Nhà giáo Trần Trung Hiếu: “Xã hội muốn phát triển luôn cần sự phản biện”
“Quan điểm của tôi khi bày tỏ thái độ, chính kiến, phản biện là dám viết, dám nói và dám nhận trách nhiệm”, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An bày tỏ.
Sáng ngày 9/11, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ GDĐT tổ chức “Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2022.
Trong khán phòng của Nhà hát lớn hôm đó, có một tác giả đặc biệt – thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Thầy Hiếu là giáo viên THPT duy nhất được tôn vinh, nhận giải và cũng là giáo viên phổ thông duy nhất liên tục có tác phẩm báo chí đạt giải trong 2 năm 2021, 2022.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), PV Dân Việt đã có một cuộc trò chuyện với thầy Trần Trung Hiếu.
Thầy Trần Trung Hiếu với TBT báo GD&TĐ tại Nhà hát lớn Hà Nội, sáng 9/11/2022. Ảnh: NVCC
Chào thầy, thầy có thể cho biết cơ duyên nào khiến thầy gắn bó với báo chí?
- Tôi là một giáo viên Sử, hay đọc báo và tìm thấy ở đó nhiều thông tin bổ ích cho chuyên môn và cuộc sống. Tôi thích viết báo, dù chưa một giờ học về nghiệp vụ báo chí. Với tôi, báo chí không phải là một “nghề”, không lấy nghề đó để mưu sinh mà rất đơn giản vì sự đam mê. Tôi muốn thông qua báo chí, gửi gắm đến độc giả và những người có trách nhiệm nhất của ngành những thông điệp. Qua báo chí, cũng là dịp mà tôi muốn chuyển đến các đồng nghiệp môn sử và nhiều thế hệ học trò của tôi nhiều sự trăn trở.
Năm 2005, tôi bắt đầu viết từ một biến cố trong cuộc đời. Tôi viết nhiều bài về chuyên môn, về văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể thao, nhưng nhiều nhất là về lịch sử và giáo dục. Là một giáo viên Sử, nhưng bài viết đầu tiên của tôi được đăng báo không phải về lịch sử mà là bóng đá. Tôi yêu bóng đá bởi tôi tìm thấy môn chơi này cũng là một môn học vừa rèn luyện sức khỏe, thể lực, tôi luyện ý chí. Bóng đá cũng là cuộc đời mà để cống hiến và giành thắng lợi trong từng trận đấu và suốt cả giải đấu cần hội đủ nhiều yếu tố.
Có lẽ, điều khác biệt của tôi khi viết báo so với các nhà báo chuyên nghiệp khác là tôi viết báo từ vị thế, tâm thế của một nhà giáo. Viết từ thực tiễn dạy học và nói lên tiếng nói của người trong cuộc.
Thầy Hiếu với Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: NVCC
Thầy là chuyên gia phản biện giáo dục. Khi viết bài hay trả lời phỏng vấn báo chí về đề tài giáo dục, thầy có e ngại điều gì không?
- Quan điểm của tôi khi bày tỏ thái độ, chính kiến, phản biện là dám viết, dám nói và dám nhận trách nhiệm. Đã viết và nói là không sợ, đã sợ là không nói và viết. Những đã viết và nói là phải có cơ sở. Luôn phản biện rõ ràng, thắng thắn, chắc chắn, thậm chí có lúc đanh thép trên tinh thần thiện chí và xây dựng.
Trong đổi mới giáo dục nói chung cũng như việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi luôn mặc định quan điểm trong cách hành xử là những gì đúng là phải ghi nhận, thừa nhận và lan tỏa. Nếu chưa đúng, chưa phù hợp, phải góp ý, phản biện để nhận diện đúng thực trạng từ đó hiến kế những giải pháp cho ngành giáo dục điều chỉnh trong khả năng có thể.
Video đang HOT
Điều giúp tôi tự tin khi viết bài đăng báo hay trả lời phỏng vấn báo chí là tuy thẳng thắn, gai góc nhưng đầy thiện chí, xây dựng. Có nhiều bất cấp trong ngành giáo dục mà nhiều đồng nghiệp biết nhưng không dám viết, tôi sẽ là người viết với một mục đích duy nhất là mong mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tôi không thấy có gì phiền toái hay phải chịu áp lực nào từ các nhà quản lý giáo dục.
