Nhà giáo trẻ “sa lầy cùng lý tưởng”
Đam mê, nhiệt huyết và tràn đầy lý tưởng, nhưng những áp lực xã hội, nỗi lo cơm áo gạo tiền và những tiêu cực giáo dục khiến nhiều nhà giáo trẻ ngậm ngùi thất vọng.
“Sa lầy” cùng lý tưởng
Một năm rưỡi sau khi ra trường, từ một cô gái trong sáng, vui tươi, Nguyễn Thị Mai (Hà Nội) bỗng trở nên tư lự, trầm buồn. Tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm vẫn nằm yên trong ngăn tủ. Hồ sơ rải đi nhiều nơi nhưng chưa được hồi âm.
Mai tâm sự, nhiều khi nhìn vào gương, cô ngạc nhiên với chính mình. Sự tự tin một thời dường như đang vơi cạn, thay vào đó là những nỗi buồn, sự hoài nghi.
Mai nhớ lại, suốt những năm tháng sinh viên, cô miệt mài học tập, nghiên cứu. Yêu nghề giáo, được sống và học tập trong môi trường sư phạm lý tưởng, Mai vẫn tin rằng, cô có nhiều việc để làm, và có thể làm được nhiều việc sau khi ra trường.
“Ngay từ đầu, mình đã xác định nghề giáo đồng nghĩa với công việc của một nhà khoa học: Không được phép ngừng nghiên cứu, liên tục học tập để nắm bắt kiến thức và các yêu cầu của xã hội. Phải tự tin với con đường mình đã chọn” – Mai nói.
Thời sinh viên, dù kinh tế eo hẹp, nhưng Mai luôn ưu tiên cho việc học tập, nghiên cứu kiến thức và những phương pháp giảng dạy, nắm bắt tâm lý học sinh.
“Mình chỉ mong muốn sau này khi vào nghề sẽ đem đến cho học sinh niềm hứng thú học tập. Mong có thể giúp đánh đuổi cảm giác “đi học như đi đày” mà nhiều học trò chia sẻ với mình trong thời gian mình đi thực tập” – Mai chia sẻ.
Say mê với lý tưởng ấy, đã có lúc Mai cho rằng, mình thậm chí sẵn sàng hi sinh cả chuyện lập gia đình “để chuyên tâm nghiên cứu, giảng dạy”.
Sau khi ra trường, Mai nhanh chóng bị “sa lầy”. Hồ sơ đã gửi sở GDĐT tỉnh nhưng chỉ tiêu tuyển hạn chế, Mai vẫn chưa được tuyển dụng.
Không ít lần, cô được gợi ý “chạy việc”. Lần đầu tiên, nghe một “suất” dạy ở tỉnh lẻ được phát giá vài chục đến cả trăm triệu đồng, Mai từ chối thẳng băng. Nhưng còn lần 2, lần 3, Mai đã có khi dao động, lung lay. Một lần, cô “liều đưa chân”, đồng ý để bố mẹ gửi gắm người ta, nhưng rồi không chịu được áp lực từ chính mình, Mai lại thuyết phục bố mẹ rút về.
“Không phải vì mình sợ rủi ro. Mà là cảm thấy không cam lòng. Cảm thấy buồn và thất vọng cho hành động ấy. Biết là xã hội bây giờ đầy rẫy những chuyện tương tự nhưng khi mặt đối mặt, mình vẫn không thể chấp nhận được” – Mai bộc bạch.
Giờ đây, Mai lại bắt đầu từ đầu, rải hồ sơ thi công chức, ôn luyện và chờ đợi. Một số bạn bè cùng lớp ĐH bật mí, họ tìm được chỗ làm ổn định vì chấp nhận chạy chọt. Song Mai khẳng định, dù có được quay lại thời gian, cô vẫn kiên quyết từ chối, bởi “như vậy, “mình thấy thanh thản hơn”.
Video đang HOT
Khốn đốn “chạy” theo cơm áo gạo tiền
Vừa dạy học, vừa làm ruộng phụ gia đình, cô giáo Trịnh Thị Lan (quê Nam Định) vẫn miệt mài ôn tập dự định thi cao học.
