Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi
“ Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi” là cuốn sách được Nhà xuất bản TT&TTphối hợp xuất bản và ấn hành cuối tháng 9/2018, nhân dịp giỗ đầu Nhà giáo Văn Như Cương.
Tác giả cuốn sách chính là Nhà văn, Nhà báo Hồ Bất Khuất, một người bạn, người em thân thiết của nhà giáo Văn Như Cương. Sách được chính thức giới thiệu tới độc giả Thủ đô chiều 5/10, giúp độc giả hiểu hơn về những di sản gần 60 năm trong sự nghiệp “trồng người” của Nhà giáo Văn Như Cương.
Tác giả Hồ Bất Khuất giới thiệu về cuốn sách “Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi”.
Tại buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách, hầu hết người đọc, người yêu mến Nhà giáo Văn Như Cương đều ghi nhận: Cuốn sách “Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi” đã phác họa được chân dung con người, sự nghiệp cũng như tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của Nhà giáo Văn Như Cương.
Mỗi phần viết là một nét vẽ, tuy rất riêng nhưng vẫn hòa điệu tạo nên bức tranh toàn diện và sinh động nhất về chân dung một nhà giáo lớn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng biết bao thế hệ học sinh.
Cuốn sách còn có phụ lục ảnh màu tập hợp những khoảnh khắc đời thường tuy bình dị nhưng ý nghĩa về một Nhà giáo.
Chị Văn Thùy Dương, con gái Nhà giáo Văn Như Cương chia sẻ: Nội dung những bài viết trong sách thể hiện rất sinh động tình cảm của bố tôi với gia đình, bạn bè và nhất là với các em học sinh. Những trang viết rất đúng mực, qua đó người đọc sẽ thấy được giá trị một con người, một cách sống đẹp của bố tôi.
Cùng chung quan điểm trên, Giáo sư Phong Lê cho rằng: Đây là một cuốn sách đẹp, là nén hương thơm tưởng nhớ Nhà giáo Văn Như Cương. Sách giúp người đọc tìm đến những nét đẹp trong đời sống, hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Cuốn sách một lần nữa khẳng định rằng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Như Cương là nhà giáo chân chính, người luôn được yêu mến, ngưỡng mộ của các thế hệ học sinh. Mong rằng cùng với cuốn sách, ngọn lửa “Văn Như Cương” sẽ bền bỉ cháy mãi.
Nhà văn, Nhà báo Hồ Bất Khuất là một gương mặt quen thuộc trong làng báo Việt Nam suốt 35 năm qua, những bài báo của Hồ Bất Khuất luôn mang tính chính luận cao, thẳng thắn và cởi mở. Anh đi nhiều, viết nhiều, gặp gỡ và đối thoại với rất nhiều người nhưng một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc với anh, là Nhà giáo Văn Như Cương.
Video đang HOT
Với Nhà văn, Nhà báo Hồ Bất Khuất, thầy Cương hầu như lúc nào cũng khiến những người tiếp xúc với thầy cảm thấy thú vị; thầy làm được điều đó vì trí tuệ sắc sảo, kiến thức uyên thâm và sự độc đáo trong giao tiếp; thầy bình dị, mộc mạc, gần gũi nhưng luôn tỏa ra sự lịch lãm, thanh tao, cao thượng ngay cả khi ngồi ở những nơi bình dân nhất; thầy luôn giành được sự yêu mến và kính phục của mọi người.
Tác giả cuốn sách chia sẻ rằng ông bắt đầu có ý tưởng viết cuốn sách về Nhà giáo Văn Như Cương vào năm 2014. Trong sách, tác giả đặt Nhà giáo Văn Như Cương vào cái “nôi” của làng quê, gia đình, họ hàng, bạn bè, không khí của thời đại… “Phải nhìn thấy một thầy giáo xứ Nghệ lăn lộn trong cuộc đời vào những năm tháng đầy biến động của lịch sử dân tộc mới có thể hiểu được tầm vóc của một nhà giáo được mọi người yêu mến và kính trọng”, Nhà văn, Nhà báo Hồ Bất Khuất nhấn mạnh.
Theo tác giả Hồ Bất Khuất, thầy Văn Như Cương là một người độc đáo. Những người độc đáo thường không rơi vào giáo điều. Theo tác giả Hồ Bất Khuất, chính sự độc đáo trong cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử đã làm nên một nhà giáo Văn Như Cương nhân hậu, tận tâm với học trò, với nghề dạy học và hấp dẫn, thú vị với tất cả những người xung quanh.
