Nhà 500 triệu: Giấc mơ có thật
Theo các cơ quan chức năng, nhà ở xã hội giá 500 triệu “rẻ” nhưng chất lượng không thua nhà thương mại.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một số dự án nhà ở xã hội có giá từ 700 triệu-1 tỷ đồng như hiện nay vẫn quá cao so với khả năng của nhóm người thu nhập thấp tại Hà Nội. Nhằm tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho nhóm đối tượng này, trong phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 24/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Thời gian tới, nhà ở xã hội sẽ thấp hơn giá thành nhà ở thương mại cùng loại.
“Giá nhà ở xã hội mà 1 tỷ đồng thì quá cao, chỉ khoảng 500 triệu ở Hà Nội, với căn 50m2 thôi”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Phải tốt dù giá thấp
Trước thông tin Bộ trưởng Dũng đưa ra về mức giá 500 triệu một căn nhà 50m2 tại Hà Nội, không ít người dân tỏ ra nghi vấn về chất lượng công trình.
Tuy nhiên, gạt bỏ mối lo về chất lượng nhà thu nhập thấp trong dư luận, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định không có chuyện chất lượng nhà thấp vì giá rẻ.
Giấc mơ mua nhà giá rẻ sắp thành hiện thực (ảnh minh họa)
Bằng chứng mà vị Thứ trưởng này đưa ra là cho tới nay, cơ quan quản lý vẫn chưa phát hiện bất cứ vấn đề gì về chất lượng tại một số dự án nhà xã hội trước đó có mức giá tương tự.
“So với các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan… chất lượng nhà thu nhập thấp của ta còn xịn hơn rất nhiều. Hiện tại, nhiều dự án nhà thu nhập thấp còn quá chú trọng vào khâu hoàn thiện dẫn tới đẩy cao giá thành. Sắp tới chúng tôi dự định sẽ xây dựng quy định mức trần chất lượng nhà thu nhập thấp nhằm giảm giá thành”.
Lý giải điều này, ông Nam cho rằng, đối với đối tượng người nghèo, khó khăn về nhà ở, nhu cầu trước mắt là căn nhà, sau đó người ta mới tính tới vấn đề nội thất, trang trí…
Video đang HOT
Cũng chung suy nghĩ này, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) khẳng định: Chất lượng kỹ thuật của căn nhà phải đảm bảo bất di bất dịch theo đúng thiết kế cho dù chi phí là bao nhiêu.
Đồng thời, ông Hùng trấn an: “Việc các doanh nghiệp làm được nhà với chi phí thấp hơn thì do họ có nhiều chính sách, còn chất lượng hoàn toàn không thay đổi”.
Nói về mức giá 500 triệu một căn hộ 50m2 tương đương 10 triệu đồng/m2, Cục trưởng Hùng cho biết, đó là mức giá khá “xông xênh” và việc tạo ra sản phẩm chất lượng là hoàn toàn trong tầm tay. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây mới chỉ là giá thành xây dựng chưa tính tiền đất, tiền chi phí… Vậy nên mức giá đó chỉ đủ xây dựng. “Nếu tính cả tiền đất, chắc chắn phải có cơ chế chính sách, không người ta không làm”, ông Hùng chia sẻ.
Chiếu theo Nghị định mới đây của Chính phủ về quy định chất lượng nhà ở xã hội, Cục phó Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho biết, chất lượng xây dựng nhà ở xã hội phải tương đương với nhà ở thương mại. Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng, trang thiết bị có thể khác nhau và nó không ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng.
Có thể thấp hơn?
Nhìn nhận từ phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai Đặng Hoàng Huy khẳng định : Điều Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói hoàn toàn thực hiện được, thậm chí giá nhà xã hội còn có thể thấp hơn.
Theo một nghiên cứu mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội có đến 94% căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội có giá trên 1 tỷ đồng, trong khi đó theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhà ở xã hội chỉ nên ở mức 300 triệu đồng/1 căn.
Theo Ông Huy, để giảm tải chi phí xây dựng mà không ảnh hưởng đến chất lượng, nếu như trước đây, nhà thu nhập thấp có tầng hầm thì nay, theo quy định của Bộ Xây dựng sẽ không có tầng hầm. Theo đó, mỗi dự án chỉ cần làm tầng trệt để xe, dành một ít làm dịch vụ. “Giải pháp này tiết kiệm được rất nhiều chi phí giá thành”, ông Huy nói.
Ngoài ra, vị Tổng Giám đốc này cho biết, giá thành nhà ở xã hội còn phụ thuộc vào vị trí, khu vực. Nếu vị trí xa, đất rẻ, nhà xã hội thậm chí dưới 10 triệu đồng/m2.
“Nếu ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Biên Hòa (Đồng Nai) thì làm 7 tầng hay 8 tầng vẫn làm được nhà giá rẻ, chỉ khoảng 6 triệu thôi”, ông Huy nói.
Giá nhà xã hội có thể rẻ hơn nếu vị trí đất không quá “đắt đỏ”
Mặc dù, xung quanh các quận ngoại thành Hà Nội, các dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền đất nhưng trách nhiệm của nhà đầu tư không được phép lãng phí đất. Vậy nên, cách tiết giảm chi phí để có thể hiện thực hóa ước mơ có nhà của người thu nhập thấp, các nhà đầu tư phải nâng cao số tầng của tòa nhà (có thể lên 25 tầng).
Ông Huy cho biết, việc nâng tầng khiến chi phí xây dựng cho mỗi mét vuông cao nhưng tính tổng thể lại có lợi cho Nhà nước vì chiều cao tầng rất ảnh hưởng đến giá thành công trình.
