Nhà đầu tư chứng khoán sống khỏe nhờ chính sách tài khóa, tiền tệ
Những chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay của các quốc gia trên thế giới đang mang tới những cơ hội tốt cho nhà đầu tư chứng khoán.
Trước khi đại dịch Covid-19 biến Ý trở thành một trong những nền kinh tế lớn lún sâu nhất vào khủng hoảng kinh tế thì quốc gia châu Âu này đã là một trong những nước có tỷ lệ nợ cao nhất trên thế giới. Thế nhưng giờ đây Ý vẫn có thể vay mượn, thậm chí với lãi suất bằng 0.
Hãng tin CNN đưa tin, hôm 12/10 vừa rồi, quốc gia có tỷ lệ nợ cao thứ nhì châu Âu (chỉ sau Hy Lạp) đã phát hành thành công lô trái phiếu chính phủ có thời hạn 3 năm với lãi suất bằng 0. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẽ không nhận được gì khi lô trái phiếu này đáo hạn vào năm 2024.
Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy rằng có rất ít trở ngại đối với việc vay nợ của các chính phủ để lấy tiền tái thiết lại nền kinh tế đã bị tàn phá nặng nề bởi dịch Covid-19. Ngân hàng trung ương các nước – những người có nhiệm vụ ‘gác cổng’, ngăn ngừa những động thái kiểu trên dường như đang đứng về phía chính phủ.
Các chính phủ đã bơm vào nền kinh tế hàng nghìn tỷ đô la để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng và đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong việc phải cung cấp thêm những khoản hỗ trợ tài chính cho người lao động và các doanh nghiệp, đặc biệt là khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đang đe dọa những nỗ lực phục hồi kinh tế vốn đang rất mong manh.
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell hồi đầu tháng này có nói rằng, sẽ có rất ít rủi ro khi chính phủ đưa ra các gói kích thích kinh tế quá liều lượng, nhưng nếu chính phủ không làm gì hoặc làm quá để hỗ trợ nền kinh tế thì chắc chắn nỗ lực phục hồi kinh tế sẽ thất bại.
Thậm chí Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) – định chế tài chính quốc tế vốn rất khắt khe đối với những chính phủ thi hành chính sách vay nợ thiếu bền vững, cũng tỏ ra thận trọng trong việc chấm dứt những khoản trợ cấp quá sớm.
“Để ngăn nền kinh tế lún sâu hơn nữa vào khó khăn thì các chính sách hỗ trợ không nên bị chấm dứt quá sớm”, Kinh tế gia trưởng IMF Gita Gopinath nêu ý kiến trong một báo cáo được IMF công bố hôm 13/10.
Chính phủ Ý trước đó cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu có thời hạn dài hơn với mức lợi tức thấp kỷ lục, bất chấp việc Fitch Ratings vào tháng 4 đã định mức tín nhiệm của trái phiếu nước này chỉ cao hơn một mức so với loại trái phiếu rác.
IMF thậm chí còn dự báo nền kinh tế của quốc gia này sẽ tăng trưởng âm 10,6% trong năm nay và nợ chính phủ sẽ lên tới 160% GDP vào cuối năm 2020, tăng từ mức 135% của năm ngoái.
Việc Ý vay nợ với giá rẻ như trên cho thấy đã có rất ít sự can thiệp từ ngân hàng trung ương và có sự mất kết nối giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thực.
Video đang HOT
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn ra tại châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới, và với việc Ý – một quốc gia có tỷ lệ nợ chính phủ cao – vẫn vay mượn được mà không phải trả một đồng lãi suất nào, các nhà đầu tư đang mong chờ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đưa ra những gói hỗ trợ mới đối với các nền kinh tế.
Những nhà đầu tư trái phiếu đang đánh cược vào việc ECB sẽ lại đưa ra những gói kích thích kinh tế mới, có thể sớm nhất là vào tháng 12 năm nay, thông qua chương trình mua lại tài sản có giá trị lên tới 1.350 tỷ USD.
Ý cũng sẽ được hưởng lợi từ chương trình này do Liên minh châu Âu cam kết một gói tài chính có giá trị 882 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch phục hồi kinh tế sau dịch. Theo đó, Ý sẽ nhận được 101,7 tỷ USD.
“Nhờ triển vọng dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mà thậm chí các quốc gia thành viên EU gặp khó khăn về tài chính vẫn có thể vay mượn trên thị trường với những điều khoản hết sức ưu đãi”, Berenberg, Kinh tế trưởng tại Holger Schmieding nhận định.