Nhà giáo Văn Như Cương lúc nào cũng khiến những người tiếp xúc với ông cảm thấy thú vị. Ông làm được điều đó vì có trí tuệ sắc sảo, kiến thức uyên thâm và sự độc đáo trong giao tiếp. Ông bình dị, mộc mạc, gần gũi nhưng luôn tỏa ra sự lịch lãm, thanh tao, cao thượng. Nhà giáo Văn Như Cương là người có tư tưởng, có triết lý trong giáo dục nên những việc ông làm đều nhất quán và có cơ sở để thành công.
Cuốn sách Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi còn có phụ lục ảnh màu tập hợp những khoảnh khắc đời thường tuy bình dị nhưng ý nghĩa về một người thầy vĩ đại. Hơn hết, những bức ảnh về buổi lễ khánh thành điểm trường Nà Ngao – Trường Mầm non xã Đồng Tâm (Bắc Quang, Hà Giang) ngày 15/9/2019, đúng như di nguyện cuối cùng của Nhà giáo Văn Như Cương cũng kịp góp mặt trong cuốn sách nhỏ này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Văn Như Cương, là người Hiệu trưởng của ngôi trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam, Trường Trung học Phổ thông Dân lập Lương Thế Vinh. Sinh thời, Nhà giáo Văn Như Cương là một người thầy giáo luôn để lại sự kính trọng cho bao thế hệ học trò; người cha mẫu mực, nghiêm cẩn khiến con cái tôn trọng, noi theo; người chồng luôn khiến vợ thương yêu, mong nhớ; người bệnh nhân kiên cường chiến đấu với bệnh tật đến hơi thở cuối cùng.
VÂN KHÁNH
Theo baodansinh
"Mọc" thêm những quy định mới để làm gì?
Chia sẻ với Báo TG&VN, TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Đại học Sư Phạm Hà Nội) cho rằng, các nhà quản lý giáo dục cần phải làm sao để các nhà giáo có tâm và có tài chứ không phải quản họ như những con robot trong nhà máy...
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục & Đào tạo (Bộ GD&ĐT) soạn thảo được lấy ý kiến từ ngày 28/9/2018. Trong đó, hành vi xúc phạm người dạy và người học có thể bị phạt tiền lên đến 20-30 triệu đồng và bị phạt 10 triệu đồng nếu có hành vi ép buộc học thêm... Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều người, mức phạt này là chưa hợp lý.
Thưa TS. Vũ Thu Hương, bà nhận định thế nào về nội dung Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT công bố?
Với một người đủ tự trọng và tôn trọng pháp luật luôn biết việc mình không được xâm phạm vào danh dự và thân thể trẻ. Luật pháp không cho phép ai xâm phạm vào danh dự và thân thể người khác nên đưa nội dung này vào luật giáo dục vừa thừa vừa gây ức chế trong giáo viên. Hơn nữa, giáo viên là công việc hết sức đặc biệt vì nó liên quan đến con người. Không có tiền bạc hay luật lệ nào khiến người ta làm việc tốt bằng chính tấm lòng và sự đam mê của họ.
TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư Phạm Hà Nội. (Ảnh: Y.N)
Nếu Bộ GD&ĐT không thể làm cho giáo viên của mình đam mê và tâm huyết mà chỉ điều khiển họ như những robot thì ngành thực sự đã thất bại trong việc quản lý nhân sự của mình.
Theo bà, liệu việc xử phạt thế này có hiệu quả hay không? Có phải Bộ GD&ĐT nên quy định rõ, ai sẽ phạt và ai thu tiền?
Theo tôi nghĩ điều này thực sự rất khó. Khi các trường mầm non lắp camera, trẻ vẫn bị đánh mà còn bị đánh với hình thức tinh vi hơn. Không có biện pháp nào, luật nào có thể tạo tình yêu và sự tâm huyết cho giáo viên được bằng chính những cách quản lý tôn trọng và cởi mở. Thực tế, cách quản lý kiểm soát bằng phạt tiền chỉ làm giảm hứng thú, nhiệt huyết dạy học và khiến giáo viên mệt mỏi, dẫn đến nhiều chiêu thức lách luật mà thôi.
Việc ngành giáo dục cần làm là quy định học sinh học 1 buổi/ngày, còn lại trẻ học kỹ năng sống tại các trung tâm kỹ năng, câu lạc bộ và nhà văn hóa. Chấm dứt việc đánh giá giáo viên bằng dự giờ, đánh giá bằng chính kết quả kiểm tra học sinh do các hội đồng đến kiểm tra trực tiếp. Đồng thời, đề cao và tôn vinh các giáo viên dạy trẻ kỹ năng và đạo đức, các lớp học sinh ngoan, lễ phép...
