Nhà báo Thu Hà: Dạy đánh vần là việc của cô, ba mẹ đừng lấn sân nữa!
Hãy dành sức để đá rất nhiều sân khác đang để trống kìa. Dạy đánh vần là việc của cô, còn dạy cho con yêu việc đọc, đọc hào hứng, đọc tự lập, đọc tự do, đọc có chính kiến là việc của mẹ. Vì chỉ có ba mẹ mới làm tốt nhất việc này.
Facebook đang dậy sóng vì việc đánh vần tiếng Việt, làm nhiều ba mẹ hoang mang quá đỗi. Các ba mẹ ơi, yên tâm là tiếng Việt vẫn là tiếng Việt, như hàng ngàn năm nay! Chữ viết, cách nói không bị “hủy hoại”, vẫn y như thế. Chương trình công nghệ chỉ mới về quy ước cách ghép âm, mới quy ước để đánh vần, để tập đọc dễ hơn, nhanh hơn, ít nhầm lẫn hơn, viết chính tả dễ hơn thôi.
Và quy ước này chỉ “hành” các con một đoạn đường ngắn ở lớp 1, rồi chúng ta sẽ chia tay nhau, và quên đi cũng được. Nhưng nhiều người không tìm hiểu sâu, than thở, share ảnh chế về cách đọc các cạnh 1 bài toán hình học, rồi những clip cố tình đọc sai tiếng Việt….
Và quy ước này chỉ “hành” các con một đoạn đường ngắn ở lớp 1, rồi chúng ta sẽ chia tay nhau, và quên đi cũng được (Ảnh minh họa).
Mình từng học ĐH sư phạm tiểu học, mình biết rằng chữ cái và âm là khác nhau. Thôi thì không phải ai cũng học sư phạm, nhưng hầu như chúng ta đã học tiếng Anh mà! Và trong tiếng Anh, cách đọc bảng chữ cái Anphabet cũng khác với cách đọc những chữ cái đó trong phần phiên âm. Vẫn là nó, ABCDEFG… mà sang phần âm nó thành tùm lum tà la, nào bật hơi, vòm họng, lưỡi trong lưỡi ngoài, ngạc trên ngạc dưới, rồi quy định đứng cạnh nguyên âm thì sao, phụ âm thì sao, bật hơi, cong lưỡi thì sao…
Chữ cái và âm tiếng Việt công nghệ cũng gần gần vậy, ví dụ cùng là 1 con chữ Q, nhưng khi vị trí và vai trò của nó khác nhau, thì đọc khác nhau. Âm Q trong Cách-Đánh-Vần khác với chữ Q đứng như Một-Chữ-Cái trong bài hình học ạ.
Và ba mẹ đừng lo mình không dạy được con đánh vần. Việc này giáo viên làm được, và làm tốt, thì hãy để họ làm đi. Đừng lấn sân! Trẻ lớp 1 chưa bị nhiều thói quen cũ đóng khung, lại thích tư duy qua hình ảnh, nên tụi nó học lẹ lắm. Nhiều học sinh hoặc giáo viên đã từng học và dạy chương trình Công nghệ đã lên tiếng rồi đó!
Hãy dành sức để đá rất nhiều sân khác đang để trống kìa. Dạy đánh vần là việc của cô, còn dạy cho con yêu việc đọc, đọc hào hứng, đọc tự lập, đọc tự do, đọc có chính kiến là việc của mẹ. Vì chỉ có ba mẹ mới làm tốt nhất việc này. Đọc sách và truyền cho con yêu việc đọc sách từ sớm và thường xuyên, đó chính là khởi nguồn của việc các bạn ấy yêu khám phá tri thức. Cải thiện con số người Việt đọc chỉ 0,8 cuốn sách/năm, là nhiệm vụ của ba mẹ đấy!
Nhắc lại 1 lần nữa, rằng quy ước đánh vần này chỉ đi cùng các con 1 đoạn đường ngắn của lớp 1 thôi. Hãy đóng nó trong cái khung nhỏ. Vì nó nhỏ, nhỏ thật ạ. Công nhận là cuốn sách này còn khá nhiều sạn, nhưng cơn bão trên faceook tuần rồi cũng chỉ là một “cơn bão trong tách trà” mà thôi. Không đếm được có bao nhiêu cách dạy đọc tiếng Anh, vì rất rất nhiều, và ngay lúc này họ vẫn đang tiếp tục đẻ ra thêm những cách mới, vì chẳng bao giờ có cách nào là 100% hoàn hảo, 100% toàn bích cả. Tại sao lại phản đối việc 90 triệu dân Việt Nam có quyền có hơn 1 cách dạy tập đọc tiếng Việt?
