“Nhà” của những đứa trẻ xa quê
Đó là ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ vẫn còn cha mẹ nhưng từ nơi khác đến sinh sống, hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học.
Và đó còn là ngôi nhà chính của một số trẻ mồ côi được anh Nguyễn Triều Phương, nhân viên quản lý sân bóng của Công ty cổ phần Sao Việt (Khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom) đưa về nuôi dạy.
Lớp học xóa mù chữ được duy trì suốt 8 năm nay. Ảnh: T.Mộc
Ngôi nhà chung này chính là căn tin trong sân banh của công ty, được anh Phương tận dụng để làm điểm học tập, sinh hoạt cho hàng trăm trẻ em trong suốt 8 năm qua. Với tình yêu thương và sự kiên trì của mình, anh Phương đã xây dựng được một lớp xóa mù chữ đạt chuẩn của ngành Giáo dục và nhận được sự hỗ trợ từ ngành Giáo dục H.Trảng Bom, một CLB đào tạo bóng đá và một mái ấm với tên gọi CLB Mái ấm David.
* Lớp xóa mù chữ
Tiếng chào đồng thanh của 30 học sinh trong lớp xóa mù chữ dành cho chúng tôi ngay khi vừa bước vào cửa lớp. Những khuôn mặt đen nhẻm, những ánh mắt trong veo nhìn về phía chúng tôi hào hứng, không khí thân thiện như rút ngắn khoảng cách giữa chúng tôi với các em.
Anh Thanh Mẫn, giáo viên tình nguyện đến từ một trung tâm Anh ngữ tại TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu cho biết, lớp vừa học xong môn cuối cùng của buổi học, đang chuẩn bị sinh hoạt tập vẽ. Cầm xấp giấy vẽ của các em trong buổi học hôm trước, anh Mẫn cho chúng tôi xem từng tác phẩm của các em khi thực hiện chủ đề vẽ về ngôi nhà mơ ước. Một ngôi nhà cao tầng có đầy đủ các phòng chức năng được hầu hết các em vẽ lên. Có lẽ đây chính là ước mơ mà các em mong muốn bấy lâu nay.
Gắn bó với lớp học tình thương được 3 năm nay, anh Nguyễn Tiến Phước, phụ trách giảng dạy từ lớp 2 trở lên chia sẻ, do các em ở đây có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều em là dân tộc thiểu số nên việc giáo dục, rèn luyện cho các em cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều em học rất nhanh chán nên ngoài việc dạy học, các tình nguyện viên phải thường xuyên tổ chức các trò chơi để các em vui và chăm chỉ học tập. Tiến Phước tâm sự: “Chúng tôi chỉ hy vọng các em có thể viết được đơn xin việc làm, khi ký vào những bản hợp đồng lao động các em cũng biết được mình ký chỗ nào, nội dung bản hợp đồng ra sao, chỉ như vậy là chúng tôi vui rồi”. Chính những tình cảm xuất phát từ cái tâm của người thầy ấy đã níu chân các thầy cô và các em gắn kết với nhau. Suốt 8 năm qua, khoảng 300 em được học lớp tình thương cho đến khi các em biết viết, biết đọc. Khi đó, một số em phải tạm gác lại việc học để lo mưu sinh phụ giúp gia đình.
* Mái ấm của trẻ mồ côi
Theo anh Nguyễn Triều Phương, tổng số trẻ hiện đang được CLB Mái ấm David bảo trợ là 45 em, trong đó có 15 em là trẻ mồ côi được anh Phương tạo một mái ấm nhỏ nuôi dưỡng các em ngay tại khu vực sân banh của công ty mình làm việc. Để có nguồn nuôi dưỡng các cháu, Công ty Sao Việt đã đồng ý hỗ trợ các cháu suất ăn trưa trong suốt những năm qua.
Video đang HOT
Lớp học xóa mù chữ đạt chuẩn giáo dục
Theo anh Nguyễn Triều Phương, hiện nay lớp xóa mù chữ của mái ấm đã được công nhận đạt chuẩn giáo dục qua sự kiểm tra trực tiếp từ ngành Giáo dục H.Trảng Bom. Theo đó, các em trong lớp sẽ được giáo viên từ các trường học công lập cho làm các bài tập kiểm tra, được chấm điểm và xem xét trình độ học của từng em. Nếu em nào đạt kết quả sẽ được học lên lớp mới. Em nào chưa qua sẽ phải học và thi lại như một chương trình giáo dục chung.
