Nhà báo tử nạn ở Gaza
Theo số liệu của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalist – CPJ), kể từ khi phong trào Hamas bất ngờ mở cuộc tấn công vào Israel hôm 7/10/2023, đến nay đã có 84 phóng viên thiệt mạng khi thực hiện việc đưa tin về cuộc chiến này.
Ngoài ra còn có 16 người bị thương, 3 người mất tích và 26 người khác bị bắt bởi cả Israel lẫn Hamas…
1. Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), người chết gần đây nhất là phóng viên al-Zuweidi, công dân Palestine, tử nạn ngày 14/1/2024. Cùng chung số phận với al-Zuweidi còn có 1 quay phim là Samer Abudaqa thuộc trang tin Al Jazeera.
Các nhà báo đưa thi thể đồng nghiệp Hatab đến nơi an nghỉ.
Kênh truyền hình Al-Ghad trụ sở tại Cairo, Ai Cập là nơi al-Zuweidi làm việc cho biết lúc ấy anh đang trên đường vào Beit Hanoun, phía bắc Gaza để tác nghiệp thì bị máy bay Israel bắn tên lửa. Giám đốc Al-Ghad nói: “Al-Zuweidi đã cộng tác với chúng tôi 19 năm. Khi cuộc chiến nổ ra, anh ấy ở phía Bắc Gaza. Nhiều lần tôi nhắc anh ấy đi về phía Nam, đến cửa khẩu Rafah để trở về Ai Cập nhưng anh ấy bảo “họ giữ tôi ở lại”.
“Họ” ở đây là Hamas. Trong cuộc chiến, cả Israel lẫn Hamas luôn tận dụng lợi thế truyền thông để tuyên truyền cho mục đích của mình. Cả hai đều tố cáo lẫn nhau là diệt chủng. Phía Israel đưa ra những đoạn video quay cảnh các chiến binh Hamas tàn sát, hãm hiếp người Israel và khách du lịch nước ngoài khi những người này tham gia lễ hội âm nhạc Supernova ở miền nam Israel, cảnh những căn hầm nằm sâu trong lòng đất mà Hamas dùng làm nơi cất giấu vũ khí, giam giữ con tin còn phía Hamas thì công bố hình ảnh những ngôi nhà, bệnh viện, những trại tị nạn ở Gaza bị máy bay Israel ném bom hủy diệt.
Tất cả đều thực hiện bởi những phóng viên chấp nhận đối mặt với nguy hiểm, chỉ để cho thế giới thấy sự tàn khốc của chiến tranh nhưng những thước phim ấy lại được các bên tham chiến sử dụng cho mục đích của riêng họ.
Hai nhà báo đầu tiên thiệt mạng trong cuộc chiến ngày 7/10/2023 là Shai Regev, biên tập viên chuyên mục tin tức của nhật báo Do Thái The Times of Israel. Cô bị các tay súng Hamas bắn khi họ tấn công lễ hội âm nhạc Supernova mặc dù lúc ấy cô đang mặc chiếc áo khoác có in dòng chữ “Báo chí” bằng cả tiếng Anh, tiếng Do Thái lẫn tiếng Arab. Cùng chết với Shai Regev còn có Ayelet Arnin, biên tập viên tin tức của Tập đoàn phát thanh Israel Kan. Amin bị bắn hai phát vào đùi khi anh cố bò vào gầm chiếc xe bán tải. Sau đó, một tay súng Hamas đâm hàng chục nhát lưỡi lê vào người anh.
Ba ngày sau, Yaniv Zohar nhiếp ảnh gia người Israel làm việc cho nhật báo Israel Hayom cùng vợ và hai con gái thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Hamas vào Kibbutz Nahal Oz ở miền nam Israel. Tiếp theo, nhà báo Mohammad Al-Salhi, người Palestine, phóng viên ảnh của Hãng Thông tấn Palestine bị Hamas bắn chết trong một trại tị nạn của người Palestine ở trung tâm Dải Gaza. Mohammad Jarghoun, phóng viên của trang mạng Smart Media cũng bị Hamas bắn khi đang đưa tin về cuộc xung đột ở khu vực phía đông thành phố Rafah, phía Nam Gaza.
Ông Audrey Azoulay, người đứng đầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nói: “Tôi biết Mohammad Jarghoun. Anh ấy là một nhà báo trung thực. Ngòi bút của anh luôn đứng về lẽ phải. Tôi không hiểu tại sao Hamas lại giết Jarghoun vì anh ấy cũng là người Palestine kia mà!”. Thê thảm nhất là nhiếp ảnh gia Ibrahim Mohammad Lafi, làm việc cho tờ Ain Media.