Ý là ví dụ mới nhất về việc các chính phủ trên thế giới, bao gồm cả các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp v.v…đang thi hành những chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tương tự, tại Việt Nam Chính phủ cũng đang thi hành nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Mới đây nhất vào ngày 8/10 Ngân hàng Nhà nước đã lần thứ ba trong năm nay giảm tiếp lãi suất điều hành để đẩy tín dụng ra nền kinh tế vào những tháng cuối năm.
Nhờ khống chế rất tốt dịch bệnh, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, trong năm nay kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 1,5-3%, thuộc nhóm có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Giới chuyên gia cũng dự báo Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế theo hình chữ V trong năm tới và có khả năng rất mạnh.
Mặc dù hiện nay chỉ số VN-Index đã phục hồi mạnh từ mức đáy 650 điểm lập được vào tháng 3 nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn nhận định triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tươi sáng trong thời gian tới, với điều kiện dịch Covid-19 không bùng phát trở lại.
Chính sách tiền tệ thời đại dịch: Bất thường thành bình thường
Giới chức các ngân hàng trung ương nhận ra rằng, những chính sách tiền tệ họ từng xem là bất thường và chỉ mang tính chất tạm thời đang trở thành bình thường và kéo dài.
"Một khi các biện pháp kích thích ở cấp độ cực mạnh đã phát huy tốt hiệu quả, thì việc rút lại các biện pháp đó càng khó hơn". (Ảnh minh họa)
Buộc phải tìm đến với những biện pháp phi truyền thống khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), và nhiều ngân hàng trung ương khác đã trở nên quyết liệt và sáng tạo hơn bao giờ hết trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi suy thoái và nguy cơ giảm phát.
Đó là điểm chung đã và đang thể hiện trong chính sách tiền tệ thời đại dịch mà Bloomberg nhìn lại trong bài viết mới đây.
Cụ thể, những tháng gần đây, thị trường chứng kiến không chỉ sự trở lại của những chính sách lần đầu được sử dụng trên diện rộng sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, như nới lỏng định lượng (QE), mà còn cả việc áp dụng những chính sách đặc biệt hơn.
Biểu dưới đây của Bloomberg cho thấy hầu hết các ngân hàng trung ương đều đang tiến ngày càng sâu vào "địa hạt" của những chính sách phi truyền thống. Fed đang mua vào nhiều loại trái phiếu khác nhau, ECB trở nên sáng tạo với lãi suất âm, và Australia đã học theo những nỗ lực kiểu Nhật Bản để kiểm soát lợi suất trái phiếu.
Y: Có áp dụng; N: Không áp dụng - Nguồn: Bloomberg
Trong lúc sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu còn mong manh và Covid-19 chắc chắn sẽ để lại những vết sẹo đối với cả chủ sử dụng lao động và người lao động, nhiều khả năng chính sách tiền tệ trên toàn cầu sẽ còn ở trạng thái siêu lỏng lẻo trong vài năm tới đây, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương nâng đỡ thị trường một cách gượng gạo hay châm ngòi cho sự leo thang của giá cả.
Triển vọng này đã được nhấn mạnh qua quyết định gần đây của Fed cho phép lạm phát vượt mục tiêu 2% trong tương lai nếu cần thiết để bù đắp cho việc lạm phát trước đó ở mức thấp hơn mục tiêu.
Tuần này, Fed, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ, và giới đầu tư đang hết sức cảnh giác với khả năng có bất kỳ tín hiệu nào về các biện pháp mang tính sáng tạo cao hơn mà cơ quan hoạch định chính sách có thể đưa ra.
"Cuộc khủng hoảng virus Corona có mức độ tàn phá cao gấp nhiều lần so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008", ông Steve Barrow, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối thuộc Standard Bank, phát biểu. "Có đủ mọi lý do để tin rằng cần phải có một thời gian dài, và có lẽ dài hơn nhiều so với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính, thì mới đến lúc thắt chặt chính sách tiền tệ".
Cuộc tranh luận đang "nóng" ở thời điểm này là liệu sự cần thiết phải vực dậy các nền kinh tế rốt cục sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải hành động thêm, và có lẽ phải "hiệp đồng tác chiến" với chính sách của chính phủ. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ hiện đã có sự phối hợp gần gũi hơn bao giờ hết với các nhà hoạch định chính sách tài khóa, trái ngược với sự tách bạch mang tính truyền thống của hai trách nhiệm này.