Có lẽ, quy định nên mang tính răn đe hơn là chăm chăm xử phạt phải không, thưa bà?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội): "Giáo dục là môi trường đặc thù nên các hành xử trong nhà trường cần phải lưu ý để đừng gây nên những hệ quả phản giáo dục. Một sai phạm xảy ra trước hết phải xem xét trên yếu tố giáo dục trước. Nếu mức độ nghiêm trọng thì phải xử lý hành chính. Nhưng trường hợp phải xử phạt hành chính nên để các cơ quan chức năng chứ không nên để ngành giáo dục xử phạt. Tôi nghĩ trong một nhà trường mà chỉ chăm chăm soi xét để phạt tiền cán bộ, giáo viên cũng rất khó. Nhà trường không phải đồn cảnh sát".
Một nhà giáo giỏi sẽ gửi đến học sinh thông điệp giáo dục rõ ràng và hợp lý. Thông điệp đó được học sinh tiếp nhận và thực hiện nghiêm túc. Điều này không có quy định răn đe hay xử phạt nào có thể khiến nhà giáo thực hiện được. Vì thế, điều quan trọng số một là các nhà quản lý giáo dục phải làm sao để các nhà giáo có tâm và có tài chứ không phải quản họ như những con robot trong nhà máy.
Như vậy nghĩa là, việc phạt tiền về cư xử giữa thầy và trò cần phải cẩn trọng hơn trong môi trường giáo dục của nước ta hiện nay?
Chắc chắn rồi, việc nhà quản lý giáo viên cần làm là để giáo viên cảm thấy được tôn trọng. Nghề giáo là nghề nhạy cảm, chỉ cần một hành động thiếu cân nhắc có thể gây hậu quả rất lớn cho thế hệ mai sau.
Trong khi đó, giáo dục là làm việc với con người. Đây là nghề nghiệp đòi hỏi tính nhân văn cao nhất trong các ngành nghề. Có rất nhiều giáo viên làm việc không phải vì lợi nhuận, không phải vì sự tôn vinh mà chỉ bằng chính tình yêu với trẻ, với nghề của mình. Chính vì thế, khi Nghị định này ra đời giống như một "cái tát" xúc phạm vào chính người giáo viên, biến tất cả thành tiền và đặt lên bàn cân. Người giáo viên biến thành một dạng doanh nhân kinh doanh chữ chứ không phải là nhà giáo.
Thực tế, không có thước đo nào có thể đo được hiệu quả giáo dục đạo đức mà nhà giáo đem lại cho đứa trẻ. Vậy nếu đem lên bàn cân, yếu tố giáo dục đạo đức có thể được tính là một nhân tố quyết định mức lương nhà giáo hay không? Và khi đó họ tính thế nào?
Nếu đã không thể đong đếm được những gì ta trả cho các nhà giáo, cớ gì chúng ta có quyền tính tiền để xử phạt các nhà giáo khi họ vô tình mắc sai lầm trong nghề? Tại sao các hành vi vi phạm pháp luật lại không được xử phạt đúng theo quy định mà phải "mọc" thêm một quy định mới vừa thừa lại vừa xúc phạm nhà giáo như thế?
Xin cảm ơn Tiến sỹ!
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh (Đại học Ngoại Thương Hà Nội): "Theo như tôi thấy, Nghị định chưa rõ ràng, không có căn cứ để phạt hay đưa ra các mức phạt. Đồng thời, trong dự thảo Điều 9 quy định phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên là có vấn đề. Tôi nghĩ, thế này nghĩa là cho hiệu trưởng quyền sinh quyền sát với giáo viên, thích cho ai dạy thì được dạy, nếu trái ý là cắt "cần câu cơm"?
Tôi nghĩ, quan trọng là căn cứ vào đâu để đưa ra quyết định này? Dự thảo cũng phải có căn cứ. Trong khi đó, những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo như làm bài hộ hoặc trợ giúp thí sinh làm bài, thi thay hoặc thi kèm, thậm chí làm luận văn, luận án tốt nghiệp thuê... cũng chỉ bị phạt tiền trong khi đáng ra phải đuổi khỏi ngành. Như thế khác gì chạy án công khai đâu?".
Theo baoquocte
Chấm dứt hợp đồng đối với tiến sĩ - giảng viên luật bị tố "quấy rối" nữ sinh viên Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với TS, giảng viên Nguyễn Hùng Cường, người trước đó bị tố "quấy rối" các nữ sinh viên. Một số đoạn tin nhắn được cho là giữa giảng viên Cường và các nữ sinh được chia sẻ trên trang SOL - VNU Confessions Liên quan đến vụ việc...