Khi bị 2 chiến binh Hamas chĩa súng vào người lúc anh dừng xe ở giao lộ Erez, Lafi đã kêu lớn: “Tôi là thành viên của Nhóm tự do báo chí Palestine. Tôi ủng hộ cho một quốc gia Palestine độc lập” nhưng anh vẫn bị giết bởi lẽ theo lời của kẻ đã bắn Lafi: “Mày phải là gì thì bọn Israel mới cho mày tự do đi lại”. Ông Sherif Mansour, điều phối viên khu vực Trung Đông, Bắc Phi của CPJ nói: “Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng các nhà báo cũng là thường dân, họ chỉ phản ảnh những gì đã xảy ra trong cuộc chiến. Họ không phải là mục tiêu của các bên tham chiến nhưng họ đã phải trả giá bằng tính mạng của mình. Các đồng nghiệp, gia đình của họ đã mất họ…”.
2. Trong số 84 nhà báo thiệt mạng ở Gaza, có 76 phóng viên người Palestine, 3 người Lebanon, 4 người Israel và 1 người Mỹ. Ước tính của CPJ cho thấy số người chết chiếm 1/10 trong tổng số hơn 800 phóng viên của các đài truyền hình, các tờ báo và các trang tin ở khắp nơi trên thế giới đến Gaza tác nghiệp. Người đại diện CPJ nói: “Đó là một con số kinh khủng. Ngay cả cuộc xung đột Nga – Ukraina kéo dài đã 2 năm nhưng số nhà báo tử vong khi đưa tin đến nay cũng chỉ là 27 người trong lúc chiến tranh Israel, Hamas mới hơn 100 ngày”. Phát ngôn viên của Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) nói thêm: “Báo chí đang bị xóa bỏ ở Gaza. Cả Israel lẫn Hamas đều đang nhắm vào họ”.
Shireen, phóng viên người Mỹ chết khi đang tác nghiệp ở miền Bắc Gaza.
Và mặc dù cả IDF lẫn Hamas đều tuyên bố “không bao giờ tấn công các nhà báo, những cái chết xảy ra nếu có là chuyện không may giữa lúc tên bay, đạn lạc” nhưng nhiều bằng chứng cho thấy ngay khi bị giết, quân đội Israel và các tay súng Hamas đều biết họ là ai qua những trang bị trên người.
Trưởng văn phòng đại diện của Hãng tin Reuters ở Tel Aviv, Israel cho biết nhà báo Issam Abdallah làm việc cho Reuters đã chết bởi đạn pháo bắn đi từ xe tăng Israel trong một cuộc tấn công mà ông mô tả là “có chủ ý nhắm vào mục tiêu”. Tuy nhiên người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) nói: “Đó là một kẻ khủng bố vì hắn có máy bay không người lái trang bị camera. Hắn quan sát những vị trí của chúng tôi để thông báo cho đồng bọn phóng tên lửa. Hắn không phải là nhà báo”. Bên cạnh đó, IDF còn nói rằng “không thể đảm bảo an toàn cho các nhà báo dù ở bất cứ quốc gia nào, hoạt động tại Gaza”.
Ông Sherif Mansour, điều phối viên khu vực Trung Đông, Bắc Phi của CPJ nói tiếp: “Tấn công các nhà báo không chỉ là tấn công vào thường dân mà còn là tấn công vào sự thật”. Ông Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ lập trường của mình qua tuyên bố: “Nước Mỹ ủng hộ việc bảo vệ các nhà báo. Các bên tham chiến phải chịu trách nhiệm về những cái chết và hành vi xâm phạm quyền tự do báo chí. Chúng tôi kêu gọi Israel và Palestine cho phép các nhà báo được tiếp cận thông tin một cách phù hợp và an toàn…”.
Hiện tại, vẫn còn 19 nhà báo đang bị IDF, Hamas bắt giam. Ngoại trừ những người ở trong nhà tù của IDF, gia đình của họ có thể biết được tin tức về họ dù rất rời rạc nhưng những người là con tin của Hamas, chẳng ai biết số phận họ ra sao, còn sống hay đã chết. Trong những đợt trao trả tù nhân giữa Israel và Hamas, không một nhà báo nào được Hams trả tự do. Với 3 nhà báo được ghi nhận là mất tích, đại diện CPJ cho biết những cuộc giao tranh đã ngăn cản mọi sự tìm kiếm và hy vọng về sự “còn sống” của họ mong manh như bong bóng xà phòng.
