Nhà giáo trẻ tâm huyết
Là giáo viên trẻ, nhưng những tiết học của cô giáo Vũ Bích Phương ở Trường THCS Dịch Vọng ( quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn thu hút học sinh bằng những sáng tạo trong truyền đạt kiến thức.
Cô Phương cũng là người đánh thức tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường trong học sinh; nhận diện và khuyến khích những tố chất đặc biệt trong các em.
Cô giáo Vũ Bích Phương (thứ 2 từ phải sang) cùng các em học sinh.
Cô giáo Vũ Bích Phương là giáo viên dạy môn Sinh học. Làm thế nào để các em hứng thú với môn học là điều cô luôn suy nghĩ, tìm tòi. Trong các tiết học của mình, cô Phương luôn gắn bài học với thực tiễn cuộc sống bằng những thí dụ sinh động. Cô cũng luôn cải tiến và nghiên cứu các phương pháp dạy học mới để có những tiết học thú vị. Là môn học về tự nhiên, kiến thức trong môn Sinh học rất gần gũi với vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu mà cả thế giới đang quan tâm. Bởi vậy, các tiết dạy của cô giáo trẻ được soạn theo hướng tích hợp để cung cấp thêm thông tin và giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Cô Phương cho biết: “Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu cho nên tôi luôn cố gắng gieo mầm tình yêu thiên nhiên môi trường trong các em. ể khi trưởng thành, các em sẽ có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường của chúng ta”.
Năm 2014, cô Phương đã dành nhiều thời gian soạn bài, lựa chọn các nội dung phù hợp và tìm hiểu về phương pháp dạy học để triển khai “Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực”. Khi tham gia dự án, các em học sinh phân tích về môi trường, đặc điểm khí hậu những nơi các em đi du lịch, hay khu vực các em sinh sống. Dự án được quản lý bằng phần mềm trực tuyến. Với dự án này, các em vừa được trải nghiệm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy trực tuyến vừa được tiếp cận các vấn đề về bảo vệ môi trường. Dự án được chia thành ba giai đoạn, qua từng giai đoạn, các học sinh nắm được khái niệm về biến đổi khí hậu, tìm ra nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục thông qua những kiến thức đã học trên lớp. Hiện cô Phương đã kết hợp với các giáo viên khác để mở rộng phạm vi dự án đến nhiều đối tượng khác nhau.
Không chỉ truyền đạt kiến thức, trong dự án, cô Phương còn tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, bán các sản phẩm tái chế của chính học sinh làm và tạo quỹ cho các hoạt động tuyên truyền. Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực của cô Phương nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám hiệu nhà trường. Ban Giám hiệu quan tâm hơn đến làm đẹp sân trường bằng cây xanh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa về chống biến đổi khí hậu.
Sinh năm 1989, cô giáo Vũ Bích Phương được Ban Giám hiệu Trường THCS Dịch Vọng giao công tác chủ nhiệm nhiều năm nay. Khi nhận công tác chủ nhiệm, cô Phương đã ứng dụng phần mềm Onenote để làm “sổ chủ nhiệm online”. Hoạt động của các môn học sẽ do cán bộ lớp đưa thông tin lên. Cha mẹ học sinh có thể truy cập và xem bài tập, hướng dẫn làm bài của các môn học, từ đó quản lý, nắm bắt và phối hợp tốt hơn với giáo viên để kèm con mình khi học ở nhà. Làm công tác chủ nhiệm giúp cô gần gũi học sinh hơn. Qua đó, nhiều em học sinh có năng lực đặc biệt được cô Phương phát hiện khả năng và khuyến khích các em phát triển khả năng đó. Những năm gần đây, nhiều em học sinh Trường THCS Dịch Vọng đoạt giải cao trong các kỳ thi về khoa học, tin học và các giải thưởng khác về sáng tạo dành cho học sinh khối THCS.
Với lòng nhiệt tình và sự say mê trong công tác, năm học 2018-2019, cô giáo Vũ Bích Phương đã được Sở Giáo dục và ào tạo Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.
Giáo viên chủ nhiệm, đôi vai nặng trĩu
Trong mọi hoạt động thì tôi không bao giờ bỏ rơi bất cứ một học sinh nào và các bạn trong lớp cũng như vậy, thành viên nào cũng đều được quý trọng như nhau.
" Trong xã hội phát triển nhanh như hiện nay thì có 3 môi trường ảnh hưởng đến các con là trong nhà trường, gia đình và xã hội.
Ngoài xã hội thì biến động, các vấn đề tác động trực tiếp hàng ngày như lối sống, anh chị em, bà con, mạng xã hội. Trong các gia đình xảy ra rất nhiều việc và chỉ có môi trường trong nhà trường là ít biến động nhất.
Giáo viên chủ nhiệm trước đây chỉ quan tâm đến việc học của các con ở trên lớp, nhưng giờ đây mọi chuyện phải khác và giáo dục ở đây không dừng ở mỗi học sinh mà nó còn phải tác động đến phụ huynh, bản thân giáo viên và phụ huynh phải thay đổi cách nhìn để từ đó các con có một môi trường tốt hơn.