Kể về những đứa trẻ mồ côi tại mái ấm, anh Phương vui mừng khi mỗi ngày thấy các cháu trưởng thành hơn, biết vâng lời hơn từ sự nuôi dạy của mình. Xúc động và để lại ấn tượng nhất là 4 chị em ruột của lớp trưởng Huỳnh Anh Tuấn được anh Phương đón từ H.Cẩm Mỹ về nuôi dạy. Anh kể, trong một chuyến công tác xuống Cẩm Mỹ cách đây 2 năm, anh được người quen nhờ giúp đỡ một gia đình có 4 đứa trẻ mồ côi mẹ, cha bỏ nhà lập gia đình khác, các cháu khi đó không ngoan, hay nghịch phá và có tính trộm vặt khiến hàng xóm rất phiền lòng. Nghe xong câu chuyện về các cháu, anh Phương đã không ngần ngại chấp nhận đón các cháu về nuôi. Dùng tình yêu thương để dạy dỗ các cháu mỗi ngày, đến nay, 4 chị em đã ngoan hơn, bé Út đủ tuổi ra lớp 1 cũng được anh Phương liên hệ với trường công xin vào học lớp 1 theo quy định.
“Hiện mái ấm có khoảng 12 cháu đủ tuổi đến trường đều được tôi xin cho đi học. Tuy nhiên, các cháu này học yếu, có cháu bị lưu ban. Tôi phải thuê giáo viên về kèm riêng cho các cháu mỗi tuần 3 buổi để các cháu theo kịp bạn bè trên lớp” – anh Phương chia sẻ thêm.
Sau 8 năm gắn bó với công việc nuôi dạy các cháu khó khăn, anh Phương đã nhận được khá nhiều sự sẻ chia, đó là các giáo viên tình nguyện giúp anh rèn luyện văn hóa cho các cháu, sự ủng hộ từ phía Công ty Sao Việt khi họ chu cấp bữa ăn trưa và dành một phần đất sân bóng để cùng anh Phương lo cho trẻ em khó khăn. Bên cạnh đó, chính những trẻ em được anh nuôi nay đã trưởng thành nhưng vẫn ở lại để phụ anh chăm lo cho mái ấm. Nguyễn Văn Thành, một trong số những trẻ em đã trưởng thành hiện đang ở lại để giúp thầy Phương quản lý lớp học và các sinh hoạt trong mái ấm chia sẻ: “Em học được rất nhiều điều từ thầy Phương. Sống với thầy đã giúp cho em hiểu được sự chia sẻ, quan tâm, tinh thần trách nhiệm và biết lắng nghe để khắc phục khuyết điểm của mình” .
* Khuyến khích phát triển năng khiếu
Không chỉ cho học cái chữ, nuôi cái ăn, các trẻ em ở CLB Mái ấm David còn được dạy bóng đá vào buổi tối. Để các em có thêm kỹ năng và môi trường sinh hoạt rèn luyện thân thể, anh Phương đã tổ chức lớp phổ cập bóng đá do chính anh dẫn dắt. Nhiều em đam mê và có năng khiếu bóng đá được phát hiện và đào tạo sâu hơn. Trong quá trình đào tạo bóng đá, anh Phương chăm chỉ cập nhật thông tin tuyển sinh ở các trường đào tạo bóng đá hoặc các môn thể thao trong cả nước. Thấy ở đâu có tuyển sinh và nếu tiêu chí các cháu trong CLB đủ khả năng là anh Phương đăng ký cho các cháu thi tuyển. Những cháu chưa đạt anh vẫn cho thi để cọ xát và chờ cơ hội ở những kỳ tuyển sinh sau.
Các em tại lớp học xóa mù chữ tập vẽ sau những môn học chính
Sự kiên nhẫn, tận tâm của anh Phương đã nhận về những kết quả khá mỹ mãn khi có những em được nhận vào môi trường đào tạo chuyên nghiệp hơn. Điển hình nhất hiện nay là cái tên Kim Nhật Linh, quê tỉnh Sóc Trăng, được anh nhận về nuôi ngay từ những ngày đầu thành lập CLB, đến nay Linh được 15 tuổi. Hiện Linh đã trúng tuyển vào Học viện Bóng đá Juventus tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là học viện có uy tín, quy trình thi tuyển đòi hỏi kỹ thuật cao, thể chất tốt. Hay như em Nguyễn Thị Loan, 12 tuổi, hiện đang tham gia đội năng khiếu đua xe đạp tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, một số em có năng khiếu vẫn đang tiếp tục được đào tạo để đợi thi tuyển vào các trường đào tạo năng khiếu.