Những động thái tiềm năng bao gồm trực tiếp cấp vốn bù đắp thâm hụt ngân sách chính phủ - một điểm then chốt trong Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại (MMT), lý thuyết với chủ trương bác bỏ ý tưởng cho rằng có điều gì đó đáng sợ trong việc tiền tệ hóa nợ.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà hoạch định chính sách còn dè dặt với những biện pháp như vậy, nhưng họ không còn ngại với việc đẩy các biện pháp mà họ đang áp dụng tới mức đỉnh điểm.
Các nhà kinh tế học thuộc Bank of America Global Research nhấn mạnh rằng, đến cuối tháng 7 năm nay, các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất 164 lần chỉ trong 147 ngày và cam kết bơm 8,5 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu.
Theo dữ liệu của ngân hàng JPMorgan Chase, lãi suất bình quân toàn cầu hiện ở mức chỉ 1%, và lãi suất bình quân tại các quốc gia phát triển nói chung đã lần đầu tiên xuống dưới mức 1%.
Chẳng hạn, Fed phản ứng với đại dịch bằng những chính sách tương tự như hồi năm 2008, nhưng nhanh hơn nhiều và đi xa hơn nhiều. Fed hạ lãi suất tham chiếu xuống gần như bằng 0 và nối lại việc mua vào trái phiếu chính phủ, đồng thời mở rộng thẩm quyền cho vay khẩn cấp của mình để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cả doanh nghiệp lớn.
Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed hiện đã ở mức 7 nghìn tỷ USD, so với mức 4 nghìn tỷ USD vào thời điểm tháng 1 và đỉnh cũ là mức 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2015.
Gia tăng quy mô bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ năm 2000 đến nay. Đơn vị: nghìn tỷ USD - Nguồn: Bloomberg.
Đến nay, Fed vẫn chống lại ý tưởng hạ lãi suất dưới 0 - việc mà ECB và BoJ đã làm từ nhiều năm trước - vì lo ngại gây xáo động trong hệ thống ngân hàng và làm mếch lòng giới nghị sỹ.
ECB thực sự nới mạnh chính sách vào tháng 3 năm nay bằng cách áp dụng mức lãi suất siêu thấp, thậm chí thấp hơn cả lãi suất tham chiếu, cho những ngân hàng dùng tiền để cấp vốn vay cho nền kinh tế thực.
Các ngân hàng trung ương Australia, New Zealand, và Ấn Độ thì đang học theo cách kiểm soát đường cong lợi suất của Nhật Bản bằng những chính sách gây ảnh hưởng một cách có chủ đích lên lợi suất trái phiếu kỳ hạn nhất định.
Về loại tài sản mà các ngân hàng trung ương sẵn sàng mua, đã có sự thay đổi lớn vượt xa cả biên giới nước Mỹ. Australia, New Zealand, và Canada năm nay đều đã lần đầu tiên mua vào trái phiếu chính phủ, thậm chí Canada còn đang mua cả trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Thụy Điển đã bắt đầu mua trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu.
Ngoài ra, cũng có thêm nhiều ngân hàng trung ương cũng đang theo đuổi biện pháp định hướng chính sách, theo đó cam kết giữ chính sách nới lỏng trong một khoảng thời gian nhất định để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
"Khi bất thường trở thành bình thường mới, các ngân hàng trung ương cũng đứng trước những thách thức mới", chuyên gia kinh tế trưởng Tom Orlik của Bloomberg Economics phát biểu.
"Một khi các biện pháp kích thích ở cấp độ cực mạnh đã phát huy tốt hiệu quả, thì việc rút lại các biện pháp đó càng khó hơn. Những dấu hiệu đầu tiên của sự gia tăng lạm phát sẽ là một cuộc kiểm tra. Nỗi lo về sứ mệnh đã đẩy các ngân hàng trung ương vào địa hạt mà ở đó, sự phối hợp với chính sách tài khóa đặt ra những câu hỏi về sự độc lập của ngân hàng trung ương", chuyên gia Tom Orlik nhìn nhận.
Giá tăng vọt, các kho trữ vàng lo tìm cách chống cướp Giá vàng tăng phi mã khiến rủi ro của các vụ cướp vàng gia tăng. Điều này khiếp áp lực bảo vệ kim loại quý đè nặng lên những công ty chịu trách nhiệm lưu trữ vàng. Giá vàng tăng phi mã trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn, những chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa của...