Ngày 20/1, thi thể của nhà báo Idan, người Israel, phóng viên ảnh của tờ Ynet được tìm thấy sau hơn 100 ngày bị Hamas bắt lúc họ tấn công vào lễ hội âm nhạc Supernova. Theo CPJ, có vẻ như Idan mới chỉ chết vài giờ trước đó bởi viên đạn bắn vào đầu. Một sĩ quan IDF cho biết khi họ tấn công vào Kibbutz Kfar Aza ở phía Bắc Gaza, nơi một nhóm Hamas đặt căn cứ trong những đường hầm đào sâu dưới lòng đất, Hamas đã bắn Igan trước khi tháo chạy: “Vết thương còn ám khói, chứng tỏ kẻ giết Idan đã chĩa súng vào sát đầu ông rồi bóp cò. Đây là hành vi cố ý giết người chứ không phải là vô tình hay lạc đạn…”.
3. Cho đến nay, con số chính xác về những nhà báo đã thiệt mạng khi đưa tin về cuộc chiến Israel, Hamas vẫn chưa thật chắc chắn. Theo chính quyền Palestine thì “hơn 100 nhà báo đã bị giết và người chết gần đây nhất là phóng viên Muhammed Abu Hweidy, thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào nhà ông ở phía đông thành phố Gaza hôm thứ Bảy, 20/1/2024.
Bên cạnh đó, 50 trụ sở, văn phòng của các hãng truyền thông ở Gaza đã bị Israel phá hủy, hàng trăm nhà báo Palestine và gia đình họ đã buộc phải di dời về phía nam” nhưng theo CPJ, số liệu mà họ thu thập được là 84 trường hợp tử vong. Ông Tim Dawson, Phó tổng thư ký Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ) nói với trang tin Al Jazeera rằng: “Chắc chắn chúng tôi sẽ không bỏ qua số lượng nhà báo thiệt mạng quá cao, quá khủng khiếp như vậy. Có hơn 800 nhà báo ở Gaza khi cuộc xung đột nổ ra. Và mặc dù con số tử vong khác nhau về sự chính xác nhưng nếu từ 7,5 đến 10% đã chết thì không thể tưởng tượng được”.
Và trong khi phần lớn các cơ quan thông tấn chọn cách phản ánh lên, CPJ, IFJ và UNESCO về những người thiệt mạng thì trang tin Al Jazeera cho biết sẽ đưa vụ sát hại nhà quay phim Samer Abudaqa ở Gaza lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy 14/1/2024, Al Jazeera nói họ đã chỉ thị cho nhóm pháp lý của mình khẩn cấp chuyển giao vụ việc mà họ gọi là “vụ ám sát nhà quay phim Arab Abudaqa tới tòa án ở The Hague” với lời lẽ gay gắt: “Mạng truyền thông Al Jazeera nhắc lại lời tố cáo và lên án tội ác ám sát đồng nghiệp của chúng tôi, người đã cống hiến gần 20 năm trong việc đưa tin về những cuộc xung đột đang diễn ra ở các vùng lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng”.
Vẫn theo Al Jazeera, không chỉ có cái chết của Samer Abudaqa, họ cũng sẽ gửi đơn khiếu nại đến ICC về cái chết của phóng viên Wael Dahdouh, cũng thuộc Al Jazeera, đã mất vợ, con trai, con gái và cháu trai trong một vụ không kích của Israel trước đó. Wael Dahdouh bị thương trong cuộc tấn công hôm thứ Sáu 12/1/2024 với một mảnh bom cắm sâu vào cánh tay. Sau khi nhận được tin, một đội cứu hộ Palestine đã tìm đến với ý định sẽ đưa Wael Dahdouh vào bệnh viện Nasser. Tuy nhiên phải mất 5 tiếng sau họ mới đến nơi bởi lẽ phải đợi quân đội Israel cho phép đi qua những khu vực mà IDF đang kiểm soát. Abdullah, đội trưởng cứu hộ nói: “Khi chúng tôi tiếp cận Wael Dahdouh thì anh ấy đã chết vì mất máu. Lẽ ra chỉ khoảng nửa giờ, chúng tôi đã đưa được Wael Dahdouh vào bệnh viện sau khi sơ cứu nhưng phép lạ đã không xảy ra…”.