Vì sao Thầy chọn tiêu đề “Bàn về học thật, thi thật, nhân tài thật” cho tác phẩm báo chí này? Thông điệp mà Thầy muốn gửi gắm là gì?
- Năm 2021, chúng tôi cũng đã viết một chùm bài ” Giảm áp lực, tăng động lực với đổi mới giáo dục phổ thông” đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng, giành giải Khuyến khích. Đó là động lực để năm 2022, chúng tôi tiếp tục góp thêm những tiếng nói phản biện để gửi chùm bài “Bàn về học thật, thi thật, nhân tài thật” lên Ban Tổ chức “Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2022″.
Tháng 6/2021, trong một buổi làm việc của Chính phủ với Bộ GDĐT, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngành giáo dục – đào tạo là phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Tôi rất tâm huyết về điều này, bởi đó gần như là một sự ngầm hiểu, một sự thừa nhận rằng lâu nay chúng ta học chưa thật, thi cũng chưa thật. Và đương nhiên, thành quả của 2 cái không “thật” đó ra sao ai cũng biết.
Một con người chỉ có thể trở thành nhân tài khi được học tập, rèn luyện và trải qua những hình thức kiểm tra đánh giá, thi cử nghiêm túc, khách quan, trung thực. Bài học đau đớn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… và cả trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 rõ ràng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo nhiều hệ luỵ khi lợi ích của một số quan chức địa phương đứng trên kỷ cương phép nước.
Với góc độ là một nhà giáo, tôi muốn chuyển tải những trăn trở với nghề, với ngành bằng con chữ thông qua tác phẩm “Bàn về Học thật, thi thật, nhân tài thật” với thông điệp: Hướng tới một nền giáo dục thực chất từ việc từng bước buông bỏ “bệnh thành tích”. Lúc đó, chúng ta mới có thể nói đến câu chuyện triển khai “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Thầy đã lên tiếng nhiều lần trong những năm gần đây rằng, ngành giáo dục muốn tốt lên thì phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện từ các chuyên gia, nhà giáo, báo chí… Thầy có thể nói rõ hơn về vai trò của báo chí trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục?
- Thực tế luôn chứng minh, báo chí đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội. Trong công cuộc đổi mới giáo dục nói chung, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng lại càng cần có sự sát cánh, đồng hành, sẻ chia của báo chí. Nhiều vụ việc được phanh phui cũng nhờ báo chí. Nhiều tác phẩm báo chí nói lên nỗi lòng của nhà giáo về những bất cập trong giáo dục, một số chủ trương chính sách, văn bản của Bộ GDĐT đã có sự điều chỉnh theo chiều hướng tích cực hơn.
Để mọi chủ trương, chính sách về giáo dục có tính khả thi, cần nhiều tiếng nói phản biện, trách nhiệm của các nhà giáo. Chúng tôi luôn cảm ơn các nhà báo, các cơ quan báo chí đã và đang quan tâm, đồng hành với nghề giáo và giáo dục. Trong xã hội văn minh, để phát triển luôn cần sự phản biện.
Thầy Trần Trung Hiếu với Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh. Ảnh: NVCC
Thầy mong chờ điều gì từ loạt bài phản biện này ?
- Điều mà tôi mong chờ là những hiến kế, giải pháp từ thực tiễn của một giáo viên phổ thông sẽ được Bộ GDĐT và lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương thấu hiểu, lắng nghe. Chúng ta cần thẳng thắn với nhau rằng, công cuộc đổi mới giáo dục nhiều năm gần đây đang diễn ra đầy khó khăn, thử thách và trách nhiệm đó không chỉ của riêng ngành giáo dục. Chúng tôi rất cần sự đồng thuận, chung tay, chung sức, chung lòng của toàn xã hội.