Video đang HOT
Dạy đánh vần là việc của cô, còn dạy cho con yêu việc đọc, đọc hào hứng, đọc tự lập, đọc tự do, đọc có chính kiến là việc của mẹ (Ảnh minh họa).
Đừng vì nó khác xưa, vì nó khó hiểu với ba mẹ mà làm con ghét trường, và tuyệt vọng về giáo dục, rồi sau đó lại vẫn cho con vào đó học! Thà bạn đủ sức cho con đi du học luôn thì còn đỡ, còn nếu con vẫn đang hít thở và sống trong đó mỗi ngày mỗi ngày, và năm này qua năm khác suốt cả 12 năm, thì bạn đang rất ác với con mình đấy!
Bời vì, ba mẹ có sức mạnh khủng khiếp trong việc ảnh hưởng tới niềm tin từ trong tiềm thức của con. Những chửi rủa, uất ức của ba mẹ sẽ tạo nên niềm tin giới hạn trong con.
Phật dạy “cái cho đi lớn nhất là cho người ta không sợ hãi”. Những facebook nào hay làm bạn sợ hãi, và lo lắng, và mất ngủ, hãy né nó đi, ẩn nó đi!
Đó là chưa kể thầy cô giáo cũng là con người, các mẹ ạ. Ba mẹ gây sức ép lên các thầy cô giáo, tấn công thầy cô bằng năng lượng tiêu cực, thì hiển nhiên theo định luật 3 Newton, lực tác động lại cũng tiêu cực. Thầy cô giáo hạnh phúc thì thế giới sẽ thay đổi.
Con cái mình yêu trường, yêu thầy cô là cách tốt nhất để con học tốt. Hôm rồi, Xu học bài về năng lượng, mình cũng nói với Xu rằng 1 nguồn năng lượng rất quan trọng là cảm xúc ấy. Nhớ năm ngoái Xu được học 1 trường khá xịn, học theo chương trình Mỹ, sách giáo khoa Mỹ, nhưng không may Xu rơi vào một sự cố mà làm con rất ghét 1 giáo viên và bị 1 bạn bắt nạt ngay những tuần đầu, nên cả chuỗi ngày tới trường của Xu rất nặng nề. Tới tận khi phải chuyển trường sang một khác, dù không xịn bằng, Xu mới thấy đi học khỏe hẳn đó ạ. Do đó, chương trình học, sách giáo khoa, không ảnh hưởng tới con bằng tình yêu và lòng tin đâu ạ.
Chỉ mong các ba mẹ bình tĩnh hơn, share bài, share clip chậm tay hơn. Chửi chậm hơn, tuyệt vọng chậm hơn… Bởi vì, quay đi quay lại việc này nó sẽ tốt cho con của mình!
Vài nét về tác giả:
Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: “Con nghĩ đi, mẹ không biết”. Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.
Theo Helino
Cách dạy đánh vần gây xôn xao sẽ không thí điểm tại Đà Nẵng
Đà Nẵng sẽ tổ chức Lễ khai giảng vào ngày 5/9, với tinh thần ngắn gọn, tươi vui, an toàn và lịch thiệp trong khoảng 45 phút. Bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại sẽ không được áp dụng vào việc dạy đánh vần cho học sinh Tiểu học ở thành phố này.
Các học sinh tiểu học tại Đà Nẵng sẽ không áp dụng thí điểm dạy đánh vần kiểu mới của giáo sư Hồ Ngọc Đại
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết thông tin trên.
Cũng theo ông Vĩnh, Đà Nẵng sẽ tập trung mọi nguồn lực để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới thực sự là ngày hội đến trường của toàn thể học sinh.