Tốt nghiệp loại Khá, cô thi đỗ kỳ thi tuyển công chức tại một trường THCS ở quê nhà. Thế nhưng, mức lương hơn 2 triệu đồng không đủ cho cô xoay sở với cuộc sống hằng ngày, có công việc “ổn định” mà vẫn khắc khoải, buồn lo.
Lan chia sẻ, khi ra trường, cô chấp nhận về quê xin việc vì nghĩ rằng, ngoài đứng lớp hằng ngày, cô vẫn có thể dạy thêm, hoặc xin dạy hợp đồng tại các trung tâm luyện thi ở địa phương. Nhưng với bằng Khá, chỉ dạy cấp trung học cơ sở, mọi dự định của Lan đều dở dang.
“Học sinh không muốn học thêm, trung tâm không thuê GV cấp 2… Mình chẳng biết làm cách nào để có thêm thu nhập. Hơn 2 triệu đồng một tháng, chẳng đủ sống và phụ giúp bố mẹ” – Lan thành thật tâm sự.
Vẫn yêu nghề giáo, cô phấn đấu học tiếp lên cao học, mong có thể thi tuyển vào dạy cấp 3. Khi đó, cơ hội đi dạy thêm, làm thêm nhiều hơn, may chăng thu nhập tốt hơn bây giờ.
Khổ nỗi, để có thể ôn thi thi đỗ và đi học cao học cũng không hề đơn giản. Kỳ thi Cao học gần nhất, vì không thu xếp được việc học và làm, Lan thi trượt. Cô buồn rười rượi bảo: “Lại mất thêm một năm trời chờ đợi…”
Gia đình Lan thuần nông, năm nay lúa không được mùa, đàn lợn chậm lớn, bầy gà ốm bệnh… Bố mẹ lao lực mà thành quả kinh tế chẳng khá lên. Những bấp bênh trong đời sống thường nhật khiến cô giáo trẻ chẳng lúc nào được thảnh thơi đầu óc.
“Một khi phải lo cơm áo, gạo tiền, thì tâm huyết đến mấy, người giáo viên vẫn bị phân tán, mất tập trung.dễ sinh ra chán nản” – cô giáo Phạm Thị Thanh Thảo, GV đang dạy một trường cấp 3 dân lập ở Hà Nội nói.
Từ khi mới tốt nghiệp, Thảo đã ý thức được những khó khăn đang chờ đợi mình. Nhưng đã 2 năm trôi qua, khó khăn không vợi đi, mà lòng cô đầy thêm âu lo, phấp phỏng.
Cô xác định nhận đi dạy hợp đồng, dù lương thấp, nhưng có điều kiện đi dạy thêm, đi gia sư kiếm tiền học lên cao học để có thể tìm được một chỗ làm tốt.
Lương dạy học chỉ tròm trèm 2 triệu đồng, Thảo phải gồng mình “chạy sô” 3 chỗ gia sư mới mong đủ tiền ăn ở, tiền học phí cao học, và tiết kiệm gửi một ít về phụ gia đình. Mải làm, mải “cày cuốc” nên cả năm trời Thảo chỉ về thăm quê được một vài lần, dù quê cô chỉ cách thủ đô Hà Nội hơn 2h đi ô tô.
“Niềm an ủi lớn nhất có lẽ là sự chăm chỉ, hứng thú của học trò. Còn những lúc mệt mỏi, mình tự nhủ mình có công việc như thế này đã là tốt lắm so với nhiều bạn bè. Nhà mình nghèo lắm, nếu bảo phải “chạy” việc thì chắc chắn không đủ khả năng, phải tự thân vận động thôi. Vậy mà nghe bạn bè kháo nhau, dẫu có bằng thạc sỹ loại “giời” thì nguy cơ vẫn phải.. chạy!”
Theo VNN
Làm giáo dục là phải chắt chiu...
"Nếu hôm nay tôi dạy cho học sinh về cái cốc, ngày mai tôi dạy cái điện thoại, ngày kia dạy chu vi hình tam giác rồi hình chữ nhật... thì 100 kiến thức không đủ và 1000 kiến thức vẫn thấy thiếu...Làm giáo dục là mình phải chắt chiu, luôn luôn làm bất kỳ động tác gì đó, mình phải đọc được giá trị đằng sau hành động"- đó là phương pháp dạy học trong suốt 30 năm đứng lớp của nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý.