“Học thật, thi thật, nhân tài thật” không chỉ là một mệnh lệnh từ người đứng đầu Chính phủ, đó là trách nhiệm của toàn ngành giáo dục & đào tạo, là nhiệm vụ của lãnh đạo tất cả địa phương. Tôi và rất nhiều nhà giáo không chỉ mong chờ những câu nói suông, những lời hứa hão mà cần những hành động quyết liệt từ trên xuống dưới, từ Bộ GDĐT đến các địa phương, từ cán bộ quản lý đến giáo viên.
Ngày 20/11 đang đến, thầy có muốn gửi gắm gì đến lãnh đạo Bộ GDĐT và những người đang công tác trong ngành giáo dục không?
- Với lãnh đạo Bộ GDĐT, tôi mong những người có trách nhiệm của Bộ thấu hiểu và đồng cảm nhiều hơn với đội ngũ nhà giáo để có những chủ trương, chính sách bớt áp lực, tăng động lực, khơi đam mê, truyền cảm hứng, giúp các thầy cô giữ vững niềm tin và nhiệt huyết cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Với các nhà giáo, chúng ta cần hiểu một thực tế là công cuộc đổi mới “căn bản và toàn diện” ngành giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang buộc chúng ta cần có nhiều sự thay đổi về nhận thức, phương pháp, kỹ năng dạy học. Chỉ có tình yêu nghề, yêu trẻ mới giúp chúng ta có động lực để làm tốt nhiệm vụ. Chỉ có những nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm với nghề, với ngành mới thật sự hiểu rõ “Chất lượng giáo dục bắt đầu từ trái tim mỗi nhà giáo”.
Xin cảm ơn thầy. Chúc thầy nhiều sức khỏe và tâm huyết để tiếp tục có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà.
Sứ mệnh của nhà giáo là kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người
Ngày 20/11/1982 đã đi vào lịch sử Việt Nam khi chính thức được công nhận là Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày vinh danh nghề dạy học, trở thành Ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam và của toàn dân quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về nghề giáo, với sứ mệnh vinh quang nhưng cũng đầy thách thức.
Thưa Bộ trưởng, có lẽ hiếm đất nước nào như Việt Nam khi dịp 20/11 không chỉ là Ngày hội của một ngành nghề, mà còn là niềm vui, sự tôn vinh của toàn xã hội. Bộ trưởng có suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam?
Ngày 20/11 nói là một ngày nhưng cũng có thể nói đó là một tinh thần - một tinh thần của quốc gia, dân tộc vốn có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học, coi trọng tri thức. Khi tôn vinh sự học thì vai trò của người thầy được đặt ra ở một vị trí rất đặt biệt. Không phải đến khi có ngày 20/11 mới là dịp để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.
Trước đây, khi chưa có ngày này, truyền thống đó cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau, tinh thần đó đã luôn là một dòng chảy lớn. Bốn mươi năm trở lại đây, khi có Ngày Nhà giáo Việt Nam, thì thời khắc ấy, ngày ấy hội tụ, thể hiện tập trung cho một tinh thần đó. Tôi nghĩ đó là một nét văn hóa, một nét tinh thần, một nét đẹp trong quan hệ, ứng xử của người Việt Nam nói chung, chứ không chỉ là thái độ đối với nhà giáo.
Nhân dịp đặc biệt này, Bộ trưởng có thể chia sẻ suy nghĩ về vai trò của nghề giáo, nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?
Ngành Giáo dục hiện có hơn 1,2 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Bên cạnh rất nhiều đóng góp to lớn, ý nghĩa của các thầy cô giáo với sự nghiệp giáo dục nói riêng và với sự phát triển đất nước, cũng tồn tại những việc chưa tốt ở nơi này nơi kia. Tuy nhiên, đó là những trường hợp cá biệt, thiểu số và không thể lấy đó để khái quát tình hình hay đánh giá phiếm diện về nghề giáo.
Đất nước ta đang đặt ra những mục tiêu phát triển trở thành một nước công nghiệp có thu nhập khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đó là mục tiêu rất lớn của quốc gia và để đạt được mục tiêu đó, phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong ba giải pháp đột phá chiến lược. Trong bối cảnh ấy, ngành Giáo dục đứng trước những trọng trách, yêu cầu, thách thức và cơ hội rất lớn, bởi để thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo đóng vai trò cốt yếu.