Chia sẻ về định hướng của mình cho các em, anh Phương cho rằng, bản thân việc dạy chữ cho các cháu hiện nay chỉ hy vọng các cháu biết đọc, biết viết. Vấn đề chính anh Phương quan tâm là tương lai của các cháu phải được định hướng và phát triển theo khả năng. Đặc biệt, với điều kiện mình có thể, anh Phương chú trọng rất nhiều đến các môn thể thao.
Đưa ánh sáng văn hóa đọc đến với học sinh vùng cao
Nhóm giáo viên tình nguyện của TP HCM đã đến với học sinh các trường tiểu học đóng trên những bản làng xa xôi nhất của cực Bắc Tổ quốc và gieo niềm đam mê đọc sách cho học sinh vùng cao
Vượt qua hàng trăm cây số đường đèo dốc trong thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa lớn buộc phải dè dặt hơn trong quá trình di chuyển, chúng tôi cũng đến được Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nà Hỳ số 2 (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên).
"Đói" sách vì cơm còn chưa no...
Ở một góc sân trường, trên những cành cây vừa tầm với của học sinh (HS) là những chai nhựa được treo lên và cuộn gọn bên trong là những cuốn báo mỏng. Trong giờ ra chơi, các em HS háo hức giành lấy những chiếc chai để được xem báo.
Cô Lò Thị Thùy, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường không có sách cho HS đọc ngoài khoảng 20 tờ Báo Nhi Đồng đã cũ, thư viện trường cũng ít sách, chủ yếu là tài liệu tham khảo. Treo báo trong những chai nhựa vừa bảo quản được khi trời mưa vừa thuận tiện. "Đối với HS vùng cao, vốn dĩ không muốn nghĩ đến cái chữ, gia đình các em cho rằng con em đến trường thì không có thóc ăn, tốt nhất là ở nhà trông em, phụ giúp cha mẹ. Đến trường đã rất gian nan rồi, đọc sách là việc ít ai nghĩ tới, nên việc đọc sách hầu như không có" - cô Thùy nhìn nhận.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền trao đổi về ý nghĩa của việc đọc sách cùng học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nà Hỳ số 2
Do điều kiện khó khăn, không có sách đọc nên học sinh của trường chỉ được đọc một số tờ báo được treo lên cây vào giờ ra chơi (ảnh dưới)
Các em reo vui khi thấy những cuốn sách dành cho thiếu nhi như truyện cổ tích, sách danh nhân, khám phá thiên nhiên... được cô Hoàng Thị Thu Hiền - Trưởng Ban Dự án Sách hay dành cho HS tiểu học - lật từng trang, đọc và tóm tắt cho các em nghe. Các em cũng nhiệt tình trả lời các câu hỏi cô giáo nêu ra để được tặng một cuốn sách hay, mân mê trong tay rồi chuyền cho nhau đọc. Niềm vui đọc sách được thắp lên ở ngôi trường có 70% là HS dân tộc Mông và 30% là HS dân tộc Dao, 90% HS trong diện hộ nghèo, hầu hết các em chưa bao giờ được đọc sách ngoài sách giáo khoa.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Xe (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) khi các thành viên của Dự án Sách hay cho HS tiểu học tập huấn cho ban giám hiệu và thủ thư của các trường tiểu học trong huyện về công tác thư viện và khuyến khích HS đọc sách, có vị hiệu trưởng đã bật khóc vì nhớ lại những năm tháng ấu thơ đã được gắn bó với sách, trưởng thành từ những trang sách nhưng nhiều thế hệ HS vùng cao của thầy lại không có sách để đọc và khi những cuốn sách hay được chuyển tới, thầy không nén nổi những dòng nước mắt.