Theo báo cáo Sở GD&ĐT, năm học mới 2018-2019, chỉ tính riêng bậc Tiểu học, Đà Nẵng tăng 2.800 học sinh. Đà Nẵng có 4 trường mẫu giáo, 205 trường mầm non (tăng 10 trường), 102 trường tiểu học (tăng 2 trường), 59 trường THCS, 32 trường THPT (tăng 3 trường) và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Ngành GD&ĐT đã nỗ lực rà soát, khắc phục ngay những thiếu sót, đặc biệt các vấn đề gắn sát với ngày tựu trường, khai giảng năm học như sách giáo khoa, bàn ghế... để ngày khai giảng được diễn ra thật nhẹ nhàng, ấm áp, tạo động lực cho công tác dạy học, hoạt động của các đơn vị nhà trường.
Về sách giáo khoa, ông Vĩnh cho biết, nếu phụ huynh học sinh gặp khó khăn khi mua sắm tại các quầy sách thông thường, có thể tìm mua tại các quầy sách của nhà xuất bản giáo dục, quầy sách của công ty sách thiết bị trường học. Một vài trường hợp quá khó khăn sẽ dùng nguồn sách từ thư viện nhà trường.
Trước thông tin năm học 2018- 2019, nhiều địa phương đang tiến hành thí điểm bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vào việc dạy đánh vần cho học sinh Tiểu học, ông Nguyễn Đình Vĩnh khẳng định, ngành giáo dục Đà Nẵng không áp dụng bộ sách gây nhiều tranh cãi này.
"Đà Nẵng hiện áp dụng chương trình phổ thông đại trà của Bộ GD-ĐT, không có trường tiểu học nào thí điểm chương trình Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng cả. Chỉ có vài trường áp dụng chương trình VNEN của Bộ GD-ĐT, tức chương trình tiểu học theo hướng mới, nhưng do không phù hợp với thực tiễn nên cũng đã thu dần việc thí điểm", ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.
Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh thông tin thêm, quan điểm và định hướng của ngành giáo dục TP Đà Nẵng là khi triển khai thí điểm, thử nghiệm mới bất cứ điều gì với học sinh và nhà trường, cũng phải trên cơ sở phù hợp với thực tiễn và có thể chấp nhận được.
Một trường tiểu học tại Đà Nẵng không áp dụng chương trình dạy phát âm gây xôn xao dư luận thời gian qua
Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT Đà Nẵng) cho biết thêm, chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục thiên về phát triển ngữ âm, chủ yếu với học sinh có khó khăn về phát âm hoặc phát âm không chuẩn. Tuy nhiên Đà Nẵng đã thực hiện ổn định chương trình hiện hành của Bộ GD-ĐT, chất lượng của học sinh vẫn tốt nên không thí điểm sách của GS Hồ Ngọc Đại.
Ghi nhận của PLVN tại trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) trong ngày tựu trường 1/9, bộ sách dùng cho học sinh lớp 1 hoàn toàn không có chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Nhiều phục huynh đưa con đi đến lớp đều bày tỏ vui mừng trước thông tin này và cho rằng, "cần phải kiên quyết đấu tranh để những "mô hình lạc chuẩn" không có cơ hội lấy con trẻ ra làm "chuột bạch".
Bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đã được dạy từ năm 1979 ở Trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục - ngôi trường do chính GS sáng lập. Từ đó đến nay, bộ sách cũng đã trải qua những thăng trầm khi ngành giáo dục lúc dừng, lúc lại tiếp tục cho dạy thí điểm ở trường tiểu học.
Năm 2006, sau một số năm gián đoạn dạy trong trường tiểu học, GS. Hồ Ngọc Đại đưa sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục quay trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số". Ông đi Lào Cai vận động chính quyền địa phương đưa sách vào dạy.
Năm 2008, Bộ GD-ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh. Năm 2013, Bộ GD-ĐT đồng ý tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh, thành lựa chọn. Dù vậy, sự tranh luận vẫn không ngừng diễn ra nên năm 2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định thành lập hội đồng quốc gia thẩm định lại.
Theo baophapluat.vn
Tiếng Việt công nghệ giáo dục: tranh cãi vì đâu? Dư luận mấy ngày nay xôn xao về một clip dạy đánh vần 'lạ' thật ra là của chương trình công nghệ giáo dục đã tồn tại mấy mươi năm qua. Tài liệu dạy tiếng Việt lớp 1 của công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) đến nay tròn 40 năm ra đời nhưng chỉ tính riêng 5 năm gần đây, dưới hai thời bộ...