Từ hệ thống phổ thông đến hệ thống đại học đều đặt ra các nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng. Trong các giải pháp cần triển khai, thực hiện, giải pháp có vai trò trụ cột, mang tính chất đột phá, đó là phát triển đội ngũ các nhà giáo, dựa vào lực lượng nhà giáo, phát huy trách nhiệm của lực lượng nhà giáo, lấy việc đổi mới phương pháp, tư duy của đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Chưa bao giờ, lực lượng nhà giáo được đặt trước trách nhiệm, sứ mệnh vinh quang như hiện nay và cùng với đó, thách thức cũng lớn lao hơn bao giờ hết.
Sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục mà Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang triển khai có can hệ tới việc thành bại của công cuộc đổi mới quốc gia,yếu tố quyết định thành công hay không, đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định.
Vì vậy, sự quan tâm đối với đội ngũ nhà giáo không chỉ là chính sách xã hội, thể hiện một truyền thống văn hóa, mà còn thể hiện quan điểm phát triển và sự tính toán mang tính thực tế nhất cho phát triển đất nước. Cùng với đó, nghề giáo cần sự tôn trọng, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ và luôn được đặt vào đúng vị trí trang nghiêm như vốn có.
Một giờ học của cô và trò ở điểm trường Mầm non Hoa Ban, bản Đin Chí, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Với sứ mệnh và những thách thức lớn như Bộ trưởng vừa chia sẻ, vậy trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm giảm áp lực cho giáo viên?
Để giảm áp lực cho nghề giáo, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường. Môi trường làm việc thuận lợi cũng là một yếu tố quan trọng để thầy cô giáo phát huy tốt năng lực, sở trường và thực hiện tốt trách nhiệm của nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát các chế độ chính sách quy định về quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, sẽ chuyển Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ theo quy định. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Luật này, quá trình xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, xem xét đầy đủ các khía cạnh của nghề nhà giáo để có thể đưa ra các chính sách tốt đối với đội ngũ nhà giáo.
Đổi mới giáo dục là việc tất yếu phải làm theo Nghị quyết của Trung ương, do đó, ngành tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh. Đây là thay đổi lớn nên cần quá trình, ngành giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ, giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng muốn gửi gắm thông điệp gì tới các thầy cô giáo trên cả nước?
Ngành Giáo dục và Đào tạo đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ lớn, trọng trách nặng nề mà thực hiện trong bối cảnh toàn xã hội ở giai đoạn chuyển đổi. Có những thách thức, éo le đối với đội ngũ giáo viên trong quá trình chuyển đổi của toàn xã hội. Hơn bao giờ hết, nhà giáo cần phải bám chắc vào chỗ dựa quan trọng của nghề nghiệp, đó là sứ mệnh kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người. Cần lấy đó làm chỗ dựa, làm sự động viên tinh thần.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi gửi tới các thầy cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp, mong các thầy cô sẽ có ngày kỷ niệm thật vui và ý nghĩa. Tôi cũng muốn gửi gắm tới các thầy cô, nghề nghiệp của chúng ta dù đầy thách thức, gian lao nhưng chúng ta có chỗ dựa, có niềm tin về những điều tốt đẹp đang làm, nên khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Cuộc sống luôn luôn biến động, luôn thay đổi từng ngày, luôn thách thức nhưng chúng ta có một cái bất biến để lấy đó làm chỗ dựa, đó là chúng ta kiến tạo con người, tạo dựng nên những thế hệ học trò, những con người lương thiện, sáng tạo, trách nhiệm. Đó là những giá trị để chúng ta vượt qua được mọi thử thách và tìm được niềm vui bất tận trong công việc của mình.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Vị thế nhà giáo trong công cuộc đổi mới giáo dục Vị thế nhà giáo phải được hiểu trên cả hai phương diện là đãi ngộ và trọng thị... Giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: INT Vị thế nhà giáo phải được hiểu trên cả hai phương diện. Một là các điều kiện làm việc, sự đãi ngộ và những lợi ích vật chất khác được...