Yếu tố quan trọng là giáo viên chủ nhiệm phải gần gũi, định hướng cho các con một góc nhìn đa chiều, đúng đắn về những vấn đề xã hội, làm sao cho các con có bản lĩnh, nhìn nhận, trao đổi chia sẻ trước một sự việc.
Giúp các con xác định được mục tiêu của mình là gì, trong tương lai mình là ai...thì đó mới là nhiệm vụ quan trọng của giáo viên chủ nhiệm hiện nay", cô Phương nêu quan điểm.
Video đang HOT
Cô Vũ Bích Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 A6: Giúp các con xác định được mục tiêu của mình là gì, trong tương lai mình là ai... thì đó mới là nhiệm vụ quan trọng của giáo viên chủ nhiệm hiện nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Bích Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 A6 trường Trung học cơ sở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ:
"Với môn sinh học, ngoài kiến thức sách vở ra thì tôi đã cố gắng tìm hiểu rất nhiều tài liệu nước ngoài và áp dụng những kiến thức mới nhất cho bài giảng.
Tôi đặt vị trí của mình vào các con để tìm hiểu xem các con muốn gì, cần gì và bản thân các con nhìn nhận vấn đề đó như thế nào khi được sinh ra ở thành phố.
Tôi luôn cố gắng mở rộng hơn với sách giáo khoa để giúp cho các con có thể nắm bắt những vấn đề cơ bản, ví dụ học về phần hóc môn, sinh sản... tôi liên hệ với những việc xảy ra hàng ngày trong cuộc sống mà chắc chắn các con sẽ gặp phải.
Thậm chí là có phụ huynh gọi điện cho tôi nói rằng ở quê có người bị như vậy, khi nghe thấy cháu nói rằng cô giáo của con bảo thế nên họ đã gọi điện hỏi tôi hỏi cặn kẽ về vấn đề đó.
Tôi vẫn thường nói với các con là học cái gì phải đơn giản, khoa học, kiến thức cô đọng, có vậy mới dễ nhớ. Các con sẽ không học những gì mà các con không thích, vậy mình phải làm sao để tiết học đó gây hứng thú.
Tiết học đầu tiên với lớp mới thì tôi thường dành thời gian để nói chuyện với các con, tôi kể rằng mình là ai, quan điểm dạy học và mong muốn của tôi là gì...nhưng tôi thường nói với giọng điệu và nét mặt hài ước, tạo cảm giác gần gũi.
Đối với cô thì không có học sinh kém, cá biệt hay có tính cách đặc biệt, cô không ngại và không bỏ quên bất cứ một em nào trong lớp, cô luôn luôn đặt niềm tin vào các con trong lớp và đó là quan điểm của cô.
Cô có thể bỏ qua mọi chuyện, nhưng đối với việc tỏ thái độ với giáo viên như ánh mắt, cử chỉ, lời nói vô lễ thì cô không chấp nhận.
Cô và các con là những người bạn đồng hành trong việc học, nên các con không đồng ý, không vừa lòng việc gì ở cô thì các con cứ nói thẳng, cô cũng sẽ như vậy và chúng ta làm việc trên tinh thần tôn trọng nhau".
Tôi đến từng nhà của phụ huynh có phương pháp dạy con tốt, tìm gặp những giáo viên chủ nhiệm kì cựu trong trường để học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Dạy từ những kỹ năng nhỏ nhất
Tôi luôn quan tâm đến mọi hoạt động của các con trong lớp, ngay như việc mọi người thường hô hào làm việc nhóm, nhưng thế nào là làm việc nhóm thì lại rất ít người hướng dẫn, đâu phải cứ vài em chụm đầu vào bàn bạc là xong.
"Bản thân tôi được tham dự nhiều khóa đào tạo, và với kinh nghiệm đã học được thì tôi thấy các con không hề biết cách làm việc nhóm. Ví dụ trong nhóm 2 người thì phải có 1 người ưu tiên làm trước và 1 người làm sau.
Trong nhóm 4 người, rồi nhóm 8 - 9 người thì phải làm thế nào? Nên chọn một người làm nhóm trưởng, nhóm trưởng phải biết cách phân công nhiệm vụ, chia ra từng vấn đề để cho các bạn cùng tiến hành làm rồi sau đó tập hợp lại đưa ra ý kiến.
Nếu cứ cho học sinh nói quan điểm, cho học sinh cái nhìn đa chiều, được giao việc...rồi thảo luận, nhưng nếu không làm cho các con hiểu như thế nào là thảo luận thì các con sẽ đi chệch hướng và không thu được kiến thức mới.
Tôi kiên trì dạy các con một khái niệm: Các con không được sợ sai. Việc sai và thất bại là chuyện bình thường, vấn đề là các con dám thể hiện quan điểm của mình? Cô và các bạn sẽ bổ trợ lại những phần kiến thức còn thiếu hoặc chưa đúng.