Học sinh sẽ tự làm ra kiến thức
Thay vì thuyết trình bài học cho đến khi hết giờ, nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý biến mỗi tiết học trở thành một hành trình khám phá tri thức. Nguyên tắc dạy học quan trọng nhất của cô là không áp đặt nên cả cô và trò cùng tham gia những hành trình này một cách rất dân chủ.
Nhà giáo Diệu Lý quan niệm, dạy học là dạy cho học sinh cách tự tìm ra kiến thức, để luôn chủ động việc học mà không cần ai phải bắt ép.
Điều gì sẽ làm các trò có ý thức, có trách nhiệm, làm các con hứng thú? Muốn thiết kế được những giờ học như vậy, người giáo viên phải nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý học sinh, quy luật nhận thức, ghi nhớ, ấn tượng của lứa tuổi này. Vì vậy, khi làm quản lý chuyên môn ở một ngôi trường, việc tạo thế chủ động cho học sinh luôn là ưu tiên của cô.
"Hiện nay, trường học của mình lớp học thì cố định nhưng học sinh thì tự tìm đến. Tưởng như giống nhau nhưng rất khác nhau. Một lớp học bình thường, con đang trong lớp và cô giáo đi vào, tức là con đang ở thế phải học. Còn hình thức kia lại khác: Đây là phòng toán, đến giờ toán, con có thời khóa biểu, con phải tìm lớp học toán và đi vào lớp đấy. Đó là thế chủ động, con tìm đến nó. Kể cả bữa ăn, các con tự chọn, tự gắp thức ăn vào khay của con với việc cô gắp, khác hẳn." - cô Diệu Lý cho biết.
Nguyên tắc dạy học quan trọng nhất của cô Diệu Lý là không áp đặt nên cả cô và trò cùng tham gia những hành trình này một cách rất dân chủ.
Mỗi giờ học, cô nhường toàn bộ công việc học hành, đào xới kiến thức cho học sinh. Cô là người hướng dẫn cho các em phương pháp để làm một bài văn, cách để học một kiến thức toán, hay làm sao để nắm được nội dung của một bài Lịch sử.
Cô Lý tâm sự: "Nhiều giáo viên nói học sinh bây giờ viết một bài văn vô hồn, chúng không có cảm xúc , vốn từ hay vốn sống gì cả. Mình nghĩ giáo viên phải có nhiệm vụ mang đến những điều đó cho học sinh. Nhưng mỗi học sinh phải có một bài văn của riêng mình."
Giờ văn tả đồ vật của nhà giáo Diệu Lý được mở đầu bằng việc học sinh được lựa chọn một loại quả ưa thích.
Cô phân tích: "Động tác học trò chọn rất quan trọng. Chọn, tức là đã có suy nghĩ, có cảm xúc. Khi trò cầm lên thì mình sẽ cho các em chơi: Hãy cất quả đó đi và chỉ nói một câu thôi mà các bạn đoán được đó là quả gì. Công nghệ là em nào cũng phải tìm, phải suy nghĩ. Con nói được dấu hiệu đặc trưng nhất của quả đó. Nếu chưa được thì phải nói thêm được 5-10 dấu hiệu khác. Như vậy, 100% đều có một bài văn tả. Nhưng đó chỉ là tả thực thôi, rất thô, là công nghệ ai cũng làm được.
"Nhưng cô hỏi, tại sao chọn quả đó. Lý do vì rất thích hoặc rất ghét. Yếu tố cảm xúc ở đây: tại sao thích? Làm sao để truyền cái thích, cái ghét đó cho người khác, và nói ra để mọi người cùng biết điều đó.
Và lúc này, học trò cần vốn từ. So sánh, nhân hóa... lúc đó mới cần lý thuyết."
"Nếu hôm nay tôi dạy cách làm ra cái cốc này thì những cái cốc khác, tôi không phải dạy nữa. Mình đã dạy cái khái quát rồi thì những cái chi tiết, học sinh sẽ tự tìm đến. Mọi người nghĩ rằng dạy 10 được 10 nhưng phương pháp là dạy 1 phải được 10. Phương pháp của mình không phải là truyền đạt vì kiến thức vô cùng."- Nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý chia sẻ.
Đọc được giá trị của mỗi việc mình làm
Hơn 30 năm trong nghề, nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý vẫn miệt mài theo đuổi công nghệ giáo dục mà cô học được và tâm huyết từ khi còn giáo viên của trường Tiểu học Thực nghiệm.