Ngoài ra, để tiết giảm chi phí giá thành mà không ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng, các nhà đầu tư cho rằng nên giảm các cấp độ hoàn thiện. Khi đó, các cửa thông phòng, cửa bao che không nhất thiết phải “xịn” quá.
Thời gian gần đây cũng có nhiều tiếng nói lên tiếng về giá nhà xã hội đang ở mức cao không chỉ so với nhà thương mại mà cao so với chính thu nhập của người mua. Chuyên gia kinh tế-TS Vũ Đình Ánh đưa ra mức giá nhà 300 triệu đồng cho nhà xã hội mà ông cho rằng người dân chấp nhận được.
Ông Ánh nói: “Nhà ở xã hội phải có giá cực rẻ chứ không thể là 1 tỷ đồng được. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam khoảng 3 triệu/tháng, giả định gấp 100 lần thì mức giá bán phải là 300 triệu đồng/căn nhà cho người thu nhập thấp (chưa tính diện tích). Khi bán nhà thu nhập thấp với giá 700 triệu đến 1 tỷ là phục vụ cho đối tượng khác chứ không phải người thu nhập thấp”.
Năm 2011 chỉ đạt 1% kế hoạch
Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2011, cả nước có 42 dự án nhà cho người thu nhập thấp được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn khoảng 907.000m2, đáp ứng cho khoảng 73.200 người. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011 mới có hơn 1.700 căn hộ được đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 8.000 người (đạt 1% kế hoạch). Nguyên nhân chính là do giá cao và tiến độ xây dựng chậm đã dẫn đến tình trạng người dân không mặn mà.
Theo 24h
Nhiều bất cập của nhà tái định cư chưa được giải quyết
Những bất cập của nhà tái định cư tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được.
Nhà tái định cư còn nhiều bất cập chưa giải quyết - Ảnh: Đ.D
UBND TP.Hà Nội vừa có kết quả giám sát về thực hiện pháp luật trong quản lý nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Những bất cập trong cơ chế đầu tư các khu tái định cư là một trong những nội dung chính được nêu ra trong báo cáo. UBND thành phố nhắc nhở về việc triển khai chậm các dự án tái định cư. Một số dự án đã được thành phố phê duyệt làm nhà ở tái định cư song lại chuyển đổi mục đích xây dựng, điều chỉnh quy hoạch làm tiến độ bị chậm.
Báo cáo cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có thể nhận thấy sự đối lập rõ ràng về diện mạo kiến trúc, mỹ quan đô thị và chất lượng công trình giữa các khu nhà ở chung cư thương mại và tái định cư.
UBND cũng đưa ra ý kiến về việc phân bổ, bố trí các địa điểm tái định cư chưa phù hợp với nhu cầu bố trí, sắp xếp lại dân cư, có tình trạng điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo hướng chuyển từ mục đích sử dụng khác sang xây nhà ở. Hơn nữa, các thủ tục hành chính trong mua nhà tái định cư quá phức tạp, rườm rà. Thậm chí, có hiện tượng nhu cầu nhà tái định cư "ảo" do giá bán các sản phẩm này thấp hơn so với giá thị trường khiến cho các hộ dân đủ điều kiện có thể nhận đền bù bằng tiền, dù không có nhu cầu vẫn đăng ký mua.
Trong quản lý nhà tái định cư còn có vấn đề khác là phân biệt quỹ nhà tái định cư, nơi thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa. Chủ đầu tư nhà tái định cư thậm chí không sốt sắng với trách nhiệm của mình, như việc hoàn thành thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua nhà, thành lập ban quản trị, minh bạch việc khai thác các diện tích sử dụng chung...
Nhìn nhận những bất cập nói trên, thành phố Hà Nội đánh giá, nguyên nhân khách quan là do một số văn bản của cơ quan nhà nước. Trong đó có Nghị định 88 của Chính phủ về quy trình đề nghị cấp sổ cho nhà tái định cư lòng vòng khiến cho thủ tục bị kéo dài.
Nguyên nhân chủ quan là UBND thành phố chưa quan tâm tới luật nhà ở cũng như các văn bản hướng dẫn về việc bảo trì nhà tái định cư.
Cũng theo kết quả này, có 320 nhà chung cư mới xây dựng từ năm 2001 cao 6 - 48 tầng đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có những tồn tại và hạn chế trong việc quản lý nhà chung cư.
Cụ thể, chủ đầu tư và chính quyền vẫn còn có sự phối hợp yếu, lỏng lẻo. Chẳng hạn, ở nhiều chung cư, các hộ kinh doanh ở tầng 1 thường lấn chiếm vỉa hè và diện tích chung của tòa nhà như lối thoát hiểm, cầu thang bộ, đặt biển quảng cáo không đúng quy định... Việc đầu tư hạ tầng các khu nhà cũng không đồng bộ, nhiều hộ cho thuê căn hộ làm văn phòng, kinh doanh gây khó khăn cho quản lý và đảm bảo an ninh trật tự.
Theo TNO
Nhà thu nhập thấp hứa hẹn chỉ 8 triệu đồng/m2 Giá nhà thu nhập thấp (TNT) có thể giảm 15% so với giá bán hiện nay, tương đương mức còn hơn 8 triệu đồng/m2. Nhà TNT tại Đặng Xá (Gia Lâm) Với chủ trương mới của Chính phủ nhằm hỗ trợ người mua nhà xã hội, như: Giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất mua nhà ở xã hội, giảm thuế thu nhập...