‘Nhà đầu tư tiền mã hóa nên chuẩn bị tinh thần mất hết tài sản’
Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh ( FCA) cảnh báo người mua tiền mã hóa nên sẵn sàng cho khả năng mất hết tài sản đầu tư.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi giá trị Bitcoin giảm mạnh vào ngày 11/1. Theo đó, Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCA) cảnh báo các khoản đầu tư liên quan đến tiền điện tử mang đến rủi ro rất cao.
“FCA nắm bắt thông tin một số doanh nghiệp đang đầu tư vào các loại tiền điện tử, cung cấp dịch vụ cho vay, đầu tư liên quan đến tiền điện tử với hứa hẹn lợi nhuận cao”, FCA cho rằng nếu đầu tư vào những loại sản phẩm này, người tiêu dùng nên sẵn sàng cho khả năng mất hết tiền.
Bitcoin vừa giảm giá mạnh vào ngày 11/1 sau thời gian tăng liên tục.
Theo CNBC , cảnh báo từ FCA được đưa ra trong bối cảnh thị trường tiền điện tử biến động mạnh. Ngày 11/1, giá trị Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác đã giảm mạnh, thổi bay khoảng 170 tỷ USD.
Mới tuần trước, Bitcoin đã đạt mức kỷ lục mới là 41.793 USD. Các nhà đầu tư ngày càng coi tiền điện tử như loại tài sản chống lạm phát như vàng, trong khi chính phủ một số nước cũng đẩy mạnh nghiên cứu về tiền điện tử.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh của Bitcoin khiến nhiều chuyên gia ví như bong bóng sắp vỡ. Loại tiền điện tử đắt nhất thế giới đã tăng giá hơn 300% trong 12 tháng qua. Ngân hàng Bank of America còn gọi Bitcoin là “mẹ của tất cả loại bong bóng”.
“Cơ quan quản lý ngày càng lo ngại về rủi ro liên quan đến tiền điện tử, kết hợp các hoạt động lừa đảo, doanh nghiệp chưa được cấp phép kêu gọi nhà đầu tư để kiếm lời nhưng không nói về rủi ro tiềm ẩn”, Laith Khalaf, nhà phân tích tài chính tại công ty chứng khoán AJ Bell cho biết.
Quan điểm của FCA với tiền điện tử ngày càng cứng rắn hơn. Cơ quan này thậm chí cảnh báo các công ty hoạt động liên quan đến Bitcoin nhưng không được cấp phép là vi phạm hình sự.
“Tương tự các khoản đầu tư có rủi ro cao và mang tính đầu cơ, người dùng cần hiểu rõ về chúng, rủi ro khi tham gia và trường hợp được pháp luật bảo vệ”, FCA cho biết.
Những lần bong bóng Bitcoin tan vỡ
Trong hơn 10 năm tồn tại, giá trị Bitcoin nhiều lần đã đạt những cột mốc rất cao, để rồi nhanh chóng mất giá sau đó.
Năm 2020 ghi nhận những bước tăng giá đột phá của Bitcoin. Sự quan tâm của các nhà đầu tư đã giúp đẩy giá đồng tiền điện tử này tăng vọt từ mức 7.200 USD vào tháng 1/2020 lên mức kỷ lục 32.700 USD vào những ngày đầu tiên trong năm 2021.
Video đang HOT
Mặc dù vậy, Bitcoin có một lịch sử biến động lâu dài. Để có một cái nhìn tổng thể hơn về loại tài sản điện tử này, bạn nên xem xét các giai đoạn "bong bóng" của nó.
Các giai đoạn này thường bắt đầu khi giá Bitcoin tăng đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó giảm dần. Tất nhiên, khái niệm "bong bóng kinh tế" thường mang ý nghĩa tiêu cực, ám chỉ tình trạng thị trường trong đó giá hàng hóa hoặc tài sản tăng đột biến đến mức vô lý hoặc không bền vững.
Bitcoin có một lịch sử phát triển đầy biến động. Ảnh: Independent.
Tuy nhiên, ngày nay bong bóng tài chính cũng có thể được tạo ra bởi một vài yếu tố khác mà vẫn mang lại hiệu quả về lâu dài. Ví dụ cụ thể cho điều này có thể kể đến việc xây dựng đường sắt Mania tại Anh vào những năm 1840 và bong bóng Dot-com năm 1999.
Nhiều nhà đầu tư khi nhìn vào lịch sử phát triển của Bitcoin thường mặc định rằng những giai đoạn bong bóng là điều hiển nhiên và không thể tránh khỏi. Sự tăng trưởng ổn định trong vòng 10 năm qua có thể là minh chứng cho quan điểm trên. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của các rủi ro cũng ngày một tăng lên.
Dưới đây là một số dấu mốc trong quá trình phát triển của đồng tiền điện tử Bitcoin.
Tháng 2/2011: Lần đầu vượt mức giá 1 USD
Mức cao nhất: 1,06 USD (ngày 14/2/2011)
Mức thấp nhất: 0,67 USD (ngày 5/4/2011)
Đợt tăng giá Bitcoin đạt đỉnh vào tháng 2/2011 được cho là giai đoạn bong bóng đầu tiên của loại tiền điện tử này và có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của nó. Điều này thậm chí đã bắt đầu từ tháng 7/2010, khi Bitcoin lần đầu tiên được đề cập đến trên Slashdot, một trang tổng hợp tin tức nổi tiếng trong giới công nghệ.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư sau đó đã đẩy giá Bitcoin lên mức 1 USD vào ngày 10/2.2011. Ngày hôm đó còn được gọi là Dollar Parity Day. Rất nhanh chóng, các bài đăng về Bitcoin trên Slashdot đã liên tục xuất hiện trong thời gian tiếp theo.