Bây giờ, khi làm quản lý chuyên môn ở trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội), đôi khi, để đạt được mục đích giáo dục của mình, cô Diệu Lý không ngần ngại cho phép giáo viên thay đổi thời lượng, thứ tự các bài học trong chương trình. Các giáo viên có thể chỉ dạy một tác phẩm hay một số kiến thức toán học trong một học kỳ, nhưng bước sang học kỳ mới, những kiến thức còn lại sẽ được học sinh nắm bắt rất nhanh.
Theo nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý, giá trị của mỗi bài toán không nằm ở công thức tính chu vi tam giác hay diện tích hình chữ nhật. Đối với cô, giá trị đằng sau mỗi bài toán đó là tư duy logic, lập luận chặt chẽ, khả năng phát hiện ra kiến thức.
Cách làm khác của cô sẽ gặp khó khăn với những kỳ thi của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội.
Biết được điều đó nên cô vẫn cho trò làm tất cả những bài thi của học sinh trong thành phố. Tuy nhiên, đối với cô, quan trọng nhất là quá trình học của học trò. Vì thế, cô luôn luôn dự giờ để kiểm soát quá trình này. Mỗi ngày đến trường, các nhân viên sẽ rất khó tìm vì lúc nào cô cũng thoăn thoắt bước đi trên các hành lang, quan sát các lớp học.
Bù lại, cô không phải chịu nỗi nhức nhối vì có quá nhiều học sinh chán học, học gạo. Cô tự hào nói: "Bản thân việc các con được tự mình làm ra mọi thứ đã khiến hứng thú với việc học rồi."
Có người đặt ra câu hỏi, cách dạy của cô là học ít, chơi nhiều, tự do nên học sinh thích? Nhà giáo hơn 30 năm kinh nghiệm phân tích:
"Nghĩ sâu hơn một chút, nếu đến trường, các con cứ lờ phờ và chơi thì mãi cũng chán. Cái thích, cái đam mê là mỗi một ngày về có điều gì chia sẻ với bố mẹ, có điều gì mới, mới là cái thích thực sự. Lớp học mà quá tự do, con sẽ bị các bạn làm phiền, không thích được. Lớp học phải rất nề nếp, học sinh phải tuân thủ các quy định trong giờ học."
Để học sinh biết mình phải làm gì, bước vào năm học đều có một tuần định hướng và các em sẽ viết mục tiêu của mình, dù rất nhỏ như đánh răng sạch hơn hay rất lớn như trở thành học sinh xuất sắc.
Thế nhưng, điều quan trọng với cô không phải là học sinh có thực hiện được mục tiêu. Đằng sau mỗi hành động này, học sinh sẽ hiểu rằng, nếu không có mục tiêu, sẽ không biết làm gì. Nếu có mục tiêu, sẽ biết làm thế nào đạt được nó. Nhà giáo dũng cảm này cũng nói, kể cả 12 năm học, nếu học trò không thực hiện được mục tiêu của mình thì điều quan trọng là sẽ nhận ra được vì sao mình thất bại.
Vì thế, với mỗi giáo viên, mình luôn phỏng vấn các bạn: Tại sao bạn làm cái này? Làm cái này học sinh được cái gì? Đánh giá tiết học là học sinh được gì sau tiết học chứ không phải xem cô dạy hay hay là không hay."
"Làm giáo dục là mình phải chắt chiu, luôn luôn làm bất kỳ động tác gì đó, mình phải đọc được giá trị đằng sau hành động đó. Mình nói gì, làm gì trước học sinh đều phải biết giá trị đằng sau câu nói của mình chứ không phải cái mà mình đang nói. Giá trị của nó là gì? Nó có vào được trong học sinh không? Khi mọi ngời thận trọng những việc đó thì chắc chắn ai cũng trở thành những nhà giáo dục tốt thôi."- là tâm nguyện của nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý.
Theo VNN
Khi lương nhà giáo không đủ sống Kiến nghị của GS Hoàng Tụy về Cải cách giáo dục (CCGD) nêu vấn đề cấp bách số 1 cần giải quyết là cần cải thiện chính sách đối với người thầy. Theo ông, lương thấp đương nhiên nhà giáo phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Chính đó là cái lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm...