‘Nhà giáo toàn cầu’ Tabichi
Ở ngôi trường của thầy Peter Tabichi, cả trường chỉ có một cái máy tính duy nhất, 95% học sinh của thầy sống dưới chuẩn nghèo và chúng thường không thể tập trung trong lớp vì cái bụng thường xuyên trống rỗng.
Thầy Peter Tabichi được các em học sinh trong trường chào đón tại sân bay ở Nairobi, Kenya ngày 27-3 khi trở về từ lễ trao giải Nhà giáo toàn cầu ở Dubai – Ảnh: AP
“Để là một nhà giáo giỏi, anh phải sáng tạo và biết tận dụng công nghệ. Anh phải thực sự nhiệt thành tiếp nhận những cách thức giảng dạy hiện đại đó. Anh phải làm nhiều hơn và nói ít hơn”
Thầy giáo PETER TABICHI
Nếu ai còn đang kêu ca và đổ lỗi cho cơ sở vật chất về tình trạng chất lượng giáo dục kém ở một ngôi trường nào đó, có lẽ họ cần được kể cho nghe câu chuyện vượt khó của người thầy 36 tuổi đang dạy ở một ngôi trường trung học cơ sở nghèo “bậc nhất thế giới” tại vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước Kenya: Trường Keriko ở làng Pwani, hạt Nakuru, nằm trong thung lũng Rift của đất nước châu Phi.
Ở đó, cứ 58 học sinh chỉ có một giáo viên. Cả trường chỉ có một chiếc máy tính và chất lượng mạng Internet thì rất tệ. Thầy Tabichi đã nghỉ việc tại một trường tư thục để gia nhập đội ngũ giáo viên tại ngôi trường công nghèo nàn này.
“Ngay cả việc lo được bữa sáng với các em cũng đã là chuyện khó khăn. Chúng không thể tập trung vì không được ăn đủ các bữa ở nhà” – người thầy chia sẻ với báo Independent (Anh) về cuộc sống khổ cực của các học trò.
Một số em thậm chí phải vượt quãng đường 7 cây số mỗi ngày tới lớp, những con đường này vào mùa mưa không thể vượt qua.
Nhiều năm qua, thầy Peter Tabichi đã dành tới 80% số tiền lương ít ỏi của mình để giúp đỡ học sinh.
Thậm chí thầy còn là người dạy cả phụ huynh học sinh cách trồng những giống cây kháng hạn để có đủ dinh dưỡng cho con họ trong những thời điểm khan hiếm lương thực thường xảy ra với tần suất 3-4 năm một lần.
Ngoài những lúc cùng bốn đồng nghiệp khác phụ đạo thêm cho các em ngoài giờ lên lớp hoặc vào cuối tuần, thầy cũng tới thăm nhà học sinh, hỏi han và trò chuyện với cha mẹ các em để hiểu rõ hơn những khó khăn của chúng.
Video đang HOT
“Đôi khi, cứ nghĩ về những thách thức chúng đang phải đối mặt, tôi lại rơi nước mắt” – thầy Tabichi nói.
Cuộc đời thầy cũng từng gian nan và nhiều thách thức chẳng khác gì các em. Mẹ thầy Tabichi mất khi thầy mới 11 tuổi. Cha thầy, cũng là một nhà giáo, đã một mình chật vật nuôi dạy thầy cùng các anh em.
Khó khăn là thế, nhưng thầy Tabichi vẫn cùng các học trò từng bước vượt qua thách thức để tập trung cho sự học.
Thầy Tabichi lập câu lạc bộ Ươm mầm tài năng và mở rộng câu lạc bộ khoa học để khơi dậy tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu khoa học của học sinh. Có tới 60% các dự án khoa học do học sinh của thầy thực hiện đủ điều kiện tham dự các kỳ thi khoa học quốc gia.
“Tôi tự hào về các học trò của mình” – thầy nói.
Học trò của thầy từng vượt qua nhiều đối thủ đến từ các trường xuất sắc nhất trong nước tại kỳ thi khoa học quốc gia Kenya và giành chiến thắng.
Năm ngoái, theo Hãng tin AP, trường của thầy Tabichi đã giành ngôi đầu trong số các trường công lập tại cuộc thi Hội chợ khoa học và kỹ thuật Kenya năm 2018.
Các học sinh của thầy đã trình làng một thiết bị do các em phát minh có khả năng giúp những người bị mù và điếc ước lượng được chiều kích các vật thể. Năm nay, các em cũng đã đạt điều kiện để được tham dự Hội chợ khoa học và kỹ thuật quốc tế Intel 2019 tại bang Arizona, Mỹ.
Tỉ lệ đỗ đại học của trường cũng tăng, nếu năm 2017 là 16 trong số 59 học sinh của trường đỗ đại học thì năm 2018 là 26 em.
Với tất cả sự tận tụy và tâm huyết đã giúp thay đổi tích cực và rất đáng kể cuộc sống của các em học sinh tại Trường Keriko, ngày 24-3 vừa qua tại Dubai, thầy Tabichi đã được Quỹ Varkey có trụ sở tại London (Anh) trao tặng giải thưởng Nhà giáo toàn cầu.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ nhận giải thưởng này, thầy Tabichi đã nhắc đến cha với một thái độ đầy cảm kích, hàm ơn. Thầy đã mời cha lên sân khấu để trao cho ông giải thưởng của mình, cảm ơn ông vì đã gây dựng nên những giá trị cần phải có để thầy trở thành một nhà giáo dục hôm nay.
Trong gia đình, ngoài người cha thì người bác và các anh chị họ cũng là những nhà giáo và thầy Tabichi ngưỡng mộ cách họ đóng góp cho xã hội thông qua công việc của mình. Từ đó thầy Tabichi được truyền cảm hứng để đi theo nghề giáo, “một nghề cao quý” có cơ hội mang lại sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của những người khác.
Cùng với niềm vui được vinh danh giải thưởng Nhà giáo toàn cầu, thầy Tabichi cũng đã được nhận số tiền thưởng rất lớn: 1 triệu USD. Và không ai ngạc nhiên khi ngay trong ngày trở về quê nhà sau khi nhận giải, thầy Tabichi đã chia sẻ ngay kế hoạch sử dụng số tiền để đầu tư cho giới trẻ.
“Đó là một chiến thắng cho Kenya, cho châu Phi và toàn thế giới. Nó chứng tỏ là nếu chúng ta đầu tư cho người trẻ và trao cơ hội cho họ, họ sẽ làm được những điều tuyệt vời” – thầy Tabichi nói.
Cũng theo người thầy dạy toán và vật lý này, cần phải khuyến khích nhiều hơn nữa các học trò nữ theo đuổi các môn khoa học và giúp mọi học sinh tiếp cận với công nghệ.
ĐỖ DƯƠNG
Theo tuoitre
Gặp người thầy vừa đạt giải "Giáo viên toàn cầu" trị giá 1 triệu USD: Từng quyên góp 80% lương để giúp học sinh nghèo
Một thầy giáo khoa học tại Kenya vừa đạt giải thưởng giáo viên xuất sắc nhất thế giới trị giá 1 triệu USD.
Mới đây, một giáo viên khoa học đến từ một ngôi làng xa xôi hẻo lánh tại Kenya nhận được giải thưởng trị giá đến 1 triệu USD dành cho giáo viên xuất sắc nhất thế giới - giải Giáo viên toàn cầu 2019.
Người thầy ấy tên Peter Tabichi - 36 tuổi, dạy toán và vật lý tại trường cấp 2 Keriko Mixed Day trong ngôi làng Pwani. Thầy đã vượt qua hơn 10.000 đề cử từ 179 quốc gia để đạt được giải thưởng danh giá này.
"Tôi tự hào về học sinh của mình, chúng tôi thiếu đi những cơ sở vật chất cơ bản mà rất nhiều trường khác có," - Tabichi chia sẻ với tờ Guardian. "Là một giáo viên, tôi muốn mang đến ảnh hưởng tích cực cho đất nước, và cho toàn thể châu Phi."
Thành tựu từ khó khăn
Được biết, 95% học sinh tại trường của thầy có xuất thân nghèo khó, trong đó 1/3 là trẻ mồ côi, một số khác chỉ có bố hoặc mẹ.
Một môi trường tràn ngập khó khăn, cùng với đó là tỉ lệ trẻ bỏ học, trở thành tội phạm cũng gia tăng. Thầy Tabichi vì thế đã lập ra câu lạc bộ Nuôi dưỡng tài năng, đồng thời mở rộng câu lạc bộ Khoa học sẵn có, từ đó nâng số học sinh tham gia lên gấp đôi chỉ trong 3 năm.
Các học sinh của trường cũng đạt được nhiều thành tựu khoa học đáng nể. Dưới sự hướng dẫn của thầy, học sinh làng Pwani đã gianhf chiến thắng tại hội chợ khoa học Kenya năm 2018, với phát minh là thiết bị hỗ trợ người điếc và người mù.
Một học sinh khác tại Keriko cũng giành được giải liên quan đến hóa học của Hiệp hội hoàng gia, với dự án thu điện từ thực vật.
Và tất cả được hoàn thiện trong một ngôi trường chỉ có đúng 1 chiếc máy tính đời... cổ, kết nối internet còn chập chờn.
Dành hầu hết thu nhập để giúp đỡ học sinh nghèo
Với nhiều đứa trẻ tại làng Pwani, việc đủ ăn đã là khó. Chúng lớn lên trong một cộng đồng nhiều tệ nạn rình rập. Nhưng thầy Tabichi xuất hiện giống như mang đến một tia sáng thay đổi cuộc đời chúng, gia tăng tỉ lệ học sinh tiếp tục học đại học sau này.
Phần thưởng 1 triệu USD của thầy là hoàn toàn xứng đáng. Hiện vẫn chưa biết Tabichi sẽ làm gì, nhưng nhiều người phỏng đoán rằng phần lớn số tiền ấy sẽ được dùng cho các lĩnh vực liên quan đến giáo dục và từ thiện. Bởi trên thực tế, Tabichi vốn đã quyên góp 80% thu nhập của mình vào các dự án cộng đồng tại địa phương, và để phát triển hệ thống nông nghiệp bền vững hơn cho làng Pwani.
Giải thưởng Giáo viên toàn cầu ra đời từ năm 2014 nhằm tìm ra giáo viên giỏi nhất thế giới theo từng năm. Giải thưởng của tổ chức từ thiện giáo dục Varkey Foundation thuộc tập đoàn giáo dục GEMS, đơn vị hợp tác với nhiều tổ chức lớn trên toàn cầu bao gồm UNESCO, UNICEF và Sáng kiến Toàn cầu Clinton (CGI), mong muốn làm nổi bật vai trò quan trọng của giáo viên trong xã hội.
Năm ngoái 2018, giải thưởng được trao cho Andria Zafirakou, cô giáo dạy mỹ thuật ở phía bắc London.
Tham khảo: Science Alert
Giáo dục Mù Cang Chải: Căng mình lấp thiếu giáo viên Ngành Giáo dục Mù Cang Chải phải đối diện với nhiều thách thức không chỉ là cơ sở vật chất mà đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng. Mặc dù quyết tâm vượt khó và có những giải pháp tháo gỡ nhất định song để nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục vẫn là bài toán...