Tháng 6/2011: Đạt gần 30 USD
Mức cao nhất: 29,58 USD (ngày 9/6/2011)
Mức thấp nhất: 2,14 USD (ngày 18/11/2011)
Giai đoạn tiếp theo về bong bóng Bitcoin được biết đến từ một bài báo được đăng tải vào ngày 1/6/2011 trên website Gawker. Bài báo đã mô tả cách mua ma túy bất hợp pháp trên một website bí ẩn bằng Bitcoin.
Vào tháng 5/2010, một lập trình viên từng bỏ 10.000 BTC để mua 2 chiếc pizza. Sự kiện này vẫn được nhiều người nhắc đến như là "ngày Bitcoin pizza".
Vào thời điểm đó, nhiều người tin rằng không thể theo dõi quá trình giao dịch Bitcoin, nhưng suy nghĩ này là không chính xác. Điều quan trọng hơn là bài báo được đăng tải sau khi một số sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên được mở cửa, việc này đã giúp theo dõi các mã thông báo giao dịch.
Sự kết hợp giữa những tin tức này đã đẩy giá Bitcoin từ 10 USD lên gần 30 USD chỉ trong một tuần. Sau đó, khi các khuôn mẫu được thiết lập, giá Bitcoin đã sụt giảm trong nhiều tháng.
Tháng 11/2013: Vượt mốc 1.000 USD
Mức cao nhất: 1.127,45 USD (ngày 29/11/2013)
Mức thấp nhất: 172,15 USD (ngày 13/1/2015)
Chỉ trong vòng 3 năm sau khi phá vỡ rào cản đối với đồng USD, Bitcoin đã tăng đến một ngưỡng kỷ lục, chạm mốc 1.000 USD vào cuối tháng 11/2013. Tuy nhiên, giai đoạn này không kéo dài và giá đã giảm gần 50% vào giữa tháng 12.
Đợt tăng giá này được chú ý bởi giá trị của đồng Bitcoin đã giảm tương đối chậm trong hơn 1 năm, rồi giữ ở mức thấp này trong khoảng 1 năm nữa.
Tháng 12/2017: Đạt đỉnh gần 20.000 USD
Mức cao nhất: 19.665 USD (ngày 15/12/2017)
Mức thấp nhất: 3.164 USD (ngày 15/12/2018)
Đây là giai đoạn có thể coi là "điên rồ" nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của đồng tiền điện tử Bitcoin. Tuy nhiên, trên thực tế đây không được coi là giai đoạn bong bóng Bitcoin. Thay vào đó, đợt tăng giá của năm 2017 phần lớn được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của các loại tiền điện tử "thay thế" mới, những loại tài sản có tương lai đầy hứa hẹn.
Quan trọng hơn, một quy trình mới được gọi là Initial Coin Offering (ICO) cho phép các đồng tiền kỹ thuật số mới dễ dàng tiếp cận trực tiếp khách hàng. Điều đó đã tạo ra một làn sóng đầu cơ lớn trên toàn cầu. Bitcoin cũng được hưởng lợi từ làn sóng đầu cơ mạnh mẽ này, nhưng sự thống trị của nó trên thị trường tiền điện tử đã mất đi vì sự xuất hiện của các đồng tiền điện tử khác.
Tỷ phú Masayoshi Son từng mất tới 130 triệu USD khi tham gia vào thị trường Bitcoin.
Tất nhiên, chỉ một tuần sau khi đạt đỉnh, giá Bitcoin đã giảm hơn 25%. Các loại tiền điện tử khác thậm chí còn giảm mạnh hơn. Về lâu dài, nhiều dự án triển khai ICO thật ra lại là những chiêu trò lừa đảo. Kể từ đó, ICO đã bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cáo buộc như những cuộc chào bán chứng khoán bất hợp pháp.
Ví dụ cụ thể về sự khốc liệt của thị trường có thể kể đến việc ông trùm công nghệ Nhật Bản Masayoshi Son, CEO tập đoàn SoftBank, được cho là đã mất 130 triệu USD trong đợt bong bóng tiền điện tử năm 2017.
Giai đoạn 2020-2021 sẽ khác biệt với lịch sử?
Những nhà đầu tư lâu năm cho rằng giai đoạn hiện tại của Bitcoin sẽ khác biệt so với những gì từng diễn ra trong quá khứ. Họ lập luận rằng việc không có quy trình ICO sẽ ngăn chặn được những kẻ lừa đảo trên thị trường.
Một yếu tố quan trọng khác cũng được nhắc đến là Covid-19. Trong bối cảnh nền kinh tế không chắc chắn như hiện tại, lạm phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi đó, Bitcoin chính là một trong những loại tài sản có tính an toàn cao nhất. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo nên giá trị và sức hấp dẫn của Bitcoin.
Tuy nhiên, đây vẫn là một tài sản đầu cơ và ẩn chứa nhiều rủi ro. Những gì đã diễn ra trong quá khứ có thể coi là một lời cảnh báo cho những nhà đầu tư hiện tại.
Tiến sát mốc 42.000 USD, động lực chính đằng sau đà tăng bùng nổ của Bitcoin cùng các đồng tiền số khác là gì? Đà tăng kỷ lục của Bitcoin đã khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô đến thị trường tiền số. Các sàn giao dịch tiền số như Coinbase, Binance và các nền tảng giao dịch trực tuyến bao gồm Revolut và eToro đã chứng kiến hoạt động đầu tư tăng đột biến trong thời gian gần đây, khi các nhà đầu tư mới...