Việc rèn kỹ năng cho các con không thể gói gọn trong một tiết học mà nó là cả một quá trình, mỗi giáo viên có một bản sắc riêng nhưng cùng chung mục đích là làm sao để các con có được những kỹ năng và kiến thức mới.
Tôi thường hay áp dụng dạy theo cụm bài, ví dụ 4 bài này cùng liên quan đến một chủ đề thì với tiết đầu tiên tôi thường khơi gợi bằng một câu chuyện, và đó sẽ là điểm nhấn của cả cụm bài đó.
Khi nói về hệ tuần hoàn của máu trong cơ thể người thì tôi thường mở rộng hơn ra, có khi tôi dùng câu chuyện đi hiến máu tình nguyện để các em dễ hình dung.
Khi vào hiến máu các em sẽ phải điền vào một phiếu trắc nghiệm với những câu hỏi như bạn có đi xăm mình trong 2 tuần gần đây không, bạn có uống loại thuốc gì trong 2 tuần gần đây không...?
Khi nghe xong thì các con rất buồn cười vì không hiểu sao lại có những câu hỏi như vậy, tôi sẽ lần lượt giải quyết thắc mắc về những câu hỏi đó của các con trong phần bài giảng, như vậy các con rất hứng thú để học và tìm hiểu", cô Phương cho biết.
Trong mọi hoạt động thì tôi không bao giờ bỏ rơi bất cứ một học sinh nào và các bạn trong lớp cũng vậy, thành viên nào trong lớp cũng đều đáng quý, coi lớp học như một gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Luôn tìm những phương pháp mới
"Tôi thường xuyên chia sẻ, trao đổi với nhiều giáo viên trong trường để đưa ra những ý tưởng sáng tạo, để dạy cho phù hợp với những đối tượng là học sinh hiện nay, cách dạy phải làm sao cho khoa học, nhẹ nhàng cho các con.
Mày mò tìm những phần mềm mới, phù hợp rồi chia sẻ để mọi người cùng áp dụng, làm sao để bản thân giáo viên không mệt mỏi và các con cũng bớt căng thẳng để học tập hiệu quả hơn.
Tôi đến từng nhà của phụ huynh có phương pháp dạy con tốt, tìm gặp những giáo viên chủ nhiệm kì cựu trong trường để học hỏi kinh nghiệm.
Phương pháp dạy học dự án của tôi là giao một chủ đề hoạt động nào đó, và để làm được việc đó thì phải ứng dụng nhiều môn học, ví dụ như dự án enzin tái chế, trồng cây...các con phải vận dụng kiến thức của rất nhiều môn.
Quan điểm của tôi là làm bạn với các con, nên tôi vẫn thường nói cô tôn trọng tự do cá nhân và học thế nào là việc của các con vì mỗi người có một cách học riêng, các con phải tự giác.
Nói như vậy không phải là tôi bỏ mặc, đó cũng là cách tôi khuyến khích học tập, các con không cảm thấy bị gò bó, áp lực mà ngược lại đều hiểu rõ kiến thức sẽ áp dụng trong cuộc sống, vừa có sự yêu thích, vừa đơn giản, khoa học nên rất hứng thú tìm hiểu.
Trong mọi hoạt động thì tôi không bao giờ bỏ rơi bất cứ một học sinh nào và các bạn trong lớp cũng vậy, thành viên nào trong lớp cũng đều đáng quý, coi lớp học như một gia đình.
Thỉnh thoảng khóa học sinh mới của tôi có những em với tính cách đặc biệt, nếu tôi chỉ vì thành tích và em đó phải xuống phòng y tế ngồi 45 phút, trong khi các bạn khác được tham gia hoạt động thì đó sẽ là một vết thương lòng rất lớn trong cuộc đời học sinh của em, vậy nên đối với cá nhân tôi thì các con đều được tôn trọng, được bình đẳng như nhau.
Các con nếu có thắc mắc hoặc khó khăn gì thì đều có thể trao đổi với tôi và mọi việc đều có hướng giải quyết.
Khi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm thì lúc đó tôi mới cảm nhận được "sức nặng", thấy được sự kỳ vọng hiện nay cũng như thông cảm với phụ huynh và các con.
Nhiều người nghĩ giáo viên chủ nhiệm dạy 1 tuần vài tiết, rồi sinh hoạt lớp nhắc nhở các con...nhưng thực tế lại nhiều hơn như vậy, cần phải làm tốt công tác chủ nhiệm, làm tốt công tác quản lý học sinh thì mọi thứ sẽ tốt theo", cô Phương, nói.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
9X học giỏi trở thành giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân Sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, Trịnh Ngọc Ánh nhận được sự chú ý sau khi hình ảnh giảng bài của cô đăng tải trên mạng. Bức ảnh học sinh chụp cô giáo say sưa giảng bài thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Cô gái trong ảnh là Ngọc Ánh, sinh năm 1996, giảng viên khoa Ngoại ngữ Kinh tế,...