầu vào thừa 3 điểm. Mỗi tội, những ngày con thi THPT quốc gia này khá vất vả, cha con phải tá túc nghỉ trưa ở nhà nghỉ, vì nhà cách trường gần 15 km. Tranh thủ chiều nay, lúc con vào làm thủ tục dự thi, tôi đã ra đăng ký thuê trọ theo giờ các buổi trưa ngày 25, 26. Theo đó, mỗi buổi trưa hai bố con ngả lưng, có điều hòa mát cũng chưa tốn 200.000 đồng, lại cách trường có 500m. Mức tiền này hợp lý. Thôi thì 12 năm còn lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, ngày thi càng không cần phải đắn đo tiết kiệm”.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, có con gái út học Trường THPT Xuân Đỉnh, dự thi THPT quốc gia tại Trường THCS Phú Diễn chia sẻ: “Con gái tôi thi Ban D, chọn tổ hợp xã hội. Nhà tôi đến điểm thi hơn 7km nhưng cũng chọn cách thuê nhà nghỉ trưa cho con. Nhà nghỉ thì nhiều, giá bình dân thôi. Nhưng tôi lo ngại nhất là quanh khu vực này quán ăn có vẻ không được đảm bảo cho lắm. Chắc trưa mai hai bố con phải đưa nhau đi xa xa một chút tìm quán cơm, sau đó về nhà nghỉ gần trường thi cho con được ngủ trưa”.
Theo GDTĐ
Băn khoăn chuyện chọn trường công, trường tư
Thời điểm này, phụ huynh ở Hà Nội lại "nóng" câu chuyện chọn trường đầu cấp cho con. Lựa chọn trường công hay tư luôn là bài toán khiến phụ huynh phải "cân não" tính toán.
Không dễ dàng khi lựa chọn trường học đầu cấp cho con
Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông
Chị Nguyễn Tường An ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) năm nay có con sinh năm 2013 vào lớp 1. Suốt một năm ròng rã, chị nghiên cứu, tính toán đủ các phương án để chọn trường tốt nhất cho con, phù hợp cho bố mẹ. Chị thích con được học trường ngoài công lập nên đã đi tìm hiểu khá nhiều trường tư. Chị đã ưng ý một trường ở quận Cầu Giấy vì ở đó con vừa được tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vừa được học tuần 8 tiết tiếng Anh, không phải đi học thêm ở ngoài. Tuy nhiên, nhà ở quận Hoàng Mai, để đến được ngôi trường chị thích, mỗi sáng con sẽ di chuyển khoảng 8km. Điều này đồng nghĩa với việc, con phải dậy sớm, về muộn. Khi đề xuất phương án này, chồng chị gạt phăng, không đồng ý vì lý do xa nhà, chưa kể mức học phí của trường lên tới cả chục triệu đồng/ tháng.
Chị nói, sau đó, chị và chồng thống nhất sẽ cho con học trường công và đầu tư học thêm ngoại ngữ ở ngoài để ưu tiên việc con học gần nhà. "Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ đến sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, tôi vẫn cảm thấy ám ảnh. Chưa kể, một số phụ huynh lớp trước kể, học trường công, nếu con học đuối cô sẽ "nặng nhẹ" gợi ý đi học thêm nên áp lực, mệt mỏi cho cả con lẫn mẹ", chị nói.
Cũng theo chị An, với sĩ số như vậy, con sẽ ít được giáo viên dành thời gian quan tâm, hướng dẫn. " Dù đã quyết định rồi nhưng nhiều khi mình vẫn trăn trở không hiểu lựa chọn của mình có đúng hay không. Nếu học giữa chừng phải chuyển trường có thể gặp cảnh trở đi mắc núi, trở lại mắc sông", chị An nói.
Con gái vừa tốt nghiệp một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, anh Trần Văn Quyết ở quận Hà Đông thở phào nhẹ nhõm chuyển con về một trường THCS ngoài công lập gần nhà. Theo anh Quyết, ròng rã 5 năm không kể mưa gió, rét mướt bố con dậy sớm đưa nhau đến trường quá gian nan. Con nổi trội nhất môn ngoại ngữ còn năng lực toán dừng lại mức bình thường. Anh cho rằng, con học tốt ngoại ngữ là do gia đình vừa thuê gia sư học kèm ở nhà, vừa cho con học ở các trung tâm.
Nói về lý do lựa chọn trường ngoài công lập cho con ở bậc THCS, anh Quyết chia sẻ, đầu tiên là vấn đề sĩ số và cơ sở vật chất - những yếu tố thuyết phục anh và con. Nhà trường quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh. Chừng đó học sinh, với mỗi giờ học 45 phút, cô giáo mới có thể dành thời gian ghi nhớ năng lực, điểm yếu, thế mạnh của từng em. Ngoài giờ học, con được tham gia các hoạt động trải nghiệm, học tiếng Anh và có xe đưa đón tận cửa nhà thay vì phụ huynh phải dậy sớm đưa đón con như trước. "Với những lợi thế như vậy nên gia đình chấp nhận mức học phí cao hơn gấp nhiều lần chi phí học ở trường công", anh Quyết nói.
Từ tháng 4, dù chưa kết thúc năm học nhưng các diễn đàn hội cha mẹ học sinh luôn "nóng" câu chuyện chọn trường. Phụ huynh "xin" kinh nghiệm của nhau về từng trường, từng khu vực. Trường nào có chương trình giáo dục hay, học tiếng Anh bao nhiêu giờ, theo chương trình nào, trường nào giáo viên "gợi ý" học sinh đi học thêm cũng được phụ huynh chia sẻ. Thậm chí, nhiều người cẩn thận còn tìm hiểu cả nguồn gốc thực phẩm, nước uống của từng trường. Có phụ huynh cho rằng, nên chọn trường gần nhà, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và năng lực của con. "Nếu con không có năng lực tốt, không nên ép con vào những trường top đầu, nơi có nhiều học sinh giỏi vì con sẽ phải học thêm, chạy theo rất căng thẳng", một phụ huynh chia sẻ.
Nên chọn trường phù hợp
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho rằng, từ xưa đến nay điều làm nên tên tuổi của các trường công lập chính là việc các trường bám sát mục tiêu giáo dục truyền thụ, cung cấp kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, với sự đổi mới giáo dục, trong những năm gần đây, các trường bắt đầu chuyển dần từ truyền đạt kiến thức sang phát triển kỹ năng, phẩm chất cho học sinh. Với hướng tiếp cận này, các trường ngoài công lập có lợi thế hơn trường công lập. Có thể thấy rõ, học sinh các trường ngoài công lập thường rất năng động, ngoại ngữ khá tốt. Nhưng nếu so về các cuộc thi kiến thức khác thì học sinh trường công lập có phần hơn.
Cũng theo ông Vũ, một trong những vấn đề mà trường ngoài công lập chưa được số đông lựa chọn chính là tài chính. Mức học phí và các khoản đóng góp như hiện nay ở hệ thống các trường này là khá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Hơn nữa, việc thi cử vẫn chưa hoàn toàn chuyển sang hình thức mới. Do đó, nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn phương thức an toàn là chọn trường công lập, vì thế bao nhiêu năm nay, dù năm nào cũng sửa chữa và xây mới trường nhưng thực tế cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
"Năm học 2019-2020, quận Tây Hồ đầu tư 700 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới 9 trường nhưng tuyển sinh đầu cấp tính sơ sơ vẫn có sĩ số 50 em/ lớp", ông Vũ nói. Các trường tư thục hoạt động thường có triết lý, phương hướng riêng tuy nhiên khi đi thành lập, các cơ quan cũng xem xét cơ sở vật chất có tiệm cận giáo dục hiện đại hay không, thực hiện kiểm duyệt chương trình, đội ngũ. Do đó, lựa chọn trường nào phù hợp cho con em mình theo học là do phụ huynh quyết định.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông nói, ở quận này, bậc THCS đã đáp ứng sĩ số dưới 45 học sinh/ lớp. Riêng tiểu học vẫn có một số trường trên 50 em. Năm nay, có 9 trường được xây mới và sửa chữa đi vào hoạt động, đang xây dựng 5 trường nữa nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng dân số.
Theo bà Hằng, phụ huynh hiện đã có cái nhìn toàn diện hơn về giáo dục, nhiều người tin tưởng lựa chọn trường tư, không e ngại như trước. Trường tư có lợi thế về cơ sở vật chất, chương trình hoạt động trải nghiệm cũng tốt hơn. Thậm chí, một số trường tư chất lượng dạy học tốt đã tuyển đầu vào.
Điều này chứng tỏ, các trường tư thục đã nỗ lực để nâng cao chất lượng, tạo được niềm tin. Việc này giúp giảm dần áp lực đối với khối trường công. Khối trường công muốn nâng cao chất lượng cũng muốn giảm dần sĩ số.
"Do đó, về phía lãnh đạo cấp phòng, sở, trong quá trình tập huấn chuyên môn, chuyên đề, bồi dưỡng cho giáo viên trong cả hai hệ thống trường công- tư, chúng tôi đều quan tâm như nhau. Làm sao để cùng một chương trình, giáo viên đảm bảo chất lượng, còn việc lựa chọn lại tùy thuộc vào phụ huynh", bà Hằng nói.
Theo quy định về tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội, năm nay ngoài một số trường đặc thù được xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển đầu vào, các trường còn lại đều tuyển sinh theo tuyến.
NGUYỄN HÀ
Theo Tiền Phong
Những khoảnh khắc đáng nhớ trong ngày đầu tiên thi lớp 10 ở Hà Nội Phụ huynh đứng kín cổng trường chờ con và nụ cười của những thí sinh khi hoàn thành được một nửa chặng đường là những điểm nhấn trong ngày thi đầu tiên tại Hà Nội. Ngày hôm nay, gần 86.000 học sinh lớp 9 tại Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Các thí sinh được phân...