Cuối cùng là các nhà báo hiện vẫn đang làm việc ở miền Bắc Gaza, những lúc không có điện, họ phải nhờ đến ắc quy xe hơi để sạc pin cho máy quay phim, máy chụp ảnh, thiết bị gửi tin bài về tòa soạn qua vệ tinh! Phóng viên Neil Amstrong của kênh truyền hình CNN nói: “Hàng chục chiếc xe hơi nổ máy cùng một lúc để giúp chúng tôi có thể tác nghiệp”. Một số nhà báo quay lại thời kỳ cách đây 20 năm là chụp ảnh bằng phim nhựa nhưng phim đã trở thành “hàng hiếm” vì chẳng còn ai dùng! Khi CPJ đặt câu hỏi rằng các phóng viên ở Gaza có trực tiếp bị đe dọa hay không thì nữ nhà báo người Mỹ Shireen (nay đã chết) trả lời: “Hamas dọa sẽ chặt đầu tôi nếu họ bắt được tôi”, còn với phóng viên Ibrahim người Palestine thì: “Rất nhiều lần tôi nhận được những cuộc gọi giấu tên nhưng tôi đoán đó là IDF. Người gọi nói tôi “sẽ là mục tiêu trong những ngày tới…”.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 26/1/ 2024, nhà báo Motaz Azaiza, 24 tuổi, người Palestine, làm việc cho kênh truyền hình ABC News, Mỹ, kênh truyền hình công cộng Thổ Nhĩ Kỳ, Hội Chữ Thập đỏ quốc tế và Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine đã rời khỏi Gaza qua sân bay El Arish, Ai Cập. Mortaz là một trong số ít những nhà báo đầu tiên có mặt tại nơi này khi Hamas mở cuộc tấn công ngày 7/10/2023. Trang Instagram của anh có hơn 25 triệu người theo dõi. Khi được CPJ hỏi vì sao lại ra đi, Motaz nói: “Tôi ra khỏi Gaza với trái tim tan nát. Nếu tôi không đi, họ cũng sẽ lôi tôi đi…”.
Khảo sát của ABC News/Ipsos: Nhiều người Mỹ muốn xóa tên ông Trump khỏi phiếu bầu
Đa số người Mỹ tham gia cuộc khảo sát của ABC News/Ipsos mới đây đã ủng hộ Tòa án Tối cao Mỹ loại tên cựu Tổng thống Donald Trump khỏi phiếu bầu trên toàn quốc, hoặc để các bang tự quyết định việc này.
Liệu tên ông Trump sẽ bị loại bỏ khỏi các phiếu bầu tổng thống Mỹ năm 2024?. Ảnh AFP
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 4-8.1 với 2.228 người tham gia thuộc độ tuổi cử tri.
Gần 1/3 (30%) số người được hỏi cho rằng các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ nên ra phán quyết xóa tên ông Trump khỏi phiếu bầu trên toàn quốc, và 26% số người cho rằng nên để các tiểu bang quyết định có xóa hay không vào thời điểm bầu cử Mỹ năm 2024 diễn ra.
Bên cạnh đó, 39% số người tham gia cho rằng Tối cao Pháp viện Mỹ nên ra phán quyết ngược lại, tức cho phép tên ông Trump vẫn được xuất hiện trên phiếu bầu ở mọi bang.
Theo khảo sát, 53% số người trả lời cho rằng các thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết dựa trên nền tảng luật pháp, trong khi 43% nghĩ hội đồng thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ có quyết định dựa trên quan điểm chính trị về ông Trump.
Tòa Thượng thẩm Colorado và quan chức quản lý bầu cử của bang Maine hồi tháng 12.2023 lần lượt cấm tên ông Trump xuất hiện trên phiếu bầu của hai bang này.
Hai tiểu bang ngăn chặn ông Trump tham gia cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 dựa trên Mục 3 của Tu chính án số 14 về việc "nổi loạn".
Tổng thống Biden lên án ông Trump phát ngôn "như Đức phát xít", đe dọa dân chủ
Mục 3 của Tu chính án số 14, được phê chuẩn năm 1868, có đoạn: "Những ai với tư cách là thành viên của Quốc hội, hoặc một quan chức Mỹ, hoặc một thành viên của một cơ quan lập pháp của bang, hoặc quan chức hành chính hay tư pháp của bất kỳ tiểu bang nào, đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp Mỹ, nhưng sau đó lại tham gia các cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến pháp" sẽ bị cấm giữ các vị trí trong chính quyền.
Tòa án Tối cao Mỹ đã đồng ý tiếp quản vụ việc ở Colorado và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết chính thức sau khi nghe các bên trình bày quan điểm vào ngày 8.2.
Trong khi đó, ông Trump đã kháng cáo quyết định của quan chức bầu cử ở Maine, và giờ đây vụ việc sẽ được quyết định ở cấp Tòa Thượng thẩm bang.
Khi biết chức vụ của bạn trai, tôi thấy tự ti vô cùng Khi biết bạn trai tôi quá tài năng giỏi giang, tôi thấy bản thân không xứng với anh. Khoảng cách về trình độ giữa chúng tôi là quá lớn, tôi sợ sẽ bị anh coi thường. Ảnh minh họa Đọc bài tâm sự: "Sợ mất vợ, chồng bắt tôi phải nghỉ việc", tôi thấy bản thân cũng đang rơi vào tình huống giống...