Hành trình gian nan
Để đến được Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), nằm trong khu vực biên giới Việt - Trung, chúng tôi phải vượt qua đoạn đường dốc hẹp dựng đứng, cheo leo có lúc tưởng như "tiến thoái lưỡng nan". Đây là trường học khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu với 90% HS là dân tộc Mông, 10% là HS dân tộc Hà Nhì. Cô Lù Thị Hương Lan, hiệu trưởng nhà trường, cho biết HS phải đi bộ, leo dốc 3-5 km để tới trường, vốn tiếng Việt của các em rất hạn chế, đi học còn không có dép, mùa đông có em chỉ một manh áo mỏng lạnh cóng đến trường... Nhà trường mấy chục năm chưa từng có đơn vị, cá nhân nào trao tặng sách và thực tế là không có sách gì đọc ngoài sách giáo khoa.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn phải leo dốc 3-5 km mới có thể đến trường
Dự án Sách hay cho HS tiểu học do cô Hoàng Thị Thu Hiền (cựu giáo viên Trường Quốc học Huế, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TP HCM) sáng lập và vận động đội ngũ giáo viên và những nhà hảo tâm đồng cảm cùng chung tay giúp sức. Đến nay, dự án đã đến với hàng trăm trường tiểu học khó khăn thuộc 69 huyện của 29 tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi điểm trường dự án tặng trên 280 đầu sách đã được đội ngũ giáo viên của dự án chọn lọc kỹ, đậm tính giáo dục, văn hóa, kỹ năng... và phù hợp lứa tuổi HS tiểu học. Riêng huyện Nậm Pồ và Phong Thổ, dự án trao tặng trên 13.000 cuốn sách hay.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng sách đến với HS là điều đáng quý nhưng để thắp sáng niềm đam mê đọc sách phải chính từ thầy cô giáo. Do đó, bên cạnh việc huy động nguồn sách hay cho HS, ban giám hiệu và thủ thư các trường cũng được truyền cảm hứng về đọc sách trong các buổi tập huấn, hội thảo do dự án tổ chức để việc đọc sách thực sự thành thói quen, là niềm vui thích của HS và cả giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp - giáo viên Trường Song ngữ Quốc tế Horizon, phó ban dự án - cho biết hầu hết thành viên trong ban dự án đều là giáo viên, đa phần là phụ nữ, sau lưng là chồng con, gia đình và phải chắt chiu những đồng lương từ dạy học để có đủ chi phí lên đường. Chuyến đi nào cũng về đến TP HCM gần 0 giờ và sáng lại tiếp tục việc dạy học và hành trình kế tiếp. "Sở dĩ các giáo viên của dự án tâm huyết với việc đưa sách đến cho HS là vì thực tế trong giảng dạy, để một đứa trẻ phát triển ngôn ngữ, nói - viết được những câu chuẩn, diễn đạt hay thì việc dạy của cha mẹ và giáo viên không bằng việc con say mê đọc sách và câu chữ trong sách sẽ đi vào tâm hồn con trẻ" - cô Diệp lý giải.
Ông Bùi Văn Ần - chuyên viên cấp tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên) - cho hay nhiều đoàn thiện nguyện đã đến với HS vùng cao để tặng quần áo, vật dụng... nhưng trao sách cho HS và giáo viên thì đây là lần đầu tiên. "Tặng bộ đồ, quà bánh HS có thể quên nhưng tặng những trang sách hay thì HS sẽ nhớ, sẽ mang theo suốt cấp học và cả cuộc đời..." - thầy Ần nói.
Trung thu đến với học sinh nghèo
Không chỉ tặng sách, dịp này Dự án Sách hay cho HS tiểu học đã trao tặng 443 bộ đồng phục cho HS Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nà Khoa (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), 525 chiếc mền, 525 đôi giày cho HS Trường PTDTBT Tiểu học Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cùng 554 đôi dép tổ ong, 2.800 tập vở và 2.600 chiếc bánh trung thu... để HS vùng cao đón trung thu ấm áp hơn.
Học sinh lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Tung Qua Lìn được nhận ba lô, sách vở, mền, giày dép... từ những tình nguyện viên của Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học quyên góp
Giới đầu tư rục rịch quay lại "săn" đất nền ven Hà Nội Dù được nhận định là khó "lướt sóng" trong thời điểm này, thế nhưng đất nền vẫn được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng và coi là kênh đầu tư lâu dài, cất tiền an toàn hơn trong bối cảnh hiện nay. Đến nay về cơ bản dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, mọi mặt đời sống đang dần trở lại bình...